Warren Buffett vừa rót 1 tỷ USD vào Apple
Ngân hàng lớn nhất Trung Quốc mua hầm chứa vàng tại Anh
Ông Putin cho phép bán cổ phiếu của công ty dầu mỏ chủ chốt Nga
Nga có thể cấm nhập khẩu tất cả các loại trái cây rau quả từ Thổ Nhĩ Kỳ
Cuộc “tháo chạy” của nhà đầu tư khỏi các quỹ chứng khoán toàn cầu
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-05-2016
- Cập nhật : 17/05/2016
Ô tô Thái Lan tiếp tục đổ bộ thị trường Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2016, Việt Nam nhập về 9.397 xe ô tô nguyên chiếc các loại với tổng kim ngạch 251,2 triệu USD, tăng gần 10% về lượng và 20,6% về giá trị so với tháng 3.
Cộng dồn 4 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 29.054 xe ô tô nguyên chiếc với tổng kim ngạch 732,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2015, số xe nhập khẩu đã giảm 16,7% còn kim ngạch giảm 16,4%.
Về nguồn gốc xuất xứ, xe từ Thái Lan tiếp tục giữ ngôi vương thị trường ô tô nhập khẩu Việt Nam tháng 4 với 2.355 xe. Đứng thứ 2 là Trung Quốc với 2.016 xe, tiếp theo là Hàn Quốc với 1.818 xe và Nhật Bản với 869 xe.
Xét chung 4 tháng đầu năm 2016, ô tô Thái Lan dẫn đầu thị trường xe nhập Việt Nam về cả lượng và giá trị, đạt 10.155 xe, tương đương kim ngạch 182,87 triệu USD.
Hàn Quốc xếp thứ 2 với 5.369 xe, trị giá 89,77 triệu USD. Tiếp theo là Trung Quốc với 4.216 xe, trị giá 162,36 triệu USD.
Bên cạnh giá cả cạnh tranh, một trong những lý do chính khiến lượng ô tô Thái nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh là do chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu. Theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, từ năm 2016, thuế nhập khẩu ô tô trong nội khối ASEAN giảm từ 50% xuống còn 40%, đến năm 2017 còn 30% và từ năm 2018 còn 0%.
Nguyễn Kim hoàn tất thương vụ thâu tóm Zalora Việt Nam
Thương vụ này sẽ giúp Central có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của hơn 2 triệu tài khoản khách hàng và hơn 1.000 đối tác cung cấp của Zalora - Ảnh: Bangkok Post.
Điều đáng nói là Central Group (Thái Lan) hiện đang nắm giữ 49% cổ phần của Nguyễn Kim.
Ông Michele Ferrario, CEO Tập đoàn Zalora chia sẻ: “Chúng tôi tự hào về cách Zalora Thái Lan và Zalora Việt Nam đã góp phần vào sự tăng trưởng và sôi động tại thị trường thương mại điện tử. Chúng tôi đã xây dựng được một nền tảng vững chắc và họ sẽ bắt đầu một chương mới trong cuộc hành trình của Central Group và Nguyễn Kim để phục vụ người tiêu dùng thời trang ở Thái Lan và Việt Nam”.
Cũng trong ngày 13/5, thông tin trên tờ Bangkok Post, đại diện Central Group cho biết, quyết định mua lại Zalora Thái Lan bởi đơn vị này đang dẫn đầu trong lĩnh vực bán hàng thời trang trực tuyến tại Đông Nam Á, với nền tảng thị trường thương mại điện tử tốt sẽ tăng cường kênh phân phối của Central Group.
Thương vụ này sẽ giúp Central có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu của hơn 2 triệu tài khoản khách hàng và hơn 1.000 đối tác cung cấp của Zalora.
Trước đó, tờ Techcrunch cũng đã tiết lộ về việc website thời trang Zalora đang lên kế hoạch rút khỏi hai thị trường có hoạt động kinh doanh mờ nhạt gồm Thái Lan và Việt Nam nhằm giảm cắt giảm chi phí.
Cũng theo nguồn tin từ tờ Techcrunch, giá thị thương vụ của Zalora Thái Lan có thể vào khoảng 10 triệu USD. Trong khi đó, giá thương vụ của Zalora Việt Nam không được tiết lộ.
