'Siết' nhập phế liệu: Ngành giấy và sắt 'than' bị vạ lây; Lý do Buffett coi chứng khoán phái sinh là bom hẹn giờ; Sản xuất phân bón dư thừa gấp 3 lần so với nhu cầu sử dụng; Ứng dụng môi giới chứng khoán Trung Quốc được định giá hơn 1 tỷ USD
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 15-07-2018
- Cập nhật : 15/07/2018
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Lạm phát tháng 6/2018 không có gì bất thường
Tại cuộc họp đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, lạm phát tháng 6/2018 vừa qua không có gì bất thường.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nhấn mạnh diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm biến động tương đối sát với dự báo trước đó của các cơ quan liên quan.
Theo đó, tại phiên họp ngày 29/5 của Ban Chỉ đạo, nhóm giúp việc dự báo CPI tháng 6 tăng khoảng 0,43-0,85% và thực tế CPI tháng 6 chỉ tăng 0,61% (chịu tác động tăng chính do giá thịt lợn tăng trong đó khoảng 0,34%).
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định, lạm phát tháng 6/2018 không có gì bất thường. Nếu loại trừ yếu tố giá thịt lợn tăng mạnh nhất thì lạm phát tháng này chỉ tăng 0,27%, có thể coi là mức tăng lạm phát của tháng thấp nhất từ trước tới nay.
Đối với các loại giá hàng hoá quan trọng tác động tới lạm phát (thịt lợn, xăng dầu, khí hoá lỏng, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, cước vận tải, viễn thông,...), các bộ, ngành cũng đã đưa ra các giải pháp tổ chức sản xuất kinh doanh cụ thể cho từng mặt hàng, trong từng tháng từ nay tới cuối năm để bảo đảm chỉ tiêu lạm phát.
Riêng với giá thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thận trọng trong việc tái đàn ồ ạt vì sẽ làm người nuôi thua thiệt. Bên cạnh đó, Bộ phải tính toán, điều hành cung cầu thịt lợn từ nay tới cuối năm bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng, giá cho từng tháng từ nay tới cuối năm như các mặt hàng khác.
Phó Thủ tướng yêu cầu, giá dịch vụ công do Nhà nước định giá trong tháng 9 điều chỉnh tăng 0,07% học phí thì phải tính toán kỹ điều chỉnh các mặt hàng khác trong tháng này; Chưa tính toán điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ nay tới hết tháng 9.
Ngân hàng Nhà nước được giao điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, không để xảy ra việc tác động tăng lạm phát “kép” đến từ việc tăng tỷ giá và giá xăng dầu thế giới.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời trên các phương tiện thông tin-truyền thông, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng làm lạm phát vượt khỏi chỉ tiêu của Quốc hội giao...(TCTC)
---------------------------
Ngân hàng lại thừa tiền?
Vừa công bố dữ liệu 6 tháng đầu năm, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC) cho biết, vốn huy động của hệ thống TCTD đang tăng trưởng mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tổng vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng khoảng 8% so với cuối năm 2017 trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt 6,8%.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng lại chậm hơn so với cùng kỳ năm 2017. Đến cuối tháng 6/2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tăng 8,7%). Dư nợ cho vay vào các lĩnh vực thương mại, công nghiệp chế biến chế tạo, lĩnh vực nông lâm nghiệp giữ tỷ trọng và tốc độ tăng trưởng ổn định. Dư nợ tín dụng phục vụ đời sống tăng khá so với cuối năm 2017.
Theo khảo sát của Vụ thống kê dự báo NHNN, các TCTD cho biết, quý II/2018 nhu cầu vay vốn được nhận định là cao nhất (51,1% TCTD lựa chọn mức "cao"), tiếp đến là nhu cầu tiền gửi (36,9% TCTD lựa chọn mức "cao") và nhu cầu thanh toán và thẻ (35,4% TCTD lựa chọn mức "cao").
