tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 17-07-2018

  • Cập nhật : 17/07/2018

Tỷ phú Ấn Độ vượt Jack Ma thành người giàu nhất châu Á

Tỷ phú Mukesh Ambani vừa vượt qua người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba - Jack Ma trở thành người giàu nhất châu Á sau khi ông đưa đế chế Reliance Industries Ltd vào lĩnh vực thương mại điện tử tại Ấn Độ, hãng tin Bloomberg cho biết.

Hiện là chủ tịch của đế chế công nghiệp trải dài từ ngành khai khoáng sang viễn thông, Mukesh Ambani sở hữu tài sản ước tính 44,3 tỷ USD sau khi giá cổ phiếu của Reliance Industries Ltd tăng 1,6% lên mức kỷ lục 1.099,8 Rupee/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 13/7, theo Bloomberg Billionaires Index.

Trong khi đó, tài sản của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma đứng ở mức 44 tỷ USD trước khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/7 tại Mỹ.

Từ đầu năm đến nay, Ambani đã "bỏ túi" thêm 4 tỷ USD nhờ Reliance tăng gấp đôi công suất của các nhà máy hoá dầu và các nhà đầu tư lạc quan với những thành công của startup viễn thông Reliance Jio Infocomm Ltd. Hơn nữa, đầu tháng 7, tỷ phú này còn công bố kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử, nhằm khai thác 215 triệu khách hàng đăng ký dịch vụ viễn thông của công ty và cạnh tranh với các công ty như Amazon và Walmart tại thị trường Ấn Độ.

Trong khi đó, từ đầu năm, tài sản của ông chủ Alibaba sụt 1,4 tỷ USD.

Ambani, nổi tiếng là người đứng sau hàng loạt dự án "khủng" như xây dựng tổ hợp khai khoáng lớn nhất thế giới ở Jamnagar (Ấn Độ), sở hữu mạng lưới dữ liệu di động rộng khắp toàn cầu cũng như công ty bán lẻ lớn nhất, lợi nhuận tốt nhất tại Ấn Độ.

Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên đầu tháng 7, Ambani nói rằng Reliance đang có "cơ hội tăng trưởng lớn nhất trong việc tạo ra một nền tảng thương mại từ trực tuyến đến ngoại tuyến". Ông tuyên bố "quy mô của Reliance sẽ tăng gấp đôi" vào năm 2025.

Chỉ một tuần sau những tuyên bố trên, Reliance đã trở lại câu lạc bộ vốn hoá 100 tỷ USD sau hơn một thập kỷ.

Tỷ phú Ambani cùng em trai Anil Ambani thừa kế đế chế Reliance từ cha Dhirubhai Ambani vào năm 2002. Tuy nhiên, đến năm 2005, hai anh em này đã chia đôi công ty và bắt đầu cuộc chiến cạnh tranh với nhau.(Vneconomy)
---------------------

Chiến lược nào cho các nước đang phát triển trong cách mạng tự động hóa?

Robot có thể khiến con người mất việc làm. Đó là sự thật mà các quốc gia đang phát triển có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết tình trạng này.

Theo nghiên cứu gần đây của kinh tế gia Lukas Schlogl và Andy Summer, trường King’s College (London), các nước đang phát triển cần cân nhắc đối phó với sự phát triển của tự động hóa.

Đa số chiến lược tập trung vào hỗ trợ người lao động bị thay thế bởi máy móc và chỉ vài ý tưởng được xem là có triển vọng. Các quốc gia phát triển đã áp dụng chúng nhưng có ý kiến cho rằng khó có thể làm thế đối với các quốc gia đang phát triển.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra những loại hình công việc có thể tự động hóa và dự đoán thời điểm máy móc sẽ đảm nhiệm những công việc do con người thực hiện. Rất nhiều kết quả được đưa ra nhưng giữa chúng đều có một điểm chung, đó là những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, không đòi hỏi trí tuệ cảm xúc, suy luận phức tạp hay sáng tạo thì dần dần sẽ bị thay thế bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo.

Các báo cáo từ McKinsey Global Institute và World Bank đều nhận định tự động hóa có tiềm năng phát triển tại các ngành công nghiệp và nông nghiệp cao hơn so với ngành dịch vụ - nơi đòi hỏi rất nhiều sáng tạo hoặc tương tác trực tiếp giữa người với người.

Đây thực sự là một điều đáng lo ngại khi lực lượng lao động phổ thông ở các nước đang phát triển khá nhiều, họ chủ yếu làm trong ngành nông nghiệp hoặc những việc sản xuất đơn giản. Nhiều cuộc tranh luận làm thế nào giải quyết thực trạng tự động hóa gia tăng chủ yếu tập trung vào 2 vấn đề: làm sao chế ngự và làm sao để giải quyết hệ quả.

