Big C sẽ mở thêm bảy siêu thị trong năm 2016
Kinh doanh casino: Nhà đầu tư chờ nghị định
Đằng sau sự xuống dốc của một cổ phiếu ngân hàng
Sabeco đặt kế hoạch tiêu thụ 1,54 tỷ lít bia 2016, tiếp tục "phớt lờ"chuyện niêm yết
Nỗi đau mang tên Việt Nam của Parkson
Tin kinh tế đọc nhanh 18-05-2016
- Cập nhật : 18/05/2016
Góc khuất thị trường bán lẻ: Doanh nghiệp mệt vì bị ép
Việc các doanh nghiệp Thái Lan thâu tóm siêu thị Big C, Metro không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp bán lẻ trong nước mà còn ảnh hưởng đến đơn vị sản xuất nội khi nhiều doanh nghiệp tố gần đây bị ép tăng chiết khấu ở mức quá cao.
Mệt vì các khoản phí, chiết khấu
Trao đổi với PV Tổng giám đốc Vissan Văn Đức Mười cho biết, việc các siêu thị lớn như Metro , BigC ép doanh nghiệp phải tăng chiết khấu cho siêu thị là “chuyện cơm bữa”, năm nào cũng có.
“Năm nào họ cũng ép phải tăng chiết khấu rất dữ dội. Với những doanh nghiệp có thương hiệu, có sức mạnh trong hệ thống phân phối thì họ sẽ phải đàm phán rất kỹ, khó có thể ép được. Đa phần những doanh nghiệp nhỏ đều phải nhượng bộ, để bán được hàng vào hệ thống của họ. Ngoài kênh bán trong siêu thị Metro, BigC và các siêu thị khác, chúng tôi đã xây dựng được 130 nghìn điểm bán lẻ trên toàn quốc nên có thể đàm phán tay đôi kéo dài thời gian tăng chiết khấu với họ”, ông Mười cho biết.
Đại diện một doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm tại TP. HCM cho biết, bán được hàng vào siêu thị là cả một hành trình vất vả. Ngoài những thủ tục hành chính, doanh nghiệp phải cam kết trả, hỗ trợ đủ các khoản chi phí như: Tiền thuê quầy kệ trưng bày, hỗ trợ khai trương siêu thị mới, hỗ trợ sinh nhật siêu thị, hỗ trợ các chương trình khuyến mại chung của siêu thị, phí tạo mã hàng, chiết khấu bán hàng, phí hỗ trợ vận chuyển… Thậm chí doanh nghiệp phải có những khoản lót tay khác cho các nhân viên phụ trách ngành hàng để được ưu tiên vị trí bày đẹp trên hệ thống kệ.
“Để đưa được hàng vào siêu thị, doanh nghiệp phải chấp nhận mức chiết khấu thấp nhất 20%-30%. Nhiều mặt hàng sau khi đưa vào siêu thị hầu như không có lãi. Có mặt hàng chỉ lãi chưa được 1%. Dù lượng hàng bán trong hệ thống các siêu thị Metro, BigC chỉ chiếm vài phần trăm trong tổng doanh số bán hàng nhưng chúng tôi vẫn phải duy trì để giữ thị phần”. Theo vị này, gần 2 năm trở lại đây, họ đã phải rút một số nhãn hàng không bán trong hệ thống các siêu thị này do bị lỗ khi đưa hàng vào bán tại đây. Với các doanh nghiệp nhỏ nếu không có hệ thống phân phối riêng, khi bán được hàng vào các hệ thống này khả năng nhận biết thương hiệu và hiệu quả kinh doanh có cải thiện. Tuy nhiên, khi đàm phán, đa phần các doanh nghiệp nhỏ đều bị yếu thế và buộc phải chấp nhận yêu sách của siêu thị đưa ra.
Hỗ trợ hàng nội để cùng phát triển
Sau khi có thông tin siêu thị Big C, Metro “đuổi khéo” các mặt hàng nội, nhiều siêu thị Việt cho biết đang tận dụng việc hợp tác với các doanh nghiệp trong nước để phát triển. Trao đổi với P.V, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, tập đoàn đang thực hiện chiến lược bắt tay với nhà sản xuất nội để phát triển.
Cụ thể, tập đoàn đã xây dựng chính sách chiết khấu thương mại với ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tiêu thụ hàng qua hệ thống hơn 50 trung tâm thương mại, 800 siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ của tập đoàn. Riêng các mặt hàng thực phẩm tươi sống, tập đoàn cam kết phân phối các sản phẩm sạch, an toàn với mức giá bằng đúng giá bán của nhà cung cấp trong vòng một năm.
