Malaysia tịch thu 10 triệu tấn bô xít tính bán cho Trung Quốc; Hà Tĩnh: Rút giấy phép khai thác khoáng sản dự án 160 tỉ, 9 năm không hoạt động; Trung Quốc ngưng nhập khẩu khoáng sản, hải sản Triều Tiên; Quần áo mà bạn đang mặc có thể là do Triều Tiên sản xuất?
Tin kinh tế đọc nhanh 22-06-2017
- Cập nhật : 22/06/2017
Giá thuê vỉa hè Sài Gòn sẽ được tính theo tuyến đường
Đề án cho thuê vỉa hè TP HCM dựa trên giá đất từng quận huyện (cao nhất 100.000 đồng) được cho là không phù hợp.
Liên quan việc thu phí tạm thời lòng đường vỉa hè, sáng 20/6 Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, lãnh đạo thành phố yêu cầu có đánh giá tổng thể hơn đề án cũ, để trình HĐND thành phố vào cuối năm.
"Sở sẽ nghiên cứu đề án theo hướng tính phí cho thuê trên từng tuyến đường cụ thể, chứ không dựa trên giá đất quận huyện như trong tờ trình trước", ông Cường nói.
Sở Giao thông Vận tải cũng đang phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND thành phố sửa Nghị định 74 để có thể quản lý lòng đường, vỉa hè phù hợp với thực tế hiện nay nhất.
"Trật tự lòng đường, vỉa hè được chấn chỉnh sẽ giảm tai nạn, ùn tắc giao thông; tăng sản lượng vận tải hành khách công cộng và phục vụ người đi bộ tốt hơn", ông Cường nói.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đề xuất mức phí mới trong việc sử dụng tạm thời vỉa hè để làm bãi giữ xe, kinh doanh, chợ đêm... Mức phí dựa trên giá đất của từng khu vực.
Trong đó, cao nhất thuộc quận 1 - 100.000 đồng cho một m2, mỗi tháng. Tiếp đến là quận 3; 5; 10; Phú Nhuận; 11, Bình Thạnh; 6 - với mức giá lần lượt là 80.000 đồng; 50.000; 45.000; 40.000; 35.000; 30.000; 25.000.
Giá thuê thấp nhất (20.000 đồng/m2) được áp dụng tại các quận 7, 8, 9, 12, Gò Vấp, Bình Tân và các quận huyện vùng ven...
Động thái này được đưa ra do Sở Giao thông cho rằng, phí sử dụng hè phố theo quyết định trước đây (12.000 đồng/m2 mỗi tháng) là quá thấp, không còn phù hợp.
Đơn vị này đánh giá việc thu phí sử dụng lòng đường, hè phố nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời tăng cường quản lý trật tự đô thị, tạo bộ mặt đường phố ngăn nắp hơn và đem lại nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Sở kiến nghị chính quyền thành phố xem xét trình HĐND đề án để sớm ban hành thực hiện ngay trong năm nay.(Vnexpress)
---------------------------------
Bầu Đức sắp thu hơn 1.000 tỷ đồng từ dự án Myanmar
Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ tại Myanmar dự kiến đóng góp 18% vào cơ cấu doanh thu của HAG trong năm nay.
Thông tin này vừa được Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã CK: HAG) công bố trong tài liệu trình đại hội đồng cổ đông thường niên sắp diễn ra vào cuối tháng 6.Năm nay, công ty đặt kế hoạch duy trì tình trạng lấp đầy diện tích cho thuê sàn trung tâm thương mại của giai đoạn một, đồng thời nâng diện tích cho thuê văn phòng lên 80% và công suất phòng khách sạn lên 70%. Nếu hoàn thành kế hoạch này, ước tính mảng bất động sản tại Myanmar sẽ ghi nhận 607 tỷ đồng lợi nhuận gộp, chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong cơ cấu lợi nhuận gộp phân theo ngành, sau mảng cây ăn trái.
