Tập đoàn may mặc Luen Thai Hong Kong tiếp tục đầu tư vào Việt Nam
Bến xe miền Đông mới được đầu tư 4.000 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước tham gia vào HĐQT NH Đông Á
Sẽ xuất khẩu cá chình VN
Có nhà máy điện chào bán giá
1 đồng/kwh
Tin kinh tế đọc nhanh 25-08-2015
- Cập nhật : 25/08/2015
Trung Quốc kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu gạo VN giảm mạnh
Sáng 24-8, theo tin từ Tổng cục Thống kê (TCTK), xuất khẩu gạo sang Trung Quốc giảm mạnh bởi TQ đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới...
Nông dân như ngồi trên lửa do không bán được lúa, các DN xuất khẩu gạo thì gặp khó do gạo tồn kho ngày một nhiều mà không biết bán ở đâu..
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 8 vừa qua cũng giảm 0,16%. Lý do TCTK nêu từ tháng 3-2015 đến nay chỉ số giá lương thực liên tục giảm mà nguyên nhân chính là tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Xuất khẩu gạo sang TQ giảm mạnh bởi TQ đang kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu gạo theo hình thức qua biên giới, tăng cường nhập khẩu theo đường chính thức từ nhiều nguồn cung cấp với giá thấp của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.
Ngoài ra, trước đây Thái Lan chủ yếu tập trung xuất khẩu các sản phẩm gạo cao cấp, thị phần gạo cấp thấp gần như không quan tâm nhưng trong hai năm trở lại đây, Thái Lan bắt đầu gia tăng chiếm lĩnh thị trường gạo cấp thấp - thị phần chủ yếu của gạo Việt Nam.
Mặt khác, thời gian gần đây Myanmar và Campuchia nổi lên là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam và đã từng bước chiếm lĩnh thị trường. Xuất khẩu gạo gặp khó khăn đã tác động đến giá bán buôn, bán lẻ gạo trong nước giảm theo, kéo chỉ số giá nhóm này giảm xuống.
TCTK công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2015 với mức giảm 0,07% so với tháng trước. Như vậy tính từ tháng 12-2014, tám tháng qua CPI của VN mới tăng 0,61%.
Báo cáo của TKTK nêu nhiều nguyên nhân khiến CPI tháng 8-2015 giảm, nhưng có bốn lý do chủ yếu:
Thứ nhất, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm vào ngày 20-7-2015 và ngày 4-8-2015.
Thứ hai, từ ngày 1-8-2015, giá gas điều chỉnh giảm 8.000-10.000 đồng/bình 12kg.
Thứ ba, tháng 8 thời tiết một số địa phương đã dịu, bớt nắng nóng hơn nên lượng điện tiêu dùng thấp hơn so với tháng trước, làm chỉ số giá nhóm điện giảm 0,32%; giá vật liệu xây dựng giảm nhẹ 0,01% do mùa mưa nên nhu cầu xây dựng chững lại.
Nhập hàng từ Trung Quốc vẫn tăng mạnh
Tổng cục Hải quan vừa công bố kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước trong bảy tháng đầu năm 2015 đạt hơn 187 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2014.
7 tháng VN nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc lên gần 28,4 tỉ USD, tăng khoảng 5 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó xuất khẩu đạt 91,77 tỉ USD, tăng 9% và nhập khẩu đạt hơn 95,29 tỉ USD, tăng 16%.
Điểm đáng lưu ý là nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc lên gần 28,4 tỉ USD, tăng khoảng 5 tỉ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
VN nhập chủ yếu hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc với trị giá 5,29 tỉ USD, chiếm 32% tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.
Tiếp theo là nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày, điện thoại các loại và linh kiện...
Lập dự án nhà máy điện mặt trời tại Ninh Thuận
Ngày 24-8, UBND tỉnh Ninh Thuận đã đồng ý về mặt nguyên tắc cho Công ty TNHH Giải pháp năng lượng gió HBRE đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời HBRE tại xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải.
