Đánh bạc 73 tỷ USD trên thị trường phái sinh, trader khiến ngân hàng lỗ 7,2 tỷ USD; Chuyên gia Credit Suisse: Quy mô kinh tế Triều Tiên có thể tăng lên 100 tỷ USD trong 10 năm; Hàng Việt gặp khó khăn trong kênh phân phối hiện đại
Tin kinh tế đọc nhanh 15-07-2018
- Cập nhật : 15/07/2018
Giá đường thô thế giới rơi xuống mức thấp 2 tháng rưỡi, robusta và ca cao tăng lên
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE đã giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng rưỡi do hoạt động bán tháo mạnh mẽ, khiến đẩy giá giảm 1,7% trong 7 phút đầu giao dịch giữa bối cảnh lo ngại nguồn cung dồi dào.
Thị trường đường: Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 giảm 0,21 cent tương đương 1,9% xuống 11,08 UScent/lb, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4 ở 10,95 UScent/lb. Trong khi đó, đường trắng giao cùng kỳ hạn giảm 2,30 USD tương đương 0,7% xuống 329 USD/tấn.
Hoạt động bán tháo mạnh mẽ trong 7 phút đầu giao dịch đã đẩy giá xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật quanh mức 11,12 cent khiến kích hoạt lệnh bán tự động, các thương nhân cho biết.
Mặc dù thời tiết ở Brazil bị khô hạn có thể ảnh hưởng tới sản lượng mía nước này, nhưng thị trường lại đang chú ý hơn tới thông tin thế giới dư cung đường. USDA vừa công bố báo cáo tháng 7/2018, trong đó dự báo tỷ lệ dự trữ-sử dụng đường sẽ ở mức 13,5, tăng so với 11,5 đưa ra cách đây một tháng mặc dù thấp hơn mức 15 của năm marketing trước.
Thị trường cà phê: Giá robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 9 USD, tương đương 0,5% lên mức 1.681 USD/tấn. Giá arabica giao cùng kỳ hạn lại giảm 0,5 cent, tương đương 0,5% chốt tại 1,1155 USD/lb.
Giao dịch cà phê tại Việt Nam – nhà sản xuất robusta hàng đầu đã chậm lại khi niên vụ 2017/18 suy giảm, người nông dân không muốn bán hàng trong kho ở mức giá hiện tại.
Giá được hỗ trợ bởi đồng real Brazil mạnh lên trước đó, không khuyến khích nhà sản xuất bán ra.
Thị trường ca cao: Giá ca cao New York kỳ hạn tháng 9 kết thúc phiên tăng 5 USD, tương đương 0,2% lên mức 2.485 USD/tấn. Giá ca cao London New York cùng kỳ hạn cũng tăng 3 GBP, tương đương 0,2% lên mức 1.811 GBP/tấn.
Thị trường đang chờ đợi số liệu rang xay quý 2 từ châu Âu và Bắc Mỹ vào tuần tới. Mức tăng hàng năm được dự đoán lên khoảng 3% ở châu Âu trong khi số liệu này tại Bắc Mỹ lại có thể xuống thấp hơn đôi chút, giới thương nhân cho biết.(VITIC)
-------------------------
Xuất khẩu dầu của Mỹ sang Ấn Độ tăng trước các lệnh trừng phạt Iran
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Ấn Độ đạt kỷ lục trong tháng 6 và từ đầu năm tới nay gần gấp đôi năm ngoái, do các nhà máy lọc dầu của quốc gia châu Á này thay thế nguồn cung cấp từ Iran và Venezuela.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã thuyết phục các đồng minh của họ cắt giảm nhập khẩu hàng hóa của Iran xuống bằng 0 vào tháng 11, và sự chuyển đổi của Ấn Độ thúc đẩy những nỗ lực của chính quyền Mỹ khi sử dụng năng lượng để tiếp tục mục đích chính trị của mình.
Mỹ đã trở thành một nhà xuất khẩu dầu thô chủ chốt, bán ra nước ngoài 1,76 triệu thùng/ngày trong tháng 4, theo số liệu mới nhất của chính phủ.
Tất cả đều cho biết các nhà sản xuất và kinh doanh tại Mỹ sẽ xuất hơn 15 triệu thùng dầu thô sang Ấn Độ trong năm nay tính tới tháng 7, so với 8 triệu thùng trong cả năm 2017.
Xuất khẩu sang Ấn Độ có thể tăng cao nếu Trung Quốc áp đặt mức thuế lên nhập khẩu dầu của Mỹ trong đợt thuế quan mới nhất, có thể làm giảm lượng mua của Trung Quốc và dẫn tới giá dầu thô của Mỹ giảm.