Ban lãnh đạo công ty cho biết, phần móng của giai đoạn 2 mới bắt đầu triển khai và sẽ ưu tiên xây dựng trước khu trung tâm thương mại vì nhu cầu tại Yangon rất lớn. Giai đoạn mới (gồm 5 block căn hộ 28 tầng và khu văn phòng cho thuê với tổng diện tích 126.000m2) sẽ được triển khai một cách linh hoạt, phù hợp với nguồn tiền thu từ giai đoạn đầu và khả năng huy động vốn tài trợ. Các phương án huy động vốn có thể là tín dụng tài trợ dự án hoặc vốn góp mua cổ phần từ các đối tác chiến lược.
Nhờ lợi thế là doanh nghiệp tiên phong đầu tư vào thị trường Myanmar nên Hoàng Anh Gia Lai được cấp đất với giá rẻ để thực hiện dự án, khoảng 740 USD mỗi mét vuông trong thời gian 70 năm. Tính đến nay, giá trị đầu tư ghi nhận cho việc xây dựng các dự án bất động sản tại Myanmar là 4.918 tỷ đồng. Công ty cũng đã chuyển nhượng hết các dự án bất động sản tại trong nước để tập trung nguồn lực đầu tư vào dự án này.
Theo số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất 2016, đây là năm đầu tiên công ty ghi nhận doanh thu xấp xỉ 528 tỷ đồng từ mảng bất động sản tại Myanmar.
Tại thời điểm bàn giao mặt bằng và đưa vào sử dụng giai đoạn một của dự án, bình quân giá thuê mỗi mét vuông sàn trung tâm thương mại là 45-50 USD một tháng, còn giá thuê văn phòng khoảng 62 USD. Tính đến cuối năm, giá trị khoản tiền thuê tối thiểu theo hợp đồng thuê hoạt động là 5.950 tỷ đồng, tăng đột biến so với thời điểm đầu năm. Trong đó, chủ yếu là hợp đồng thuê trung hạn từ một năm đến 5 năm.
Cũng theo tài liệu vừa công bố, dự kiến doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế năm nay lần lượt đạt 6.335 tỷ và 552 tỷ đồng, tiếp tục không chia cổ tức. Ngoài bất động sản thì nguồn thu này chủ yếu đến từ việc tiêu thụ 40.000 con bò thịt, khai thác 11.000 ha cao su và thu hoạch cây ăn trái gồm chanh dây, chuối, thanh long…
Về kế hoạch đầu tư, công ty cho biết đang tiến hành chuyển nhượng dự án thủy điện Nậm Kông 2 và tiếp tục tìm kiếm đối tác để thanh lý các dự án thủy điện Nậm Kông 3, đồng thời trồng thêm một số loại cây ăn trái khác trên diện tích dôi dư nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài.(Vnexpress)
------------------------------
Phó tổng Seaprodex Sài Gòn vừa miễn nhiệm bán tháo 79 tỷ đồng cổ phiếu
Phó tổng giám đốc Seaprodex Sài Gòn bán thành công 4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 10%, không lâu sau khi xin từ nhiệm.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Sài Gòn, mã CK: SSN) vừa thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu của ông Nguyễn Nhân Kiệt - nguyên phó tổng giám đốc công ty, đồng thời là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 46% cổ phần.
Trước đó, ông Kiệt đăng ký bán 6,2 triệu cổ phiếu bằng phương thức giao dịch thoả thuận và khớp lệnh, nhằm sử dụng cho nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian giao dịch bắt đầu từ ngày 18/5, tức chỉ vài ngày trước thời điểm ông Kiệt đệ đơn từ nhiệm vị trí quản lý.
Tính đến ngày kết thúc giao dịch, 4 triệu cổ phiếu được sang tay thông qua hai lần khớp lệnh vào các ngày đầu tiên và cuối cùng của đợt giao dịch. Giá bán bình quân lần lượt là 19.892 đồng và 19.107 đồng một cổ phiếu, thấp nhất trong vòng một tháng trở lại đây. Đợt thoái vốn này ước tính mang về cho nguyên phó tổng giám đốc Seaprodex Sài Gòn gần 79 tỷ đồng.
