Kido tập trung đầu tư vào thị trường thực phẩm; Muốn bán đứt Tràng Tiền Plaza cho tư nhân; Trung Quốc chịu áp lực lớn khi Fed tăng lãi suất; Google đối mặt với mức phạt lớn kỷ lục
Tin kinh tế đọc nhanh 21-06-2017
- Cập nhật : 21/06/2017
Chuỗi khu kinh tế ven biển miền Trung: Chờ đợi sự bứt phá
Các khu kinh tế (KKT) ven biển miền Trung được thành lập với kỳ vọng, là đòn bẩy giúp các địa phương miền Trung phát triển kinh tế - xã hội.
Khó khăn trong thu hút đầu tư
Được đánh giá là một trong những KKT năng động nhất miền Trung, KKT Dung Quất có lợi thế rất lớn nhờ vào lọc hóa dầu và công nghiệp nặng. Tuy nhiên, những năm gần đây, KKT này gặp không ít khó khăn trong thu hút đầu tư, dù đã tập trung xúc tiến một số dự án quy mô lớn. Trong khi thu hút đầu tư không đạt như mong muốn, thì hàng loạt dự án chậm triển khai và bị thu hồi. Đến nay, Ban Quản lý KKT Dung Quất đã thu hồi và kiến nghị thu hồi 23 dự án. Điểm sáng duy nhất đối với KKT Dung Quất là KCN - Đô thị - Dịch vụ VSIP đang hoạt động khá hiệu quả, giúp tình hình đầu tư, phát triển KKT Dung Quất có tín hiệu khả quan.
Sát hàng rào của KKT Dung Quất, KKT mở Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) có tuổi đời hơn 10 năm, từng được kỳ vọng về một không gian kinh tế riêng biệt, có thể áp dụng những cơ chế chính sách đặc thù, tạo bước đột phá cho khu vực miền Trung và toàn quốc. Nhưng đến thời điểm hiện nay, ngoài Khu liên hợp Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải đóng góp hơn 60% tổng thu ngân ngân sách toàn tỉnh Quảng Nam, các dự án khác chưa đóng góp nhiều cho địa phương. Niềm hy vọng của KKT mở Chu Lai được thắp lên khi mới đây tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam, hàng loạt dự án trọng điểm được cấp phép và ký ghi nhớ đầu tư, trong đó đáng chú ý là các lĩnh vực khí, công nghiệp và dịch vụ. Dự kiến trong những năm tới, đây sẽ trở thành một khu kinh tế năng động và tổng hợp nhất của cả nước.
Giữa tháng 12/2006, khi cầu Thị Nại, cây cầu vượt biển đầu tiên của Việt Nam được khánh thành nối TP. Quy Nhơn và KKT Nhơn Hội, tỉnh Bình Định đã “mơ” về một “Hồng Kông bên hông Quy Nhơn”, nhưng 10 năm trôi qua, giấc mơ ấy đã dần tuột khỏi tầm tay khi mà cả KKT này chỉ có một vài dự án hiện diện: Khu du lịch Hải Giang (Vinpearl Hải Giang) 3.500 tỷ đồng mới được khởi công; Khu Du lịch tâm linh chùa Linh Phong 200 tỷ đồng đang dần hoàn thiện; Chỉ có FLC Nhơn Lý với tổ hợp resort 3.500 tỷ đồng là đang có những tín hiệu khả quan...
Hai KKT gần nhau là KKT Nam Phú Yên và KKT Vân Phong (Khánh Hòa) cũng gặp không ít khó khăn trong thu hút đầu tư, dù lãnh đạo địa phương rất nỗ lực xây dựng các chương trình xúc tiến và dành những ưu đãi cho nhà đầu tư.
Tìm hướng đi mới
Một số KKT, sau nhiều năm thành lập, đã đưa ra những hướng đi của riêng mình, nhưng đến nay, vẫn chưa có mô hình KKT nào mang tính đột phá. Các ban quản lý cũng kiến nghị Trung ương cho cơ chế riêng biệt, nhưng chưa cụ thể là riêng thế nào.
Lãnh đạo Ban quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, cần có giải pháp đột phá về thể chế, tương tự các KKT tự do, đặc KKT ở các nước đã thành công. Chính phủ cần sớm ban hành chính sách riêng về công tác giải phóng mặt bằng tại các KKT.
KKT Dung Quất từng có ý định đề xuất thành lập đặc khu, Chu Lai áp dụng cơ chế mở, nhưng hiện nay, cả 2 KKT này vẫn hoạt động dựa trên mô hình giống nhau, gây nên những trở ngại trong thu hút đầu tư.
