DN Hoa Kỳ muốn tham gia dự án sân bay Long Thành
Dự án 1,9 tỷ USD của Bitexco được chấp thuận đầu tư
33 doanh nghiệp Đài Loan đến Việt Nam tìm đối tác
Xuất khẩu dầu thô mất gần 50% trị giá
Duyệt quy hoạch khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang rộng 15.585ha
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 23-08-2015
- Cập nhật : 23/08/2015
21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa thể giải ngân
Ngành năng lượng và giao thông vận tải được đánh giá là có tiến bộ trong việc giải ngân vốn ODA cho các dự án.
Trước tình trạng vốn ODA bị “treo” không thể giải ngân được, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa chỉ đạo các bộ, ngành sớm ban hành chính sách, cơ chế sử dụng nguồn vốn này.
Theo đó, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và ban hành văn bản pháp quy về chính sách, cơ chế tài chính đối với việc sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi phù hợp với quy định hiện hành và tình hình, khả năng vận động nguồn vốn này trong thời gian tới.
Đánh giá của Chính phủ, cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2015, các ngành, các cấp đã chủ động, tích cực, trong công tác vận động, tổ chức thực hiện và giải ngân nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.
Nhiều cơ quan đã triển khai hiệu quả chủ trương chuyên nghiệp hóa ban quản lý dự án; chủ động tự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Có 10 dự án đã cơ bản giải quyết xong các vướng mắc, giải ngân đạt nhiều tiến bộ, trong đó nổi bật là các dự án trong ngành năng lượng và giao thông vận tải.
Tuy nhiên, kết quả ký kết hiệp định và tốc độ giải ngân chương trình, dự án vẫn chậm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.
Vẫn còn 21 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã cam kết nhưng chưa được giải ngân; 14 dự án, nhất là các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và Tp.HCM triển khai rất chậm, làm dư luận bức xúc và gây lo ngại cho các nhà tài trợ.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương làm chủ quản các chương trình, dự án có tỷ lệ giải ngân 6 tháng đầu năm thấp và trong danh sách chậm tiến độ cần quyết liệt hơn trong điều hành công tác giải ngân.
Ông nhấn mạnh, vấn đề giải phóng mặt bằng là khâu then chốt, đột phá cần được tập trung tháo gỡ để thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình, dự án.
Tác động của tỷ giá đối với các chỉ số vĩ mô
Sau 2 đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua, kể từ đầu năm tới nay, đồng Việt Nam đã giảm giá hơn 5% so với đồng USD.
Ngân hàng Nhà nước đã không thể giữ được cam kết từ đầu năm là chỉ điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay. Tuy nhiên, thị trường đón nhận chính sách này như một sự tất yếu trong bối cảnh nhiều đồng nội tệ ở châu Á cũng phá giá.
Việc phá giá tiền Đồng rõ ràng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản. Với các chỉ số vĩ mô khác, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng CPI, các chuyên gia kinh tế dự báo sẽ có nhích lên nhưng trong tầm kiểm soát.
Tỷ giá tăng, các doanh nghiệp phải sử dụng nhiều tiền Đồng hơn để đổi USD, rồi từ đó dùng USD nhập nguyên vật liệu máy móc về sản xuất. Điều này sẽ khiến chi phí và giá bán tăng ở một số mặt hàng sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu như sữa, hàng thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, đồ nhựa. Tuy nhiên, mức tăng này không ảnh hưởng đến lạm phát vì hiện nay lạm phát của Việt Nam đang ở mức thấp do chi phí vận chuyển đang thấp. CPI bình quân 8 tháng đầu năm nay chỉ khoảng 0,68%.
Tác động của việc giảm giá tiền Đồng đến lạm phát chủ yếu nằm ở phần nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ như ô tô, điện thoại, hàng điện tử. Hiện các mặt hàng này chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Vinalines dự kiến thu 1.500 tỷ đồng bán cổ phần cảng Hải Phòng
Theo tờ trình mới nhất của Vinalines cuối tuần, doanh nghiệp sẽ chuyển nhượng tiếp 29,68% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược để giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Cảng Hải Phòng về 65%. Hiện phần vốn do Vinalines thay mặt Nhà nước nắm giữ tại cảng lớn nhất miền Bắc vẫn chiếm gần 95% trong số vốn điều lệ xấp xỉ 3.270 tỷ đồng.
Tỷ lệ chuyển nhượng lần này tương đương khoảng 970 triệu cổ phiếu. Với giá trị giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội đóng cửa phiên ngày 19/8 là 16.000 đồng mỗi cổ phần, Vinalines cho hay số tiền thu về từ chuyển nhượng khoảng 1.550 tỷ đồng.
Theo tờ trình, hiện vẫn có ba đối tác chiến lược quan tâm gồm Tập đoàn Vingroup, Quỹ đầu tư Quốc vương Oman (SGRF) và Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank).
