Thu giữ hơn chục ngàn đôi giày Trung Quốc nhái hàng Mỹ; Người Trung Quốc 'trục lợi' giá hồ tiêu; Chính phủ phê duyệt lộ trình phát triển thị trường trái phiếu; Dừng mỏ sắt Thạch Khê nguy cơ “mất trắng” 2.000 tỷ đồng vốn nhà nước
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 14-08-2017
- Cập nhật : 14/08/2017
Ngành trồng trọt sẽ đạt tăng trưởng trên 2%
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thị trường xuất khẩu rau quả hiện có nhiều triển vọng tốt với sự chấp thuận của một số thị trường trọng điểm, tiềm năng. Yếu tố này sẽ đảm bảo mức tăng trưởng của ngành trồng trọt năm 2017 đạt từ 2 - 2,05%.
Ngành trồng trọt đang tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển mạnh đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác phù hợp nhu cầu thị trường, nhất là các loại cây ăn quả có thị trường tiêu thụ tốt. Đặc biệt, năm nay đầu ra cho rau quả rất khả quan khi giá hầu hết các loại quả đều tăng và giá lúa cũng ổn định.
Ngành bám sát diễn biến thời tiết để kịp thời điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất (thời vụ gieo trồng, cơ cấu và diện tích cây trồng), đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do diễn biến bất thường của thời tiết, nhất là ở những vùng thường xuyên bị thiên tai như Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với một số cây công nghiệp dài ngày, ngành tập trung tái canh cà phê, điều để duy trì năng suất, sản lượng; đẩy mạnh thâm canh cây chè, ổn định diện tích cao su.
Đặc biệt, đối với sản xuất vụ lúa Mùa và Thu Đông (ở đồng bằng sông Cửu Long), vụ Đông (ở miền Bắc), Cục Trồng trọt có hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể; trong đó chú ý tăng cường sử dụng giống tốt, năng suất chất lượng cao để nâng cao giá trị.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, vụ Thu Đông tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm nay có ý nghĩa đặc biệt. Đây là vụ lúa bù đắp cho sản lượng lúa cả nước đã bị tụt giảm trong vụ Đông Xuân 2017 (sản lượng lúa Đông Xuân cả nước năm 2017 giảm 296.600 tấn so với năm 2016).
Bên cạnh đó trong bối cảnh giá lúa gạo đã và đang được dự báo rất tốt từ nay tới cuối năm, đây là cơ hội để nông dân đồng bằng sông Cửu Long tranh thủ thời cơ phục vụ xuất khẩu, tăng thu nhập.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, để sản xuất lúa Thu Đông năm nay đảm bảo ăn chắc, trước hết các địa phương đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung tăng cường theo dõi dự báo và phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh phát sinh thành dịch, gây hại trên diện rộng để bảo vệ diện tích và năng suất lúa.
Đặc biệt, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân trong vụ Thu Đông là ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm phục vụ xuất khẩu có giá trị cao như: Jasmine 85, Nàng Hoa 9, VD20...; các giống lúa chủ lực xuất khẩu đạt tiêu chí hạt dài, trắng trong, không bạc bụng chiếm tỉ trọng xuất khẩu cao như: OM4900, OM6976, OM5451, OM 7347…
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất của ngành trồng trọt tăng 1,66%.(TTXVN)
----------------------------
Nhận diện rủi ro cho vay tại các ngân hàng: Thấy gì qua những vụ án sai phạm
Rất nhiều vụ án tại các ngân hàng xảy ra một cách thường xuyên, phần lớn có liên quan đến hoạt động cho vay không đúng quy định của pháp luật. Số tiền của các sai phạm này lên đến hàng ngàn tỷ đồng và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các ngân hàng hiện nay.
Các vụ án ngân hàng liên quan đến vi phạm hoạt động cho vay của các ngân hàng gần đây đã làm thất thoát hàng ngàn tỷ đồng. Ảnh: CTV
Thực tế cho thấy, trong các vụ án có liên quan về vi phạm trong quy định cho vay tại các ngân hàng trong thời gian gần đây, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ – Luật Sư (TS.LS) Bùi Quang Tín cho biết nguyên nhân phần lớn là liên quan đến giả mạo hồ sơ cho vay.
