Tỷ phú Ấn Độ vượt Jack Ma thành người giàu nhất châu Á; Chiến lược nào cho các nước đang phát triển trong cách mạng tự động hóa?; Trung Quốc, Mỹ bắt đầu “thấm đòn” chiến tranh thương mại
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 15-07-2018
- Cập nhật : 15/07/2018
Việt Nam trở lại xuất siêu trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh
Từ xu hướng nhập siêu trong tháng 5/2018, Việt Nam đã trở lại xuất siêu khá mạnh nửa cuối tháng 6, qua đó đưa mức thặng dư của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 3,36 tỷ USD.
Tính đến hết tháng 6/2018, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 114,19 tỷ USD, tăng 16,3% tương ứng tăng 15,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017. Nguồn: Internet
Cụ thể, ngày 12/7/2018, Tổng cục Hải quan công bố thông tin sơ bộ tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong nửa cuối tháng 6/2018 (từ ngày 16/6 đến ngày 30/6/2018) với diễn biến đảo chiều của cán cân thương mại.
Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 6/2018 (từ ngày 16/6 đến 30/6/2018) đạt 19,84 tỷ USD, tăng 4,5% (tương ứng tăng 855 triệu USD) so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 6/2018.
Kết quả đạt được trong nửa cuối tháng 6/2018 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước sau nửa năm 2018 đạt tới 225,02 tỷ USD, tăng 12,9%, tương ứng tăng 25,72 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 144,83 tỷ USD, tăng 11,9%, tương ứng tăng 15,35 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017.
Tổng trị giá hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 6/2018 đạt 10,35 tỷ USD, tăng 8,9% (tương ứng tăng 849 triệu USD về số tuyệt đối) so với kỳ 1 tháng 6/2018.
Trị giá xuất khẩu kỳ 2 tháng 6/2018 tăng so với kỳ 1 tháng 6/2018 chủ yếu do tăng ở một số nhóm hàng sau: Điện thoại các loại linh kiện 31,5%, tương ứng tăng 452 triệu USD; Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 26,4%, tương ứng tăng 158,3 triệu USD; Sắt thép các loại tăng 59,4%, tương ứng tăng 80,06 triệu USD; Hàng dệt may tăng 4,5%, tương ứng tăng 60,59 triệu USD…
Tính đến hết tháng 6/2018, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 114,19 tỷ USD, tăng 16,3% tương ứng tăng 15,98 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017.
Trị giá xuất khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 so với 6 tháng đầu năm 2017
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong đó, tính riêng khối doanh nghiệp FDI có trị giá xuất khẩu hàng hóa trong kỳ 2 tháng 6/2018 đạt 7,26 tỷ USD, tăng 13,7% tương ứng 876 triệu USD so với kỳ 1 tháng 6/2018, qua đó nâng tổng trị giá xuất khẩu trong nửa đầu năm 2018 của khối doanh nghiệp này lên 79,96 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 70% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Bên cạnh đó, tổng trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 2 tháng 6/2018 đạt 9,48 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% so với kết quả thực hiện trong nửa đầu tháng 6/2018. Một phần do trị giá nhập khẩu hàng hóa ở một số nhóm hàng nhập khẩu chủ lực cùng tăng nhẹ, như: Máy vi tính, sản phẩm điệu tử và linh kiện tăng 18,5%, tương ứng tăng 267,56 triệu USD; Dầu thô tăng 140,89 triệu USD; Điện thoại các loại và linh kiện tăng 57,72 triệu USD, tương ứng tăng 14,1%...
Tính đến hết tháng 6/2018, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 110,83 tỷ USD, tăng 9,6% (tương ứng tăng 9,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2017.
Trị giá nhập khẩu 10 nhóm hàng lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 so với 6 tháng đầu năm 2017
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Như vậy, kỳ 2 tháng 6/2018, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 0,87 tỷ USD, qua đó đưa mức thặng dư của cả nước trong 6 tháng đầu năm 2018 lên 3,36 tỷ USD.(TCTC)
--------------------------
Nhập khẩu trước những mối lo!
Một số mặt hàng nhập khẩu (NK) cần kiểm soát như rau quả, phế liệu sắt thép hoặc các loại phế liệu khác đang tăng rất đáng ngại. Và một nỗi lo khác là cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ tạo sức ép với hàng hoá Trung Quốc để họ "xả hàng" sang các nước lân cận như Việt Nam.