Được biết, ngày 29/4, Tập đoàn Central và Tập đoàn Nguyễn Kim cũng đã công bố việc nhận chuyển nhượng hệ thống Big C Việt Nam từ Casino (Pháp) với tổng giá trị giao dịch hơn 1 tỷ USD sau khi vượt qua hàng loạt các đối thủ như TCC Group (Thái Lan) Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Masan, Saigon Co.op (Việt Nam)
Lý do nào khiến người Hàn “thích“ đầu tư vào Việt Nam đến vậy?
Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam cả về tổng số và số dự án đầu tư.
Việt Nam cũng là một trong những đối tác quan trọng trong chiến lược đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc.
Đến nay, Hàn Quốc đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 59 nghìn dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 387,5 tỷ USD và 270 tỷ USD tỷ USD vốn giải ngân. Việt Nam là quốc gia được đầu tư lớn thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.
So với mặt bằng chung các quốc gia thu hút FDI Hàn Quốc có cùng trình độ phát triển như Indonesia, Sri Lanka, Phillipines, Thái Lan, Cambodia, Myanmar... các doanh nghiệp Hàn Quốc đang thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam.
Xét theo thứ tự ưu tiên về khu vực, ASEAN cũng là khu vực quan trọng thứ 3 về đầu tư ra nước của Hàn Quốc sau Bắc Mỹ và Trung Quốc, với số vốn đăng ký đầu tư lũy kế đạt khoảng 70 tỷ USD (tính đến cuối năm 2014).
Việt Nam là quốc gia được đầu tư nhiều nhất trong khối ASEAN, chiếm một nửa tổng số vốn đầu tư (khoảng 36,7 tỷ USD tính đến hết năm 2014). Hiện tại, con số lũy kế đến tháng 4/2016 đã lên đến 48 tỷ USD.
Hàn Quốc đã đầu tư vào hầu hết các ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp theo là lĩnh vực kinh doanh bất động và lĩnh vực xây dựng. Hai hình thức đầu tư chính là 100% vốn nước ngoài (chiếm đến 95%) và liên doanh.
Từ năm 2009, FDI Hàn Quốc vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng mạnh, từ mức 60% giai đoạn trước lên mức trên 80%. Ngoài ra, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử, công nghiệp, công nghệ cao chiếm ưu thế so với các dự án công nghiệp nhẹ, thâm dụng lao động trước đây.
Nhìn chung các địa phương có nhiều dự án FDI Hàn Quốc đều có đặc điểm chung nằm tại 2 đầu tàu kinh tế của cả nước quanh 2 đô thị lớn nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có lợi thế về hạ tầng giao thông, năng lượng, nguồn nhân lực, logistic, điều kiện sinh sống cho người nước ngoài thuận lợi, thị trường tiêu thụ lớn và tiềm năng ...
Theo khảo sát của Cục đầu tư nước ngoài, về mục đích đầu tư, người Hàn chọn đầu tư ra nước ngoài nói chung với các mục tiêu tiếp cận thị trường (36% mục đích đầu tư), tiết giảm chi phí sản xuất (31%), tiếp cận nguồn nguyên liệu; tiếp cận công nghệ nguồn; tránh rảo cản thương mại và đầu tư kết hợp phát triển thương mại.
Chính phủ Hàn Quốc nói chung khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam, có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài, trong đó coi Việt Nam là một địa bàn đầu tư chiến lược với nhiều ưu thế như:
- Nguồn lao động cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lắp ráp.
- Thị trường tiêu thụ tiềm năng, có nhiều điểm tương đồng với các sản phẩm Hàn Quốc và tương đối mở - dễ tiếp cận.
- Ổn định chính trị và quan hệ chính trị, văn hóa hai nước liên tục phát triển.
- Vị trí địa lý thuận lợi.
- Chính sách ưu đãi tương đối cạnh tranh.
- Chiến lược đầu tư China +1...
Rõ ràng, với các điều kiện ở Việt Nam, từ ưu đãi với nhà đầu tư, chi phí nhân công giá rẻ, chính trị ổn định và không quá xa về mặt địa lí – văn hóa, là môi trường lí tưởng cho các nhà đầu tư xứ sở Kim chi.
