Bitcoin có thể trải qua đợt phân tách thứ 2; Cần hơn 42.200 tỷ để công nghiệp hóa khai thác hải sản xa bờ; EU trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam; Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải vẫn "đói hàng"
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 28-09-2017
- Cập nhật : 28/09/2017
Vốn FDI vào Việt Nam tăng kỷ lục, đạt 25,48 tỉ USD
Vốn cấp mới, vốn tăng thêm trong 9 tháng, và đặc biệt là vốn giải ngân đều tăng trưởng hai con số, cho thấy nhiều tín hiệu tích cực trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 25,48 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn giải ngân FDI cũng bất ngờ tăng mạnh, đạt khoảng 12,5 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Trong số vốn FDI thu hút được, tổng vốn đăng ký mới đạt 14,56 tỉ USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Cụ thể có 1.844 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, vốn đăng ký tăng thêm 6,75 tỉ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, cùng thời gian trên có 3.742 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 4,16 tỉ USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, cả vốn cấp mới, vốn tăng thêm và vốn giải ngân đều tăng trưởng hai con số.
Kết quả này được cho là tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới ngày càng có nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là sự lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt dòng vốn tăng thêm tăng trưởng mạnh đã thể hiện sự quan tâm dài hạn, nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài.
Trong lần gặp gỡ nhà đầu tư Nhật Bản gần đây, ông Đặng Xuân Quang, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết một chỉ số cũng khá quan trọng và được quan tâm là số góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư.
Số vốn này, theo ông Quang, đang tăng mạnh gắn với tiến trình đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam, tạo ra các dư địa lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.
"Việt Nam chủ trương cổ phần hóa hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trong mọi lĩnh vực, Nhà nước chỉ nắm cổ phần một số lĩnh vực then chốt của nền kinh tế liên quan đến dịch vụ công, an ninh quốc gia, quốc phòng… và những gì diễn ra cho thấy, tiến trình này đang nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài", ông Quang phân tích.(Tuoitre)
------------------------------
Sabeco, Habeco có nguy cơ phải về SCIC
Nếu Bộ Công Thương chậm trễ trong việc công bố bản cáo bạch thoái vốn tại Sabeco hoặc Habeco thì nhiều khả năng hai doanh nghiệp này sẽ về SCIC.
Đây là thông tin được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), đưa ra tại họp báo chuyên đề cổ phần hóa ngày 27-9.
Theo ông Tiến, việc bán toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) phải đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1-12-2017.
Trường hợp đến ngày 30-9-2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco thì trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại hai doanh nghiệp này sang Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để đảm bảo việc thoái vốn nhà nước.
“Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn nhà nước số lượng lớn. Đồng thời SCIC cũng đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý nhà nước được Chính phủ giao” - ông Tiến nói.
Theo Bộ Tài chính, qua chín tháng năm 2017, việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm, chưa đạt được tiến độ, kế hoạch đề ra. Một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.
Việc bàn giao các doanh nghiệp đã cổ phần hóa về SCIC còn chậm (đã có 46 doanh nghiệp các bộ, ngành, địa phương đã thống nhất chuyển giao nhưng chưa chuyển giao và 176 doanh nghiệp chưa thống nhất chuyển giao về SCIC).
Các doanh nghiệp đã cổ phần hóa chậm thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán đã hồi phục song vẫn chưa thực sự thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia mua cổ phần doanh nghiệp nhà nước khi thực hiện cổ phần hóa.(PLO)
------------------------
Xuất khẩu than sang Lào 8 tháng đầu năm tăng 16 lần so với cùng kỳ năm 2016
Nhìn chung, trong 8 tháng đầu năm 2017, lượng và kim ngạch xuất khẩu than đá tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu than sang thị trường Lào tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2016.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than đá trong tháng 8 đạt 131.734 tấn, trị giá 15,3 triệu USD giảm 6% về lượng và 13,6% về giá trị so với tháng 7. Tính chung trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu 1,3 triệu tấn than, thu về 180,6 triệu USD, tăng 132,2% về lượng và tăng 215,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhật Bản đứng đầu trong số các thị trường nhập khẩu than từ Việt Nam với 671.647 tấn, trị giá 83,25 triệu USD, tăng 227,69% về lượng và tăng 302,42% về giá trị, chiếm 52% về khối lượng và chiếm 46% trong tổng kim ngạch xuất khẩu than của cả nước.
Malaysia xếp thứ 2 thị trường tiêu thụ nhiều than Việt Nam nhiều nhất với 157.889 tấn, trị giá 36,8 triệu USD, tăng 116,16% về lượng và tăng 302% về giá trị.
Tiếp theo là Thái Lan với lượng xuất khẩu đạt 75.549 tấn, thu về 7,4 triệu USD, tăng 388% về lượng và tăng 378% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
10 thị trường xuất khẩu than của Việt Nam (Số liệu: Tổng cục Hải quan)
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu than sang thị trường Lào tăng mạnh từ mức 3.088 tấn 8 tháng đầu năm 2016 lên ngưỡng 50.455 tấn, tăng 16,3 lần, thu về 4,3 triệu USD.
