Trung Quốc và Đức bắt tay chống Mỹ: Bước ngoặt mới của cuộc chiến thương mại; Bộ TNMT đau đầu vì gần 6.000 container rác tồn đọng tại cảng; Đến năm 2020 Hà Nội dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất 1.767 dự án
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 17-07-2018
- Cập nhật : 17/07/2018
Mỹ cảnh báo nguy cơ tấn công mạng nghiêm trọng
Nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ đang ở mức độ nghiêm trọng. Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ Dan Coats đưa ra lời cảnh báo trên tại một sự kiện tổ chức tại Washington ngày 13/7.
Theo ông Dan Coats, cơ sở hạ tầng số phục vụ cho nước Mỹ đang bị xâm nhập và tấn công bởi các thủ phạm từ bên ngoài. Theo ông Coats, những mục tiêu như vậy bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức chính quyền và tư nhân các cấp cùng những “yếu tố cơ sở hạ tầng quan trọng”.
Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ đưa ra những lời cảnh báo trên trong bối cảnh Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein ngày 13/7 công bố kết quả điều tra và chính thức truy tố 12 công dân Nga về vai trò của họ trong việc xâm nhập hệ thống máy tính Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ và ban vận động tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton để đánh cắp tài liệu nhằm gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Tất cả 12 công dân Nga này đều là thành viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU). Phía Nga khẳng định những cáo buộc trên là vô căn cứ
Động thái này diễn ra vài ngày trước cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến vào ngày 16/7 tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tại thủ đô Helsinki, Phần Lan.
Dư luận cho rằng động thái này sẽ phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki. Tổng thống Nga Putin lâu nay vẫn bác bỏ mọi sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 (Bnews)
------------------
Các nhà sản xuất Mỹ khóc ròng vì thuế quan
Lo ngại tranh chấp thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốcsẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng của Mỹ chững lại, thậm chí suy giảm.
Khởi sắc trong bất an
Khu vực sản xuất Mỹ đã khởi sắc mạnh mẽ trong vài năm qua, nhưng giờ đây ngày càng nhiều người lo ngại tranh chấp thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và các nước khác sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng này chững lại, thậm chí suy giảm.
Nhiều nhà sản xuất Mỹ cho biết chi phí thép, nhôm và các nguyên vật liệu đều tăng cao do các mức thuế quan Mỹ và đi kèm theo là nguy cơ bị chặn cửa, không thể bước chân vào thị trường của các nước khác do các biện pháp trả đũa. Tất cả những điều này ngày càng khiến các nhà sản xuất Mỹ cảm thấy bất an. Không ít doanh nghiệp quyết định hoãn các kế hoạch tuyển dụng và đầu tư.
“Nhìn chung, nền kinh tế trong 18 tháng qua rất tốt. Chúng tôi đã ăn nên làm ra trong năm 2017 và tính đến thời điểm này, tình hình của chúng tôi vẫn còn khả quan. Nhưng chúng tôi rất lo ngại về các mức thuế quan”, Michael Haberman, Chủ tịch Gradall Industries, một nhà sản xuất máy đào, máy xúc của Mỹ, nhận định.
Ngành sản xuất Mỹ đã có một năm khởi sắc khi tăng trưởng 1,9% trong năm kết thúc vào tháng 5.2018. Tốc độ tăng trưởng này vẫn còn tiếp diễn, theo các khảo sát riêng lẻ từ Viện Quản lý Cung ứng (ISM) và IHS Markit vào đầu tuần qua.
Tuy nhiên, chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump đang bắt đầu tạo ra những tác động đáng kể lên các nhà sản xuất Mỹ. Cả hai cuộc khảo sát của ISM và IHS Markit đều đưa ra kết luận: nhiều nhà sản xuất đều báo cáo chi phí gia tăng và những khó khăn ngày càng chồng chất trong việc tìm nguồn cung ứng nguyên vật liệu.
Timothy Fiore, thuộc ISM, cho biết những người tham gia khảo sát “rất lo ngại” về các mức thuế quan. Cuối tuần qua, Mỹ đã bắt đầu áp thuế quan đối với 34 tỉ USD giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh cũng đã “đáp lại” bằng cách áp thuế quan lên hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Các biện pháp thuế quan mang tính trả đũa từ Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico trước động thái áp thuế của Mỹ đối với mặt hàng thép và nhôm đã có hiệu lực trong tháng vừa qua. Ngày càng nhiều biện pháp trả đũa trên diện rộng hơn “hứa hẹn” sẽ được áp dụng bởi Mỹ, Trung Quốc, EU và các nước khác.
