Tấn công mạng khiến Việt Nam thiệt hại hàng nghìn tỷ mỗi năm; Nạn nhân bất ngờ của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD; LG Electronics nộp phạt 541 triệu euro cho EC; 2 quỹ ngoại sang tay 1,2 triệu cp MBB trong phiên 15/09
Tin kinh tế đọc nhanh 15-09-2017
- Cập nhật : 15/09/2017
Ông Trump ngăn cản thương vụ 1,3 tỉ USD với Trung Quốc
Theo RT, ngày 14-9, Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh ngăn cản một quỹ đầu tư do Trung Quốc hậu thuẫn Canyon Bridge Capital Partners mua hãng chip Lattice Semiconductor của Mỹ với giá trị thương vụ 1,3 tỉ USD. Theo đài BBC hôm 14-9, kể từ tháng 11 năm ngoái, quỹ đầu tư Canyon Bridge Capital Partners đã tìm kiếm sự phê chuẩn cho thỏa thuận mua hãng chip Lattice Semiconductor này với số tiền 1,3 tỉ USD.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng Canyon Bridge nên thực hiện các bước đi cần thiết để hoàn toàn và vĩnh viễn từ bỏ giao dịch được đề xuất này trong khoảng thời gian 30 ngày.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: RT
Trong tuyên bố, chính quyền Tổng thống bày tỏ lo ngại về việc "chuyển giao tiềm năng" tài sản trí tuệ từ Công ty Lattice Semiconductor, nhà sản xuất các loại chip tiên tiến, cho công ty khác. Thêm vào đó, chính quyền Mỹ cũng đang sử dụng các sản phẩm của công ty Lattice Semiconductor, theo BBC.
Bộ trưởng Ngân khố Steve Mnuchin ngày 14-9 cũng đã ban hành một thông cáo viết tay nêu nguyên nhân dẫn đến việc ngăn cản thương vụ này.
“Phù hợp với cam kết của chính quyền Mỹ về việc thực hiện tất cả hành động cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ, Tổng thống đã ban hành một lệnh cấm thương vụ này” – ông Mnuchin nhấn mạnh.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders cũng đã ban hành một tuyên bố liên quan tới vấn đề này, trong đó nói rằng “giao dịch này có thể đem đến rủi to an ninh quốc gia cùng với những vấn đề khác khi chuyển giao sở hữu trí tuệ cho người mua nước ngoài”.
Phản ứng trước động thái trên, phía quỹ Canyon Bridge cho biết thất vọng vì quyết định của ông Donald Trump. "Chúng tôi rất thất vọng về quyết định của Tổng thống Mỹ từ bỏ những gì mà chúng tôi tin là một hợp đồng tuyệt vời đối với cổ đông và nhân viên của Công ty Lattice Semiconductor bằng cách mở rộng cơ hội duy trì việc làm ở Mỹ" - công ty cho hay trong một thông cáo.
Tuy nhiên, Canyon Bridge, được quỹ đầu tư China Venture Capital Fund thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, cho biết sẽ tiếp tục theo đuổi các thương vụ đầu tư khác.
Trong khi đó, Công ty Lattice Semiconductor, trụ sở ở bang Oregon, đang đối mặt với doanh thu sụt giảm, với tổn thất kinh tế vào năm 2016 và 2015. Công ty chiếm khoảng 1/3 doanh thu tại Trung Quốc này cho rằng thương vụ nói trên không đặt ra rủi ro về an ninh.
Đây là quyết định thứ tư của một tổng thống Mỹ về cấm một thỏa thuận tư nhân vì lý do an ninh quốc gia. Trước đó, cựu Tổng thống Barack Obama đã sử dụng quyền này hai lần và cả hai trường hợp đều chống lại các công ty Trung Quốc.
Động thái ngăn chặn nói trên được đưa ra trong bối cảnh Mỹ ngày càng có lập trường cứng rắn hơn về những thỏa thuận kinh doanh liên quan đến Trung Quốc.
Hồi tháng trước, Mỹ tiến hành xem xét các hành vi về sở hữu trí tuệ của Trung Quốc, theo đó có thể buộc công ty Mỹ từ bỏ những thông tin có giá trị. Giới chính trị gia và các lãnh đạo quân sự Mỹ cũng thúc giục chính quyền xem xét kỹ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, theo BBC.(PLO)
--------------------------
Xăng dầu gánh tới 93% thuế bảo vệ môi trường là chưa hợp lý
Nhiều ý kiến cho rằng thời điểm hiện tại đưa ra việc tăng thuế suất là không thuận vì ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.Nguồn ảnh: Zing
Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế bảo vệ môi trường vào chiều 13/9.