Theo Ban Quản lý KKT mở Chu Lai, gần như tỉnh nào ở miền Trung cũng có KKT với nội dung không khác gì KKT mở Chu Lai, thậm chí còn cao hơn và tiến bộ hơn. Họ đi sau nhưng xuất phát ở mức cao hơn, nên chắc chắn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với Chu Lai trong thời gian tới.
Lãnh đạo Ban Quản lý KKT Dung Quất cũng nhận thấy sự mất cân đối giữa yêu cầu về hạ tầng, tiện ích với khả năng đáp ứng về nguồn vốn đầu tư, sẽ là lực cản đối với sự phát triển của Dung Quất, nhưng vẫn chưa có hướng đi nào khả quan.
Để các KKT tiếp tục đóng vai trò đòn bẩy kinh tế ở các địa phương và cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 5 nhóm KKT ven biển có nhiều tiềm năng để ưu tiên tập trung đầu tư gồm: KKT Chu Lai - Dung Quất; KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng); KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa); KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh); KKT đảo Phú Quốc và cụm đảo Nam An Thới (Kiên Giang).
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung phân bổ vốn đầu tư cho các KKT nêu trên tối thiểu bằng 70% tổng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách Trung ương trong 5 năm (2016 – 2020). Trong đó, thời gian này sẽ tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước để cơ bản hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng của khu kinh tế, nhằm đáp ứng yêu cầu của các dự án đầu tư động lực, quy mô lớn đối với 5 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm đã được lựa chọn. (Baodautu)
------------------------------------
13.400 người bán hàng trên Facebook tại Hà Nội nhận thông báo từ Cục thuế
Người bán hàng qua mạng bước đầu được cơ quan thuế hướng dẫn các thông tin về nghĩa vụ và các thủ tục đăng ký, kê khai thuế.
Ông Viên Viết Hùng - Phó cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết cơ quan này vừa gửi tin nhắn trên hệ thống SMS và hướng dẫn truy cập trang thông tin của cơ quan thuế tới 13.422 chủ tài khoản Facebook có các hoạt động quảng cáo và bán hàng qua mạng trên địa bàn. Tại địa chỉ nêu trên, cơ quan quản lý đã đưa các thông tin hướng dẫn về nghĩa vụ đăng ký, kê khai thuế, cách thức khai báo thông tin để các cá nhân kinh doanh qua mạng kê khai với cơ quan thuế.Động thái được cơ quan quản lý đưa ra trên cơ sở đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử được xây dựng từ cuối tháng 3/2017. Trong số các tài khoản nêu trên, có 1.950 cá nhân đã đăng ký và được cấp mã số dùng để kê khai, nộp thuế. Ngành thuế cũng cho biết đã thu thập được danh tính, số điện thoại của các chủ tài khoản.
Đề án quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội đã được xây dựng từ cuối tháng 3.
Cơ quan thuế cho biết với đặc điểm của hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, người bán hàng trên mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo... có thể sở hữu một hoặc nhiều tài khoản khác nhau để quảng cáo hoặc bán hàng, việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt. Ngoài ra, một số người kinh doanh trên mạng xã hội như một việc làm thời vụ để tăng thêm thu nhập. Do vậy, ngành thuế cho rằng cần sử dụng công nghệ thông tin để quản lý thuế đối với hoạt động này.
Trước đó vào đầu tháng 6, các chi cục thuế tại TP HCM cũng đã gửi thư mời nhiều chủ cơ sở kinh doanh trên Facebook đến làm việc để thực hiện kê khai nộp thuế. Theo ông Nguyễn Nam Bình - Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM, trong đợt này đã có gần 13.500 chủ tài khoản Facebook được mời lên làm việc.
"Bước đầu, chúng tôi chỉ muốn tiếp xúc và tìm hiểu xem việc kinh doanh của họ có lâu dài không? Đã đăng ký thuế hay chưa? Nếu việc kinh doanh này được duy trì và chưa kê khai thuế thì sẽ vận động họ đăng ký và kê khai đầy đủ", ông nói và cho biết chỉ những trường hợp có doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm mới phải nộp thuế. Đồng thời, việc này được giao về cho Chi cục Thuế các quận thực hiện.
Theo nhiều chuyên gia, việc thu thuế người bán hàng trên Facebook là không đơn giản. Mỗi tổ chức, cá nhân hiện có thể sở hữu nhiều tài khoản khác nhau trên mạng xã hội để kinh doanh. Việc mua bán lại chủ yếu được giao dịch bằng tiền mặt nên khó giám sát. Đó là chưa kể việc phân biệt các cửa hàng dùng Facebook vào mục đích gì, để tư vấn, tiếp thị hay để bán sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, một số người kinh doanh trên Facebook như một việc làm thời vụ hoặc kiếm thêm thu nhập thì cần quản lý thuế ra sao.(Vnexpress)
------------------------------
Ông Mai Tiến Dũng: 'Cây kim, sợi chỉ phải nhập thì nội địa hoá dệt may thế nào?'
Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng yêu cầu Tập đoàn Dệt may đẩy nhanh cổ phần hoá để tăng tỷ lệ nội địa trong ngành.
Sáng 20/6, Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Mai Tiến Dũng đứng đầu đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex). Nội dung xung quanh việc thực hiện các nhiệm vụ của doanh nghiệp và ngành nhằm góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%.
Đánh giá nỗ lực của ngành dệt may vừa qua nhưng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Thủ tướng yêu cầu tập đoàn làm rõ 6 nội dung để đảm bảo tăng trưởng ổn định, đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tập trung vào lĩnh vực sản xuất nào, thị trường ra sao?
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Vinatex đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, mục tiêu có hiệu quả. Hiện tập đoàn đang đầu tư 41 dự án, 19 dự án sợi, 17 dự án may, 6 dự án nâng cấp sửa chữa. Tuy nhiên, tập đoàn mới đang làm tốt 2 khâu đầu và cuối là sợi và may. Riêng khâu quan trọng, cốt lõi là phụ trợ ngành dệt may, nhuộm... hiện rất khó khăn.
"Từ cái kim, sợi chỉ, khuy... cũng phải nhập thì nội địa hoá thế nào?", Bộ trưởng đặt câu hỏi với lãnh đạo Vinatex, đồng thời đề nghị tập đoàn đẩy nhanh đầu tư các dự án còn dở dang, không để thất thoát vốn.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinatex - Trần Quang Nghị thừa nhận, sản xuất vải nội địa chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước và xuất khẩu, các doanh nghiệp vẫn phải phụ thuộc nhiều vào vải nhập khẩu từ các nước. "Ngành dệt may Việt Nam hiện nay đang bộc lộ sự mất cân đối giữa các công đoạn sản xuất: mạnh về khâu may gia công xuất khẩu, nhưng lại yếu và thiếu tập trung ở khâu dệt nhuộm, vì vậy phải nhập khẩu vải từ các quốc gia khác", ông Nghị nêu thực tế.Tuy nhiên, ngay cả khi thế mạnh là cắt may thì phương thức gia công xuất khẩu vẫn là chủ yếu, các phương thức mang lại giá trị gia tăng cao như OBM (bán cả ý tưởng thiết kế, sản phẩm...) hiện chiếm tỷ lệ không đáng kể. Với phương thức sản xuất gia công, các đơn hàng sản xuất phụ thuộc vào chủ hàng nước ngoài từ thiết kế, nguyên liệu. Các doanh nghiệp là đơn vị cấp 1 làm việc trực tiếp với khách hàng lớn rất ít.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ làm việc với Tập đoàn Dệt may (Vinatex) ngày 20/6. Ảnh: Nhật Bắc
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo Vinatex phải đẩy nhanh cổ phần hoá, tư nhân hoá doanh nghiệp may toàn ngành, và phải coi đây là vấn đề mấu chốt.
Tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ kể trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, Thủ tướng rất vui khi thăm gian hàng của con gái Tổng thống Mỹ - Ivanka Trump bày bán hàng "made in Vietnam". "Hàng hoá rất đẹp từ mẫu mã tới chất lượng... Nếu không lật giở tem, mác thì không ai nghĩ đó là hàng sản xuất ở Việt Nam", Bộ trưởng Dũng nói.
Theo ông, ngành dệt may đã chinh phục được những thị trường quan trọng, khó tính như Mỹ, EU, Nhật... nhưng lại đang để "tuột" những thị trường truyền thống như Nga, Ấn Độ, khu vực ASEAN...
"Nếu dệt may không đổi mới, đẩy nhanh cổ phần hoá thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu thị trường đang linh hoạt biến đổi từng ngày", Tổ trưởng tổ công tác của Chính phủ nhấn mạnh.
Yêu cầu thứ 4 được Thủ tướng đặt ra với Vinatex, là ngành dệt may có giải pháp tốt tiếp cận vốn sản xuất, thay vì gia công phải tiến tới hình thành chuỗi khép kín, giá trị sản phẩm cao hơn. “Cần có phương thức thay thế công nghiệp gia công để tăng giá trị cao hơn”, ông Dũng dứt khoát.
Trước xu hướng "khó cưỡng" của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cũng yêu cầu Vinatex phải đi đầu trong tiếp cận nhanh, ứng dụng công nghệ phần mềm hiện đại trong quản lý, quản trị doanh nghiệp.
Cuối cùng, Vinatex phải cải cách hành chính, trong đó có yếu tố liên quan tới hải quan, thuế... giảm bộ máy cồng kềnh, lương quản lý cao nhưng lương công nhân thấp.
