Thanh tra hơn 22.000 cuộc, thu lại ngân sách gần 17.000 tỉ đồng; 6 tháng, VN chi gần 2 tỉ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi; 20 tỉnh thu ngân sách chỉ đạt dưới 50%; 2 tỉ USD chuẩn hóa 2.400 sản phẩm, nông sản địa phương
Tin kinh tế đọc nhanh 18-07-2018
- Cập nhật : 18/07/2018
IMF cảnh báo tổn thất chiến tranh thương mại lên đến 430 tỉ USD
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo căng thẳng leo thang giữa Mỹ và phần còn lại của thế giới có thể gây ra tổn thất lên đến 430 tỉ USD cho toàn cầu, nhưng Mỹ là bên gánh chịu nguy cơ lớn nhất.
Tổ chức toàn cầu có trụ sở tại Washington đã đưa ra lời chỉ trích sắc bén đối với chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump, cho rằng các động thái đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và những đối tác thương mại hiện nay có thể thổi bay 0,5% trong tỉ lệ tăng trưởng trên thế giới.
Nếu diễn dịch bằng tiền tệ, con số này tương đương 430 tỉ USD mà các nền kinh tế phải chịu tổn thất vì GDP sụt giảm, theo tờ Guardianhôm 17.7.
Dù tất cả các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng ít nhiều, chính nước Mỹ sẽ trở thành “mục tiêu trả đũa của toàn cầu” khi hàng hóa xuất khẩu sẽ bị đánh thuế trên các thị trường. Cuối cùng, chính Mỹ lâm vào tình trạng đối mặt nguy cơ tổn thất nặng nề, theo cảnh báo của IMF.
Hồi tuần trước, Tổng thống Trump tiếp tục đề xuất áp đặt 105 thuế suất cho số lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá khoảng 200 tỉ USD. Bắc Kinh nhanh chóng lên tiếng đe dọa trả đũa.
Chủ nhân Nhà Trắng còn tạo ra tâm lý lo lắng trong giới lãnh đạo châu Âu khi liệt EU vào danh sách “kẻ thù” lớn nhất về khía cạnh thương mại.(Thanhnien)
-------------------------
Trung Quốc chính thức kiện Mỹ ra Tổ chức thương mại thế giới
Cuộc chiến thương mại giữa hai nước Trung – Mỹ lại gia tăng nấc thang mới. Ngày 16/7, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố đã nộp đơn kiện Mỹ ra trước Tổ chức Thương mại thế giới WTO về việc áp đặt mức thuế tăng 10% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu dựa theo “Báo cáo điều tra 301”.
Đây là lần thứ 2 Trung Quốc đưa đơn kiện Mỹ ra trước WTO; lần trước vào ngày 6/7 sau khi hai nước “ăn miếng trả miếng” tăng thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của mỗi bên. Tuy nhiên, sau đó vào ngày 10/7, chính phủ Mỹ lại đưa ra danh mục 6.031 mặt hàng nhập của Trung Quốc bị họ tiếp tục đánh thuế tăng thêm 10% trị giá tới 200 tỷ USD, trong đó có các sản phẩm thuộc Kế hoạch “Made in China 2025”. Quyết định đánh thuế này sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 9 tới đây.
Trước lời cáo buộc của Mỹ trong “Tuyên bố về điều tra 301” chỉ trích Trung Quốc từ lâu nay theo đuổi chính sách mậu dịch không công bằng dẫn đến việc Trung Quốc hưởng lợi, Mỹ bị thiệt thòi; bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/7 đã nói trong cuộc họp báo: sự chỉ trích của Mỹ hoàn toàn là bóp méo sự thật, không hề đúng đắn. Bà nói, Mỹ là nước chủ chốt đề ra quy tắc thương mại thế giới, đồng USD là đồng tiền thanh toán chủ yếu trên quốc tế, Trung Quốc chỉ là nước tham gia sau, là bên chấp nhận quy tắc của WTO; lẽ nào bên đề ra quy tắc lại làm lợi cho người khác mà làm thiệt chính mình?
Bà Hoa Xuân Oánh nói, trong 40 năm qua, quy mô thương mại Trung – Mỹ đã tăng hơn 230 lần; năm ngoái kim ngạch mậu dịch giữa hai nước đạt gần 600 tỷ USD, đó vừa là do quy luật kinh tế mang lại, cũng là kết quả của sự hợp tác kinh tế - mậu dịch cùng có lợi giữa hai nước.
Bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Bà nói, người kinh doanh không ai chịu lỗ khi buôn bán; lẽ nào trong suốt 40 năm qua, Mỹ luôn bị thua lỗ trong buôn bán với Trung Quốc? Thêm nữa, Trung Quốc đã trở thành bạn hàng buôn bán lớn nhất của hơn 120 quốc gia và khu vực, là thị trường xuất khẩu chủ yếu và tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là nước đang phát triển năm 2017 thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều thứ hai thế giới, 6 tháng đầu năm nay số xí nghiệp do nước ngoài đầu tư tăng 96,6%; lẽ nào ngần ấy nước đều tiếp tục làm ăn lỗ vốn với Trung Quốc?
Theo bà Oánh, mậu dịch không cân bằng không có nghĩa là không công bằng. Công bằng phải dựa vào việc các bên hiệp thương bình đẳng để đề ra quy tắc quốc tế chứ không phải tự nói những lời của mình, căn cứ lợi ích bản thân để định ra tiêu chuẩn, thậm chí hy sinh sự công bằng và lợi ích của nước khác để mưu cầu lợi ích bản thân.
WTO từ lâu đã tự coi là Liên Hợp Quốc về thương mại toàn cầu, diễn đàn nơi 164 nền kinh tế ngồi lại để thỏa thuận về việc thực thi các cam kết hội nhập và giải quyết các bất đồng. Nay, khi Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang ở trong cuộc chiến tranh thương mại thì WTO lại bất lực. Thậm chí, từ nhiều tháng nay, chính quyền Mỹ đang làm tê liệt việc giải quyết các tranh chấp khi ngăn chặn việc bổ nhiệm ba trong số bảy thẩm phán tại tòa phúc thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp thuộc WTO. Có tin ông Trump còn muốn rút Mỹ khỏi WTO và đã chỉ thị soạn thảo dự luật để kích hoạt quá trình này.
Khi mà theo quy định nhất thiết phải có ít nhất ba thẩm phán để kiểm tra từng trường hợp, nếu không WTO sẽ không thể giải quyết được tranh chấp thương mại, cộng thêm quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ với WTO thì việc Trung Quốc kiện Mỹ lên WTO chắc cũng chẳng khiến Washington phải e ngại hay chùn bước.(Viettimes)
---------------------------
Theo dòng thời sự: Trung Quốc-EU “đồng sàng, dị mộng”
Xét ở nhiều góc độ, Trung Quốc và EU vẫn còn một khoảng cách khá xa trong việc tìm kiếm lập trường chung để đối phó với Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - Liên minh châu Âu (EU) lần thứ 20 vừa diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh đã nhất trí hợp tác để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và ủng hộ thương mại tự do toàn cầu.
Đây có thể xem là tín hiệu về sự đồng lòng nhất định của Bắc Kinh và Brussels nhằm chống lại chính sách bảo hộ thương mại và tăng thuế quan mà Mỹ đang áp đặt với cả Trung Quốc và EU, gây ra những tranh cãi gay gắt có nguy cơ “kích hoạt” một cuộc chiến thương mại quy mô lớn gây tổn hại cho kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, hai bên cũng nhất trí trao đổi về các đề nghị tiếp cận thị trường lẫn nhau để thúc đẩy một thỏa thuận đầu tư song phương. Tuy nhiên, xét ở nhiều góc độ, giữa Trung Quốc và EU vẫn còn một khoảng cách khá xa trong việc tìm kiếm lập trường chung để đối phó với Mỹ.
Có thể thấy Trung Quốc và EU cùng chia sẻ nhiều lợi ích và mối quan ngại chung liên quan tới chính sách thương mại theo phương châm “Nước Mỹ trước tiên” mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang theo đuổi. Cả Trung Quốc và EU đều là những đối tác thương mại lớn của Mỹ và đều đang chịu “tổn thất” nặng nề do chính sách bảo hộ mậu dịch của Washington.
Căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ đang ngày càng leo thang sau khi Washington áp mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, thậm chí Tổng thống Donald Trump còn đe dọa đánh thuế tất cả các mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ trị giá hơn 500 tỷ USD, gần tương đương tổng lượng hàng mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc hồi năm ngoái.