Cho ý kiến về dự án luật thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, cho biết dự thảo luật chưa thực sự đảm bảo để thực hiện các mục tiêu đề ra. Nội dung đánh giá tác động của việc sửa đổi cũng chưa thuyết phục, chưa làm rõ được những tác động cụ thể đến doanh nghiệp, người dân, tăng trưởng kinh tế...
Dự án luật vẫn chủ yếu tập trung vào việc tăng thu ngân sách Nhà nước hoặc để thuận tiện cho công tác quản lý, khó thuyết phục dư luận và sự đồng tình của xã hội. Vấn đề được quan tâm là việc điều chỉnh gấp đôi khung thuế đối với xăng dầu.
Đại diện Ban thẩm tra cho rằng việc so sánh về tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam với một số nước đang ở mức thấp (37,49% đối với xăng) là chưa phù hợp với thực tế thu nhập của người dân. Thực tế cho thấy chi phí cho xăng, dầu so với thu nhập của người dân Việt Nam chiếm tỷ trọng rất cao.
Một lý do chưa thuyết phục nữa là Bộ Tài chính cũng chưa làm rõ được lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xăng, dầu. Ngoài ra cần làm rõ số giảm thu ngân sách từ xăng, dầu theo lộ trình cắt giảm thuế này là bao nhiêu. Cũng chưa có đánh giá việc góp phần tăng thu là bao nhiêu nếu tăng thuế, chưa có báo cáo đánh giá tác động đến sản xuất, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.
Đại diện Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết cần đánh giá tác động đến giá vận tải, giá hàng hoá của các mặt hàng thiết yếu... để làm căn cứ điểu chỉnh khung thuế. Đồng thời, việc điều chỉnh tăng phải phân kỳ, có lộ trình phù hợp với tăng trưởng kinh tế, sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong thời điểm hiện tại đưa ra việc tăng thuế suất là không thuận vì ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng Chính phủ nên tìm giải pháp tăng nguồn thu khác thay vì tăng một số loại thuế. Một số giải pháp tăng nguồn thu có thể thực hiện như tăng cường quản lý thu, giải quyết tồn đọng thuế, nợ thuế, chống trốn thuế, chống gian lận thương mại...
Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh khung thuế hiện hành dùng chưa hết, tuy nhiên lại đề nghị tăng gấp đôi khung trong khi đây không phải là loại sản phẩm gây ô nhiễm môi trường nhất là chưa hợp lý.
Một điểm bất hợp lý nữa được bà Ngân chỉ ra là tên luật là Luật thuế Bảo vệ môi trường, trong khi đó xăng, dầu chiếm tới hơn 93% tổng số thu mà bỏ qua nhiều đối tượng khác.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị dự thảo kĩ hơn, toàn diện và bao quát hơn đối tượng chịu thuế, trong đó phải đảm bảo người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất.(Zing News)
---------------------------
MEDIPLAST chính thức sáp nhập với VINAMED
Việc sáp nhập này sẽ giúp mở rộng phạm vi kinh doanh, mang lại lợi ích cho các cổ đông.Nguồn ảnh: Thời báo Kinh doanh
Công ty Cổ phần Nhựa Y tế (MEDIPLAST) vừa chính thức sáp nhập vào Tổng Công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (VINAMED) theo Giấy chứng nhậnđăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cấp từ ngày 6/9/2017.
Theo đó, MEDIPLAST tiến hành sáp nhập vào VINAMED bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của MEDIPLAST sang VINAMED. MEDIPLAST cũng đồng thời chuyển giao cho VINAMED toàn bộ tài sản, các quyền, các khoản công nợ, lợi ích nghĩa vụ và trách nhiệm mà MEDIPLAST có được như bất động sản, nhà xưởng, các tài sản gắn liền với đất, các hợp đồng, máy móc…
VINAMED sẽ phát hành bổ sung cổ phần bằng phương pháp chào bán cổ phần riêng lẻ để hoán đổi cho các cổ đông hiện hữu của MEDIPLAST theo tỷ lệ 3:1. Mỗi cổ phần của Mediplast sẽ được chuyển đổi thành 3 cổ phần của VINAMED. Cổ đông của MEDIPLAST sẽ trở thành cổ đông của VINAMED và được hưởng đầy đủ các quyền, lợi ích và nghĩa vụ của cổ đông tại VINAMED.