Đề xuất mua lại số cổ phần nói trên của SGRF từng được ngành giao thông xin ý kiến Chính phủ và cơ bản được các bộ ngành đồng thuận. Trong khi đó việc xin mua tới 80% cổ phần của Nhà nước tại cảng này vẫn chưa được Thủ tướng chấp thuận. Còn Vietinbank đã được sự đồng ý của Ngân hàng Nhà nước để hoán đổi nợ của Vinalines thành vốn góp tại một số cảng thành viên, trong đó có hai cảng lớn nhất nước là Sài Gòn và Hải Phòng.
Về phương thức thoái vốn, theo Tổng giám đốc Vinalines Lê Anh Sơn, doanh nghiệp có thể giao dịch khớp lệnh (thỏa thuận gián tiếp) do đã niêm yết trên sàn hoặc thỏa thuận trực tiếp (có điều kiện) với nhà đầu tư.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng công ty cho rằng, do Cảng Hàng Phòng đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, có khả năng giúp doanh nghiệp phát triển theo mô hình công ty cổ phần nên việc thỏa thuận trực tiếp, có điều kiện là phương thức phù hợp và có khả năng thành công cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, Cảng Hải Phòng thực hiện lưu chuyển 11,39 triệu tấn hàng hoá, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu đạt gần 837 tỷ đồng, trong đó khai thác cảng hơn 823 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ 2014.
Lợi nhuận trước thuế hai quý đầu năm của Cảng Hải Phòng xấp xỉ 191 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng thời gian này năm ngoái.
Theo kế hoạch, tổng sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng năm nay dự kiến đạt 23,5 triệu tấn, tăng 19% so với thực hiện năm 2014. Doanh thu ở mức 1.720 tỷ đồng và lợi nhuận khoảng 380 tỷ đồng. Công ty dự kiến chia cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 6% - tăng so với phương án 5% khi tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng hồi đầu năm ngoái.
Hơn 21.000 ôtô Honda tại Việt Nam bị lỗi túi khí
Honda Việt Nam sẽ tiến hành triệu hồi 21.181 xe ôtô Civic và CR-V để khắc phục lỗi tại bộ phận túi khí. Chương trình triệu hồi dự kiến bắt đầu được thực hiện từ ngày 20/11/2015.
Trong số xe bị lỗi có đến 21.171 chiếc được lắp ráp ngay tại nhà máy Honda Vĩnh Phúc. Cụ thể, mẫu xe Civic bị lỗi được lắp ráp trong khoảng thời gian từ 2006-2011, mẫu xe CR-V được lắp ráp trong khoảng thời gian từ 2008 - 2011.
Chỉ có 10 nhập khẩu nguyên chiếc thuộc diện triệu hồi, bao gồm xe Civic sản xuất từ năm 2005 - 2008 và xe CR-V sản xuất năm 2008.
Thông tin từ hãng xe Nhật Bản cho biết, nguyên nhân dẫn đến lỗi buộc phải triệu hồi là do hiện tượng quá áp bộ thổi khí của túi khí ghế lái hoặc ghế phụ. Hiện tượng này có thể khiến cụm túi khí hoạt động quá mức khi va chạm làm cho các linh kiện bị bắn ra ngoài gây thương vong cho hành khách.
Honda Việt Nam sẽ tiến hành triệu hồi để khắc phục miễn phí cho khách hàng. Liên doanh Nhật Bản cũng khuyến cáo khách hàng kiểm tra và liên hệ trực tiếp đến hệ thống đại lý để đặt lịch hẹn.
Cạnh tranh thua, lồng đèn TQ núp bóng hàng Việt
Ông Huỳnh Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ thuật mới, cho hay những đối tượng làm giả lấy lồng đèn của công ty gắn vào cán đèn TQ hoặc in giả hình ảnh lồng đèn của công ty rồi gắn cán đèn TQ vào. Trong khi đó, bà Lâm Thụy Nguyên Hồng, Giám đốc Công ty Mỹ thuật Gia Long, cũng cho hay lồng đèn giả copy y chang mẫu mã kiểu dáng sản phẩm của công ty. Nhìn bề ngoài người tiêu dùng rất khó phân biệt được.
Một số công ty trong ngành cho biết thêm dù lồng đèn TQ đã lép vế trên thị trường nhưng vẫn còn tồn tại được là do giá rẻ. Mặt khác, không ít người vẫn bán hàng TQ vì lời hơn hàng Việt dù chất lượng loại lồng đèn này kém. Ví dụ, người bán mua một chiếc lồng đèn TQ giá 15.000 đồng, bán đến người tiêu dùng 25.000-30.000 đồng, tức lời 10.000-15.000 đồng. Trong khi bán một chiếc lồng đèn Việt Nam chỉ lời khoảng 5.000 đồng.
Điều đáng lo ngại là nhựa dùng để làm lồng đèn TQ thường là nhựa tái sinh, chất lượng thấp, không đảm bảo an toàn; cán nhựa sử dụng trong lồng đèn từng bị cảnh báo khi trẻ em dùng có nguy cơ bị bỏng do nhựa tan chảy.