Số liệu mới công bố của Bộ Công Thương cho thấy trong nhóm mặt hàng cần kiểm soát, có một số mặt hàng NK tăng đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm nay. Điển hình như rau quả ước NK đến 757 triệu USD, tăng 18,9% so cùng kỳ năm trước. Hoặc như phế liệu sắt thép ước NK 890 triệu USD, tăng đến 52,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Không thể chủ quan
Trong nhóm hàng rau quả, có thể thấy chúng ta xuất nhiều nhưng nhập cũng cao trong vài năm trở lại đây. Hai thị trường NK rau quả nhiều nhất vào Việt Nam là Thái Lan và Trung Quốc đang chiếm khoảng 2/3 tổng kim ngạch nhập mặt hàng này của Việt Nam.
Phế liệu sắt thép tăng đột biến như hiện nay được cho là vì có chi phí rẻ hơn so với mua phôi để luyện thép nên vẫn chiếm khối lượng lớn nguyên liệu đầu vào của một số nhà máy thép trong nước.
Ngoài ra, đáng ngại là tình trạng NK các loại phế liệu được các cơ quan quản lý cảnh báo Việt Nam có nguy cơ trở thành công trường chế biến các loại rác thải, phế liệu để cung cấp cho Trung Quốc khi nước này thực hiện chính sách cấm NK 24 loại rác thải, phế liệu từ nhựa, ni-lon từ 1/1/2018.
Theo Tổng cục Hải quan, với 928 doanh nghiệp NK phế liệu trên cả nước, thời gian gần đây, hoạt động NK các loại phế liệu diễn ra nhộn nhịp. Chẳng hạn như nhựa phế liệu, hồi năm ngoái có 54 doanh nghiệp đã NK với tổng số 24.648 container, còn riêng 4 tháng đầu năm 2018, có 50 doanh nghiệp NK với tổng số 10.689 container.
Theo thống kê của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, đến tháng 6/2018, tại cảng Cát Lái (còn tồn 3.231 container phế liệu chưa làm thủ tục hải quan. Các mặt hàng nhựa phế liệu NK chủ yếu thu gom từ Mỹ, Nhật, châu Âu, được vận chuyển về Việt Nam, tập trung chủ yếu qua các cảng biển khu vực TP. Hồ Chí Minh (cảng Cát Lái), cảng Hải Phòng, cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu)…
Được biết nửa đầu năm nay, nhóm hàng cần kiểm soát nhập vào Việt Nam đã ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng này chiếm tỷ trọng khiêm tốn (6,2% trong tổng kim ngạch NK) nhưng không vì thế mà chủ quan, đặc biệt là với những mặt hàng phế liệu.
Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hiện nay, theo dự báo, sẽ khiến sức ép hàng Trung Quốc trở nên "khủng khiếp" đối với thị trường Việt Nam. Đặc biệt khi Trung Quốc hiện chiếm 28% tổng kim ngạch NK của cả nước. Kim ngạch NK của nước này vào Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã tăng 15,6%.
Giới chuyên gia nhận định, khi bị Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa, Trung Quốc sẽ phá giá, "xả hàng" sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh và người lao động tại các doanh nghiệp nội địa.
Trung Quốc sẽ "xả hàng"?
Như lưu ý của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, việc Mỹ đánh thuế hàng Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ các sản phẩm nước này gồm cả các mặt hàng chưa phòng vệ thương mại như da giày, dệt may, đồ gỗ… tràn vào Việt Nam.
Thậm chí, các loại thịt nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng có thể gia tăng từ cuộc chiến thương mại này. Giới chuyên gia dự báo nguy cơ thịt lợn ngoại, đặc biệt là thịt lợn đông lạnh từ Mỹ, sẽ tăng tốc vào Việt Nam trong thời gian tới.
Ngay như hồi tháng 5 vừa qua, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 10.870 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt từ Mỹ, trị giá 13,05 triệu USD, tăng đến 47,8% về lượng và tăng 24,4% về kim ngạch so với tháng trước đó.
Ngoài các vấn đề nêu trên, một nỗi lo khác là hàng Trung Quốc được bán qua kênh thương mại điện tử online sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với sự góp mặt của "đại gia" thương mại điện tử Alibaba sau khi họ mua lại "chợ điện tử" Lazada (chiếm đến 1/3 thị phần thương mại điện tử của Việt Nam, thu hút 30 lượt triệu lượt truy cập hàng tháng, có hơn 2.000.000 sản phẩm thuộc 16 ngành hàng).
"Vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt khi hàng hoá ngoại nhập từ Trung Quốc tràn vào theo con đường thương mại điện tử. Điều này được cho là cũng xảy ra tương tự với các ngành sản xuất, du lịch… chứ không chỉ riêng bán lẻ" – ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh công ty Haravan, cảnh báo như vậy.