Theo đánh giá của Ban điều hành MEDIPLAST, việc sáp nhập xuất phát từ nhu cầu thực tế kinh doanh cũng sẽ giúp cho MEDIPLAST có được những bước phát triển lớn mạnh hơn nữa. Bởi những năm qua, MEDIPLAST có năng lực sản xuất, có nhu cầu đầu tư để mở rộng sản xuất để đa dạng hoá sản phẩm nhưng lại hạn chế về nguồn vốn, khả năng quản trị, mối quan hệ với các đối tác quốc tế.
Sau sáp nhập, đội ngũ lãnh đạo của MEDIPLAST cũ sẽ được bố trí nắm giữ các vị trí chủ chốt tại VINAMED, cùng tham gia điều hành và quản lý công ty mới. VINAMED cũng đảm bảo mọi quyền lợi và nghĩa vụ cho các cán bộ công nhân viên hiện tại của Mediplast.
Ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch HĐQT của VINAMED nói rằng: “Việc sáp nhập MEDIPLAST vào VINAMED là một bước quan trọng trong việc xây dựng VINAMED như một Tổng Công ty chuyên doanh trong lĩnh vực y tế trên 5 lĩnh vực chính, tạo thành một chuỗi cung ứng sản phẩm – dịch vụ khép kín, gồm: sản xuất trang thiết bị y tế; phân phối thiết bị và vật tư y tế; tư vấn và xây dựng y tế; các giải pháp công nghệ trong y tế; đầu tư trong lĩnh vực y tế.
“Sau sáp nhập chúng tôi vẫn duy trì Mediplast làm thương hiệu sản phẩm không những cho mặt hàng nhựa y tế mà cả các sản phẩm tiêu hao trong y tế mà công ty sẽ sản xuất trong thời gian tới”, ông Huy cho biết.(NCĐT)
----------------------------
Người Trung Quốc giảm thọ 6 năm vì ô nhiễm
Một nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, nếu người dân ở Trung Quốc được sống trong một môi trường trong lành hơn, tuổi thọ của họ sẽ kéo dài hơn từ ba cho đến 6,9 năm, Shanghaiist đưa tin.
Những nhà nghiên cứu tại Học viện Chính sách Năng lượng, Đại học Chicago cho biết người Trung Quốc có thể kéo dài tuổi thọ nếu họ được sống trong một môi trường bình thường như những nước khác. Còn nếu họ đáp ứng được một môi trường tiêu chuẩn như tổ chức y tế thế giới (WHO) đưa ra, mỗi người sống ở Trung Quốc sẽ sống lâu hơn được 3,5 năm.
Ô nhiễm không khí khiến người dân Trung Quốc giảm thọ từ 3, 5 cho đến 6,9 năm. Ảnh: Shanghaiist
Con số đó thậm chí còn tồi tệ hơn đối với những người đang sống tại những thành phố miền Bắc Trung Quốc, những nơi đang phải chịu đựng sự ô nhiễm nặng nề. Ví dụ, người dân Bắc Kinh sẽ gần như mất 6,4 năm tuổi thọ và Cáp Nhĩ Tân thì 6,9 năm.
Hàng năm, cứ đến mùa đông, những thành phố phía Bắc Trung Quốc lại phải hứng chịu một lượng khói bụi nặng nề được thải ra từ lò than để sưởi ấm. Các thành phố này khi nào cũng như đang chìm đắm trong một màn khói mù nguy hiểm. Theo thống kê năm 2016, chỉ có 84 trên tổng số 338 thành phố ở đất nước này đạt tiêu chuẩn về chất lượng không khí trong lành.
Vào mùa đông, một số thành phố phía Bắc Trung Quốc như chìm trong một lớp sương mù độc hại. Ảnh: Sanghaiist
Gần đây, chính phủ đã có những hứa hẹn về việc cải thiện không khí và giảm bớt những hoạt động gây ô nhiễm môi trường như đóng cửa một số nhà máy điện than, cũng như ngừng cấp phép xây dựng mới. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thấy kết quả khả quan nào.(PLO)