Theo báo cáo bản tin than của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cho biết trong thời gian qua, thị trường Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu than mặc dù nhu cầu tiêu thụ than cho nhiệt điện tăng cao và lượng than trong các kho lưu trữ giảm dần.
Giá than xuất khẩu 8 tháng đầu năm trung bình đạt 138,5 USD/tấn tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái tăng là 102 USD/tấn.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, đạt giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD trong 8 tháng đầu năm.Về thị trường, Nga vẫn là thị trường Việt Nam nhập nhiều than nhất, với 2,8 triệu tấn, kế đến là Indonesia 1,8 triệu tấn và Trung Quốc 1,4 triệu tấn.(NDH)
---------------------
Có nên đánh thuế đối với tiền lãi tiết kiệm?
Dành dụm được một khoản tiền sau khi đã đóng đầy đủ các loại thuế, bạn đem gửi vào ngân hàng và tiếp tục chịu thuế thu nhập cá nhân thêm một lần nữa đối với khoản tiền lãi nhận được.
Nhiều người gửi số tiền dành dụm của mình vào ngân hàng - Ảnh tư liệu
Bên ủng hộ cho rằng đó là thông lệ quốc tế, được các quốc gia phát triển áp dụng, nhưng họ cũng thận trọng cho rằng chỉ nên đánh thuế người giàu nên không ảnh hưởng đến người nghèo.
Bên phản đối thì cho rằng đó là tận thu, và rằng nếu biết đồng tiền của mình đã đóng thuế nay chồng thêm thuế nữa, rất có thể họ sẽ không gửi ngân hàng mà mang đi mua vàng, USD…
Chỉ đánh vào người giàu, đại gia
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, là người thuộc phe ủng hộ, khi cho rằng cần thu thuế lãi tiền gửi tiết kiệm cho công bằng với lãi cho vay khi cả hai hình thức này đều là đầu tư vốn.
Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng không phải toàn bộ lãi tiền gửi tiết kiệm bị thu thuế từ đồng đầu tiên mà chỉ phần lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 5 triệu đồng/tháng thì mới phải nộp thuế với mức 5%.
Chẳng hạn, bà Cúc tính rằng với mức lãi suất huy động hiện nay là 7% mỗi năm thì mỗi tháng người gửi trên 800 triệu đồng mới phải nộp thuế vì hàng tháng, tiền lãi nhận được 5,6 triệu đồng.
Và chỉ 600.000 đồng mới phải bị tính thuế mức 5%, tương ứng với 30.000 đồng mà thôi nên số thuế phải nộp không đáng kể.
Nếu có 800 triệu đồng gửi tiết kiệm thì chỉ có những người có khối lượng tiền lớn như bán bất động sản. Thay vì đầu tư vào kinh doanh, họ lại giữ khoản tiền này để gửi ngân hàng lấy lãi.
Lập luận của bà Cúc là coi tiền gửi tiết kiệm là đầu tư và đã là đầu tư (vốn chịu thuế 5% khoản tiền lãi) thì phải đánh thuế, nếu không thì đó là điều bất cập.
Những người có thu nhập thấp, hay người làm công ăn lương mà về hưu có tiền dành dụm sẽ không bao giờ có khoản tiền lớn như vậy để gửi tiết kiệm. Do đó, cũng không chịu tác động bởi chính sách này.
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam
Cùng quan điểm, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật BASICO, đồng tình và nhấn mạnh "chỉ đánh thuế lãi tiền gửi với người giàu, đại gia thôi".
Lý do là có những người gửi hàng chục tỉ đồng, thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng từ tiền lãi, nhưng lại không nộp thuế đồng nào cả.
"Tôi đề xuất chỉ đánh thuế đối với khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng vượt 2 lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân. Điều đó có nghĩa là anh có thu nhập lãi tiền gửi trên 216 triệu đồng/ năm thì mới bị đánh thuế thu nhập cá nhân", Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Hãy cẩn trọng, chưa nên đánh thuế lúc này
Những người phản đối lo rằng tiến hành đánh thuế với tiền lãi ngân hàng, nếu không cẩn thận, người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng nữa mà đi tìm các kênh đầu tư khác.
Bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia về thuế và hải quan, cho biết nếu triển khai ở Việt Nam thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì thời điểm đánh thuế chưa phù hợp.
Thực tế, giai đoạn hiện nay, nền kinh tế và cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn và rất cần vốn. Trong khi đó, vốn huy động từ dân cư chiếm vai trò rất quan trọng.
Do đó, đề xuất này cần phải được cân đối nhiều chiều, nhất là thời điểm áp dụng để làm thế nào vẫn khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.(Tuoitre)
-----------------------------