Nghịch lý là dù tiền gửi chảy vào ngân hàng dồi dào, nhu cầu vay vốn cao nhưng cho vay đầu ra lại tăng chậm. Nguyên nhân một phần có thể do các ngân hàng siết chặt hơn trong cho vay vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản và giao thông trong thời gian vừa qua. Trong 3 tháng trở lại đây, lãi suất kỳ hạn dài cho vay mua, xây, sửa nhà tại các ngân hàng cổ phần đã lên đến 12,5%/năm, tăng khoảng 2%/năm so với trước đây. Đồng thời, nhiều ngân hàng có động thái thẩm định lại giá và chỉ xét cho vay không quá 70% giá trị. Quý 1/2018, tăng trưởng tín dụng bất động sản chỉ đạt 3,65% trong khi cùng kỳ năm 2017 đạt tới 7,34%.
Ngoài ra, khả năng "sức khỏe" của các doanh nghiệp chưa được cải thiện, các ngân hàng cũng ngày càng cẩn trọng hơn trong việc thẩm định, giải ngân khiến số lượng doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ nhà băng không nhiều dù nhu cầu vẫn cao.
Tăng trưởng tín dụng chậm lại trong khi huy động vốn tăng nhanh, cộng thêm việc NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 210 nghìn tỷ đồng từ đầu năm nên thanh khoản của hệ thống TCTD tương đối dồi dào trong nửa đầu năm nay.
Trên thực tế, không nhìn vào con số thống kê, cảm quan cũng nhận ra được các ngân hàng đang khá "thừa tiền" khi từ đầu tháng 3 đến nay không đua nhau dùng "chiêu" để thu hút người gửi tiền bằng các chương trình cộng lãi suất hay khuyến mãi rầm rộ; thay vào đó hàng loạt ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn.
Mặc dù thanh khoản đang rất dồi dào, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã xuống mức rất thấp, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng khả năng giảm lãi suất cho vay trên thị trường 1 cũng vẫn khó. Các chuyên gia của BVSC cho rằng trong nửa cuối năm, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 có thể sẽ chậm lại trong khi tăng trưởng tín dụng có thể sẽ nhanh hơn nhưng về cơ bản, mức tăng trưởng của cả M2 và tín dụng cho cả năm 2018 sẽ thấp hơn 1-2% so với năm 2017. Theo đó, lãi suất VND (huy động và cho vay) sẽ khó có điều kiện giảm, nhất là khi kiểm soát lạm phát, đảm bảo giá trị VND, ổn định tỷ giá vẫn đang là trọng tâm điều hành của Chính phủ trong giai đoạn hiện tại.
Thanh khoản dư thừa sẽ tạo thuận lợi cho nhà băng trong việc chủ động điều tiết nguồn tiền. Tuy nhiên, điều này cũng có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận ngân hàng khi chi phí đầu vào cao nhưng thu nhập lãi từ cho vay thấp.
Tình trạng ngân hàng dư thừa vốn có thể chỉ mang tính chất ngắn hạn, nhất là trong thời gian đầu năm, tín dụng thường chưa bứt phá nhanh. Khảo sát của Vụ thống kê dự báo NHNN cũng cho biết các TCTD kỳ vọng trong quý III tới đây, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ tăng trưởng 5,99% (cao gấp 2 lần mức tăng thực tế của cùng kỳ năm 2017). Nhiều ngân hàng cho biết sắp sử dụng hết "room" tín dụng và đang xin NHNN cho phép nới thêm.
Tuy nhiên, cũng phải lưu ý rằng, lạm phát tháng 6 tăng nhanh nhất trong 7 năm trở lại đây, việc đẩy tín dụng tăng quá mạnh trong thời gian nửa cuối năm có thể ảnh hưởng không tốt tới chỉ số CPI. Hơn nữa, năm 2018 NHNN cho biết sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng một cách hợp lý, dự kiến chỉ tăng 17%, thấp hơn mức đạt được năm 2017 là 18,2%.(ttvn)
-----------------------
Tín dụng bất động sản: Ngưỡng bao nhiêu là đáng báo động?