Cụ thể, trong vụ sai phạm liên quan đến Phạm Công Danh, ngân hàng Sacombank đã chấp nhận cho vay bằng cách lập và ký các báo cáo kinh doanh giả mạo thông qua các công ty sân sau. Theo đó, Phạm Công Danh đã đem 6 công ty "sân sau" của ông ta ra đứng tên vay và “qua mặt” ông Trầm Bê một cách dễ dàng để vay 1.800 tỷ đồng bằng cách ký các loại tài liệu giả do kế toán lập, gồm: Bảng cân đối số phát sinh năm 2012, báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ, chi tiết tài sản cố định, tổng hợp nợ cuối kỳ, …
Về hình thức, tiếp sức cho phi vụ vay vốn này có 6 giám đốc của 6 công ty "sân sau" của ông Danh như đã nêu. Tuy nhiên, có một thực tế là cả sáu người này thì người là lái xe, bảo vệ hoặc nhân viên tiếp thị… thuộc Tập đoàn Thiên Thanh của ông Danh và mỗi giám đốc này lãnh lương từ 5-10 triệu đồng người/tháng.
Như vậy, vụ việc trên đã vi phạm Khoản 3 Điều 7 quy chế cho vay 1627 sửa đổi, bổ sung về “Điều kiện cho vay”: tức là ông Danh không có khả năng tài chính đảm bảo trả nợ trong thời hạn cam kết, vì gần như tất cả giấy tờ chứng minh về tài chính và hồ sơ kinh doanh đều là giả mạo; vi phạm Khoản 2 Điều 15 quy chế cho vay trên “Thẩm định và quyết định cho vay”; vi phạm Điều 21 về kiểm tra, giám sát vốn vay; vi phạm điểm b khoản 1 Điều 25 về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức tín dụng “Từ chối yêu cầu vay vốn của khách hàng nếu thấy không đủ điều kiện vay vốn, dự án vay vốn hoặc phương án vay vốn không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của Pháp luật hoặc tổ chức tín dụng không có đủ nguồn vốn để cho vay”.
Với vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tại ngân hàng ACB, ngày 8/8/2013, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm phạm tội kinh doanh trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế và cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) và một số công ty trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Bầu Kiên biết rõ quy định của NHNN về trần lãi suất, nhưng vì muốn bảo vệ lợi ích của nhóm cổ đông ACB, bầu Kiên đã đề xuất, chỉ đạo Thường trực HĐQT ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác.
Bầu Kiên có vai trò lớn trong việc chỉ đạo ủy thác cho 19 nhân viên ACB gửi tiền vào VietinBank đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro VietinBank chi nhánh TP Hồ Chí Minh, chiếm đoạt, gây thiệt hại cho ACB gần 719 tỉ đồng.
Việc bầu Kiên chỉ đạo dùng tiền huy động từ dân không sử dụng vào mục đích cho vay để phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết an sinh xã hội, kinh doanh không nằm trong lĩnh vực được cấp phép mà ủy thác cho các tổ chức cá nhân gửi vào các ngân hàng làm sai lệch số lượng tiền gửi, cũng như tài sản thực có của ngân hàng, gây rối loạn thị trường tiền tệ.
Theo đó, vụ án bầu Kiên đã vi phạm quy định tại Điều 106 Luật các TCTD 2010 về Nghiệp vụ ủy thác và đại lý “Ngân hàng thương mại được quyền ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, kinh doanh bảo hiểm, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước"(Baotintuc)
-----------------------
Chính phủ thống nhất loạt giải pháp để đạt mục tiêu GDP năm nay
“Không thể ép sản xuất mà không có hiệu quả, ít ra là phải thu hồi vốn, không thua lỗ. Chứ không phải ép sản xuất bằng mọi giá để mà thua lỗ. Mục tiêu tăng trưởng là quan trọng nhưng hiệu quả kinh tế kèm theo cũng quan trọng”.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm rà soát lại kế hoạch năm 2017, đề ra các biện pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó tập trung vào mục tiêu tăng trưởng GDP sáng 12/8.
Đây cũng là lần thứ hai trong vòng hơn 2 tháng qua Thủ tướng phải triệu tập một cuộc họp nhằm tìm các giải pháp hữu hiệu nhất để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế GDP của năm nay ở mức 6,7%.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chỉ tiêu GDP liên quan đến việc làm, tích lũy, nợ công và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Do đó, phải có những giải pháp, quyết tâm, những đột phá, quyết liệt hơn ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn để đóng góp cho tăng trưởng.
Để hoàn thành kế hoạch cả năm là tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%, đây là mức tăng trưởng cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn, nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và người dân.
Tại cuộc họp kéo dài gần 5 giờ đồng hồ, kết thúc vào gần 1h chiều ngày 12/8, Thường trực Chính phủ đã rà soát lại từng mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực để xem xét khả năng, mức độ hoàn thành, các vướng mắc và biện pháp tháo gỡ. Ý kiến các bộ, tập đoàn, tổng công ty đều cho biết có thể hoàn thành kịch bản đề ra đối với ngành, lĩnh vực.
