tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 21-06-2017

  • Cập nhật : 21/06/2017

Triệu phú đôla Trung Quốc tăng gấp 9 lần trong thập kỷ qua

Số cá nhân sở hữu tài sản giá trị cao ở Trung Quốc (HNWIs) đã tăng lên gấp 9 lần trong một thập kỷ qua, cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thứ 2 thế giới đã tạo nên một sự bùng nổ về giá trị tài sản cá nhân.

tong gia tri cua thi truong tai san ca nhan o trung quoc la 165.000 ty ndt. anh: afp/ttxvn

Tổng giá trị của thị trường tài sản cá nhân ở Trung Quốc là 165.000 tỷ NDT. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Theo báo cáo mới công bố ngày 20/6 của Ngân hàng Bain Trung Quốc, trong năm ngoái, số người Trung Quốc sở hữu khối tài sản đầu tư từ 10 triệu nhân dân tệ (NDT), tương đương 1,47 triệu USD, là 1,6 triệu người, cao gấp 9 lần so với con số 180.000 người của 10 năm trước đó. Trong khi đó, số người Trung Quốc sở hữu tài sản đầu tư trị giá tối thiểu 100 triệu NDT năm 2016 là 120.000 người, cao hơn chục lần so với con số chưa đến 10.000 người của một thập kỷ trước đó.   

Cũng theo báo cáo tài sản cá nhân này, năm 2016, tổng giá trị của thị trường tài sản cá nhân ở Trung Quốc là 165.000 tỷ NDT, tăng 21% mỗi năm trong giai đoạn từ 2014 đến 2016. Mức tăng này được dự đoán sẽ khiêm tốn hơn trong năm 2017, khoảng 14%, nâng mức tổng giá trị tài sản cá nhân lên 188.000 tỷ NDT. Năm 2016 cũng ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ số các cá nhân thuộc nhóm HNWIs có các khoản đầu tư nước ngoài, với mức tăng 56%.  

Các điểm đến đầu tư hấp dẫn của các "đại gia" Trung Quốc đại lục là Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Australia và Canada. Lý do cơ bản khiến các nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài đa dạng hóa đầu tư để giảm thiểu rủi ro, tận dụng triệt để các cơ hội thị trường nước ngoài và di dân. Có tới 63% người giàu Trung Quốc dựa vào các nhà cung cấp dịch vụ tài chính để giám sát tài sản tài chính trong nước và có tới 50% trong số này sử dụng các dịch vụ ngân hàng cá nhân của các ngân hàng thương mại. 

Báo cáo cũng chỉ ra cá nhân sở hữu các khối tài sản lớn tập trung chủ yếu ở một số thành phố lớn và các khu vực duyên hải. Nguyên tắc lựa chọn địa điểm đầu tư của giới nhà giàu Trung Quốc cũng thay đổi. Nếu như năm 2009, nhà đầu tư lựa chọn các địa điểm có thể "tạo ra tài sản" và "chất lượng cuộc sống" thì giờ đây các nhà đầu tư lựa chọn các địa điểm "bảo toàn tài sản" và "kế thừa tài sản". 

Các điểm đến đầu tư hấp dẫn của các "đại gia" Trung Quốc đại lục là Hong Kong (Trung Quốc), Mỹ, Australia và Canada. Lý do cơ bản khiến các nhà đầu tư Trung Quốc mở rộng ra nước ngoài đa dạng hóa đầu tư để giảm thiểu rủi ro, tận dụng triệt để các cơ hội thị trường nước ngoài và di dân.(TTXVN)
-----------------

Cho phép 'đại hạ giá' đến 70% giá trị sản phẩm

Người tiêu dùng có thể được hưởng ưu đãi giảm giá đến 70% giá trị sản phẩm, thay vì chỉ ở mức tối đa 50% như hàng chục năm qua.