“Nếu chúng ta không cẩn thận, xem con số tín dụng bất động sản 7,5% là cột mốc an toàn thì tôi e rằng các cơ quan quản lý sẽ nhìn nhầm và lơ là việc quản lý bất động sản một cách chặt chẽ. Nguy cơ vỡ bong bóng sẽ xuất hiện vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019”, đó là lời cảnh báo của TS. Nguyễn Trí Hiếu tại "Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II” diễn ra ngày 11/7 vừa qua.
Theo nhiều chuyên gia, tín dụng bất động sản là một trong những dấu hiệu đánh giá sức khỏe của thị trường này. Khi tín dụng bất động sản vượt ngưỡng an toàn, nguy cơ xảy ra vỡ bong bóng là điều dễ dàng xuất hiện.
Cuộc đổ vỡ theo hiệu ứng domino năm 2008 - 2009 của thị trường bất động sản vẫn còn là câu chuyện đầy ám ảnh bởi đằng sau đó là sự trì trệ của cả nền kinh tế. Phải mất nhiều năm sau, thị trường bất động sản mới dần phục hồi và đi vào nhịp ổn định.
Nhìn từ góc độ hiện tại, các chuyên gia chỉ ra rằng, vỡ bong bóng bất động sản cách đây gần 10 bắt nguồn từ chính sách nới lỏng tín dụng, thậm chí đã cho vay dưới chuẩn. Tăng trưởng tín dụng năm 2007 rất cao, lên đến hơn 37% trong đó một phần rất lớn đổ vào bất động sản. Không chỉ vậy, toàn bộ nguồn vốn xã hội cũng "rào rào" rót vào đầu tư kinh doanh bất động sản. Thời điểm đó đã có hiện tượng kiểm soát không chặt chẽ nguồn vốn vay tín dụng mà lẽ ra phải được sử dụng đúng mục đích.
Đến thời điểm hiện tại, các cơn sốt đất nền diễn ra mạnh vào đầu năm 2018 đã bắt đầu báo hiệu sự tiềm ẩn của nguy cơ vỡ bong bóng. Nhiều chuyên gia e ngại, các dòng tiền đều đổ vào lĩnh vực bất động sản cùng tín dụng bất động sản đang đặt ở mức báo động là dấu hiệu đáng phải quan tâm bởi có khả năng chu kỳ khủng hoảng bắt đầu xuất hiện.
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho biết tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản của ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay đang chiếm 7,5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tại "Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là con số không có thực và ước tính tỷ trọng dư nợ thực cho vay bất động sản lên tới 20%.
Theo phân tích của ông Hiếu, cho vay đầu tư bất động sản được “ẩn nấp” khá nhiều ở tín dụng tiêu dùng. “Báo cáo về tỷ lệ tín dụng bất động sản trên toàn nền kinh tế chỉ có 7,5% là con số quá thấp, không thực tế. Theo tính toán của tôi con số phải lên tới 20%. Các ngân hàng đang phân tín dụng bất động sản và tín dụng tiêu dùng thuộc hai nhóm khác nhau. Nhưng bản chất, nhiều người mua nhà bằng tiền vay ngân hàng, sửa chữa nhà cũng bằng tiền ngân hàng song lại được xếp vào tín dụng tiêu dùng.
