Xuất khẩu rau quả tăng hơn 500 triệu USD
Xuất khẩu gạo đã đạt gần 4,5 triệu tấn
ISO 20022 giúp Việt Nam hội nhập tốt Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Hàng nhập lậu núp bóng hàng xách tay
Giá cao su Tocom lại về đáy 2 tháng rưỡi
Tin kinh tế đọc nhanh 25-10-2015
- Cập nhật : 25/10/2015
Giữ mức khai thác dầu thô trên dưới 15 triệu tấn/năm
Thông tin từ Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương, từ năm 1986 đến nay, ngành dầu khí giữ mức tăng trưởng 20% mỗi năm và nộp ngân sách 87 tỉ USD/năm, chiếm 20 - 25% tổng thu ngân sách nhà nước.
Bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó vụ trưởng Vụ Vận chuyển và chế biến dầu khí (thuộc Tổng cục Năng lượng), cho biết đến năm 2035, dự kiến sẽ cơ bản điều tra xong trữ lượng dầu khí trong thềm lục địa VN.
Trước các ý kiến về việc VN tiếp tục tăng sản lượng khai thác dầu thô trong bối cảnh giá dầu thế giới vẫn trên đà giảm, TS Phan Ngọc Trung, nguyên Viện trưởng Viện Dầu khí VN, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn dầu khí Việt Nam cho biết, VN tiếp tục giữ mức khai thác dầu thô trên dưới 15 triệu tấn mỗi năm. Đây là chiến lược mang tính chất cân đối giữ cung cầu, thu ngân sách…
Dự thảo tăng thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng thép
Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng sắt hoặc thép bán thành phẩm và sắt hoặc thép thành phẩm. Theo đó có gần 30 mặt hàng thép sẽ bị tăng thuế nhập khẩu.
Cụ thể, thép cốt bê tông các loại đang chịu thuế khoảng 15%, sẽ tăng lên thành 20%. Đây là loại trong nước đã sản xuất được và thường được dùng trong xây dựng.
Thép lá mạ kẽm và phủ màu, thép lá mạ hợp kim nhôm-kẽm và phủ màu đang chịu thuế 3% sẽ điều chỉnh tăng lên 5%.
Thép không hợp kim góc, khuôn, hình chữ (U,I,L,H) đang chịu thuế 10%, 12% sẽ tăng lên đồng bộ chịu thuế 15%.
Những mặt hàng đánh thuế nhập khẩu theo dự thảo đều là mặt hàng trong nước đã sản xuất được, lý do tăng thuế lần này được Bộ Tài chính lý giải là nhằm bảo hộ sản xuất thép trong nước.
Nhật sắp mở KCN Thăng Long III tại Vĩnh Phúc
Nguồn tin từ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết chính quyền tỉnh này mới trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long III cho tập đoàn Sumitomo. Theo đó, tập đoàn này sẽ đầu tư xây dựng khu công nghiệp có quy mô hơn 213 héc ta tại khu vực địa giới hành chính xã Thiện Kế và xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để phục vụ các nhà đầu tư Nhật Bản.
Được biết, khu công nghiệp Thăng Long III sẽ ưu tiên các dự án công nghệ cao như sản xuất các loại động cơ; công nghiệp phụ trợ; sản xuất phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy; sản xuất phụ kiện điện tử, các sản phẩm cơ khí chính xác...
Khu công nghiệp Thăng Long III sẽ được hình thành trên phần diện tích đã thu hồi từ khu công nghiệp Bình Xuyên II trước đây.
Dự án được chia ra làm hai giai đoạn. Toàn bộ hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 1 và khu xử lý nước thải dự kiến được hoàn thành trong thời gian 18 tháng kể từ ngày được giao đất. Vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án hơn 1.530 tỉ đồng. Toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ của khu công nghiệp sẽ được hoàn thiện vào tháng 12-2024.
Dự kiến khi hoàn thành, khu công nghiệp sẽ thu hút được 79 dự án đầu tư thứ cấp đến từ Nhật Bản với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,5 tỉ đô la Mỹ và thu hút khoảng 25.000 lao động.
Doanh nghiệp giảm cạnh tranh nếu chậm cải cách thủ tục hành chính về thuế
Doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh không công bằng khi Việt Nam tham gia TPP và kí kết các hiệp định thương mại song phương bởi thời gian giải quyết các thủ tục về thuế ở Việt Nam hết 872 giờ trong khi các nước trên thế giới hết khoảng 100 giờ.
Đó là chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo "Cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán: đánh giá của doanh nghiệp nhỏ và vừa" do VCCI tổ chức.
Theo ông Tuấn, vấn đề cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán là rất quan trọng khi Việt Nam vừa đàm phán thành công hiệp định TPP đồng thời tham gia kí kết nhiều hiệp định thương mại song phương, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh nhiều.