Chính phủ các nước có thể kìm hãm tự động hóa bằng các chính sách như giảm động lực – ví dụ như đánh thuế việc sử dụng robot hoặc giảm chi phí lao động thông qua cắt giảm thuế, lương tối thiểu.

Vấn đề là giảm động lực đối với tự động hóa chỉ đẩy nó từ nước này sang nước khác. Những nước đang phát triển gặp rất nhiều trở ngại khi thực hiện những biện pháp kìm hãm trên vì họ lo ngại các công ty hoặc thậm chí toàn bộ các ngành kinh tế sẽ chuyển sang khu vực nơi robot không bị phạt.

Ông Schlogl cho rằng tác động của tự động hóa có thể được cảm nhận rõ rệt bởi các ngành sử dụng nhiều lao động tại các nước đang phát triển, bất kể robot được đưa vào sử dụng ở đâu. Hàng hóa giá rẻ có thể được tạo ra bằng máy móc tại một địa điểm và được phân phối trên toàn thế giới. Một quốc gia có thể cơ giới hóa nền nông nghiệp và tràn ngập một tiểu lục địa với sản phẩm giá cả phải chăng.

Đối với cắt giảm chi phí lao động, không rõ chính xác mức lương sẽ thấp tới mức nào ở các nước đang phát triển trước khi nó trở thành vấn đề phi đạo đức.

Cách thứ hai để chính phủ đối phó với bất ổn gây ra bởi tự động hóa là ban hành những chiến lược để giải quyết hệ quả. Trong đó bao gồm đào tạo lại người lao động để họ có những kỹ năng cần thiết cho các công việc trong tương lai hoặc hỗ trợ thu nhập cho những ngưởi bị cắt giảm lương hay bị mất việc.

Thế nhưng, theo Schlogl và Summer, tái đào tạo có thể sẽ khó thực hiện ở các quốc gia đang phát triển vì họ bị hạn chế về các cơ sở giáo dục. Việc hỗ trợ thu nhập cũng sẽ rất khó để thực hiện bởi các nước này cần có một ngành dịch vụ đạt hiệu quả cao và tạo ra nguồn tiền lớn, điều mà các quốc gia đang phát triển thường không thể làm được.

Ngoài ra, cũng có vài phương án tiềm năng khác. Schlogl và Sumner đưa ra một ý tưởng gọi là thu nhập cơ bản toàn cầu và các nước đang phát triển sẽ nhận được khoản tiền này thông qua viện trợ.

Một phương án nữa là các nước đang phát triển sẽ xây dựng những ngành có khả năng chống lại cách mạng tự động hóa trong những thập kỷ tới như là chăm sóc xã hội, giáo dục, y tế, du lịch hoặc xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, đây lại là một phương án mạo hiểm, đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn mà không bảo đảm sẽ bảo vệ các nền kinh tế này trước cách mạng tự động hóa trong dài hạn.(NDH)
----------------------

Trung Quốc, Mỹ bắt đầu “thấm đòn” chiến tranh thương mại

Chiến tranh thương mại rõ ràng chẳng có lợi cho bên nào, việc đánh thuế với khoảng 50 tỷ USD hàng Trung Quốc cũng sẽ khiến cho khoảng 134 nghìn người Mỹ mất việc.

Hơn 1 tuần đã trôi qua kể từ khi Mỹ và Trung Quốc chính thức khai hỏa cuộc chiến thương mại ngày một căng thẳng hơn mà chẳng mang lại lợi ích cho bên nào, chẳng bên nào trở thành “người thắng cuộc” trên cả hai thị trường lớn nhất của thế giới, theo bài báo được Nikkei đăng tải. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế 25% đối với khoảng 34 tỷ USD hàng Trung Quốc bắt đầu từ ngày 6/7/2018, Trung Quốc ngay lập tức trả đũa bằng cách áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Trong số những mặt hàng phải chịu thuế từ phía Bắc Kinh bao gồm ô tô điện của Tesla, một mặt hàng được đánh giá cao tại Trung Quốc đại lục. Hai ngày sau khi chính sách thuế mới được áp dụng, rất nhiều khách hàng đã tụ tập tại đại lý của Tesla ở trung tâm thành phố Thượng Hải.

Theo quản lý bán hàng tại đây, một khi lượng xe tồn nhập từ đợt trước được bán hết, họ sẽ tăng giá bán xe. Mẫu xe Model S vốn rất được ưa chuộng dự kiến sẽ bán hết từ cuối tháng này, từ sau đó, giá sẽ tăng lên mức 140 nghìn nhân dân tệ tương đương 20.900USD. Nhân viên đại lý bán xe khẳng định nếu khách hàng không mua ngay từ giờ, họ sẽ mất cơ hội.