Dự án có diện tích 50 ha, công suất 25MW, sử dụng công nghệ PV với tổng mức đầu tư khoảng 825 tỷ đồng.
Ông Võ Đại, phó chủ tịch UBND tỉnh, cho biết thời gian qua, chủ dự án đã lắp đặt hệ thống trạm quan trắc để đo đạc năng lượng bức xạ mặt trời bằng máy đo bức xạ “SOLAR-100” của hãng Amprobe tại khu vực dự kiến triển khai để có cơ sở đánh giá tính khả thi của dự án.
Sau đó, chủ dự án đã có báo cáo số liệu thực tế đo được và kết quả cho thấy phù hợp với việc khai thác tiềm năng năng lượng mặt trời cung cấp nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch cho tỉnh.
Tuy nhiên, theo ông Đại, hiện UBND tỉnh đang chỉ đạo cho các sở ngành liên quan yêu cầu phía chủ dự án phải chứng minh năng lực tài chính, thực hiện ký quỹ triển khai dự án, hoàn thiện các thủ tục bổ sung quy hoạch dự án điện mặt trời HBRE vào quy hoạch phát triển điện mặt trời tỉnh Ninh Thuận, sau đó UBND tỉnh mới có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, địa điểm đầu tư.
Ông Nguyễn An tạm thời điều hành Ngân hàng Đông Á
Ông Nguyễn An sinh năm 1969, công tác tại Ngân hàng (NH) Đông Á từ năm 1993, trải qua nhiều vị trí khác nhau như PGĐ chi nhánh Hà Nội, rồi làm giám đốc các CN của NH Đông Á.
Ông Nguyễn An sinh năm 1969, bắt đầu công tác tại NH Đông Á từ năm 1993, trải qua nhiều vị trí khác nhau như phó giám đốc chi nhánh Hà Nội, rồi làm giám đốc các chi nhánh Bạc Liêu, Đà Nẵng, Cần Thơ trước khi được bổ nhiệm là phó tổng giám đốc NH Đông Á từ tháng 3-2008 đến nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ khi nhận vị trí điều hành, ông Nguyễn An nói lúc này NH đang khó khăn, bản thân ông đã gắn bó với NH Đông Á 22 năm và hiện đang phụ trách mảng khách hàng cá nhân, là mảng cốt lõi của NH Đông Á với 7 triệu khách hàng ông tự tin đưa NH Đông Á vượt qua khó khăn hiện nay.
Sau khi NH Nhà nước (NHNN) rút lại quyết định cử nhân sự NH Đầu tư và phát triển (BIDV) tham gia điều hành NH Đông Á, hội đồng quản trị NH Đông Á đã có nghị quyết cử ông Nguyễn An, phó tổng giám đốc NH Đông Á, tạm thời điều hành hoạt động của NH nhằm đảm bảo các hoạt động được ổn định, liên tục.
Nghị quyết được công bố sáng nay, 24-8. Trong khi chờ quyết định của cơ quan có thẩm quyền về bổ nhiệm tổng giám đốc, ông Nguyễn An, ban điều hành và các nhân sự có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp cùng Ban Kiểm soát đặc biệt của NH Đông Á để thực hiện nghị quyết này.
Lúc 9g sáng nay tại hội sở NH Đông Á, bà Vũ Thị Vang, thành viên HĐQT, đã thay mặt HĐQT triệu tập lãnh đạo hội sở và các chi nhánh để phổ biến chủ trương mới của NHNN đối với NH Đông Á.
Tại buổi họp này, bà Vang đã đọc quyết định của NHNN về dừng việc chỉ định nhân sự NH BIDV tham gia điều hành NH Đông Á và quyết định cho phép NH Đông Á được tự cử người điều hành và khẩn trương tìm nhân sự dự kiến bổ nhiệm làm tổng giám đốc.