Bên cạnh đó, tùy thuộc vào tình hình thực tế và tiềm năng của từng doanh nghiệp, Vingroup sẽ có thêm những chính sách hỗ trợ về hiện diện và khuyến mại… “Toàn bộ hệ thống bán lẻ của Vingroup sẽ là cầu nối hiệu quả để hàng Việt Nam chất lượng cao đến được với đông đảo người tiêu dùng”, lãnh đạo Vingroup nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan, doanh nghiệp nội cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới.
Goldman Sachs tự tin giá dầu sẽ tăng vọt trong thời gian tới
Trong những giờ giao dịch đầu tiên tại châu Âu (tức chiều nay 16/5 theo giờ Việt Nam), cả hai mức giá chuẩn – dầu thô Brent và dầu WTI - đều tăng khoảng 1,4%, trong đó giá dầu Brent ở mức 48,49 USD/thùng, dầu WTI giao dịch ở mức 46,89 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 10/2015.
Giá dầu tăng nhờ hoạt động sản xuất dầu tại Nigeria bị ngừng trệ, cùng với lo lắng về khả năng duy trì sản xuất dầu của Venezuela do nền kinh tế nước này ngày càng lún sâu và khủng hoảng.
Đặc biệt, có lẽ nguyên nhân lớn nhất chi phối giá dầu phiên hôm nay chính là báo cáo mới nhất của Goldman Sachs . Ngân hàng này cho rằng có lẽ vấn đề nguồn cung dư thừa trên thị trường dầu mỏ đang đi đến hồi kết thúc. Theo Goldman Sachs, thị trường đi vào trạng thái thâm hụt sớm hơn dự kiến.
Động thái dịch chuyển từ dư cung sang thâm hụt đến từ cả hai nguyên nhân: nhu cầu dầu cực mạnh được duy trì và sản lượng dầu mỏ sụt giảm. Nhóm chuyên gia phân tích tại Goldman – đứng đầu là Damien Courvalin nhận định.
Báo cáo của Goldman Sachs có đoạn:
"Điểm tái cân bằng vật lý của thị trường dầu mỏ cuối cùng đã xuất hiện. Trong khi cung và cầu bất ngờ đều tăng trong quý I/2016 và khiến thị trường dư thừa 1,4 triệu thùng/ngày, chúng tôi tin rằng thị trường sẽ dịch chuyển về trạng thái thâm hụt vào tháng 5. Hồi tháng 3 chúng tôi dự báo thị trường sẽ thâm hụt trong quý II, nhưng hiện tượng này xảy đến sớm hơn 1 quý. Thay đổi về mức dự trữ của OECD sẽ còn bị ảnh hưởng trầm trọng hơn bởi hoạt động dự trữ dầu của Trung Quốc".
Giá dầu tăng một phần là nhờ tác động của vụ khủng bố quân sự vào cơ sở khai thác dầu trên biển vận hành bởi Chevronn tại khu vực đồng bằng Niger thuộc Nigeria. Tin tức này càng làm lo lắng về sản lượng dầu mỏ từ châu Phi - nhà sản xuất lớn nhất thế giới gia tăng. Bên cạnh đó, nguy cơ khủng hoảng kinh tế của Venezuela cũng ảnh hưởng đến khả năng sản xuất dầu và kích thích giá tăng.
OPEC đang “chết”, sắp bị thay thế bởi tổ chức mới mang tên OGEC?
Giám đốc điều hành (CEO) của hãng Rosneft, ông Igor Sechin cho rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã không còn vị thế trên thị trường dầu hiện nay.
Theo đó, ông Sechin cho rằng thị trường dầu mỏ hiện nay sẽ được điều chỉnh chủ yếu bởi tình hình đầu tư tài chính, công nghệ kỹ thuật và những quy định liên quan đến ngành năng lượng hơn là bởi các quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC.
Trên thị trường dầu mỏ hiện nay, Nga và OPEC vốn là đối thủ nhưng cũng là đồng minh khi ngành khai thác dầu đá phiến tại Mỹ bùng nổ, đe dọa vị thế của 2 ông lớn trên. Đây là lý do khiến 2 nhà sản xuất dẩu mỏ hàng đầu thế giới trên gia tăng sản lượng để giành thị phần.
