tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-08-2017

  • Cập nhật : 14/08/2017

"Việt Nam sẽ có bước nhảy vọt hướng tới địa vị một nước phát triển"

Với GDP bình quân đầu người mỗi năm khoảng 2.200 USD, người Việt Nam đang bắt đầu trải qua sự bùng nổ về tiêu dùng bền vững do thu nhập sau thuế hiện đủ cao để kích thích chi tiêu cho mọi thứ, từ giải trí cho đến ô tô và các kỳ nghỉ.

Theo phóng viên TTXVN tại Roma, báo điện tử Frontera của Italy vừa đăng bài viết với tiêu đề “Vị trí của Việt Nam trong Thế kỷ châu Á,” trong đó nhấn mạnh là một đất nước bị tàn phá bởi chiến tranh và nghèo đói chỉ cách đây vài thập niên, Việt Nam hiện là nơi có nhiều nhà máy hoạt động, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng và đang nổi lên như là một “điều diệu kỳ” của châu Á.

Bài báo cho biết kể từ khi thực hiện những cải cách kinh tế (công cuộc đổi mới) vào năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Ngoài một giai đoạn ngắn vấp phải khó khăn về kinh tế và biến động về tài chính từ năm 2009 đến năm 2012, Việt Nam đã trở thành khuôn mẫu hoàn hảo với mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bền vững khoảng 6% một năm, và hiện đang ở ngưỡng cửa của câu lạc bộ các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình.

Với GDP bình quân đầu người mỗi năm khoảng 2.200 USD, người Việt Nam đang bắt đầu trải qua sự bùng nổ về tiêu dùng bền vững do thu nhập sau thuế hiện đủ cao để kích thích chi tiêu cho mọi thứ, từ giải trí cho đến ô tô và các kỳ nghỉ.
 

Xét trên nhiều khía cạnh, Việt Nam là một mô hình thu nhỏ trong câu chuyện phát triển kinh điển của châu Á trong những thập niên gần đây. Là một thuộc địa cũ của châu Âu và đã đứng lên giành lại tự do trước những kẻ áp bức, Việt Nam giờ đây đã thoát khỏi tình trạng cô lập và trở thành một "con hổ" kinh tế theo đuổi các xu hướng toàn cầu hóa và tự do thương mại.

Cũng theo bài báo, nhưng điều làm cho Việt Nam trở nên đặc biệt là nước này có thể là nước cuối cùng trong thế hệ những nền kinh tế châu Á vốn từ nghèo đói trở nên giàu có.

Nhật Bản vào những năm 1970, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) vào những năm 1980, Thái Lan và Malaysia vào những năm 1990, và Trung Quốc trong thế kỷ này, tất cả đã nhanh chóng bước lên bậc thang kinh tế thông qua xuất khẩu các mặt hàng chế tạo, chủ yếu sang phương Tây...

Việt Nam đã và đang có những bước đi theo hướng của những nền kinh tế nói trên. Từ xuất khẩu đồ nội thất và nông sản trong vài thập kỷ trước đó, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất hàng dệt may và giày dép được ưa chuộng và hiện đang quan tâm một cách nghiêm túc đến lĩnh vực hàng điện tử: Samsung đã đầu tư gần 15 tỷ USD vào các nhà máy ở Việt Nam, chiếm gần một phần tư lượng xuất khẩu của cả nước.

Việt Nam giờ đây là một trong những nhà xuất khẩu thiết bị cầm tay cũng như tivi màn hình phẳng lớn nhất thế giới. Sự gia tăng nhanh chóng của Việt Nam, từ xuất khẩu gạo đến lắp ráp điện thoại thông minh là điều mà người ta không thể tưởng tượng được cách đây 10 năm.

Việc có lực lượng lao động dồi dào và trẻ tuổi, hệ thống giáo dục tiểu học vững chắc và sự gần gũi về địa lý với trung tâm chế tạo của Trung Quốc ở Đồng bằng Châu Giang đã tạo thuận lợi để Việt Nam nhanh chóng trở thành một trung tâm xuất khẩu.

Bài báo cũng cho rằng nhờ có vị trí chiến lược quan trọng, dân số trẻ với gần 100 triệu người, lực lượng lao động có trình độ văn hoá cao, một tầng lớp tiêu dùng năng động ưa thích ứng dụng công nghệ mới, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục có bước nhảy vọt hướng tới địa vị một nước phát triển.