Bên cạnh những kết quả hiện tại, Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề trong bối cảnh khu vực và thế giới diễn biến khó lường, thời tiết thất thường. Do đó, không thể chủ quan, cần nêu cao quyết tâm chính trị để hoàn thành xuất sắc, toàn diện cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao.
Nhất trí với các ý kiến, giải pháp được nêu ra tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh phải tổ chức thực hiện tốt, thường xuyên, liên tục đôn đốc, kiểm tra, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong điều hành, quản lý.
“Chủ trương 1, biện pháp 10, quyết tâm 20 thì mới thúc đẩy được công việc đang ở phía trước”, Thủ tướng nêu rõ.
Các bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong điều hành các công cụ tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, bảo đảm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.
Theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế xã hội hiện nay.
Thủ tướng cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức một số cuộc họp chuyên đề để giải quyết một số vấn đề nêu ra hôm nay, nhất là vấn đề thuế, phí của một số ngành sản xuất, quỹ xúc tiến du lịch, thúc đẩy vùng kinh tế trọng điểm…
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng nhất trí các giải pháp về tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo niềm tin thị trường, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng tiêu dùng, nâng cao chất lượng hàng nội địa, giảm khó khăn, rủi ro trong sản xuất kinh doanh; tăng đầu tư cho sản xuất kinh doanh, giảm chi phí doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại…
Cùng với đó phải đổi mới, tháo gỡ các cơ chế quản lý trói buộc sự phát triển, nhất là thể chế. Đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn.
Giải ngân vốn đầu tư là vô cùng quan trọng đối với tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tư nhân, đầu tư FDI để tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP.(Vneconomy)
------------------------------
VPBank đặt kế hoạch lãi ròng hợp nhất năm 2018 hơn 8.500 tỷ đồng, ROE vượt 25%
Lợi nhuận liên tục tăng mạnh trong những năm gần đây, VPBank tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2018 đạt 48,4%. Cổ tức dự kiến 15%.
Đây là kế hoạch tài chính năm 2018 được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) công bố trong Bản cáo bạch niêm yết lần đầu cung cấp cho nhà đầu tư trước thềm niêm yết trên HoSE vào 17/8.
Theo đó, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2018 của riêng Ngân hàng mẹ tăng trưởng 68,4% lên 4.015 tỷ đồng, lãi ròng hợp nhất đạt 8.528 tỷ đồng, tăng trưởng 48,4%, cao hơn mức lợi nhuận tăng dự kiến trong năm nay (46,2%).
Cũng phải nói thêm rằng, VietinBank, quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2016, đạt gần 6.860 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Nếu Vietinbank không giữ được "phong độ" tăng trưởng lợi nhuận 24,4% sau 2 năm, ông lớn Nhà nước này đối diện khả năng bị VPbank "vượt mặt" dù vốn điều lệ của VietinBank hiện vẫn đang gấp gần 3,5 lần VPBank.
Vốn chủ sở hữu của VPBank dự kiến tăng hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2017 từ mức 17.177 tỷ đồng lên 29.208 tỷ đồng sau khi VPBank chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 32,83% và hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ. Bên cạnh đó, lợi nhuận năm 2017 đặt ra ở mức 5.750 tỷ đồng có thể kéo lợi nhuận chưa phân phối tăng một khoản tương ứng.
Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của VPBank dự kiến vẫn quanh mức 25%, cao hơn mặt bằng chung ngành ngân hàng hiện nay. Mức cổ tức sau khi ngân hàng tăng vốn vẫn duy trì ở mức khoảng 15% là mức cao trên thị trường hiện nay.
Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tiếp tục tăng trưởng đạt hơn 26% trong năm 2017 và 2018. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/ dư nợ cho vay theo kế hoạch sẽ tăng đều từ 2,7% năm 2016 lên mức 3,1% năm 2017 và 3,7% trong năm 2018.
Theo cáo bạch của ngân hàng, các phân khúc khách hàng chính mà VPBank hướng đến là Ngân hàng bán lẻ, Tín dụng tiêu dùng, Tín dụng tiểu thương, Ngân hàng DNVVN, Ngân hàng doanh nghiệp. Trong đó, hoạt động tín dụng tiêu dùng thông qua FE Credit vẫn đang được ví như con gà “đẻ” trứng vàng cho VPBank với tỷ lệ lãi cận biện (NIM) ước tính lên tới 27,7%. Tín dụng tiểu thương là một phân khúc mới vừa được VPBank đưa vào hoạt động trong năm 2015, cũng đóng góp khá lớn vào tăng trưởng quý II/2017 của nhà băng này.(NDH)