Hậu quả của hành động trên là thị trường tràn ngập dầu mỏ, trong khi nhu cầu dầu của những nước tiêu thụ hàng đầu như Trung Quốc lại suy giảm, qua đó khiến giá dầu giảm mạnh.
Đầu năm nay, phía Nga đã cố gắng thực hiện một cuộc đàm phàn với OPEC nhằm kìm hãm sản lượng và hỗ trợ giá dầu. Hầu hết những thành viên trong OPEC đã đồng ý với đề nghị trên, nhưng nước có tiếng nói nhất là Ả Rập Xê Út lại không đồng ý và hệ quả là Iran, vốn đã được dỡ bỏ lệnh cấm vận và có tham vọng khôi phục lại thị phần dầu mỏ cũng từ chối tham gia kế hoạch trên.
Phía Ả Rập Xê Út cho rằng họ có thể chờ giá dầu tăng trở lại mà không cần can thiệp sản lượng quá sớm. Tuy nhiên, quan điểm này không được phía Nga hài lòng bởi dự trữ ngoại hối của Ả Rập Xê Út nhiều hơn Nga.
Hơn nữa, chính quyền Riyadh cũng đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm chuyển hướng nền kinh tế vốn đang phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ, qua đó làm xói mòn những ưu tiên cho hỗ trợ giá dầu.
Trước đây, Ả Rập Xê Út luôn sử dụng ảnh hưởng của mình để định hướng cho các động thái cắt giảm hay gia tăng sản lượng của OPEC, qua đó điều khiển những quốc gia xuất khẩu dầu thành viên nhỏ hơn. Tuy nhiên, chiến dịch tăng cường sản lượng và đè bẹp ngành sản xuất dầu đá phiến của OPEC đã không thực sự đem lại chiến thắng hoàn toàn cho họ.
Giá dầu vẫn không tăng mạnh sau khi ngành khai thác dầu đá phiến của Mỹ chịu thua, thậm chí nhiều công ty khai thác dầu đá phiến vẫn còn cầm cự và tiếp tục hoạt động.
Rõ ràng, Ả Rập Xê Út hiểu rằng OPEC không còn có vị thế như trước khi các quyết định về sản lượng của tổ chức này không đem lại được hiệu quả mong muốn như trước đây.
Mới đây, Công ty quốc doanh Aramco của Ả Rập Xê Út đang có kế hoạch tăng sản lượng khai thác khí đốt lên gấp 3 lần trong 10 năm tới. Có vẻ Ả Rập Xê Út đang đánh cược vào khí đốt khi nguồn năng lượng này được cho là sạch so với dầu mỏ.
Hơn nữa, nền kinh tế toàn cầu rồi sẽ hồi phục sau khủng hoảng và điều này chắc chắn sẽ khiến nhu cầu khí đốt, vốn dùng cho sưởi ấm hay các hoạt động sản xuất, tăng trưởng nhanh chóng.
Trong bản báo cáo tầm nhìn kinh tế 2030, Ả Rập Xê Út cho biết sẽ thoát khỏi tình trạng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ. Nói cách khác, đến năm 2030 quốc gia này không còn cần OPEC như trước đây nữa.
Tất nhiên, nếu quốc gia sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC không còn cần tổ chức này nữa thì nhiều khả năng các nước thành viên khác cũng “tan đàn xẻ nghé”.
Mặc dù có thể OPEC sẽ không còn khi Ả Rập Xê Út thoát khỏi ngành dầu mỏ vào năm 2030, nhưng đây chưa chắc đã là tin tốt với Nga bởi cường quốc này cũng có nguồn thu lớn từ khí đốt. Trong tương lai, rất có thể Ả Rập Xê Út sẽ trở thành đối thủ với Nga hay Iran trên thị trường khí đốt khi loại năng lượng này ngày càng được sử dụng nhiều hơn.
Dẫu vậy, rõ ràng rằng OPEC hiện đã không còn là OPEC của trước đây.
Trung tâm thương mại Parkson Paragon đóng cửa
Công ty TNHH Thùy Dương, đơn vị quản lý trung tâm Parkson Pragon cho biết kế hoạch di dời đã được thông báo với các đối tác kinh doanh tại Parkson Paragon trước 2 tháng và nhận được sự đồng thuận. Việc di dời này sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động của các trung tâm mua sắm khác mang thương hiệu Parkson tại Việt Nam. Các quyền lợi của chủ thẻ khách hàng thành viên sẽ vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng trên toàn bộ hệ thống của nhà bán lẻ này.Đại diện Công ty TNHH Thùy Dương cho hay, các trung tâm thương mại mới dưới thương hiệu Parkson sẽ vẫn được phát triển trong kế hoạch mở rộng của nhà bán lẻ này và sẽ được thông báo vào thời gian tới.
