Việt Nam xuất siêu 1,7 tỷ USD
1 năm Luật Doanh nghiệp mới: Hơn 100 nghìn doanh nghiệp ra đời
Khó tiếp cận quỹ bảo lãnh tín dụng
Dự án 37 triệu USD vào nông nghiệp ở Quảng Trị: Không được gia hạn giải quyết vướng mắc thêm một lần nào nữa
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 18-07-2016
- Cập nhật : 18/07/2016
HSBC dự báo lãi suất sẽ tăng vào quý III/2017
Ngân hàng Nhà nước khả năng sẽ nâng lãi suất ở kênh thị trường mở thêm 0,5% lên mức 5,5% trong quý III/2017 theo báo cáo vĩ mô châu Á tháng 7 của HSBC.
Các chuyên gia của Ngân hàng HSBC cho rằng, lạm phát cơ bản tuy vẫn nằm trong vòng kiểm soát, dao động từ 1,6% đến 2% trong suốt một năm qua nhưng sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu nội địa dồi dào cùng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ. Điều này sẽ hạn chế khả năng nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.Và theo ngân hàng này, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ nâng lãi suất ở kênh thị trường mở thêm 0,5%, lên mức 5,5% trong quý III/2017.
Báo cáo của HSBC cũng nhận định, mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá mỏng để đối phó với những trường hợp rủi ro bất ngờ. Theo dữ liệu mới nhất từ IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm xuống 27,9 tỷ USD, tương đương hai tháng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo số liệu vào cuối năm 2015.
Dựa trên dữ liệu thương mại và danh mục đầu tư hiện có cùng báo cáo truyền thông tại chỗ, HSBC cho rằng nguồn dự trữ có thể đã hồi phục về mức 33,6 tỷ USD (tương đương 2,5 tháng nhập khẩu) trong quý I/2016. "Tuy nhiên, chỉ số này vẫn còn thấp, đặc biệt xét trong bối cảnh rủi ro đồng nhân dân tệ biến động, ảnh hưởng đến tiền Việt Nam", các chuyên gia phân tích.
Cán cân tài khoản vãng lai của Việt Nam chịu nhiều áp lực giữa năm 2015 khi dòng vốn chảy ra nước ngoài sau đợt thay đổi tỷ giá của đồng nhân dân tệ vào tháng 8. Tuy nhiên, tài khoản vãng lai đã cải thiện đáng kể trong quý IV năm ngoái do dòng vốn ra nước ngoài đã ổn định nhờ dự đoán đồng Việt Nam bớt mất giá.
HSBC kỳ vọng thặng dư tài khoản vãng lai tăng từ 0,5% năm 2015 lên 0,7% GDP trong năm 2016. Song, cán cân tài khoản vãng lai nhiều khả năng trở về mức thâm hụt trong năm sau do nhu cầu trong nước dồi dào giúp nhập khẩu tăng.
Thâm hụt ngân sách vẫn tăng cao, buộc nhà nước phải tiến hành cải thiện nguồn thu ngân sách song song với kiểm soát chi tiêu. Trong năm 2016, ngân hàng dự đoán thâm hụt ngân sách sẽ nới rộng lên mức 6,6% GDP, khiến tỷ lệ nợ công trên GDP tiến đến ngưỡng giới hạn 65% do Quốc hội đặt ra. "Để giành lại cơ hội tài chính, Việt Nam cần nỗ lực mở rộng cơ sở doanh thu và giảm thiểu chi tiêu hiện tại, nhưng những cải cách này không thể thực hiện một sớm một chiều", các chuyên gia nhận định.
Xe sang ồ ạt về Việt Nam trong tháng 6 để né thuế cao
Riêng trong tháng 6, lượng xe nguyên chiếc về Việt Nam giảm gần 30% nhưng giá trị nhập khẩu vẫn tăng, cho thấy các nhà buôn ồ ạt nhập xe sang về trước ngày tăng thuế 1/7.
Tổng cục Hải quan vừa công bố số liệu tình hình nhập khẩu 6 tháng đầu năm. Theo đó, nếu tính luỹ kế cả 6 tháng đầu năm, số xe nguyên chiếc nhập khẩu giảm hơn 9% xuống 49.890 chiếc. Tương tự, giá trị nhập khẩu cũng giảm 19,3% còn hơn 1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, tình hình nhập khẩu riêng trong tháng 6 lại có nhiều biến động bất thường. Cụ thể, tổng ôtô nhập khẩu về Việt Nam là 8.663 chiếc - giảm hơn 4.000 chiếc, khoảng gần 30% so với tháng trước đó. Thế nhưng, kim ngạch nhập khẩu của những lô xe này lại tăng gần 5% lên gần 248 triệu USD. Như vậy, dù nhập ít xe trong tháng 6 hơn nhưng các doanh nghiệp lại có xu hướng nhập về xe sang để "né" thuế cao.