Phòng Thương mại Mỹ, một trong những tổ chức tích cực chống lại các rào cản thương mại, mới đây đã công bố một báo cáo phân tích về việc mỗi bang của Mỹ sẽ bị tác động nặng nề như thế nào bởi các biện pháp áp thuế quan của các nước khác. Thomas Donohue, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, nhận định: “Các mức thuế quan sẽ “sản sinh” ra nhiều mức thuế quan hơn, cứ thế áp thuế, rồi lại áp thuế. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh thương mại khiến cho Mỹ tổn thất nhiều việc làm và cả tăng trưởng kinh tế”.
Không thể dự đoán trước
Những căng thẳng thương mại đang leo thang đã khiến các công ty tiếng tăm của Mỹ như Harley-Davidson và hãng ô tô General Motors “khóc ròng”. Trong trường hợp của General Motors, đây là nhà xuất khẩu lớn nhất xe ô tô được sản xuất tại Trung Quốc sang Mỹ. Liên doanh của GM tại Trung Quốc (SAIC-GM) đã xuất 29.878 chiếc Buick Envision SUV sang Mỹ trong năm 2017, chiếm khoảng 17% doanh số bán xe Buick tại Mỹ trong năm đó.
Đầu tháng 4 vừa qua, Robert Lighthizer, đại diện thương mại Mỹ, tuyên bố các mức thuế áp lên Bắc Kinh, trong đó nâng mức áp thuế lên ô tô nhập khẩu Trung Quốc từ 2,5% lên 25%, bằng với mức mà Trung Quốc đã áp lên ô tô nhập khẩu vào nước mình. Với các mức thuế này, General Motors được dự báo sẽ chứng kiến doanh số bán sụt giảm trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, cơn đau nhức nhối đang lan khắp khắp ngành sản xuất của Mỹ. Pentaflex, một nhà sản xuất theo hợp đồng các bộ phận dập kim loại, đã có một năm ăn lên làm ra, doanh số bán trong 6 tháng đầu năm 2018 cũng tăng tới 27%. Các sản phẩm của công ty này được sử dụng trong các trục xe và ống xả xe tải và nhu cầu cao trong ngành vận tải có nghĩa là doanh số bán xe tải đã tăng rất mạnh kể từ cuối năm 2016.
Tuy nhiên, thép lại chiếm tới khoảng 60% chi phí làm nên một bộ phận linh kiện và giá thép tại Mỹ đã tăng rất cao kể từ đầu năm đến nay. Thép dải cán nóng tại Mỹ đã tăng 51% kể từ tháng 10.2017, theo Steelbenchmarker. Con số này cao hơn nhiều so với mức thuế quan 25% được áp bởi chính quyền Mỹ và cao hơn rất nhiều so với mức tăng giá 4% đối với loại thép tương đương tại châu Âu.
Các đợt tăng giá đang buộc khách hàng phải thu hẹp hoạt động, tìm cách tiết giảm chi phí, theo Dave Arndt, Chủ tịch Pentaflex, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội ngành kim loại chính xác. “Tình hình kinh doanh của chúng tôi đang rất tốt. Vì thế, tôi không muốn mọi thứ lại kết thúc chỉ vì thuế quan”, ông nói.
Chi phí tăng cao hơn đang là thách thức trước mắt của Pentaflex và các công ty khác, nhưng điều khiến Dave Arndt thực sự lo ngại là mối đe dọa từ một cuộc chiến tranh thương mại đang leo thang. “Nếu ai nấy cũng bắt đầu lo ngại về tình hình này, doanh số bán xe tải có thể sẽ giảm xuống và doanh số bán của chúng tôi cũng sẽ bị liên lụy”, Arndt lo lắng.
Đối với các nhà sản xuất khác, không phải kim loại mà các linh kiện nhập khẩu mới là mối lo ngại chính của họ. Gradall Industries, chẳng hạn, mua linh kiện từ Trung Quốc, mà dự kiến sẽ bị “liên lụy” trong đợt áp thuế quan mới 25% vào cuối tháng qua.