Ưu đãi giảm giá 70% chỉ áp dụng trong các chương trình khuyến mại tập trung (như tuần khuyến mại, tháng khuyến mại, mùa khuyến mại, ngày lễ khuyến mại...) thì mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại có thể lên đến 70%. Quy định về mức giảm giá tối đa là 70% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mại trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đây là một nội dung ảnh hưởng mạnh đến người tiêu dùng, doanh nghiệp, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 37/2006 về hoạt động xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương vừa công bố.

Chương trình khuyến mại tập trung theo quy định tại khoản 4 Điều này là chương trình do cơ quan nhà nước (cấp Trung ương và cấp tỉnh) chủ trì tổ chức trong một khoảng thời gian xác định, theo hình thức giờ, ngày, tuần, tháng, mùa khuyến mại... nhằm thực hiện các chính sách phát triển kinh tế có mục tiêu của Quốc gia, của địa phương. Nhà nước có chính sách khuyến khích việc tổ chức các chương trình khuyến mại tập trung.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã cho rằng các tuần, tháng khuyến mại, các sự kiện như Online Friday… chưa thực sự hấp dẫn với người tiêu dùng, vì các doanh nghiệp tham gia cũng chỉ có thể giảm giá đến 50%, không khác biệt nhiều so với ngày thường.

Đặc biệt, dự thảo này mở rộng các mặt hàng không được dùng khuyến mại, thay vì chỉ cấm dùng rượu, bao gồm thêm: xổ số, thuốc lá, thuốc chữa bệnh, thuốc kê đơn (trừ trường hợp khuyến mại cho thương nhân kinh doanh thuốc), sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi…

Tuy nhiên, dự thảo này cho phép “tiền mặt có thể được sử dụng như hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại”.(PLO)
--------------------------------

Căng thẳng vùng Vịnh: Qatar nguy cơ tổn thất kinh tế nặng nề

Giới phân tích nhận định việc các nước Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen và một vài quốc gia khác phong tỏa Qatar cả về ngoại giao và kinh tế có thể sẽ gây những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Qatar nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay tiếp tục kéo dài.

 

mot nha may loc dau o ngoai o doha, qatar ngay 1/2/2006. anh: afp/ttxvn

Một nhà máy lọc dầu ở ngoại ô Doha, Qatar ngày 1/2/2006. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Những rạn nứt chính trị đã gây ra nhiều bất ổn và có thể tác động đến các hoạt động thương mại, du lịch cũng như dòng chảy của các luồng vốn - nhân tố có thể làm đình trệ các dự án hạ tầng mà Qatar đang triển khai để đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới 2022 (World Cup 2022). Giới phân tích lo ngại việc các nước láng giềng vùng Vịnh cô lập nền kinh tế Qatar trong thời gian dài có thể khiến quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này phải đối mặt với sự suy giảm đáng kể về tăng trưởng kinh tế. 

Theo dự báo của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington (Mỹ), tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Qatar có thể giảm 1,2% trong năm 2017 và 2% năm 2018, chủ yếu do đà tăng trưởng thấp hơn của khu vực phi dầu mỏ. Các nhân tố như sự bất ổn ngày càng tăng trong lĩnh vực đầu tư, môi trường tài chính khó khăn hơn... sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của Qatar, trong khi tình trạng rút ồ ạt tiền gửi trong các ngân hàng cũng có thể làm gia tăng chi phí vay của nước này. 

Việc chấm dứt các mối quan hệ tài chính cũng như mối lo ngại ngày càng gia tăng của các bên đối tác có thể cản trở các hoạt động kinh doanh và tài chính thương mại của Qatar. Chuyên gia phân tích Boban Markovic của IIF dự báo doanh thu từ các khu vực phi dầu mỏ thấp hơn mong đợi có thể khiến thâm hụt ngân sách của Qatar tăng lên 7,8% GDP; thâm hụt tài khoản vãng lai có thể vẫn vào khoảng 2% GDP trong năm nay giữa lúc nguồn thu từ các dịch vụ du lịch và vận tải giảm mạnh do các lệnh cấm đi lại và phong tỏa giao thông đường không của các nước láng giềng. 