Trong thời gian NH Đông Á khuyết chức danh tổng giám đốc, NHNN cũng cho phép nơi này được cử ngay một phó tổng giám đốc điều hành hoạt động NH.
Bà Vang cũng đọc văn bản NHNN gửi Ban kiểm soát về việc xây dựng phương án xây dựng củng cố NH Đông Á.
Theo đó, NHNN yêu cầu Ban kiểm soát đặc biệt chỉ đạo HĐQT NH Đông Á khẩn trương phối hợp chặt chẽ với ông Trần Phương Bình để xây dựng phương án tổ chức và hoạt động gồm cả phương án xử lý nợ xấu theo quyết định tại thông tư 07-2013 về quyết định kiểm soát đặc biệt.
Ông Bình chịu trách nhiệm xây dựng phương án này nhằm khắc phục tồn tại, yếu kém và vi phạm nêu tại kết luận Thanh tra 20 ngày 23-7-2015 trình HĐQT Đông Á phê duyệt trước khi trình Ban kiểm soát đặc biệt NH Đông Á.
Nhiều mặt hàng nhập khẩu bán lẻ tăng giá
Các nhà bán lẻ cho biết một số hàng tiêu dùng nhập khẩu rục rịch tăng giá sau hai đợt điều chỉnh tăng tỉ giá và nới biên độ của Ngân hàng Nhà nước.
Nhà bán lẻ “té nước theo mưa”. Ghi nhận tại thị trường TP.HCM, giá một số loại sữa nước, sữa bột đã điều chỉnh tăng nhẹ, chủ yếu do tâm lý đón đầu. Một chủ cửa hàng sữa trên đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) cho biết đã nhích nhẹ 5.000 - 10.000 đồng/thùng sữa.
Tuy nhiên, theo các chủ cửa hàng, giá sữa nhập khẩu tăng chủ yếu là hàng xách tay, sữa do doanh nghiệp VN sản xuất trong nước chưa có biến động gì.
Tương tự, một số cửa hàng bán hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Mỹ cũng muốn tăng giá. Tại cửa hàng chuyên bán hàng nhập khẩu từ Mỹ trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, chị Minh (chủ cửa hàng) khẳng định các lô hàng về cuối tuần qua đều có giá mới tăng thêm 5 - 7% tùy món.
“Hàng đặt mua từ cả tháng trước nhưng chưa kịp chuyển về, phí vận chuyển cũng tính bằng USD nên khi tỉ giá tăng thì giá phải tăng” - chị Minh cho hay. Theo chị Minh, các loại túi xách, bánh kẹo, thực phẩm... đều tăng giá thêm ít nhất 5% do lần tăng tỉ giá trước cửa hàng đã chủ động giữ giá.
Theo ông Ngô Tuấn Cường - giám đốc ngành hàng thực phẩm khô Lotte Mart VN, các mặt hàng chịu ảnh hưởng bởi tỉ giá chiếm khoảng 10% trong ngành của hệ thống. Hiện nay, các mặt hàng bánh kẹo nhập khẩu, sữa đã có chiều hướng tăng nhẹ khoảng 2%.
Nhưng mức này chưa phải cao nhất do những biến động trực tiếp lên sản phẩm thời điểm này chưa nhiều. Dự kiến trong thời gian khoảng ba tháng tới mới có biến động về giá vì một số đơn hàng đã được chốt giá.
* Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 giảm 0,12% so với tháng 7. Hai đợt giảm giá xăng dầu ngày 20-7 và 4-8 đã kéo chỉ số giá của nhóm giao thông xuống mức thấp nhất trong rổ tính giá, giảm tới 2,4%.
Cùng với giao thông, có tới bốn nhóm cùng giảm giá là nhà ở, điện nước, chất đốt giảm 0,66%, hàng hóa dịch vụ khác giảm 0,32%, văn hóa giải trí giảm 0,06%, thiết bị đồ dùng gia đình giảm nhẹ 0,01%.