Moody’s: Dòng vốn FDI mạnh giúp Việt Nam đa dạng hóa nền kinh tế; Sẽ có cơ chế thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý nợ xấu; Thị trường tiền tệ bất ngờ đảo chiều do đâu?; Ngân hàng tăng vốn ồ ạt: Có lo vốn ảo?
Tin kinh tế đọc nhanh tối 21-06-2017
- Cập nhật : 21/06/2017
Dự trữ cà phê toàn cầu dự báo xuống thấp nhất 6 năm
Nhu cầu cà phê toàn cầu tăng kỷ lục, trong khi sản lượng ít biến động trong niên vụ 2017-18, sẽ khiến lượng dự trữ xuống mức thấp nhất 6 năm.
Báo cáo thường niên của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho hay, nhu cầu tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ thiết lập kỷ lục mới là 158 triệu bao (loại 60 kg) trong niên vụ 2017-18 (từ tháng 10/2017 đến tháng 9/2018), trong khi sản lượng được dự báo sẽ không đổi, ở mức 159 triệu bao.
Tại nước sản xuất nhiều cà phê nhất thế giới là Brazil, sản lượng được dự báo giảm vì niên vụ 2017-18 là năm mất mùa trong chu kỳ sản xuất kéo dài hai năm của nước này. Tuy vậy, sản lượng toàn cầu sẽ được bù đắp bởi sản lượng gia tăng tại Việt Nam, Mexico và Indonesia.
Tồn kho cà phê được dự báo sẽ giảm từ 35,1 triệu bao trong niên vụ 2016-17 xuống còn 34 triệu bao trong niên vụ này, mức thấp nhất kể từ niên vụ 2011-12.
Theo dự báo, Brazil sẽ thu hoạch được 52,1 triệu bao trong niên vụ này, trong đó bao gồm 40,5 triệu bao arabica và 11,6 triệu bao robusta. Mức sản lượng này thấp hơn so với con số 56,1 triệu bao trong 2016-17.
Sản lượng của Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ đạt 28,6 triệu bao, tăng từ mức 26,7 triệu bao so với niên vụ trước.
Mặc dù USDA cho rằng sản lượng của Việt Nam sẽ tăng trở lại trong niên vụ 2017-18 do đủ nước tưới và phân bón, song tồn kho yếu do ảnh hưởng của mùa khô năm ngoái cũng vẫn sẽ khiến nguồn cung thấp hơn. Theo đó, dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 1 triệu bao, xuống còn 24 triệu bao - mức thấp nhất 3 năm qua. Còn tồn kho sẽ ở mức 1,3 triệu bao, tăng nhẹ so với lượng tồn kho 1,2 triệu bao trong niên vụ 2016-17.
Còn tại Colombia, nhà sản xuất cà phê chế biến ướt lớn nhất thế giới, dự báo sản lượng thu hoạch đạt 14,6 triệu bao, tăng so với sản lượng niên vụ trước.
Hôm thứ Sáu, giá cà phê robusta trên sàn ICE đã thiết lập mức cao nhất hai tháng qua khi tăng lên 2.149 USD/tấn, do giới thương nhân kỳ vọng vào nguồn cung cà phê thắt chặt hơn.(NCĐT)
------------------------
NHNN chưa thông qua ứng viên nhân sự Sacombank
Dự thảo nội dung tờ trình Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB) công bố hôm nay (20/6) cho biết, danh sách ứng cử viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2022 của ngân hàng này chưa được Ngân hàng Nhà nước thông qua.
Ngay sau khi nhận được văn bản phê duyệt danh sách ứng cử viên của NHNN, Sacombank sẽ tiến hành công bố thông tin nội dung chính thức của tờ trình này, ngân hàng này cho biết.
Dự kiến, Sacombank sẽ bầu 7 thành viên HĐQT trong đó có một thành viên độc lập, 4 thành viên BKS.
Năm 2017, Sacombank dự kiến tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016. Tổng vốn huy động và dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng lần lượt là 17% và 19%. Ngân hàng này cũng đặt mục tiêu đạt 585 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
Tính đến 31/12/2016, tổng tài sản hợp nhất của Sacombank đạt 332.023 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm trước. Tổng nguồn vốn huy động đạt 304.942 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng đạt 237.918 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất và riêng của ngân hàng ở thời điểm 31/12/2016 lần lượt là 6,81% và 6,68%.
Trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập, Sacombank đã tập trung nguồn lực tái cơ cấu, xử lý tồn đọng, kéo theo đó lợi nhuận sụt giảm. Năm 2015 và 2016, lợi nhuận trước thuế của Sacombank lần lượt đạt 878 tỷ đồng và 156 tỷ đồng.(NCĐT)
---------------------------
Hoàng Anh Gia Lai lên kế hoạch lãi 552 tỷ đồng năm 2017
Hoàng Anh Gia Lai dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần 6.335 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 552 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) cho biết, kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm 2017 dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần và lợi nhuận gộp lần lượt là 6.335 tỷ đồng và 2.185 tỷ đồng. Kế hoạch lợi nhuận hoạt động kinh doanh trước thuế năm nay là 552 tỷ đồng, theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của HAGL vừa công bố. Công ty cũng sẽ không chia cổ tức năm 2017.