Haberman cho biết không có nhà cung cấp nào ở Mỹ có thể thay thế cho linh kiện do đối tác Trung Quốc cung cấp. Gradall, vốn bán ngược sản phẩm trở lại vào thị trường Trung Quốc, sẽ đối mặt với chi phí cao hơn và bị đẩy vào thế cạnh tranh đầy bất lợi.
“Vào lúc này, chúng tôi sẽ không cắt giảm việc làm, nhưng chúng tôi sẽ rất cẩn trọng trong việc tuyển dụng lao động. Chúng tôi đã từng rất hăng hái, nhưng giờ cần phải thận trọng hơn”, Haberman nói.
Điều thực sự khiến Haberman lo lắng là quan điểm của chính quyền ông Trump dường như thay đổi rất nhanh mà gần như không hề cảnh báo trước. “Trong kinh doanh, chuyện tồn vong hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực dự đoán trước và khả năng dự báo các đơn đặt hàng tương lai. Nếu bạn không thể dự báo được tình hình kinh doanh 18 tháng tới, việc đầu tư là rất khó khăn. Đây là điều rất đáng ngại”, ông nói.(NCĐT)
------------------------------
Giải pháp điện mặt trời cho hộ gia đình
Chỉ cần 10% hộ gia đình Việt Nam sử dụng, nhu cầu điện mặt trời đã lên tới 5.000 MWp.
Ngày 11/7, SolarBK, doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong ngành năng lượng, với hơn 40 năm thành lập, đã chính thức ra mắt gói giải pháp điện mặt trời Bigkilowatt dành cho hộ gia đình, có công suất từ 2-10KWp. Đơn vị phân phối chính hãng là SolarGATES, một công ty mới thành lập vào đầu năm nay.
Theo lãnh đạo SolarBK, gói giải pháp này vượt trội về chất lượng và có giá cạnh tranh hơn mặt bằng giá chung trên thị trường từ 20-30%. Nếu khách hàng đặt hàng qua các công ty điện lực, từ nay đến hết 28/9/2018 thì còn được giảm giá thêm 10%.
Gói giải pháp Bigkilowatt là sản phẩm bao gồm nhiều thành phần: tấm pin mặt trời, 1 bộ inverter có hiệu suất cao, thiết bị giám sát Belink, hệ thống khung nhôm định hình và các thiết bị liên quan khác. Chi phí trọn gói cho triển khai Bigkilowatt, với công suất 2KWp là khoảng 46 triệu đồng.
Đổi lại, hàng tháng, theo tính toán của SolarBK, hộ gia đình sẽ tạo được trung bình khoảng 264kwh điện từ pin năng lượng mặt trời. Các khách hàng có thể sử dụng hoặc bán điện ngược lại cho EVN số điện dư thừa. Dự kiến, khi lắp đặt pin năng lượng mặt trời, khách hàng có thể yêu cầu EVN hỗ trợ miễn phí lắp đặt đồng hồ điện 2 chiều.
Ngoài ra, khách hàng có thể làm việc với SolarBK để lắp thêm đồng hồ ghi nhận điện riêng. Hệ thống giám sát tự động SSOC mà SolarBK thiết kế riêng sẽ cho phép khách hàng theo dõi chính xác, chi tiết lượng điện mặt trời tạo ra cũng như theo dõi tình hình hoạt động của hệ thống pin năng lượng mặt trời.
Điểm khác biệt của sản phẩm Bigkilowatt và các giải pháp năng lượng mặt trời khác của SolarBK so với các đơn vị khác là sản phẩm có thương hiệu uy tín, được bảo đảm vì SolarBK có nhà máy IREX tự sản xuất tấm pin. Nhà máy này mới đưa vào vận hành thử nghiệm và có tổng công suất thiết kế tới 500Mwp.
Hiện nhà máy đang hoạt động ở mức công suất khoảng 150MWp. SolarBK chủ yếu xuất khẩu với 70-80% doanh thu từ bán hàng nước ngoài. EU, Mỹ là những thị trường quan trọng. Ngoài ra, SolarBK đang tìm cách mở rộng hoạt động sang các nước như NewZealand, Myanmar...