A. K. Sharma, giám đốc tài chính tại tập đoàn Dầu Ấn Độ, nhà lọc dầu hàng đầu của nước này cho biết dầu thô của Mỹ đang thu hút vì chi phí thấp và có thể tăng hơn nữa nếu Trung Quốc giảm nhập khẩu năng lượng từ Mỹ.
Ông nói nếu Trung Quốc đánh thuế với dầu của Mỹ thì lượng xuất khẩu từ Mỹ sang Ấn Độ có thể tăng. “Chúng tôi đang tìm kiếm một thỏa thuận trung hạn để mua 3 đến 4 chuyến hàng dầu mỏ của Mỹ trong giai đoạn 3 tới 6 tháng thay vì mua từng chuyến riêng lẻ”.
Cơ hội cho Mỹ
Tháng trước, Bộ Dầu mỏ của Ấn Độ đã yêu cầu các nhà máy lọc dầu chuẩn bị hạn chế nhập khẩu dầu thô từ Iran trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực trong tháng 11.
Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran, Nga, Trung Quốc và vài nước Tây Âu trong đó Iran đã đồng ý hạn chế hoạt động hạt nhân của mình đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước đó.
Dầu thô của Venezuela xuất sang châu Á cũng giảm 21% trong nửa đầu năm nay do sản lượng bị thiệt hại bởi thiếu đầu tư, quản lý kém và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Thêm vào khủng hoảng xuất khẩu của Venezuela là Mỹ tăng cường trừng phạt với công dân và công ty của Venezuela, một phần của chiến dịch gây áp lực cho Tổng thống Nicolas Maduro cải cách chính trị và thị trường.
Iran và Venezuela trong số 5 nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Ấn Độ.
Tháng trước, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ từ Iran giảm 16% so với tháng 5, giảm bớt sự gia tăng trong nửa đầu năm nay so với năm trước.
Chính quyền của Tổng thống Trump dự định cử một phái đoàn tới Ấn Độ trong những tháng tới để bàn về các lệnh trừng phạt Iran và những vấn đề dầu mỏ.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “chúng tôi tập trung làm việc với những nước đang nhập khẩu dầu thô của Iran để nhiều nước giảm nhập khẩu xuống bằng 0 vào ngày 4/11”.
Reid l'Anson, một nhà phân tích tại công ty theo dõi hàng hóa Kpler cho biết nhà máy lọc dầu công suất lớn thứ 4 thế giới đang cắt giảm nhập khẩu dầu thô từ Iran. “Đó là một cơ hội cho các nhà sản xuất của Mỹ bán vào thị trường Ấn Độ. Nhu cầu của Ấn Độ hoàn toàn mạnh”.
Số liệu theo dõi tàu chở dầu của Reuters cho thấy 3 trong số 8 tàu của các thương nhân Thụy Sỹ và Trung Quốc hướng sang Ấn Độ trong vài tuần gần đây được dự định cập cảng gần nhà máy lọc dầu Jamnagar của Reliance Industries, nhà máy lọc dầu lớn nhất thế giới. Ba tàu khác hướng tới các cảng chưa được tiết lộ trên bờ tây của Ấn Độ từ Bờ Vịnh Mỹ.
Vitol SA của Thụy Sỹ và các công ty dầu mỏ của Trung Quốc gồm PetroChina tháng trước đã dỡ 4 tàu mang 6,83 triệu thùng, theo số liệu của Thomson Reuters.
Tháng 6 Mỹ xuất khẩu 228.000 thùng/ngày sang Ấn Độ là nhiều hơn gấp đôi xuất khẩu kỷ lục trước đó 98.000 thùng/ngày trong tháng 9/2017, theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
FPMC C Melody, một tàu chở dầu lớn VLCC dự định tới Sikka, gần Jamnagar vào tháng tới. Tàu mang 1,93 triệu thùng dầu thô của Mỹ.
Một số nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã kết thúc chạy thử nghiệm dầu thô Mỹ trong năm nay, thường bằng cách trộn nó với các loại dầu nặng hơn mà các nhà máy này thường xử lý.