Trong cơ cấu doanh thu, HAGL dự kiến sẽ đem về 1.240 tỷ đồng doanh thu từ mảng kinh doanh bò thịt. Công ty dự kiến sẽ tiêu thụ 40.000 con, lợi nhuận gộp đạt 124 tỷ đồng.
Trong ngành trồng trọt, HAGL dự kiến sẽ có hai nguồn thu chính từ mảng cao su và cây ăn quả. Với diện tích khai thác 11.000ha trong năm nay, HAGL ước tính sẽ thu được 18.000 tấn mủ khô, đem về doanh thu 745 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 202 tỷ đồng.
Riêng trong mảng cây ăn quả, công ty đã tham gia vào dự án trồng chanh dây và các loại cây ăn quả khác từ đầu năm 2016 khi tận dụng đất dôi dư để trồng cây và bắt đầu có nguồn thu vào cuối năm ngoái dù chưa đóng góp nhiều. Dự kiến trong năm 2017, cây chanh dây sẽ thu được 56.250 tấn, góp phần mang lại doanh thu khoảng 1.055 tỷ đồng và lợi nhuận gộp 437 tỷ đồng.
Hai loại quả thanh long và chuối dự kiến sẽ đạt sản lượng 17.000 tấn và 50.000 tấn, thu về 680 tỷ đồng và 843 tỷ đồng.
Ngoài ra, mảng bất động sản tại Myanmar dự kiến sẽ đóng góp 1.142 tỷ đồng vào doanh thu và 607 tỷ đồng lợi nhuận gộp năm 2017 của HAGL. Các ngành kinh doanh khác bao gồm cung cấp dịch vụ, xây dựng; bán hàng hóa và bán căn hộ dự kiến cũng sẽ góp thêm 630 tỷ đồng doanh thu.
Hội đồng quản trị HAGL cho biết trong năm 2017, công ty sẽ xây dựng giai đoạn II của dự án bất động sản tại Myanmar một cách linh hoạt, phù hợp với nguồn tiền thu từ giai đoạn I và khả năng huy động vốn tài trợ cho dự án. Các phương án huy động vốn có thể là tín dụng tài trợ dự án hoặc vốn góp mua cổ phần từ các đối tác chiến lược.
Công ty cũng có kế hoạch đầu tư trồng mới một số loại cây ăn quả khác trên phần đất dôi dư. Hoàng Anh Gia Lai cũng đang tiến hành các thủ tục chuyển nhượng dự án thủy điện Nậm Kông 2 và tìm kiếm đối tác thanh lý các dự án thủy điện Nậm Kông 3 tại Lào.
Năm 2016, HAGL đã đạt doanh thu 6.440 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2015, ngành chăn nuôi bò vẫn đem lại doanh thu chủ yếu cho tập đoàn khi chiếm 54% tổng doanh thu. Công ty ghi nhận khoản lỗ sau thuế 1.503 tỷ đồng trong năm qua. (NCĐT)
--------------------------------
Hanwha tính xây nhà máy sản xuất động cơ máy bay tại Việt Nam
Hanwha hiện đang đợi sự chấp thuận của chính quyền, và kỳ vọng sẽ bắt đầu dự án từ tháng 8.
Công ty Hanwha Techwin, đơn vị sản xuất động cơ máy bay của tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc), hôm 19/6 cho biết đang dự tính xây nhà máy mới ở Việt Nam.
Hanwha Techwin cho biết hãng gần đây đã mua một khu đất rộng 100.000 m2 gần Hà Nội và đang đợi sự chấp thuận cuối cùng của chính quyền.
Dự án được kỳ vọng sẽ bắt đầu khởi công vào tháng 8 năm nay, và đi vào vận hành toàn bộ từ cuối năm sau.
Trang The Investor (Hàn Quốc) dẫn thông tin từ Hanwha cho biết hãng đã xem xét nhiều nước để mở nhà máy mới, và cuối cùng đã chọn Việt Nam vì có vị trí thuận lợi cho các dịch vụ hậu cần, cũng như có chi phí cạnh tranh.
Với kế hoạch mở rộng sản xuất, công ty này cũng đang nhắm tới việc đạt 1.000 tỷ won (890 triệu USD) doanh thu bán động cơ máy bay vào năm 2025, trở thành nhà sản xuất dẫn đầu trong lĩnh vực này.
Hanwha Techwin hiện có các đơn đặt hàng quy mô lớn từ ba nhà sản xuất động cơ máy bay hàng đầu thế giới, bao gồm General Electric, Pratt & Whitney và Rolls-Royce.
Hồi tháng 3 năm nay, Hanwha đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Hanwha Techwin Security Việt Nam tại Bắc Ninh. Dự án có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD nhằm sản xuất mạch điện tử, chất bán dẫn, các loại chíp điện tử, máy vi tính, camera.(NCĐT)