Cho đến nay, CEO của Tesla, ông Elon Musk, chưa xây nhà máy lắp ráp sản phẩm ở Thượng Hải, tất cả xe Tesla bán ở Trung Quốc đều nhập khẩu từ Mỹ. Trong năm ngoái, hãng xe Mỹ này bán được khoảng 15.000 chiếc xe ở Trung Quốc, thế nhưng khi chính sách thuế quan mới được áp dụng, chắc chắn thành tích bán xe đó không còn nữa. Thậm chí nhân viên đại lý bán xe của hãng ở Thượng Hải còn lo sợ hãng sẽ cực kỳ khó bán xe được nhập khẩu sau ngày 6/7/2018.

Cuộc chiến thương mại thực ra sẽ bất đối xứng. Dù Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 500 tỷ USD hàng hóa trong năm 2017, nhưng Trung Quốc chỉ nhập 130 tỷ USD hàng hóa từ Mỹ. Chỉ một lần hai bên trả đũa qua lại cũng đủ để làm tê liệt xuất khẩu từ cả hai phía. 

Nhà sáng lập kiêm CEO của công ty chuyên phân phối tôm hùm Maine Coast, ông Tom Adams, sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc mà Trung Quốc chính thức tăng thuế với hải sản vào ngày 16/6/2018, ông đã rất choáng váng. 

Bao lâu nay, nhờ vào nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu ngày một giàu có ở Trung Quốc, công việc kinh doanh của công ty Maine Coast tăng trưởng từ 20% đến 30%/năm. Công ty vừa mới hoàn thành dự án mở rộng nhà máy với tổng vốn đầu tư 1,5 triệu USD cho đến khi mọi chuyện bất ngờ trở nên khó khăn hơn. 

Một nạn nhân khác của chiến tranh thương mại chính là nông dân trồng đậu tương Mỹ. Trung Quốc nhập khẩu ước khoảng 96 triệu tấn đậu tương trong năm ngoái và nhờ vậy, Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu lớn nhất loại hàng hóa này. Tại nội địa Trung Quốc, Trung Quốc chỉ sản xuất khoảng 15 triệu tấn đậu tương, vì thế, Trung Quốc rất phụ thuộc vào đậu tương nhập khẩu. 

Mỹ là nguồn cung cấp đậu tương lớn nhất của Trung Quốc, tổng lượng nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng 34% tổng lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc. Đậu tương được sử dụng trong sản xuất dầu ăn và đậu tương cũng được dùng làm thức ăn cho lợn. 

Giờ đây, các chính sách thuế đậu tương mới đang khiến cho giá đậu tương Mỹ rớt thê thảm, những người nông dân như ông Tim Bardole không khỏi chán nản. Năm ngoái, ông đã lỗ 100 nghìn USD và những chính sách mới chỉ khiến dồn ông vào chân tường.

Tại Trung Quốc, rõ ràng có nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang gặp không ít khó khăn để bù đắp lại lượng thiếu hụt từ Mỹ. Chính quyền thành phố Changchun ở Đông Bắc Trung Quốc vào cuối tháng 4/2018 đã thông báo về việc sẽ mạnh tay trợ cấp cho những người nông dân trồng đậu tương. Thế nhưng cuối cùng, thông báo đưa ra quá muộn và những người nông dân đã trồng ngô không thể phá bỏ ngô để chuyển sang đậu tương.

Trung Quốc sẽ có thể mở rộng nhập khẩu đậu tương từ Brazil hay Nga, thế nhưng kể cả các lựa chọn trên cũng không đủ. Cuối cùng, người Trung Quốc cũng sẽ vẫn phải nhập khẩu đậu tương từ Mỹ ngay cả với chính sách thuế với và đẩy phần chi phí tăng thêm sang người tiêu dùng. 

Người tiêu dùng Mỹ tất nhiên cũng chẳng miễn nhiễm với tác động. Trong ngày thứ Ba, Nhà Trắng thông báo sẽ áp thuế 10% đối với khoảng 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, chính sách thuế sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2018. Trong danh sách có hàng tiêu dùng hàng ngày, việc giá cả tăng lên sẽ khiến cho tiêu dùng Mỹ đi xuống. 

Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 5/2018 bởi Hiệp hội công nghệ tiêu dùng Mỹ và Liên đoàn bán lẻ Mỹ, việc đánh thuế với khoảng 50 tỷ USD hàng Trung Quốc cũng sẽ khiến cho khoảng 134 nghìn người Mỹ mất việc. Một nông dân trồng đậu tương tại Iowa - Mỹ nói: “Rõ ràng bảo hộ chẳng tốt cho bất kỳ ai”.(Bizlive)

Trở về

Bài cùng chuyên mục