Trong vai trò quản lý của Bộ Công Thương, họ cho rằng thời gian tới, cần tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước với giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và ngày càng cao ở Việt Nam để cung ứng cho các cơ sở bán lẻ nhằm giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại NK.
Điều quan trọng bây giờ là các bộ ngành liên quan cần tiếp tục theo dõi sát và đánh giá kỹ tình hình nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng NK cần kiểm soát hoặc các mặt hàng có mức tăng trưởng cao để có những giải pháp kiểm soát hiệu quả, đồng thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất trong nước.(TBKD)
-----------------
“Phá giá” đồng Việt Nam, “lưỡi dao” lách giữa chiến tranh thương mại Mỹ Trung để hưởng lợi?
TS. Nguyễn Đức Thành bày tỏ quan điểm nên "phá giá" VND từ 2 – 3% từ nay đến hết cuối năm.
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ làm xáo trộn mô thức thương mại giữa các nước, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định chiều ngày 11/7. Theo ông, nhiều nước, trong đó có Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Bày tỏ quan điểm ngược với nhiều nhận định, rằng Trung Quốc không nao núng, hay Mỹ sẽ là bên thiệt hại lớn hơn trong cuộc chiến, ông Thành cho rằng Trung Quốc, tự bên trong đang bị tổn thương.
Điều này được chứng minh thông qua việc đồng Nhân dân tệ (CNY) đang bị yếu đi. Có hai kịch bản được đặt ra ở đây, theo ông Thành.
Kịch bản 1 là Trung Quốc tự phá giá đồng tiền. Nhưng để làm được điều này, Trung Quốc phải mua vào đồng USD, tức tăng lượng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào ghi nhận việc Trung Quốc làm yếu đi đồng CNY cũng như dự trữ USD của Trung Quốc giảm từ đầu năm. Riêng quý I/2018, phần dự trữ đã giảm 30 tỷ USD.
Do vậy, dẫn đến kịch bản thứ 2, nhà đầu tư Trung Quốc và nước ngoài thực sự lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho đồng CNY bị suy yếu. Dòng tiền USD bị rút ồ ạt khỏi thị trường, "tương tự năm ngoái đã có 800 tỷ USD bị rút đi", theo ông Thành. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cần phải bơm một lượng tiền USD cung ứng cho thị trường, ngăn chặn đồng CNY bị giảm mạnh, dẫn đến việc giảm dự trữ ngoại hối.
"Điều này phù hợp với quan sát của chúng tôi", TS. Thành nói.
Đồng tiền Trung Quốc bị mất giá cùng với việc hàng hoá Trung Quốc bị nghẽn tại Mỹ buộc Việt Nam phải chủ động hơn, theo ông Thành. Vì hàng hoá Trung Quốc có thể sẽ cạnh tranh với hàng Việt.
Bên cạnh đó, CNY giảm, USD tăng khiến hàng hoá rẻ hơn. Đồng tiền Việt trong bối cảnh xung đột hiện tại cũng đang tăng giá. Ông Thành nói rằng Việt Nam nhập khẩu tương đối nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc.
Do vậy, với nguồn cung nguyên liệu rẻ, xuất khẩu sang Mỹ với giá như cũ, tức tỷ giá được neo đậu như hiện nay hoặc phá giá VND, thì hàng hoá Việt Nam xuất đi sẽ bán giá cao hơn trong khi sản xuất rẻ hơn.
Điều này, theo ông Thành, là trong hỗn loạn có "lưỡi dao" lách được vào để tìm được lợi ích. Như vậy, ông đề xuất nên theo đuổi chính sách tỷ giá mềm dẻo, "đi dây" giữa hai nền kinh tế đang xung đột.
Theo đó, Việt Nam có thể phá giá đồng tiền so với USD nhưng không giảm mạnh như CNY. "Mức giảm VND từ nay đến cuối năm khoảng 2-3%", ông Thành để xuất.
Trước đó, TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh tỷ giá là quan trọng giúp điều kiện thương mại của Việt Nam được cải thiện, kích thích xuất khẩu, góp phần cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc này khiến các doanh nghiệp trong nước vay bằng đồng USD sẽ gặp khó khăn do chênh lệch tỷ giá.
Do đó, Chính phủ cần theo dõi sát sao diễn biến của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung Quốc và động thái của ngân hàng Trung ương các nước đồng thời Ngân hàng Nhà nước cần sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ khác, thậm chí tăng cung ngoại tệ ra thị trường để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. (Trithuctre)