Thế giới di động mua lại bao nhiều cổ phần của Trần Anh?; Nhà Trắng ngăn chặn Nga kiểm soát công ty dầu mỏ tại Mỹ; Đấu thầu 9 chung cư cũ chọn nhà đầu tư; Việt Nam sẽ có Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân trước 2025
Tin kinh tế đọc nhanh tối 02-09-2017
- Cập nhật : 02/09/2017
Tổng giá trị bất động sản bị ảnh hưởng bởi bão Harvey: Ít nhất 23 tỷ USD
Thiệt hại từ bão Harvey có thể sẽ vượt mức 160 tỷ USD do cơn bão Katrina gây ra hồi năm 2005 tại vùng vịnh Mexico.
Theo số liệu phân tích của Reuters vừa công bố, cơn bão Harvey tại Mỹ đã gây thiệt hại cho hàng loạt bất động sản tại bang Texas của Mỹ, với tổng giá trị của các bất động sản bị ảnh hưởng là ít nhất 23 tỷ USD.
Con số 23 tỷ USD là giá trị thị trường của các bất động sản bị ảnh hưởng, chứ không phải thiệt hại do cơn bão gây ra. Con số này được Reuters tính toán dựa trên các dữ liệu bất động sản cũng như ảnh chụp vệ tinh, và mới chỉ đo lường các bất động sản ở một số khu vực tại 2 hạt Harris và Galveston của bang Texas. Nếu tính tất cả các vùng của Texas bị bão Harvey tấn công (trong đó có trung tâm thành phố Houston), thì chắc chắc con số trên sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Nhà khoa học Adam Smith của chính phủ liên bang, vốn chuyên tính toán về thiệt hại do thiên tai gây ra, cho rằng thiệt hại từ Harvey có thể sẽ vượt mức 160 tỷ USD do cơn bão Katrina gây ra hồi năm 2005 tại vùng vịnh Mexico. Con số của chính phủ liên bang sẽ bao gồm cả thiệt hại do hoạt động kinh doanh bị gián đoạn, tài sản cá nhân bị hư hao, chi phí sửa chữa cơ sở hạ tầng, cũng như chi phí cứu trợ người dân.
Như vậy, bão Harvey chắc chắn sẽ là một trong những cơn bão gây nhiều thiệt hại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hiện tại, cơn bão đang tiếp tục di chuyển từ bang Texas sang bang Louisiana láng giềng.
Ngoài Katrina, những cơn bão lớn gần đây ở Mỹ đều gây ra thiệt hại hàng tỷ USD. Thiệt hại từ bão Sandy ở bờ Đông hồi năm 2012 là 70 tỷ USD, và từ bão Ike ở Texas hồi năm 2008 là 34 tỷ USD.(NCĐT)
---------------------
ACV phản ứng Geleximco và đối tác Trung Quốc xây sân bay Long Thành
Trước thông tin Geleximco và đối tác Trung Quốc muốn xây sân bay Long Thành, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) phản đối Geleximco làm toàn bộ dự án vì tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Phương án có ý tưởng từ hình ảnh hoa sen cách điệu được tổ tư vấn kiến nghị chọn làm phương án thiết kế kiến trúc sân bay Long Thành - Ảnh: ACV
ACV cũng công bố phương án lập công ty liên doanh, cổ phần để đầu tư xây dựng sân bay Long Thành và sẽ kiểm soát để tránh nhà đầu tư kém năng lực, có thể khiến chậm tiến độ dự án.
Chỉ nên đầu tư một số hạng mục
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc ACV, cho biết việc Geleximco kết hợp với nhà đầu tư Trung Quốc nên phải xem họ đầu tư toàn bộ hay là tham gia một số hạng mục. Nếu Geleximco kiến nghị Chính phủ tham gia đầu tư toàn bộ sân bay Long Thành, ACV phản đối.
Theo ông Đỗ Tất Bình, sân bay Long Thành ngoài phục vụ kinh doanh còn là sân bay trọng điểm, liên quan an ninh quốc gia.