“Về phía Chính phủ, Thủ tướng vẫn nhớ khi gặp doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2016, Tổng giám đốc Vinatex Lê Tiến Trường có nói 1 mét vải nhập khẩu làm nguyên liệu phải đi qua bao nhiêu khâu”, Bộ trưởng Dũng dẫn chứng.
Theo ông, điều này liên quan tới chính sách thuế, hải quan… tập đoàn và Bộ Công thương cần tiếp tục xem xét, kiến nghị cải cách hành chính.
“Tinh thần của Thủ tướng là phải quyết tâm cao nhất trong thực hiện mục tiêu đề ra. Tăng trưởng 6 tháng của Vinatex có dấu hiệu rất tốt, vậy có hứa được với Thủ tướng là cả năm sẽ đạt doanh thu, xuất khẩu vượt kế hoạch bao nhiêu để triển khai nghiêm túc Chỉ thị 24 của Thủ tướng về giữ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%?”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đặt câu hỏi.
Đáp lại, Chủ tịch Vinatex - Trần Quang Nghị xác nhận 6 tháng đầu năm 2017 ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 14,2 tỷ USD tăng 10,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dù tăng trưởng dệt may nửa đầu năm khả quan nhưng vị này cho rằng chưa bền vững, do ảnh hưởng tiêu cực từ đường lối bảo hộ mậu dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump, việc điều chỉnh tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED)...
Trong bối cảnh Mỹ không tham gia TPP, ngành dệt may cho biết đang nỗ lực giải bài toán "không có TPP". Lãnh đạo doanh nghiệp dự báo xuất khẩu dệt may 6 tháng cuối năm sẽ không có nhiều đột biến, ước kim ngạch xuất khẩu cả năm 31,3 tỷ USD, tăng 10,9% năm 2016. Riêng giá trị xuất khẩu của tập đoàn đạt khoảng 2,78 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.(Vnexpress)
-------------------------
Boeing ngập đơn hàng tỷ USD nhờ máy bay mới
Hãng sản xuất máy bay Mỹ đã nhận được hơn 240 đơn hàng và cam kết mua cho chiếc 737 MAX 10 hôm qua.
Tại ngày đầu tiên của Triển lãm Hàng không Paris, Boeing đã ra mắt 737 MAX 10 - phiên bản mới nhất của dòng máy bay bán chạy - 737. Họ cho biết đã nhận được hơn 240 đơn hàng và cam kết mua máy bay này từ ít nhất 10 khách hàng. Nếu tính cả hợp đồng các dòng khác và hợp đồng chuyển đổi sang MAX 10, Boeing đã giành được hơn 37 tỷ USD đơn hàng hôm qua.
“Rất nhiều sân bay đang hoạt động hết công suất rồi. Thế nên, đây là chiếc máy bay hoàn hảo”, Ajay Singh - Chủ tịch hãng bay giá rẻ SpiceJet (Ấn Độ) cho biết. Công ty ông đã ký hợp đồng mua 40 chiếc MAX 10. Một chiếc máy bay này có thể chở tối đa 230 người.
*Boeing 787 Dreamliner và 737 MAX 9 bay biểu diễn
Dù vậy, Giám đốc Tác nghiệp - Khách hàng của Airbus - John Leahy không mấy lo ngại về thách thức từ Boeing. Ông cho rằng phần lớn người quan tâm đến MAX 10 là khách hàng cũ của Boeing. “Chúng tôi cho rằng 737 MAX 10 là đối thủ của MAX 9. Đó là lý do vì sao rất nhiều người chuyển đổi từ đơn hàng cũ sang”, ông cho biết.
Một nửa đơn hàng của SpiceJet với MAX 10 là chuyển từ đơn hàng các phiên bản 737 cũ. Hãng cho thuê máy bay GECAS cũng chuyển một đơn hàng 737 cũ sang 20 chiếc phiên bản mới. TUI Group - hãng điều hành tour lớn nhất châu Âu có động thái tương tự với 18 chiếc.
Boeing thông báo số đơn hàng mới của MAX 10 là 90 chiếc, trong đó có 50 chiếc của Lion Air (Indonesia). Ngoài ra, họ còn nhận được thêm đơn hàng 787 Dreamliner từ đại gia cho thuê máy bay - AerCap.
Nhiều nguồn tin cho biết Airbus cũng sẽ sớm công bố một hợp đồng 10 chiếc thân rộng A350-900 với Ethiopian Airways, và xác nhận một hợp đồng 5 tỷ USD khác với hãng bay giá rẻ Viva Air Peru.
Airbus hôm qua cũng nhận được đơn hàng 100 chiếc A320neo từ GECAS và 12 chiếc A321neo từ Air Lease Corporation. Họ cũng mới ra mắt A380Plus - phiên bản nâng cấp của dòng máy bay lớn nhất thế giới - A380.(Vnexpress)