“Chúng tôi nhận thấy Chính phủ cũng phải cạnh tranh về chính sách, sẽ không công bằng khi thời gian giải quyết các thủ tục về thuế ở Việt Nam hết 872 giờ trong khi các nước trên thế giới hết hơn 100 giờ, thủ tục thông quan ở các nước chỉ mất một vài giờ mà ở Việt Nam mất 4-5 ngày, có sự khác biệt về thủ tục hành chính như vậy sẽ giảm cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho hay cải cách thủ tục hành chính về thuế và kế toán sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp và mang lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Hiện nay, thủ tục hành chính đã cải cách nhiều khâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Điều tra của VCCI công bố tháng 8/2015 có 71% doanh nghiệp hài lòng về cải cách thủ tục hành chính
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng về thủ tục kế toán, cải cách còn chậm hơn, còn tương đối cứng nhắc, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, chưa đảm bảo hiệu quả.
“Thay đổi cải cách là một quá trình, chúng ta đã có đường ray sẵn, hy vọng con tàu cải cách của Việt Nam đi nhanh và vững chắc hơn”, ông Tuấn nói.
Vế vấn cải cách thủ tục hành chính về thuế, ông Nguyễn Quang Tiến, Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban, Ban cải cách và hiện đại hóa Tổng cục Thuế cho rằng: Thủ tục thuế ở nước ta còn nặng nề. Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 chùm giải pháp tập trung vào khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, hội kinh doanh.
Trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp: Đơn giản hóa về chính sách thuế; Thực hiện giải pháp giảm thiếu sự khác biệt giữa kế toán và thuế đồng thời giảm gánh nặng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Đơn giản hóa thủ tục về mẫu biểu, tờ khai, thủ tục đăng kí kê khai, nộp thuế…; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện thuế điện tử.
Hiện cơ quan thuế quản lý 530.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê có 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ). Nỗ lực cải cách thủ tục để doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.
Bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng Ban, Ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Thuế khẳng định: “Mục tiêu cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo thuận lợi về thuế của Việt Nam ngang bằng các nước ASEAN 6 vào cuối 2015 và ASEAN 4 vào cuối 2016.
Tái cơ cấu mạnh mẽ Eximbank và Sacombank
Sáng nay ngày 22-10-2015 đại diện Cục Thanh tra, giám sát NHNN TPHCM đã làm việc với hội đồng quản trị và ban điều hành Eximbank để công bố kết luận thanh tra.
Theo nguồn tin đáng tin cậy từ NHNN, một số cổ phần cổ phiếu của Eximbank do một số cổ đông cá nhân đứng tên đã được thu hồi và những cổ đông thật của số cổ phần này đã uỷ quyền vô thời hạn, không huỷ ngang toàn bộ số cổ phần đó cho Ngân hàng Nhà nước. Một số khoản cho vay liên quan đến đầu tư cổ phần cổ phiếu ngân hàng chưa đúng qui định, được thanh tra đề xuất thời hạn một tháng để xử lý kể từ ngày công bố kết luận thanh tra.
Vấn đề chấp hành qui chế cho vay đối với nhóm khách hàng liên quan đến kinh doanh bất động sản cũng được làm rõ. Một số giao dịch chuyển nhượng nhằm tạo ra doanh số ảo, lợi nhuận ảo cũng được hướng dẫn phải xử lý.
Dự kiến Eximbank sẽ tiến hành đại hội cổ đông bất thường bầu lại nhân sự hội đồng quản trị trong tháng tới.
Trong một diễn biến khác, theo NHNN, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) sau khi nhận bàn giao Ngân hàng TMCP Phương Nam và thành trở ngân hàng hợp nhất, sẽ tổ chức đại hội cổ đông ra mắt hội đồng quản trị mới trong tháng 11-2015. Do Sacombank là ngân hàng niêm yết, theo qui định của pháp luật, đại hội cổ đông của ngân hàng hợp nhất được tiến hành tối thiểu sau 30 ngày kể từ ngày nhận sáp nhập ngân hàng khác. Sacombank nhận bàn giao ngân hàng Phương Nam ngày 1-10-2015, nên đại hội cổ đông chỉ có thể diễn ra sớm nhất trong tháng 11-2015.
Đại diện NHNN cho biết hiện nay nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Trầm Bê đã thực hiện việc uỷ quyền vô thời hạn, không huỷ ngang toàn bộ số cổ phần của họ ở ngân hàng Phương Nam, ngân hàng Sacombank và ngân hàng hợp nhất cho NHNN.
Thông qua số cổ phần đã uỷ quyền này, NHNN hiện đang có trong tay hơn 51% cổ phần của Sacombank sau hợp nhất và NHNN là cổ đông lớn nhất, nắm quyền chi phối tại đây. Dự kiến đại diện của Nhà nước tham gia vào hội đồng quản trị Sacombank sau hợp nhất sẽ chính thức có mặt trong đại hội cổ đông sắp tới.
Ông Trầm Bê sẽ rời khỏi hội đồng quản trị của Sacombank từ sau đại hội. Ông cùng nhóm nhà đầu tư liên quan vẫn có trách nhiệm phải bổ sung tài sản, nếu cần, để xử lý các nghĩa vụ nợ trong quá trình tái cơ cấu Sacombank như NHNN đã thông báo công khai mấy tháng trước đây.