Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2017 có thể đạt 200 tỷ USD; Áp lực cạnh tranh từ thị trường “sát vách”; Mỹ phẩm thương hiệu Việt gia nhập thị trường; Nikkei: Lương lãnh đạo DN Việt Nam thuộc "hàng khủng" trong khu vực châu Á
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 02-09-2017
- Cập nhật : 02/09/2017
Hãng Pisen của Trung Quốc kiện Apple để đòi bồi thường 1 NDT
Apple đã không chứng nhận cho sản phẩm cáp dữ liệu của Pisen mà không đưa ra lý do và yêu cầu các web bán hàng từ chối sản phẩm của Pisen.Nguồn ảnh: BI/Flickr
Một nhà sản xuất linh kiện điện tử ở Thâm Quyến là Pisen đã đệ đơn kiện Apple với lý do "cạnh tranh không lành mạnh" trong thị trường cáp dữ liệu, và đòi bồi thường 1 NDT (3.400 đồng Việt Nam).
Hãng Pisen nổi tiếng chuyên sản xuất các phụ kiện công nghệ cao như cáp dữ liệu, phích cắm điện, và pin sạc dự phòng. Trên tài khoản Weibo chính thức của hãng, Pisen tuyên bố rằng Toà án sở hữu trí tuệ Bắc Kinh đã chấp nhận vụ kiện.
Theo Pisen, chương trình chứng nhận bắt buộc MFi ("made for iPod/iPhone/iPad") của Apple dành cho các thiết bị phụ kiện được sản xuất bên thứ ba là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh. Pisen cho rằng MFi không làm cho các sản phẩm phụ kiện an toàn hơn, nhưng lại đòi hỏi các bên thứ ba phải trả phí cao cho Apple.
Trong văn bản đệ trình lên tòa án, Pisen nói rằng Apple đã nhiều lần gửi khiếu nại đến các dịch vụ thương mại điện tử ở Trung Quốc rằng Pisen đã vi phạm các bằng sáng chế thiết kế của Apple, dẫn đến việc loại bỏ các sản phẩm Pisen khỏi những dịch vụ này.
Cũng theo Pisen, Apple đã "nhiều lần" từ chối cho Pisen đăng ký chứng nhận MFi mà không cho biết lý do, và Pisen cho rằng Apple đang sử dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường để bóp nghẹt sự cạnh tranh công bằng.
Chủ tịch hội đồng quản trị Pisen là ông Zhao Guocheng nói: "Apple là một trong những công ty vĩ đại nhất thế giới, nhưng các công ty vĩ đại không nên làm những điều có hại cho lợi ích của người tiêu dùng.”
Theo ông Zhao Ziming, một nhà phân tích ở Bắc Kinh, Apple không phải là công ty duy nhất áp dụng các chương trình chứng nhận cho các nhà sản xuất thứ ba hoặc các thương hiệu được ủy quyền: "Các nhà sản xuất phụ kiện cỡ trung và nhỏ tại Trung Quốc không tham gia vào chương trình MFi vì chi phí xin chứng nhận là rất cao, nhưng hiếm khi có trường hợp một công ty lớn như Pisen liên tục xin chứng nhận nhưng lại bị từ chối".
Pisen hiện là nhà sản xuất cáp dữ liệu lớn thứ hai ở Trung Quốc. Đây là một thương hiệu phổ thông ở đại lục vì giá thành thấp, so với các sản phẩm được chứng nhận và bán thông qua các kênh chính thức của Apple.
Trên trang thương mại điện tử Tmall, một dây cáp dữ liệu Pisen cho các sản phẩm của Apple có giá 24 NDT (3,60 USD), bao gồm cả phí giao nhận. Doanh số của sản phẩm này đạt hơn 60.000 đơn vị chỉ trong tháng 8. Pisen cho biết họ sẽ hoàn lại tiền với bất kỳ lý do nào trong vòng 30 ngày kể từ ngày mua, và sẵn sàng thay thế miễn phí trong vòng một năm nếu có vấn đề chất lượng sản phẩm.
Trong khi đó, hầu hết các loại cáp dữ liệu của Trung Quốc mà có chứng nhận MFi của Apple thì đều có giá từ 40 NDT trở lên.
Trên cửa hàng trực tuyến chính thức của Apple, một cáp dữ liệu cho iPhone có giá từ 149 NDT, trong khi cáp dữ liệu hiệu Belkin (được chứng nhận MFi) là 228 NDT.
Apple cho biết họ chưa đưa phản ứng gì về vụ kiện của Pisen.(NCĐT)
------------------------------
Luật sư Trung Quốc bị bắt vì ăn cắp bí mật thương mại
Mỹ đã bắt giữ một công dân mang hộ chiếu Trung Quốc và kết tội đánh cắp bí mật thương mại thuộc tập đoàn Medrobotics tại bang Massachusetts qua việc đột nhập trụ sở công ty này.
Theo hãng tin Reuters, cáo trạng của tòa án liên bang thành phố Boston nêu rõ Lưu Đông (Liu Dong), 44 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ tại thành phố Raynham, bang Massachusetts, hôm 27-8.
Giám đốc điều hành của Medrobotics (chuyên chế tạo các sản phẩm robot phẫu thuật), ông Samuel Straface phát hiện vị luật sư về sáng chế này, làm việc cho một công ty luật có trụ sở tại Bắc Kinh, trong một phòng họp của công ty cùng với 3 máy tính xách tay được bật sẵn.