Sau giao dịch, ông Kiệt vẫn nắm giữ 14,2 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 35,9%.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn tiền thân là doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, từng góp mặt trong nhóm doanh nghiệp thủy sản lớn nhất cả nước với doanh thu bình quân 830 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn ngành thủy sản rơi vào thoái trào từ cuối năm 2011, hoạt động kinh doanh của công ty cũng bị ảnh hưởng không nhỏ khi doanh thu giảm mạnh, còn lỗ sau thuế, nợ phải thu khó đòi và nợ vay tài chính liên tục tăng.
Sau khi Nhà nước thoái toàn bộ vốn, công ty bắt đầu tự chủ tài chính và cơ cấu lại hoạt động theo hướng tập trung đầu tư vào bất động sản nhằm khai thác quỹ đất, kho bãi sẵn có. Từ một doanh nghiệp nổi tiếng về xuất nhập khẩu thủy sản, Seaprodex Sài Gòn tự tin tuyên bố sẽ trở thành doanh nghiệp bất động sản có tốc độ tăng trưởng vào nhóm dẫn đầu của TP HCM.
Năm nay, công ty dự kiến phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược và 150.000 trái phiếu riêng lẻ, ước tính sẽ huy động khoảng 300 tỷ đồng nguồn vốn để mở rộng quỹ đất nhằm phát triển các dự án bất động sản ở khu vực trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, tiếp tục ký hợp đồng đầu tư và phát triển dự án chung cư kết hợp trung tâm thương mại Centa Park trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình), có tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.200 tỷ đồng. (Vnexpress)
---------------------------
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết xử lý nợ xấu
86,35% đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Nghị quyết được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.
Sáng 21/6, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng với 86,35% đại biểu tán thành.
Theo đó, Nghị quyết này quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD (sau đây gọi là tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu).
Nghị quyết cũng quy định, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu.
Về nguyên tắc xử lý nợ xấu, Nghị quyết quy định phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống, không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Đối với khái niệm nợ xấu, Nghị quyết xác định rõ: Nợ xấu quy định tại Nghị quyết này là khoản nợ hình thành trước ngày 15/8/2017 gồm: Được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trước ngày 15/8/2017; được xác định là nợ xấu theo quy định tại Phụ lục Về xác định nợ xấu ban hành kèm theo Nghị quyết này trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực.
Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi Phụ lục theo đề nghị của Chính phủ và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu chịu trách nhiệm xác nhận bằng văn bản khoản nợ là nợ xấu khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết này.
Đối với việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu, Nghị quyết ghi rõ, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của TCTD, trừ TCTD liên doanh và TCTD 100% vốn nước ngoài; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thỏa thuận với TCTD với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập; xử lý, bán, thu hồi nợ theo quy định của pháp luật và phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua và các chi phí xử lý.
Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu phải thống nhất với TCTD lựa chọn tổ chức định giá độc lập.
Về áp dụng pháp luật, Nghị quyết quy định: Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này không có quy định thì áp dụng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì quy định của Nghị quyết được áp dụng.
Ngân hàng chính sách được áp dụng các quy định tại Nghị quyết này để xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của ngân hàng chính sách.
Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội kết quả xử lý nợ xấu hằng năm; báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp đầu năm 2022 và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Nghị quyết về thí điểm xử lý nợ xấu các TCTD được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.
Trước đó, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng trên toàn hệ thống vẫn ở dưới mức 3% tổng dư nợ (mức an toàn). Tuy nhiên, nếu tính cả nợ ngoại bảng, nợ bán cho VAMC, nợ tiềm ẩn…, tổng mức nợ xấu lên tới 10,8% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Con số tuyệt đối khoảng 600.000 tỷ đồng.(Bizlive)