Khái niệm tín dụng kinh doanh bất động sản là người mua tậu bất động sản nhằm mục đích sinh lời. Ngân hàng lợi dụng định nghĩa đó để lách luật. Thế nên, có người vay tiền mua bất động sản nhưng chưa bán, chưa kinh doanh, chưa tạo ra lợi nhuận mà găm hàng đợi giá bất động sản lên… lại được ngân hàng xếp vào tín dụng tiêu dùng. Ngân hàng cứng nhắc trong định nghĩa, phải là tiền sinh ra từ bất động sản nhờ khoản tín dụng đó mới được gọi là tín dụng kinh doanh bất động sản, nếu không, sẽ được chuyển hết sang tín dụng tiêu dùng".- ông Hiếu phân tích.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo: “Nếu cộng con số tín dụng tiêu dùng và tín dụng bất động sản, tỷ lệ sẽ không còn là 7,5% mà lên tới 20%. Nếu chúng ta không cẩn thận, xem tỷ lệ 7,5% là cột mốc an toàn thì tôi e rằng các cơ quan quản lý sẽ nhìn nhầm và lơ là việc quản lý bất động sản một cách chặt chẽ. Nguy cơ vỡ bong bóng sẽ xuất hiện vào đầu năm 2019 hoặc trong năm 2019”.
Chúng ta dùng cụm từ tín dụng bất động sản nhưng lại để hình thức tín dụng tiêu dùng trá hình rất nhiều. Đây là lúc các ngân hàng cần phải trung thành với chính mình để thống kê chính xác và đầy đủ về hệ thống tín dụng này.
TS. Nguyễn Đức Thành
Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Trí Hiếu, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Chúng ta dùng cụm từ tín dụng bất động sản nhưng lại để hình thức tín dụng tiêu dùng trá hình rất nhiều. Đây là lúc các ngân hàng cần phải trung thành với chính mình để thống kê chính xác và đầy đủ về hệ thống tín dụng này. Rủi ro thực sự đang tới. Với những xáo trộn vĩ mô ở thời điểm hiện tại, ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy lãi suất lên, thị trường chuyến biến phức tạp thì mọi vấn đề thay đổi khác hẳn. Những người có khoản vay ngân hàng có thể gặp khó khăn. Các khoản nợ sẽ bắt đầu trả chậm, báo hiệu nguy cơ rủi ro lớn cho thị trường”.(realtimes)
-----------------------------
Thận trọng khi nắm giữ USD
Việc Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ can thiệp, không để tỉ giá biến động quá 2% trong năm nay nên cá nhân và doanh nghiệp nắm giữ USD sẽ không có lợi
Theo các chuyên gia, việc nắm giữ USD từ nay đến cuối năm là không có lợi đối với cá nhân lẫn doanh nghiệp. Ảnh: Tấn Thạnh
Sau khi liên tục tăng mạnh trong 2 tuần trước, tỉ giá USD/VNĐ trong và ngoài ngân hàng những ngày qua bắt đầu hạ nhiệt. Thị trường ngoại tệ đang thiết lập mức giá mới xoay quanh ngưỡng 23.100 đồng/USD.
Dư địa tăng tiếp không còn nhiều
Ngày 11/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm ở mức 22.647 đồng/USD và giữ nguyên giá bán ngoại tệ cho các NH thương mại là 23.050 đồng/USD. Giá USD trong các ngân hàng thương mại phổ biến quanh mức 23.000 đồng/USD mua vào, 23.080 đồng/USD bán ra.
Riêng giá USD trên thị trường tự do cũng hạ nhiệt khi được các điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch quanh mức 23.190 đồng/USD chiều bán ra. So với cuối tuần trước, giá USD ở các ngân hàng thương mại giảm khoảng 20 đồng/USD, còn giá USD tự do giảm 30 đồng/USD. Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá đã tăng gần 1,5%.