Do phụ thuộc chủ yếu vào hàng hóa nhập khẩu, nhất là thực phẩm, Qatar chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các lệnh trừng phạt về ngoại giao và kinh tế như giá hàng hóa nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn và lượng khách du lịch từ khu vực tới nước này giảm sút. 

Nếu căng thẳng ngoại giao vẫn tiếp diễn trong một thời gian dài, sự phụ thuộc quá mức của các ngân hàng Qatar vào nguồn tiền gửi nước ngoài có thể tạo ra những thách thức về thanh khoản đối với nhiều ngân hàng ở nước này. 

Nợ nước ngoài của Qatar đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây, lên khoảng 125 tỷ USD vào cuối tháng 4/2017, trong đó phần đáng kể là từ châu Âu và châu Á. Trong cùng kỳ, nợ nước ngoài ròng của các ngân hàng Qatar đã vào khoảng 50 tỷ USD. 

Các nhân tố như môi trường kinh doanh ảm đạm, sự mất lòng tin của giới kinh doanh tư nhân trong khu vực phi dầu mỏ cũng như những rủi ro từ bên ngoài đối với các ngân hàng Qatar, nhất là từ thị trường Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), có thể làm gia tăng nợ xấu nếu cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay vẫn không được giải quyết trong vài ngày tới.(TTXVN)
------------------------

Vietnam Airlines sẽ phát hành thêm cổ phiếu để mua máy bay mới

Ngày 20/6, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của Vietnam Airlines, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu để thực hiện các dự án mua máy bay mới. Đây là kỳ Đại hội thứ 3 kể từ sau khi Vietnam Airlines chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

 

cac co dong bieu quyet phat hanh them co phieu

Các cổ đông biểu quyết phát hành thêm cổ phiếu

 

Theo đó, các cổ đông đã thông qua phương án phát hành thêm 191.191.377 cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng cho các cổ đông hiện hữu theo phương pháp thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm. Thời gian dự kiến phát hành vào Quý IV/2017. Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt phát hành sẽ là hơn 1.911 tỉ đồng, dùng để thực hiện các dự án mua máy bay Boeing 787-9, Airbus A350-900 XWB và thanh toán các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Được biết, năm 2017, Vietnam Airlines có 2 dự án đầu tư máy bay trị giá hơn 2.111 tỉ đồng gồm 10 chiếc A350-900XWB và 8 chiếc Boeing 787-9, chiếm tỷ trọng 72% kinh phí đầu tư năm 2017.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 được Đại hội cổ đông thông qua, Vietnam Airlines phấn đấu đạt tổng sản lượng vận chuyển khách là hơn 22,5 triệu lượt khách; doanh thu hợp nhất là 87.900 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 66.872 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 1.638 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ đạt 1.256 tỷ đồng. 

Năm 2016, Vietnam Airlines đã đạt được kết quả sản xuất kinh doanh tăng trưởng vượt bậc so năm 2015 và đạt kỷ lục mới cao nhất từ trước đến nay: Vận chuyển gần 140.000 chuyến bay an toàn tuyệt đối và hơn 20,6 triệu lượt hành khách, tăng tương ứng hơn 13% và 21%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.601 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm trước. Cùng với đó, năng suất lao động cũng tiếp tục tăng ở mức hai con số và tiền lương bình quân của người lao động các lĩnh vực tăng từ 4,7% đến 12,8%, sau khi đã được tăng cao từ 12 - 28% năm 2015. 

Về kết quả tài chính năm 2016, tổng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Vietnam Airlines được phân phối là 1.737,1 tỷ đồng, trong đó trích 736,52 tỷ đồng để thực hiện chi trả cổ tức cho các cổ đông. Với khoản chia lợi nhuận này, các cổ đông của Vietnam Airlines sẽ nhận cổ tức 6% bằng tiền mặt cho năm tài chính 2016. (Baotintuc)

Trở về

Bài cùng chuyên mục