Reliance đang trộn dầu thô nhẹ hơn của Mỹ với các dầu thô nặng hơn từ các quốc gia khác. Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ bắt đầu thử nghiệm dầu thô của Mỹ năm ngoái và khối lượng tăng lên khi họ tự tin rằng hỗn hợp này sẽ hoạt động.(VITIC)
-----------------------
Xuất khẩu hàng hóa “băng băng” về đích
Tăng trưởng khả quan trong nửa đầu năm 2018 với sự tiến bộ rõ nét của khối DN nội địa, cộng với nhiều điều kiện thuân lợi, dự báo XK hàng hóa cả năm nay sẽ về đích với mức tăng trưởng khoảng 10%.
DN nội vươn lên
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, nửa đầu năm, XK ước đạt gần 114 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 48% kế hoạch năm. Tính đến hết tháng 6, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch XK tiếp tục là: Điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD); hàng dệt, may (13,42 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) đánh giá: Điểm tích cực trong XK nửa đầu năm được thể hiện khá rõ khi khu vực có vốn đầu tư trong nước đã cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, khu vực 100% vốn trong nước XK ước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng 16,3% của năm 2017. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) XK ước đạt 80,86 tỷ USD, tăng 14,5%, thấp hơn mức tăng 20,7% của năm 2017.
“Yếu tố tích cực này đã được nhìn nhận từ những tháng cuối năm 2017 và tiếp tục duy trì trong nửa đầu năm nay”, ông Hưng nói. Ông Hưng nhấn mạnh thêm: Nửa đầu năm, Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường XK mới. Bằng chứng là, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%... Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng XK chung như: Ấn Độ tăng 96,6%, Iraq tăng 27,9%, Nga tăng 25,4%...
Nhìn vào kết quả đạt được trong nửa đầu năm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) phân tích, bài học kinh nghiệm rút ra là phải quán triệt tốt 3 trụ cột lớn gồm: Phát triển sản phẩm, tạo nguồn hàng cho XK; phát triển thị trường và tổ chức XK để đạt hiệu quả cao. Về phát triển sản phẩm, cả DN FDI lẫn DN nội địa đều rất quan tâm đến tín hiệu thị trường, đầu tư sản xuất, tạo nguồn hàng cho XK. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông, thủy sản, Việt Nam có năng lực sản xuất tăng cao. Về phát triển thị trường nước ngoài, không chỉ các thị trường Việt Nam có ký kết FTA mà ngay cả các thị trường không có FTA cũng ghi nhận sự tăng trưởng XK mạnh. Liên quan tới vấn đề tổ chức XK, năm nay điểm nổi bật đáng ghi nhận là khâu kết hợp tổ chức XK cả theo đường chính thức lẫn đường thương mại biên giới sang thị trường Trung Quốc được thực hiện khá tốt.
Xuất khẩu sẽ đạt trên 236 tỷ USD
Bộ Công Thương nhận định nửa cuối năm có khá nhiều điều kiện thuận lợi cho XK. Theo chu kỳ, thông thường XK nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch XK lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ XK từ giữa quý II. Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới. Dự báo, kim ngạch XK cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Một số mặt hàng XK có kim ngạch lớn dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt gồm: Điện thoại và linh kiện ước đạt 50 tỷ USD (tăng khoảng 10,4%); máy vi tính và linh kiện ước đạt 30 tỷ USD (tăng khoảng 15,6%); hàng dệt, may ước đạt 28,5 tỷ USD (tăng khoảng 9,5%); giày dép ước đạt 16 tỷ USD (tăng khoảng 9,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 14,7 tỷ USD (tăng khoảng 15%).
Mặc dù vậy, ông Hưng cho hay, XK vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm XK của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường NK như cảnh báo “thẻ vàng” của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm XK của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ,…). “Trong nửa đầu năm, trung bình XK đạt 19,5 tỷ USD/tháng. Để đạt kết quả chung đề ra, 6 tháng cuối năm phải XK đạt 20,45 tỷ USD/tháng. Việc đạt mức XK bình quân này là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương mà còn của các bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng DN”, ông Hưng nói.
Xung quanh câu chuyện XK nửa cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá: “Tăng trưởng XK phải cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đến nay, tăng trưởng theo chiều rộng đã đạt được nhưng cần xem xét kỹ chiều sâu có tương đồng hay không? Về vấn đề phát triển thị trường, trong bối cảnh xung đột thương mại hiện nay, các thị trường ngày càng khắt khe về hàng rào kỹ thuật, hàng rào bảo hộ, đặt ra yêu cầu phải có sự xâu chuỗi, kết hợp bộ, ngành nhằm giải quyết tốt vấn đề thị trường. Tất cả các bộ, ngành như Công Thương, NN&PTNT, Tài chính… phải vào cuộc để đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững”.(Baohaiquan)
----------------