Khi nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu trở nên quan trọng trong khu vực, tầm quan trọng về địa chính trị của Việt Nam cũng sẽ được tăng cường.(Vietnam+)
---------------------------

Ninh Thuận lãng phí cả ngàn hecta đất

Sự ì ạch trong xây dựng hạ tầng, khai thác ở các KCN, cụm công nghiệp đã gây lãng phí lớn

Tỉnh Ninh Thuận có 4 KCN: Du Long, Phước Nam, Thành Hải, Cà Ná và 4 cụm công nghiệp (CCN): Tháp Chàm, Tri Hải, Quảng Sơn, Hiếu Thiện với tổng diện tích trên 1.830 ha. Dù các KCN, CCN này đã được xây dựng khá lâu nhưng hiện chỉ có 2 KCN và 1 CCN đi vào hoạt động với vỏn vẹn… 19 dự án sản xuất, kinh doanh.

Gần 10 năm chưa xong tường rào

KCN Thành Hải ở TP Phan Rang - Tháp Chàm từng được Ninh Thuận tự hào là "trụ cột" ngành công nghiệp của tỉnh với diện tích trên 80 ha. Thế nhưng, sau hơn 10 năm xây dựng, đến nay, KCN này chỉ thu hút 14 doanh nghiệp (DN) tiếp nhận khoảng 37 ha.

Theo đánh giá của Ban Quản lý các KCN Ninh Thuận, trong số những DN góp mặt vào KCN Thành Hải, chỉ khoảng 50% là kinh doanh, sản xuất tương đối hiệu quả; còn lại hoạt động "được chăng hay chớ" nên chẳng đóng góp bao nhiêu vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Cũng tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, CCN Tháp Chàm với diện tích khoảng 24 ha đã thành "hình hài" hơn 7 năm qua nhưng chỉ có 6 DN thuê đất hoạt động. Một số nhà đầu tư dù đăng ký thực hiện dự án nhưng vì năng lực tài chính yếu kém nên tiến độ triển khai rất ì ạch.

sau hon 8 nam khoi cong, kcn phuoc nam van trong vang

Sau hơn 8 năm khởi công, KCN Phước Nam vẫn trống vắng

 

Trong khi đó, KCN Phước Nam nằm ngay Quốc lộ 1 tại xã Phước Nam, huyện Thuận Nam với tổng diện tích lên đến 370 ha càng thê thảm hơn. KCN này do Công ty CP Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận xây dựng cơ sở hạ tầng từ năm 2008 nhưng đến nay chưa xong phần tường rào. Hầu hết đất thuộc phạm vi KCN bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, một số hạng mục hạ tầng của giai đoạn 1 xây dựng còn dang dở. Theo tìm hiểu của phóng viên, vài năm trước, 4 dự án của nhà đầu tư đã làm lễ khởi công nhưng sau đó "im hơi lặng tiếng" đến nay.

Quy mô lớn nhất nhưng cũng tai tiếng nhất là KCN Du Long ở xã Lợi Hải, huyện Thuận Bắc, với tổng diện tích hơn 400 ha do Công ty TNHH MTV Đầu tư quốc tế Hoa Thìn Long Ðức Phong (Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Trước đây, KCN này do Công ty CP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (TP HCM) và Công ty TNHH Tập đoàn Long Ðức Phong liên danh thực hiện. Tuy nhiên, sau lễ khởi công rầm rộ vào tháng 5-2008, tiến độ xây dựng hạ tầng của KCN giẫm chân tại chỗ.

Giữa năm 2011, công ty Hoàng Quân được Long Đức Phong thoái vốn. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm, Công ty Hoa Thìn Long Ðức Phong lại tiếp tục chây ì triển khai, dù được UBND tỉnh Ninh Thuận gia hạn cả chục lần. Đến nay, hàng trăm ha đất của KCN Du Long bị bỏ hoang, trong khi nông dân ở đây thiếu đất sản xuất.

