Tập đoàn Teakwang Hàn Quốc ngỏ ý muốn thâu tóm Gemadept; Lo ‘bong bóng’ tín dụng; Tạm áp dụng thuế nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch từ Lào; Sản lượng cao su Ấn Độ tăng vọt trong tháng 4
Tin kinh tế đọc nhanh 14-08-2017
- Cập nhật : 14/08/2017
Ông Trump quyết trị Trung Quốc chuyện ăn cắp chất xám
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến ký một biên bản ghi nhớ, qua đó có thể trừng phạt các công ty Trung Quốc nếu có hành động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hãng tin AFP dẫn lời các quan chức chính quyền cho biết tổng thống Trump sẽ ký văn bản này vào ngày 14-8. Đồng thời, ông sẽ chỉ đạo đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác định liệu luật pháp, chính sách hay bất kỳ hoạt động nào của Trung Quốc có biểu hiện phân biệt đối xử hay chống lại các nhà phát minh và công ty Mỹ hay không.
Các quan chức giấu tên nêu trên đã thẳng thắn cáo buộc Trung Quốc “đánh cắp tài sản trí tuệ”. Đây là một cáo buộc xuất hiện lâu nay, khi các công ty Mỹ thường xuyên bị sao chép công nghệ hoặc phát minh trong quá trình làm ăn ở thị trường Trung Quốc.
Động thái dự kiến xảy ra nàyy là bước đi mới nhất của chính quyền Donald Trump trong việc điều tra thực tiễn của thị trường thương mại Trung Quốc, đặc biệt là ngành thép.
Hôm 8-8, Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt ban đầu nhằm vào việc nhập khẩu phôi nhôm của Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ khẳng định chính sách thương mại của Trung Quốc mang mục đích chính là mua lại và tiếp thu tài sản trí tuệ của Mỹ cũng như các nước trên thế giới.
“Đa phần người Mỹ đều hiểu Trung Quốc đang đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng tôi. Điều mà họ không biết ở đây là Trung Quốc cũng ép buộc các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc phải bàn giao công nghệ”, hãng tin AFP ngày 13-8 dẫn lời các quan chức Mỹ.
Tại Trung Quốc, các doanh nghiệp Mỹ và châu Âu thường phàn nàn về việc liên doanh với công ty địa phương, khi bị yêu cầu chuyển giao công nghệ và làm mất tính cạnh tranh.
Những quan chức trao đổi với AFP nêu trên cho hay sẽ đặt biệt giám sát vai trò của các công ty liên doanh, công ty Trung Quốc và nước ngoài muốn bán sản phẩm cho Trung Quốc.
Họ cũng khẳng định chính quyền Bắc Kinh tài trợ và tạo điều kiện cho việc mua lại các công ty Mỹ để lấy công nghệ tiên tiến.(Tuoitre)
---------------------------
Người mua căn hộ Mường Thanh có quyền khởi kiện
Chiều 12.8, Phòng Cảnh sát kinh tế (PC46) Công an TP.Đà Nẵng cho hay người mua căn hộ ở tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Sơn Trà (đường Võ Nguyên Giáp, P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng) có quyền khởi kiện nếu chủ đầu tư vi phạm hợp đồng.
Trước đó, chủ đầu tư tổ hợp này - Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên - đã tự ý “hô biến” từ tầng 2 và tầng 5, vốn là tầng tiện ích, thành 104 căn hộ để bán. Trong khi đó, đây là khu vực nhà trẻ, bãi đậu xe, khu vui chơi… đã nêu rõ trong hợp đồng ký kết với người mua. Phát hiện vụ việc, Sở Xây dựng đã đình chỉ công trình nhiều tháng qua, xử phạt doanh nghiệp này 40 triệu đồng, đồng thời yêu cầu khắc phục sai phạm.
Theo lãnh đạo PC46, nếu chủ đầu tư Mường Thanh không thực hiện đúng các tầng tiện ích mà chuyển đổi công năng trái phép là vi phạm hợp đồng. Người mua có quyền yêu cầu doanh nghiệp này thực hiện đúng hợp đồng, nếu không đạt được thỏa thuận có thể khởi kiện ra tòa dân sự để được can thiệp, đảm bảo quyền lợi.
Đáng chú ý, hôm qua 12.8, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết Công an TP.Đà Nẵng có liên hệ để tìm hiểu vụ việc sau khi tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân; đồng thời khẳng định Sở không gửi văn bản đề nghị công an vào cuộc điều tra sai phạm của Mường Thanh.
Liên quan đến sai phạm của tổ hợp Mường Thanh, hiện Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng và Cục Cảnh sát PCCC - cứu nạn cứu hộ vẫn chưa nghiệm thu hạng mục PCCC từ tầng 2 đến tầng 5 khu tổ hợp căn hộ. Nguyên do, chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế không đúng bản vẽ ban đầu, chuyển công năng trái phép.(Thanhnien)
---------------------------
Hàng dệt may Triều Tiên "made in China" xuất khẩu khắp thế giới
Các thương nhân, doanh nghiệp ở TP Đan Đông - Trung Quốc tiết lộ các công ty dệt của nước này ngày càng tăng cường sử dụng các nhà máy Triều Tiên để tận dụng nguồn lao động giá rẻ.