Quan hệ thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương cũng trong giai đoạn sóng gió bởi “cuộc chiến thuế” do Mỹ áp mức thuế 25% với mặt hàng thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ EU. Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất trên kênh truyền hình CBS, ông Trump còn xác định Trung Quốc, Nga và EU là những “đối thủ” của Mỹ.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc và EU có mục tiêu chung là tìm kiếm một chiến lược phối hợp để ứng phó với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, đồng thời thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương chặt chẽ hơn.
Việc hai bên đề cao hoạt động phối hợp để tránh một "cuộc xung đột và hỗn loạn" thương mại nhằm ngăn chặn nguy cơ căng thẳng thương mại biến thành một cuộc đối đầu khốc liệt, thể hiện quan điểm tương đồng của Trung Quốc và EU thúc đẩy thương mại tự do và hợp tác đa phương.
Tuy nhiên, tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh này chỉ dừng lại ở việc nhắc lại những cam kết đối với thương mại tự do, công bằng dựa trên trật tự quy tắc thế giới, chứ không đề cập tới việc “thiết lập một liên minh” nhằm đối phó với chính sách thương mại của Mỹ.
Trong khi Trung Quốc và EU đều cùng phản đối chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, hai bên lại không xác định nước Mỹ hay chính quyền Tổng thống Trump là đối thủ chung bởi những lợi ích khác nhau của Trung Quốc và EU trong quan hệ với Mỹ.
Trên thực tế, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ và giữa EU với Mỹ về bản chất không giống nhau.
Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới Mỹ- Trung có thể coi là một câu chuyện dài kỳ, không chỉ là sự đối đầu trong các vấn đề kinh tế mà còn thể hiện ở việc hai bên có quan điểm khác nhau trong các vấn đề hợp tác và phát triển, đồng thời cũng là cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Không chỉ là vấn đề thâm hụt thương mại khổng lồ hay đánh cắp sở hữu trí tuệ, có thể coi đây là màn cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc, nền kinh tế đang thách thức vị trí siêu cường của Mỹ.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với EU hay với các đồng minh khác phần nhiều xuất phát từ chính sách mà chính quyền Tổng thống Trump đang theo đuổi nhằm thực hiện những cam kết bảo vệ nền kinh tế Mỹ và người lao động Mỹ, đồng thời cũng để tạo lợi thế cho Mỹ trên bàn đàm phán các hiệp định tự do thương mại.
Bởi vậy, dù đều có tranh chấp thương mại với Washington, song EU và Trung Quốc đang phải đối mặt với sức ép rất khác nhau từ phía Mỹ.
Không những thế, Trung Quốc và EU giữ quan điểm khác nhau về Mỹ. EU và Mỹ có nhiều điểm tương đồng về lợi ích mà quan hệ giữa Trung Quốc và EU không thể nào so sánh được. EU hiện đang phụ thuộc rất lớn vào Mỹ về mặt quân sự, nhất là các trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.
Trong cục diện đó, việc Trung Quốc kỳ vọng EU thay đổi, quay sang hợp tác với mình để đối phó với Mỹ là không thực tế. Thậm chí, gần đây có tin EU cùng một số nước khác như Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ đệ đơn kiện Trung Quốc lên Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về một số vấn đề như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,…
Bên cạnh đó, giới chức ở Brussels cũng tỏ ra “dè dặt” khi các nguồn vốn đầu tư của Trung Quốc ồ ạt “đổ bộ” vào châu Âu, kể cả những lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, tài chính, giao thông.
Trong 10 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào “lục địa già” khoảng 320 tỷ USD, hơn một nửa trong tổng số 678 dự án mở cửa cho đầu tư nước ngoài tham gia ở châu Âu có nguồn vốn xuất xứ từ Trung Quốc.
Riêng trong hai năm 2016-2017, tổng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào EU tăng gần 80%. Ảnh hưởng kinh tế và cả chính trị ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với các thành viên EU ở khu vực Trung và Đông Âu cũng đang gây lo ngại bởi điều này có thể đe dọa đến sự thống nhất, tiêu chuẩn và giá trị của EU.
Đây là những lý do khiến EU từ chối những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tạo một mặt trận chung gây áp lực với Mỹ về thương mại.
Ở khía cạnh nào đó, có thể nói EU và Trung Quốc đang trong tình trạng “đồng sàng, dị mộng”, nên hai bên sẽ có những phương cách khác nhau để dàn xếp căng thẳng với Washington nhằm bảo đảm lợi ích của riêng mình mà khó phối hợp hành động trên thực tế (TTXVN)
------------------------