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Liu khai rằng ông có mặt tại đó để gặp các quan chức của công ty, trong đó có ông Straface, mặc dù trên thực tế không hề có cuộc gặp nào được lên kế hoạch.
Thông tin tại tòa cho biết luật sư họ Lưu không giải thích được lý do vì sao có thể vào được tòa nhà luôn được bảo vệ 24/24 và phải có thẻ nhận diện để vào.
Luật sư Lưu khai từ Montreal sang Mỹ và có hộ chiếu Trung Quốc.
Ngày 30-8, Lưu đã phải ra hầu tòa với cáo buộc đánh cắp bí mật thương mại và cố tình thâm nhập máy tính trái phép.
Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng quan ngại về tình trạng bí mật thương mại bị đánh cắp, đặc biệt từ phía Trung Quốc dù rằng Bắc Kinh luôn chối bỏ và khẳng định mình cũng là nạn nhân của vấn nạn toàn cầu này.
Hôm 14-8, tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh ủy quyền tiến hành điều tra cáo buộc về những vi phạm bản quyền trí tuệ Mỹ của Trung Quốc.
Theo sắc lệnh đó, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer được chỉ đạo xác định liệu các chính sách thương mại của Trung Quốc có ép buộc các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho nước này để được làm ăn tại đấy hay không.
Trung Quốc đã lập tức bày tỏ quan ngại về sắc lệnh hành pháp nêu trên của Tổng thống Trump, đồng thời cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả phù hợp nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.(Tuoitre)
------------------------------
Vì sao 'vua IPO' của Trung Quốc bị điều tra?
Trung Quốc đang điều tra ông Diêu Cương, cựu phó chủ tịch ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc (CSRC) vì nghi vấn nhận hối lộ.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 31.8 thông báo đang điều tra ông Diêu Cương (55 tuổi) vì nghi tham nhũng, theo tờ China Daily.
Úy ban kiểm tra kỷ luật trung ương, Đảng Cộng sản Trung Quốc, hồi tháng 7 cho biết ông Diêu bị khai trừ đảng và cách chức vì nhiều vi phạm, bao gồm lạm dụng quyền lực hưởng lợi, nhận hối lộ cực lớn và "hủy hoại trật tự thị trường vốn".
Theo China Daily, nhà chức trách đã áp dụng các biện pháp cưỡng ép đối với ông Diêu, có thể gồm triệu tập lấy lời khai, giám sát tại nhà hoặc bắt giam.
Ông Diêu là tổng quản lý ngân hàng Guotai Junan Securities vào năm 1999 sau đó vào làm trong CSRC từ năm 2002. Tại đây, ông được coi là "vua IPO", giám sát hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu tại Trung Quốc đại lục trong 13 năm. Ông là một trong những quan chức cấp cao nhất bị bắt trong vụ điều tra nghi án lũng đoạn thị trường chứng khoán cuối năm 2015.(Thanhnien)
---------------------------
Mỹ rục rịch xây dựng mẫu bức tường biên giới với Mexico
Ngày 31/8, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) của Mỹ đã giao cho các công ty xây dựng mẫu bức tường ngăn cách biên giới với Mexico mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất, dù "cuộc chiến" ngân sách tại Quốc hội có thể khiến dự án này không được tài trợ trong năm tới.
Một đại diện của CBP cho biết 4 công ty được trao hợp đồng dựng các mẫu tường bằng bê-tông cao tới 9 mét, trong đó phải đáp ứng tiêu chí không thể leo được, nhằm ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ. Chính phủ cũng dự định giao các hợp đồng cho việc xây dựng các mẫu tường không phải bằng bê-tông. Các bản mẫu này sau đó sẽ được đánh giá không chỉ về cấu trúc vật lý mà toàn bộ công cụ giúp bảo vệ biên giới.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Trump cam kết xây dựng một bức tường để ngăn người nhập cư trái phép. Trong ngân sách cho năm 2018, chính phủ đã đề xuất dành 1,8 tỷ USD để bắt đầu thực hiện dự án trị giá 20 tỷ USD này. Theo kế hoạch, bức tường sẽ trải dọc khu vực biên giới dài 3.200 km giữa Mỹ với Mexico.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ chia rẽ sâu sắc về ngân sách này và nhiều khả năng sẽ không thể thu hẹp bất đồng để thông qua ngân sách cho chính phủ trước khi bắt đầu tài khóa mới vào ngày 1/10 tới. Tổng thống Trump cảnh báo sẽ chọn đóng cửa Chính phủ nếu Quốc hội không chi tiền xây bức tường này.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng từng viết Twitter khẳng định việc xây dựng bức tường ngăn cách với Mexico, quốc gia có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới, là việc phải làm. Mexico sẽ phải thanh toán một phần chi phí xây dựng hàng rào này bằng hình thức bồi thường hoặc bất kỳ biện pháp nào khác.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mexico tái khẳng định chính phủ và người dân nước này sẽ không thanh toán chi phí cho bức tường hoặc hàng rào xây trên lãnh thổ của Mỹ dọc biên giới với Mexico dưới bất kỳ hình thức nào và trong bất kỳ trường hợp nào.(Baotintuc)