Hãng tin Reuters ngày 13-8 dẫn lời các nguồn tin trên cho biết các sản phẩm may mặc gia công ở Triều Tiên đều được dán nhãn "Sản xuất tại Trung Quốc" và được xuất khẩu ra khắp thế giới.
Việc sử dụng Triều Tiên để sản xuất quần áo giá rẻ này cho thấy mỗi khi một cánh cửa của Bình Nhưỡng bị đóng lại vì lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ), một cánh cửa khác có thể sẽ mở ra. Từ trước đến nay, các biện pháp của LHQ không bao gồm lệnh cấm nào về xuất khẩu hàng dệt may.
"Chúng tôi nhận đơn đặt hàng từ khắp thế giới" - một doanh nhân tại Đan Đông, thành phố biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, nói. Cũng giống như nhiều người khác mở lời với hãng tin Reuters trong phóng sự, vị doanh nhân đề nghị được giữ kín danh tính vì tính nhạy cảm của sự việc.
Theo lời ông, có hàng chục đại lý may mặc tại Đan Đông hoạt động như những bên môi giới cho các nhà cung cấp quần áo Trung Quốc và người mua từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Nga.
"Có đôi lúc người mua hàng cuối cùng cũng không nhận ra quần áo của họ được sản xuất tại Triều Tiên. Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm" - người đàn ông này nhấn mạnh. Trong khi đó, một thương nhân Trung Quốc sống tại Bình Nhưỡng tiết lộ các nhà sản xuất có thể tiết kiệm tới 75% khi gia công quần áo tại Triều Tiên. Tất cả các nhà máy tại Triều Tiên đều thuộc sở hữu của chính phủ và hoạt động liên tục.
Theo dữ liệu của Cục Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), hàng dệt may là loại mặt hàng xuất khẩu nhiều thứ 2 ở Triều Tiên sau than và các khoáng sản khác với tổng giá trị là 752 triệu USD trong năm 2016. Tổng giá trị hàng xuất khẩu của Triều Tiên trong năm 2016 tăng 4,6% lên 2,82 tỉ USD.
Theo phát ngôn viên hải quan Trung Quốc Huang Songping, xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên đã tăng gần 30% lên 1,67 tỉ USD trong nửa đầu năm 2017, trong đó phần lớn là các nguyên liệu dệt may và các hàng hóa truyền thống cần nhiều sức lao động khác không có trong danh sách cấm của LHQ.
Các lệnh trừng phạt mới nhất của LHQ, được nhất trí vào đầu tháng này, đã hoàn toàn cấm xuất khẩu than tại Triều Tiên. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt may phát triển cho thấy Triều Tiên đã dần trở nên thích nghi với các lệnh trừng phạt kể từ năm 2006 khi nước này tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên.
Ngoài ra, ngành công nghiệp này còn cho thấy mức độ dựa dẫm của Triều Tiên vào Trung Quốc như một phao cứu sinh kinh tế, kể cả khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gây áp lực buộc Bắc Kinh hành động nhiều hơn để kiềm chế chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.(NLĐ)
---------------------------
Xuất khẩu cả nước ước đạt hơn 115 tỷ USD, tăng gần 19%
Trong 7 tháng đầu năm 2017, Tổng cục Hải quan cho hay tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 233,52 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 115,22 tỷ USD, tăng 18,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 118,3 tỷ USD, tăng 17,7%.
Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 7, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá ước đạt 35,3 tỷ USD, giảm hơn 1,6% so với tháng trước; trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 17,5 tỷ USD, giảm 1,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 17,8 tỷ USD, giảm 1,6%.
Tuy nhiên, trong 7 tháng, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt gần 233,52 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 115,22 tỷ USD, tăng 18,7% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 118,3 tỷ USD, tăng 17,7%.
Sản xuất điện thoại di động tại Công ty Điện tử Samsung Việt Nam Thái Nguyên (SEVT). Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Trong tháng 7, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giảm so với tháng trước như: Điện thoại các loại và linh kiện giảm 4%, giày dép giảm 3,1%, máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 2,7%, gỗ và sản phẩm gỗ giảm 5,2%, cà phê giảm 9,3%.
Giảm mạnh nhất là xuất khẩu dầu thô trong tháng 7 ước tính đạt 780.000 tấn (giảm 19,4% so với tháng trước) với trị giá là 276 triệu USD, giảm 18,8%. Tuy nhiên tính chung 7 tháng, lượng xuất khẩu dầu thô vẫn ước đạt 4,61 triệu tấn, trị giá ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 12,3% về lượng và tăng 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các mặt hàng xuất khẩu vẫn giữ mức tăng từ 1,3-9,1% là dệt may, thủy sản, phương tiện vận tải và phụ tùng. Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện có trị giá xuất khẩu tương đương với mức kim ngạch của tháng trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này trong 7 tháng ước tính là 13,61 tỷ USD, tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng 7, nhiều mặt hàng nhập khẩu vẫn tăng như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, vải các loại, chất dẻo nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày….
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7/2017 ước tính thâm hụt 300 triệu USD. Qua đó, nâng mức nhập siêu của Việt Nam đến hết tháng 7 lên gần 3,08 tỷ USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. (TTXVN)