Theo quy định, từ ngày 1/7, các dòng xe đắt tiền có dung tích động cơ từ 2,5 lít sẽ tăng mạnh thuế tiêu thụ đặc biệt, xe càng có dung tích lớn thuế sẽ càng cao. Riêng xe trên 6 lít, thuế tiêu thụ đặc biệt thậm chí còn tăng 60-150%.
Tháng 6 cũng ghi nhận lượng tham gia ồ ạt của xe nguyên chiếc Thái Lan vào Việt Nam. Theo đó, trong khi số xe từ Hàn Quốc về Việt Nam là 1.737 chiếc; xe Trung Quốc là 1.152 chiếc thì ôtô Thái Lan đạt 2.579 chiếc. Thái Lan cũng là nước từ đầu năm xuất sang Việt Nam nhiều ôtô nguyên chiếc nhất với 15.117 xe, đạt kim ngạch 276,5 triệu USD.
Quặng và một số khoáng sản khác là mặt hàng có mức tăng vọt về lượng nhập khẩu nhất trong tháng 6 - tăng gần 91% so với tháng 5 trong khi xăng dầu giảm cả về lượng nhập lẫn kim ngạch.
Doanh nghiệp Việt bị giả mạo email lừa đảo chuyển tiền
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Vecita), Bộ Công Thương mới tiếp nhận thông tin về trường hợp doanh nghiệp Việt Nam bị lừa đảo tài chính trong quá trình giao dịch với đối tác tại nước ngoài.
Cụ thể, tháng 6/2016, một doanh nghiệp tại TP HCM ký hợp đồng mua bán nguyên liệu hạt nhựa với đối tác tại Singapore. Hai bên là đối tác thường xuyên, đã nhiều lần thanh toán qua ngân hàng tại Singapore.
Trong tháng 6, doanh nghiệp Việt nhận được email từ đối tác Singapore thông báo lý do công ty đang bị kiểm toán nên yêu cầu đơn vị này thanh toán qua tài khoản ngân hàng tại Cộng hòa Séc (kèm theo là chứng từ ủy quyền). Tên tài khoản tại ngân hàng này cũng là tên doanh nghiệp đối tác. 2 ngày sau, doanh nghiệp Việt thực hiện chuyển tiền. Tuy nhiên một tuần sau, công ty liên lạc với đối tác tại Singapore thì họ cho biết không có yêu cầu như vậy và không có ngân hàng tại Cộng hòa Séc.
Vecita nhận định, các thông tin giao dịch của 2 bên qua thư điện tử đã bị đánh cắp. Ngay sau khi doanh nghiệp Việt Nam chuyển khoản, đối tượng đánh cắp đã tới ngân hàng và rút phần lớn số tiền.
Cục cũng cho biết đã liên hệ với Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Séc để tư vấn cho doanh nghiệp, đồng thời đề nghị công ty này liên hệ với Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Tổng Cục cảnh sát, Bộ Công An để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, Vecita cho biết, đây cũng là bài học cho các doanh nghiệp Việt Nam khác về bảo mật thông tin khi làm việc với đối tác nước ngoài. Trước đó, cơ quan quản lý từng thông tin về những vụ việc tương tự để cảnh báo doanh nghiệp.
Người Việt ngày càng chuộng hoa quả Australia, Mỹ, Thái
Giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam từ các thị trường Australia, New Zealand, Thái Lan trong 6 tháng đầu năm tăng 2-4 lần so với cùng kỳ.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 351 triệu USD, tăng tới 40% so với cùng kỳ 2 năm trước đó. So với cùng kỳ 2013, con số này cũng tăng trưởng gấp đôi.
Đặc biệt, con số nhập khẩu rau quả từ một số thị trường tăng mạnh như Australia tăng 4 lần đạt gần 20 triệu USD, New Zealand tăng xấp xỉ 2 lần đạt 11,3 triệu USD. Tính riêng tháng 6, giá trị nhập khẩu rau quả từ 2 thị trường này tăng gấp 3 lần.
Vẫn dẫn đầu về giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam là thị trường Thái Lan. Kể từ năm 2015, quốc gia này đã vượt qua Trung Quốc để giữ vị trí quán quân về xuất khẩu mặt hàng trên vào Việt Nam.
Điều đáng chú ý là so với cùng kỳ, giá trị nhập khẩu rau quả Thái đã tăng gấp 2 lần. Nếu như năm ngoái, con số này chỉ đạt khoảng 78 triệu USD thì nửa đầu năm nay là 144 triệu USD. Cả năm 2015, Việt Nam đã chi 200 triệu USD để nhập rau quả từ thị trường Thái Lan.
Mỹ cũng nằm trong số 3 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều rau quả nhất với 32 triệu USD. Rau quả từ thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil cũng đều tăng so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá trị nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc tuy có tăng nhưng mức độ chậm, chỉ khoảng 30%, đạt 80 triệu USD.
Hiện nay trên thị trường, các loại hoa quả nhập khẩu từ các thị trường Mỹ, Úc, New Zealand được bán với giá cao gấp nhiều lần so với mặt hàng trong nước hoặc từ thị trường Trung Quốc.