Nhiều nguyên nhân

Lý giải tiến độ xây dựng chậm trễ và việc thiếu vắng DN ở KCN, CCN, các ngành chức năng và UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng vì công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu làm cho nhiều nhà đầu tư dè dặt triển khai dự án. Một số DN thiếu năng lực tài chính, đang cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của ngân hàng…

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, tỉnh Ninh Thuận là địa phương nghèo, dân số chưa đến 1 triệu người, sức mua thấp, thiếu lao động có tay nghề cao, hạ tầng giao thông còn hạn chế… nên khó thu hút nhà đầu tư. Chưa kể, không ít DN khi đăng ký dự án chỉ nhăm nhe bán lại kiếm lời.

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có động thái được cho là khá mạnh tay để lập lại trật tự xây dựng các KCN, CCN: Chỉ đạo các đơn vị chức năng quy hoạch chi tiết đối với các CCN. Tỉnh còn chỉ đạo Ban Quản lý các KCN cùng sở, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các KCN, CCN; xác định chính xác năng lực tài chính của DN khi đăng ký đầu tư.

Riêng KCN Phước Nam, do thời gian điều chỉnh tiến độ đã 8 năm nhưng đến nay, giai đoạn 1 vẫn chưa hoàn thành theo cam kết, UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Công ty CP Đầu tư Phước Nam - Ninh Thuận đến tháng 12-2017, nếu không đáp ứng được các yêu cầu đề ra thì sẽ bị thu hồi dự án theo quy định để đấu thầu, chọn đối tác khác thực hiện. (NLĐ)
-----------------------------

Khảo sát và đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này đang chuẩn bị cho việc tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

 

day chuyen san xuat thiet bi dien tu dan dung tai cong ty tnhh lg electronics viet nam tai hai phong. anh: lam khanh/ttxvn

Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử dân dụng tại Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

 

Theo dự kiến, báo cáo tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài sẽ kế thừa kết quả nghiên cứu từ Báo cáo tổng kết 25 năm đầu tư nước ngoài; đồng thời khảo sát và đánh giá thực trạng đầu tư nước ngoài trong 5 năm (2012 - 2017) trên cơ sở đánh giá tình hình thu hút và quản lý FDI của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia. 

Trong đó, bao gồm đánh giá chuyên sâu vào các vấn đề nổi bật của đầu tư nước ngoài trong thời gian qua như công nghiệp hỗ trợ, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, công nghệ và chuyển giao công nghệ, vấn đề môi trường của các dự án FDI, thu hút FDI vào cơ sở hạ tầng, nông nghiệp hiệu quả cao, dịch vụ chất lượng cao, các vấn đề ưu đãi, thuế, công tác quản lý nhà nước về FDI, công tác hỗ trợ nguồn lực đầu vào cho FDI, quan điểm, định hướng thu hút FDI trong thời gian tới… 

Luật đầu tư nước ngoài được ban hành vào năm 1987, trải qua 30 năm thực hiện, khu vực đầu tư nước ngoài đã không ngừng mở rộng và phát triển, đóng góp đáng kể trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đầu tư nước ngoài đã trở thành một khu vực phát triển năng động, đóng góp tích cực vào các thành tựu tăng trưởng, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn xã hội, khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần mở rộng thị trường quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cả về máy móc, thiết bị, tri thức và kinh nghiệm quản lý, góp phần hội nhập kinh tế quốc tế… 

Bên cạnh đó, khu vực đầu tư nước ngoài còn tồn tại một số hạn chế, bất cập. Hiệu quả tổng thể vốn đầu tư nước ngoài chưa cao, giá trị gia tăng và khả năng tham gia chuỗi giá trị thấp; Định hướng thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, đối tác còn hạn chế; Mục tiêu thu hút công nghệ chưa đạt yêu cầu, hiệu ứng lan tỏa của khu vực đầu tư nước ngoài sang khu vực khác của nền kinh tế còn hạn chế; Còn tình trạng vi phạm pháp luật về môi trường, thuế, chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI… 

Hơn nữa, trong những năm gần đây, bối cảnh trong nước và quốc tế có nhiều yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, thời gian tới, xu hướng nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam sẽ giảm dần và không được hưởng ưu đãi cao. Các nước phát triển và các tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đang điều chỉnh chiến lược đối ngoại và kế hoạch đầu tư. 