Với thị trường trong nước, SolarBK đang nắm thị phần 30%, chủ yếu cung cấp giải pháp điện mặt trời cho các công trình, doanh nghiệp. Mục tiêu của SolarBK là tiếp tục duy trì các con số này nhưng có mở rộng thêm ở đối tượng khách hàng cá nhân
Theo đánh giá của ông Nguyễn Vũ Nguyên, Giám đốc hoạt động của SolarGATES, thị trường điện mặt trời đang rất tiềm năng. Với dân số khoảng 95 triệu dân, chia thành 24 triệu hộ gia đình, nếu chỉ 10% số hộ này dùng điện mặt trời, nhu cầu điện mặt trời trong hộ gia đình ước lên tới 5000MWp.
Một khi sử dụng, theo SolarBK, nếu khách hàng đầu tư hệ thống pin năng lượng mặt trời ở quy mô 10KWp trở lên, sau 5 năm, khách hàng có thể hoàn vốn và sinh lời trong 20 năm kế tiếp. (NCĐT)
-------------------
Nhập khẩu dầu thô của Trung quốc trong tháng 6 thấp nhất 6 tháng
Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 6 giảm tháng thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, do lợi nhuận giảm và giá dầu biến động khiến một số nhà máy lọc dầu độc lập, được gọi là “teapots” giảm quy mô mua vào.
Theo Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, nhập khẩu trong tháng 6 ở mức 34,35 triệu tấn, hay 8,36 triệu thùng/ngày. Số liệu này giảm 9% từ 9,2 triệu thùng/ngày trong tháng 5 và cũng giảm từ 8,8 triệu thùng/ngày trong tháng 6/2017. Theo số liệu của Thomson Reuters lượng dầu thô nhập vào Trung Quốc trong tháng 6 là 35,13 triệu tấn. Nhập khẩu của Trung quốc trong nửa đầu năm nay vẫn tăng 5,8% so với một năm trước đạt 225 triệu tấn hay 9,07 triệu thùng/ngày.
Trong khi một số các nhà máy lọc dầu quốc doanh và độc lập bị đóng cửa để bảo dưỡng thường lệ, các nhà máy khác tận dụng lợi nhuận suy yếu và giá dầu ở mức cao nhất trong gần 4 năm để tiến hành đóng cửa kéo dài.
Seng Yick Tee tại công ty tư vấn năng lượng SIA Energy cho biết “số lượng thấp hơn so với chúng tôi đã dự kiến, chủ yếu do một số nhà máy lọc dầu teapot hoạt động chậm lại bởi chúng đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng trong cung cấp nhiên liệu đã lọc trong nước và lợi nhuận suy yếu”.
Tập đoàn Hóa chất Shengxing Sơn đông đã đóng cửa bộ phận dầu thô vào cuối tháng 4 và chỉ dự kiến khôi phục hoạt đồng khoảng giữa tháng 8.
Hóa dầu Haiyou Sơn Đông, một nhà máy teapot trụ sở tại Rizhoa với hạn ngạch nhập khẩu hàng năm là 3,2 triệu tấn, đã đóng cửa bộ phận dầu thô từ cuối tháng 5, không rõ ngày mở cửa lại.
Nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ giảm 26,5% xuống 2,22 triệu tấn, trong khi xuất khẩu sản phẩm dầu mỏ giảm 22,0% xuống 4,78 triệu tấn.
Tuy nhiên, tổng lượng khí đốt nhập khẩu trong tháng 6 - gồm cả qua đường ống khí và khí tự nhiên hóa lỏng - tăng lên 7,3 triệu tấn, tăng 31% so với một năm trước. Từ đầu năm tới nay nhập khẩu đạt 42,08 triệu tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Khí đốt duy trì tăng trưởng cao do nhu cầu vẫn mạnh để lưu trữ cũng như để sử dụng trong công nghiệp.
Các chính quyền địa phương đang triển khai tăng giá khí ở thành phố cho khu dân cư, sau khi Bắc Kinh thay đổi chính sách trong tháng 5 để thống nhất giá cho cư dân với những người tiêu dùng công nghiệp. Để thúc đẩy các nhà sản xuất khí đốt, sự thay đổi này loại bỏ hiệu quả các khoản trợ cấp dài hạn cho khu vực dân cư.(Vinanet)