Giám đốc khối nguồn vốn một ngân hàng có thế mạnh xuất nhập khẩu cho biết các yếu tố tác động đến tỷ giá gần đây như USD trên thị trường quốc tế tăng giá, đồng NDT mất giá mạnh so với USD và tác động tâm lý từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung… Ngoài ra, tỷ giá tăng trong 2 tuần qua còn do chênh lệch giữa lãi suất USD và VND trên thị trường liên ngân hàng (nơi các ngân hàng vay mượn lẫn nhau) kỳ hạn ngắn ở mức thấp, thậm chí bị âm khiến các ngân hàng có xu hướng nắm giữ USD nhiều hơn.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi ngân hàng ổn định, thậm chí có xu hướng giảm nhẹ so với vài tháng trước, chứng khoán liên tục lao dốc và thị trường vàng trầm lắng, nhiều người có ý định nắm giữ USD chờ tăng giá. Chị Hạnh (ngụ quận 2, TP. Hồ Chí Minh) có khoản tiền nhàn rỗi gửi tiết kiệm, nay thấy giá USD tăng khá mạnh chị tính nắm giữ một khoản với kỳ vọng giá tăng thêm.
"Tôi đang gửi tiết kiệm cho khoản tiền nhàn rỗi, trong đó có một ít tiền gửi bằng USD nhưng lãi suất 0%. Nay thấy giá USD tăng không biết có nên đầu tư thêm vào ngoại tệ?" - chị Hạnh băn khoăn.
Một số người khác kỳ vọng tỉ giá còn tăng lên trong những tháng cuối năm và nếu nắm giữ thời điểm này có thể có lợi. Trong khi đó, theo giới kinh doanh ngoại tệ, 2 tuần qua người mua USD chủ yếu là đối tượng có nhu cầu thanh toán bằng ngoại tệ. Một số người khác chuyển sang nắm giữ USD để bảo toàn vốn do bị tác động bởi yếu tố tâm lý.
Tuy nhiên, TS. Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị Kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, cho rằng hiện dự trữ ngoại hốikhoảng 63,5 tỉ USD và ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ, cam kết tỉ giá không biến động quá 2% trong năm nay. Tính ra, tỷ giá đã tăng khoảng 1,5% nên dư địa tăng tiếp là không nhiều, người dân dồn vốn vào USD sẽ không có lợi.
Doanh nghiệp chào bán USD giá thấp
Một lãnh đạo ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho biết dù tỉ giá biến động nhưng đến thời điểm hiện tại, cung cầu ngoại tệ vẫn bình thường. Doanh nghiệp gần như không mua trước (găm giữ) ngoại tệ vì chưa chắc đã có lợi.
Bởi từ đầu năm nay, ngân hàng Nhà nước đã định hướng tỉ giá biến động không quá 2% và sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường. Do đó, doanh nghiệp cũng đã tính toán mức biến động của tỉ giá vào giá cả sản phẩm, chọn lựa phương thức mua USD giao ngay.
Thậm chí, có một số doanh nghiệp xuất khẩu đã chào bán USD với giá thấp hơn 80 đồng/USD so với giá bán của các ngân hàng thương mại, cho thấy cung cầu ngoại tệ không căng thẳng.
Ông Bùi Quốc Dũng - trợ lý trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - cho rằng tỷ giá biến động những ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý. Bằng chứng là dù ngân hàng Nhà nước đã hạ giá bán USD xuống 23.050 đồng/USD, thấp hơn mức giá bán ra của ngân hàng thương mại từ 20-30 đồng mỗi USD nhưng không ngân hàng thương mại nào đặt mua.
"Dù ngân hàng thương mại niêm yết giá giao dịch USD khá cao nhưng khi ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán thì lại không mua, cho thấy cung cầu ngoại tệ không thiếu và yếu tố tâm lý chi phối rất nhiều" - ông Dũng phân tích.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, thời gian tới, các thương vụ thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước nếu thành công sẽ tiếp tục đem về lượng ngoại tệ lớn cho nhà nước. Cộng thêm nguồn cung ngoại tệ từ xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối… sẽ giúp dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng thêm và giúp ngân hàng Nhà nước có đủ nguồn lực can thiệp thị trường, giữ ổn định tỉ giá. (NLĐ)