Các nước đang phát triển luôn chủ trương cải thiện môi trường đầu tư nên tính cạnh tranh trong thu hút FDI ngày càng gay gắt trong khu vực và quốc tế. Việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư nước ngoài 30 năm qua trước những bối cảnh nêu trên là hết sức cần thiết.(TTXVN)
--------------------

Nhật Bản muốn nhập khẩu nhiều trái cây nhiệt đới của Việt Nam

Theo ông Hitoshi Kinouchi, ở Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long trồng được nhiều loại trái cây nhiệt đới mà Nhật Bản không có, và trong số này có nhiều loại mà Nhật muốn nhập khẩu.

Tối 13/8, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống đã có buổi làm việc với đoàn Nhật Bản gồm các ông Hitoshi Kinouchi, giáo sư Đại học Tokai; Susumu Ishihara, Cố vấn tổ chức hỗ trợ đào tạo tiếng Nhật; Masayuki Abe, Giám đốc Công ty đào tạo nhân lực VCI, Giám đốc Văn phòng thông tin về nông nghiệp Việt Nam (VAIO).

Hai bên đã thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa Cần Thơ và Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo nhân lực.
 

Ông Masayuki Abe cho biết, trong chuyến công tác tại Cần Thơ lần này, phía Nhật Bản muốn tập trung thảo luận về nông nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cho Cần Thơ; đồng thời tìm hướng đi cho quan hệ hợp tác nông nghiệp giữa hai bên.

Theo ông Hitoshi Kinouchi, giáo sư khoa Quản trị kinh doanh nông nghiệp, Đại học Tokai, quy mô nông nghiệp của Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khá nhỏ, tương tự với Nhật Bản trước đây, chủ yếu sản xuất nông nghiệp ở các hộ gia đình.

Do quy mô nhỏ nên việc gia công, chế biến và bán sản phẩm cho các công ty gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết việc này, các hộ nông dân ở Nhật đã liên kết lại với nhau, hình thành các hợp tác xã để bán được nông sản với giá cao và đã phát triển như hiện nay.

Theo ông Hitoshi Kinouchi, ở Cần Thơ cũng như Đồng bằng sông Cửu Long trồng được nhiều loại trái cây nhiệt đới mà Nhật Bản không có, và trong số này có nhiều loại mà Nhật muốn nhập khẩu.

Tuy nhiên, để trái cây của Việt Nam có thể xuất khẩu số lượng lớn sang Nhật thì cần phải nghiên cứu phương thức vận chuyển, kỹ thuật bảo quản, đồng thời có hệ thống kho lạnh đủ lớn để tập trung nông sản trước khi xuất sang Nhật.

Ông Hitoshi cho rằng, Nhật Bản và Cần Thơ có thể hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Vấn đề tiến hành liên kết như thế nào để nâng cao chất lượng và kỹ thuật nông nghiệp là quan trọng nhất.

Ông cho biết, ở Nhật có kỹ thuật giúp tăng sản lượng lên gấp 3-5 lần trên một diện tích, đặc biệt Nhật cũng có biện pháp giúp tăng độ ngọt của các loại trái cây cũng như các thành phần tốt cho sức khỏe.

Theo ông Hitoshi, các kỹ thuật này rất dễ và Đồng bằng sông Cửu Long hoàn toàn có thể sản xuất được.

Ông cho biết đã đi tham quan các dự án nông nghiệp của thành phố Cần Thơ, trong đó theo ông, sản phẩm dâu Hạ Châu ở huyện Phong Điền nếu có thể nghiên cứu để chế biến thành nước ép sẽ rất tốt.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Võ Thành Thống cho biết thành phố rất quan tâm đến tác đối tác, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Cần Thơ mong muốn có sự kết nối hợp tác với Nhật Bản trong đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Lãnh đạo thành phố Cần Thơ đề nghị Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật, xem xét cử tình nguyện viên sang tham gia các chương trình nghiên cứu về nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố, cũng như giới thiệu cho các nhà đầu tư Nhật nghiên cứu đầu tư các dự án của thành phố như: hai khu nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ…, đồng thời, hỗ trợ nông dân Cần Thơ trong việc tiếp cận thị trường, ứng dụng kỹ thuật cao, công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

Ngoài ra, Cần Thơ cũng đề xuất Nhật Bản hỗ trợ thành phố xây dựng một website tiếng Nhật với nội dung và hình thức phù hợp với thị hiếu của người Nhật để có thể cung cấp thông tin, trao đổi, tư vấn về thị trường giữa hai bên(Vietnamplus)

Trở về

Bài cùng chuyên mục