Nếu Geleximco và đối tác Trung Quốc là KAIDI Dưong Quang tham gia một số hạng mục, với vai trò chủ trì của ACV, theo ông Bình, ACV sẽ tạo điều kiện nhưng "phải ràng buộc chặt chẽ, ACV chịu trách nhiệm hoàn toàn về công nghệ, tiến độ thi công, chất lượng...".
Trước nhiều ý kiến lo ngại về việc nhà đầu tư Geleximco của ông Vũ Văn Tiền chưa có kinh nghiệm, ông Bình công nhận không phải nhà đầu tư nào cũng có kinh nghiệm về đầu tư lĩnh vực hàng không, quan trọng là phải xác minh được nguồn vốn thật sự và tính khả thi khi đầu tư.
Chưa có danh mục kêu gọi đầu tư
Ông Bình cho biết Chính phủ đã giao cho ACV lập dự án báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng sân bay Long Thành.
Sau khi chọn tư vấn, lập xong báo cáo khả thi, ACV sẽ báo cáo các phương án về hình thức đầu tư cũng như cơ chế, nguồn vốn hay danh mục kêu gọi đầu tư.
ACV cũng sẽ đưa ra kế hoạch, trong đó chia thành nhóm các công trình: nhóm hạng mục công trình bằng ngân sách nhà nước, nhóm từ vốn ACV, nhóm vay ODA, nhóm đầu tư PPP.
Trong nhóm đầu tư PPP, ACV đề xuất được chủ trì thành lập các công ty liên doanh, cổ phần để đầu tư xây dựng. Các nhà đầu tư PPP có thể là đầu tư trong nước hoặc nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Bình trấn an cũng sẽ có bộ tiêu chí để lựa chọn, gồm cả kinh nghiệm, tiềm lực về tài chính, kinh nghiệm đầu tư sân bay... Dù nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ hay Trung Quốc... cũng sẽ dựa trên bộ tiêu chí đó.
"Hiện nay chưa thể đánh giá được vì Geleximco chỉ đưa ra ý tưởng, chưa rõ nguồn vốn đầu tư bao nhiêu và điều kiện cụ thể như thế nào. Nếu họ được Chính phủ cho phép tham gia đầu tư thì ACV phải kiểm soát", ông Bình nói.(Tuoitre)
--------------------------------
Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt hơn 760.000 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 8 tháng qua đạt 762.800 tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Thu ngân sách nhà nước bằng máy chấp nhận thẻ (POS) tại Kho bạc Nhà nước quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Thu nội địa tháng 8 ước đạt 59.760 tỷ đồng, giảm khoảng 30.900 tỷ đồng so với tháng 7, do các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý 2/2017 như thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đã thực hiện kê khai, thu nộp trong tháng 7 theo chế độ quy định.
Như vậy, luỹ kế thu nội địa 8 tháng ước đạt 603.600 tỷ đồng, bằng 61% dự toán, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2016. Một số khoản thu tiến độ đạt khá so với dự toán và cùng kỳ năm trước là thuế thu nhập cá nhân đạt 68,6% dự toán, tăng 20,9%; thu phí và lệ phí đạt 73,5% dự toán, tăng 52,6%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 83,7% dự toán, tăng 11,9%. Riêng các khoản thu về nhà, đất đã vượt dự toán (đạt 108,6%) và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016.
Bộ Tài chính nhận định, tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 43/63 địa phương thu nội địa đạt từ 63% dự toán trở lên; trong đó, không kể thu tiền sử dụng đất và thu xổ số kiến thiết thì có 18 địa phương đạt trên 70% dự toán; 55/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016.
Số thu từ dầu thô sau 8 tháng ước đạt 29.970 tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng dầu thanh toán 8 tháng ước đạt 8,96 triệu tấn, bằng 73% kế hoạch, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2016; giá dầu thanh toán bình quân 8 tháng đạt khoảng 53,2 USD/thùng, cao hơn 3,2 USD/thùng so với giá tính dự toán.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng ước đạt 190.780 tỷ đồng, bằng 66,9% dự toán, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ, khoản thu đạt 70,9% dự toán.
Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi ngân sách nhà nước 8 tháng đạt 793.560 tỷ đồng, bằng 57,1% dự toán.
Giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tháng 8 tiếp tục có chuyển biến, các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Từ đầu năm đến nay, vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước giải ngân ước đạt 43,8% dự toán. Vốn trái phiếu Chính phủ, do kế hoạch năm 2017 mới giao được 5.200/50.000 tỷ đồng, bằng 10,4% dự toán Quốc hội quyết định, vốn giải ngân đến nay chỉ đạt 2.460 tỷ đồng, bằng 4,9% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 47,3% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Bộ Tài chính cho biết, nhìn chung nhiệm vụ chi ngân sách cơ bản được đảm bảo theo dự toán và tiến độ triển khai nhiệm vụ của các đơn vị sử dụng ngân sách. Nguồn dự phòng ngân sách nhà nước được điều hành, sử dụng chặt chẽ, đáp ứng các nhu cầu chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, hạn hán, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.
Bội chi ngân sách Trung ương 8 tháng ước đạt 97.200 tỷ đồng, bằng khoảng 56,4% dự toán.(TTXVN)
-------------------------------
Ngân hàng Nhà nước bị kết luận có nhiều vi phạm
Chất lượng các cuộc thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước bị Thanh tra Chính phủ kết luận là "chưa cao, bị động và có nhiều vi phạm".
Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra việc thực hiện công tác thanh tra giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, Thanh tra Chính phủ đánh giá chất lượng công tác giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước chưa cao, chưa phát hiện các nguy cơ tiềm ẩn với tổ chức tín dụng, chưa phát huy được vai trò cảnh báo hệ thống.
"Hệ thống tín dụng có nhiều tiềm ẩn rủi ro nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa có giải pháp thanh tra đồng bộ và kịp thời; không rà soát và phối kết hợp với kết quả giám sát từ xa để xây dựng kế hoạch dẫn đến các năm luôn phải điều chỉnh kế hoạch một cách bị động", báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu.
Ngoài ra, cơ quan này cũng nêu một số khuyết điểm từ năm 2010 đến cuối tháng 6/2015 của Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước, Hà Nội và TP HCM. Cụ thể, một số cuộc thanh tra vượt quyết định, không thực hiện hết nội dung được phê duyệt trong kế hoạch.
Một số kết luận thanh tra việc kiến nghị, xử lý đối với các vi phạm chưa nghiêm theo các quy định của pháp luật; không xử phạt vi phạm hành chính đối với các đối tượng có vi phạm.
Ngân hàng Nhà nước cũng bị đánh giá chưa kịp thời có biện pháp xử lý, chấn chỉnh hữu hiệu đối với một số tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả. Các tổ chức tín dụng có nhiều vi phạm nhưng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa kịp thời phát hiện để xử lý, ngăn chặn.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước còn chậm ban hành quyết định đặt các tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Về công tác phòng chống tham nhũng, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho rằng các văn bản hướng dẫn về kê khai và công khai tài sản, thu nhập của Ngân hàng Nhà nước không tuân thủ các quy định tại Nghị định 78/2013 của Chính phủ và thông tư của Thanh tra Chính phủ. Điều này dẫn tới việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập của Ngân hàng Nhà nước hàng năm chưa đúng về nguyên tắc, trình tự, thủ tục, chậm thời gian.
Với các kết luận trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước rà soát các quy định, hướng dẫn trong công tác thanh tra, giám sát và phòng chống tham nhũng để điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, Thống đốc cần chỉ đạo các đơn vị kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, các cá nhân có vi phạm được nêu trong kết luận thanh tra.
Ngoài ra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng phải sớm chỉ đạo ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố giám sát, đôn đốc chặt chẽ việc thực hiện kiến nghị sau thanh tra. Nếu thấy dấu hiệu tội phạm cần chuyển cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật.(VTC)