Năm 2011, Parkson chính thức trở thành nhà quản lý trung tâm thương mại Saigon Paragon, từ đó đổi tên khu thương mại này thành Parkson Paragon. Thời gian quản lý được công bố thời điểm đó là 19 năm. Tuy nhiên, sau 5 năm hoạt động, nhà đầu tư này đã dời đi nơi khác.
Trước đó từ năm 2009, Trung tâm thương mại Saigon Paragon khai trương tại góc đại lộ Nguyễn Lương Bằng và Hoàng Văn Thái trên diện tích đất 6.000 m2, thuộc khu thương mại và tài chính quốc tế Nam Sài Gòn, quận 7, TP HCM. Chủ đầu tư tòa nhà là Công ty cổ phần Kim Cương (Paragon Corporation), được thành lập bởi hai nhà đầu tư trong ngành thời trang, ẩm thực, mỹ phẩm và chăm sóc sắc đẹp hàng đầu Việt Nam - Tập đoàn Khaisilk và Thủy Lộc.
Saigon Paragon có quy mô 19.000 m2 khu thương mại từ tầng hầm B1 với khu ẩm thực, siêu thị đến khu mua sắm cao cấp từ tầng 1 đến tầng 4. Khu giải trí 4.000 m2 tại tầng 5. Khu văn phòng cho thuê rộng 15.000 m2 được bố trí từ tầng 6 đến tầng 9. Ngoài ra, còn có 3.000 m2 dành riêng cho khu vực tổ chức hội nghị tại tầng 10 của tòa nhà. Bãi đỗ xe tầng hầm có sức chứa 400 ôtô.
Trước đó, vào tháng 1/2015, Công ty TNHH Parkson Việt Nam cũng đã quyết định dừng hoạt động trung tâm thương mại tại Keangnam (đường Phạm Hùng, Mễ Trì, Hà Nội) do không đạt được doanh thu như kế hoạch đề ra.
Giám đốc Trung Quốc lừa đảo 800 triệu USD
Xu Qin được cho là "người kiểm soát" hãng quản lý tài sản Zhongjin và các công ty liên quan. Anh là một trong 35 lãnh đạo và nhân viên bị bắt giữ chính thức tuần trước, vì dính đến vụ lừa đảo đã được kênh truyền hình Dragon Television đưa tin.
Theo đó, họ đã nợ hơn nửa trong số 25.000 nhà đầu tư vào công ty số tiền tổng cộng 5,2 tỷ NDT (800 triệu USD), Dragon Television cho biết. Xu (35 tuổi) đã xuất hiện trên TV và cho biết công ty "trả gốc và lãi cho nhà đầu tư cũ bằng tiền của nhà đầu tư mới". "Đây thực ra là mô hình Ponzi", Xu thừa nhận.
Anh đã lấy khoảng 500 triệu NDT của nhà đầu tư để mua biệt thự hạng sang và ôtô cùng vợ mình. Xu và vợ đã thuê căn penthouse 1.200 m2 tại một trong những địa điểm đắt đỏ nhất Trung Quốc - Tomson Riviera ở Thượng Hải. Tại đây, Xu nuôi chim công, xây thác nước ngay trong phòng khách, Jiefang Daily cho biết.
Đây là trường hợp lừa đảo mới nhất bị phanh phui tại Trung Quốc khi kinh tế nước này chậm lại. Trước đó, nền tảng cho vay ngang hàng Ezubao đã chiếm đoạt 7,6 tỷ USD của nhà đầu tư bằng cách chào mời lãi suất tới 15% một năm. Đây cũng là một dạng "mô hình Ponzi".
Cảnh sát Thượng Hải cho biết Xu đã đăng ký thành lập hơn 50 chi nhánh và hơn 100 công ty liên quan. Xu và các lãnh đạo khác trong công ty bị bắt tại một sân bay ở Thượng Hải tháng trước, khi đang có ý định trốn sang Italy trên máy bay riêng.
Ponzi được đặt tên theo Charles Ponzi - kẻ lừa đảo nổi tiếng nước Mỹ thập niên 20. Mô hình này cam kết trả lãi suất lên tới hàng chục phần trăm mỗi năm, dùng tiền của người sau trả cho người trước. Những vụ lừa đảo Ponzi nổi tiếng thế giới thường có quy mô hàng tỷ USD