Ngoài ra, đón đầu xu hướng ưu đãi thuế quan khi các nước ASEAN tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tận dụng được lợi thế thị trường “gốc” ở Việt Nam để lan tỏa hàng hóa ra toàn Đông Nam Á. Samsung là một ví dụ cực kì điển hình khi đã gần như chuyển toàn bộ việc sản xuất sang Việt Nam.
Cùng với việc Việt Nam sẽ gia nhập TPP, ký Hiệp định FTA Việt - Hàn... trong thời gian tới, làn sóng FDI từ Hàn Quốc hứa hẹn sẽ tiếp tục có bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng.
Louis Vuitton store Tràng Tiền Plaza có dấu hiệu bất thường khi xử lý khiếu nại
Điểm bất thường dễ nhận thấy khi mà một trong hai người là cán bộ thuộc bộ phận kế toán của công ty Louis Vuitton Việt Nam nhận định về sản phẩm Louis Vuitton store Tràng Tiền Plaza bán ra: “nói chung mình nghĩ cái túi này khả năng fake (nhái -PV) là tương đối cao”.
Điểm lạ nữa là chính sách bảo hành của Louis Vuitton mang tính toàn cầu, vậy tại sao khách hàng khiếu nại nhiều lần nhưng Store Tràng Tiền Plaza lại không có được câu trả lời thỏa đáng?
Phải chăng Louis Vuitton Store Tràng Tiền Plaza cho rằng khiếu nại của chị H là không có cơ sở?
Còn nhớ, vào ngày 20/05/2015 năm ngoái, các lực lượng chức năng đã thu giữ hàng nghìn chiếc túi “hàng hiệu” mang nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Dior, Hermes, Louis Vuitton… của cơ sở sản xuất kinh doanh Phong Hạnh, thuộc sở hữu của hai vợ chồng Phạm Hữu Phong (SN 1984) và Phạm Thị Hạnh (SN 1988) đều ở xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên, Hà Nội – nơi có làng nghề nổi tiếng với các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, đồ khảm trai, sản phẩm từ da thuộc. Qua kiểm tra, tất cả đều là hàng nhái.
Đống hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, trong đó có Louis Vuitton bị thu giữ vào tháng 5/2015
Điều mà dư luận quan tâm là những hàng nhái này làm cách nào mà “chui vào” trong các cửa hàng phân phối độc quyền sản phẩm chính hãng? Và có “lỗ hổng” nào đó trong công tác quản lý để dẫn đến hàng nhái trà trộn được vào hàng chính hãng để “một ai đó” thu lời bất chính?
Trao đổi với phóng viên về vụ việc này luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Tp Hà Nội cho biết:
Louis Vuitton là một thương hiệu lớn và được biết cũng đã cộng tác với các cơ quan chức năng của Việt Nam để phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi làm nhái sản phẩm của hãng.
Để đảm bảo uy tín của hãng, cũng như của cửa hàng, thiết nghĩ, Louis Vuitton sớm minh bạch sự việc này.
Trong trường hợp này, nếu sản phẩm của Louis Vuitton store Tràng Tiền Plaza bán cho chị H là hàng chính hãng thì cần phải cung cấp đầy đủ các chứng từ tài liệu liên quan đến sản phẩm cho chị H bởi tại Khoản 2 Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã quy định quyền của người tiêu dùng: “ Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.”
Trường hợp sản phẩm bị lỗi thì cần phải kiểm tra lại và thực hiện việc bảo hành sản phẩm theo quy định của hãng và theo Khoản 4 Điều 4 Nghị Định số 99/2011/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: “Đổi hàng hóa hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp không đảm bảo chất lượng, số lượng, công dụng như thông tin mà mình cung cấp”
Còn nếu là hàng nhái “trà trộn” thì Louis Vuitton Store Tràng Tiền Plaza cũng cần đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc làm sáng tỏ vụ việc này.
Đối với chị H, nếu khiếu nại nhiều lần mà Louis Vuitton Store Tràng Tiền Plaza không có phản hồi thì cần tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định tại Khoản 7 Điều 8 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Chưa thoát tư duy “ao làng” làm sao hội nhập TPP?
Thay đổi công nghệ và tư duy giúp các doanh nghiệp cơ khí tồn tại và đủ sức cạnh tranh khi tham gia Hiệp định TPP. (Ảnh minh họa: KT).
“Khi TPP có hiệu lực sẽ tạo ra nhiều thuận lợi để phát triển công nghiệp cơ khí. Doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nhanh hơn với công nghệ của các nước phát triển thông qua các cam kết hỗ trợ thương mại. TPP tuy đòi hỏi cao về bảo vệ sở hữu trí tuệ nhưng cũng bảo đảm các thuận lợi hơn trong chuyển giao công nghệ. Đây là cơ hội các nước chậm phát triển hưởng các tiếp cận ưu đãi thông qua TPP nếu chọn đúng các công nghệ, đàm phán quyền ưu đã để nâng cao năng lực”, ông Thịnh cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) lại cho rằng, quá trình sản xuất cơ khí của Việt Nam đến nay hầu như chưa thực hiện được nguyên tắc cơ bản là chuyên môn hóa sâu và hợp tác hóa rộng trong quá trình sản xuất để mang lại hiệu quả cao.
“Doanh nghiệp vẫn chưa đủ sức tự chế tạo ra một số sản phẩm có sức cạnh tranh quốc tế. Do vậy, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập siêu nhiều tỷ USD trang thiết bị, vật tư cho các ngành công nghiệp và cho bản thân ngành chế tạo cơ khí, luyện kim. Số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, trong năm 2015, riêng nhập khẩu máy móc thiết bị, phụ tùng, linh kiện đã đạt giá trị 27,6 tỷ USD, chiếm gần 17% kim ngạch nhập khẩu của cả nước”, ông Long nói.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), ông Lê Văn Tuấn lại cho rằng, khi tham gia TPP, thách thức sẽ nhiều hơn là cơ hội. Bởi các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, do đó chuẩn mực sản phẩm của họ cao hơn, trong khi các sản phẩm của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam lại chưa đáp ứng được hoặc thiếu tính chuyên nghiệp.
“Thực tế việc chế tạo, xuất khẩu sản phẩm cơ khí đã được triển khai từ nhiều năm trước khi Việt Nam tham gia tham gia một số FTA song phương và đa phương khác. Tuy nhiên, các đơn hàng cứ mai một dần vì nhiều lý do, trong đó có tư duy của một số doanh nghiệp là khi những đơn hàng đầu tiên chất lượng đảm bảo nhưng càng về sau chất lượng giảm sút. Hoặc một số lãnh đạo doanh nghiệp khi bạn hàng đặt một số lượng nhỏ thì không quan tâm đúng mức mà bỏ qua, dẫn đến mất những đơn hàng lớn về sau”, ông Tuấn cho biết.
Chủ tịch VAMI, ông Nguyễn Văn Thụ thì cho rằng, để hội nhập thành công, trước hết các doanh nghiệp cơ khí phải thay đổi tư duy. Các doanh nghiệp phải liên kết, hợp tác để cùng phát triển. Cùng với đó, Chính phủ cần tạo môi trường, xây dựng chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp cả từ nguồn lực chính sách, con người và tài chính cho sự phát triển ấy.
“Thực tế các doanh nghiệp cơ khí trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ, năng lực và tiềm lực còn hạn chế do đó vẫn tồn tại kiểu ăn xổi, chụp giật. Khi tham gia TPP, các doanh nghiệp sẽ phải đạt yêu cầu đơn hàng theo tiêu chuẩn của nước ngoài và sẽ không có chuyện chất lượng kém và chậm tiến độ. Nếu cứ tư duy “ao làng” như hiện nay, sẽ không thể làm ăn với đối tác nước ngoài”, ông Thụ cho biết.
Như vậy, để tự khẳng định và tạo ra được chỗ đứng vững chắc trong quá trình tham gia vào sân chơi TPP, trong lúc chờ đợi các chính sách của Nhà nước phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp cơ khí hơn lúc nào hết cần chủ động thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp.
Đặc biệt cần thiết là các doanh nghiệp cơ khí phải nhanh chóng thay đổi tư duy phát triển theo kiểu “tự phát” và “cát cứ”, thực hiện theo những mục tiêu riêng rẽ, không theo quy hoạch tổng thể dẫn tới phân tán nguồn lực, khó có thể hợp tác trong sản xuất, kinh doanh trong ngành công nghiệp nền tảng này.