tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 14-09-2017

  • Cập nhật : 14/09/2017

Ngân hàng Thế giới dành hàng tỉ USD cho 'con đường tơ lụa' mới của Trung Quốc

Ngân hàng Thế giới đã dành hàng tỉ USD cho các dự án cơ sở hạ tầng trong sáng kiến 'Một vành đai, một con đường' của Trung Quốc, theo Russia Today.

co so ha tang tai khu trung tam thuong mai cua bac kinh anh: reuters

Cơ sở hạ tầng tại khu trung tâm thương mại của Bắc Kinh ẢNH: REUTERS

“Đầu tư, đặc biệt cơ sở hạ tầng, là vô cùng quan trọng. Sáng kiến của Trung Quốc về vành đai kinh tế mới sẽ thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngân hàng Thế giới sẽ giúp các nước tham gia vào sáng kiến này tận dụng những cơ hội phù hợp với chiến lược phát triển của mình”, ông Jim Yong Kim, chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nói tại một cuộc họp ở Bắc Kinh.

Theo Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới, sẽ có thêm 1 tỉ USD được huy động trong vòng một năm như một phần trong quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. “Chúng tôi đã huy động 1,1 tỉ USD đầu tiên và chúng tôi sẽ nâng tỷ lệ tiếp theo trong năm tới”, Ram Mahidhara, Giám đốc IFC về đầu tư cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên, nói với Reuters.

Kế hoạch gây quỹ này là một phần trong chương trình cho vay của IFC nhằm mục đích thu hút hơn 5 tỉ USD từ các nhà đầu tư từ giờ cho đến năm 2021. Một phần lớn của quỹ sẽ được triển khai cho các dự án liên quan đến sáng kiến mới của Đại lục.

“Vành đai và Con đường” đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra lần đầu tiên vào năm 2013. Nó thể hiện hai phần chính là Con đường tơ lụa trên biển và Con đường tơ lụa trên đất liền, dự kiến sẽ bao phủ hơn 60% dân số thế giới và hơn một phần ba diện tích sản lượng kinh tế toàn cầu.(Thanhnien)
--------------------------------

Đánh thuế VAT, thị trường nhà đất sẽ tê liệt

Nhiều ý kiến cho rằng chuyển quyền sử dụng đất là quyền pháp lý, bất động sản (BĐS) là tài sản đặc biệt chứ không phải là hàng hóa, dịch vụ không nên áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT).

Nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục bức xúc, lo ngại những hệ lụy tiêu cực khi điều chỉnh tăng thuế và áp thuế VAT tại buổi hội thảo góp ý đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 13-9 tại TP.HCM.

Đại diện Công ty Deloitte Việt Nam cho biết dự thảo luật đề nghị bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT để chuyển sang chịu thuế VAT với mức thuế suất thông thường 10% và sửa đổi bỏ quy định giá tính thuế VAT đối với hoạt động kinh doanh BĐS được trừ giá chuyển quyền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước.  

DN này lo ngại chuyển từ không chịu thuế sang phải chịu mức thuế VAT 10% thì hoạt động giao dịch của thị trường BĐS bị ảnh hưởng, nếu áp dụng thì có thể "gây tê liệt thị trường này luôn". Chịu thuế VAT khiến giá BĐS tăng lên, giảm sức mua.

Theo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi nội dung này do khó khăn trong việc xác định giá đất được trừ khi chuyển nhượng BĐS. Chúng tôi đồng ý với ý kiến mà dự thảo đưa ra về sự phức tạp trong việc xác định giá đất được trừ.

Tuy nhiên, DN cho rằng việc xác định đối tượng chịu thuế hay không chịu thuế nếu căn cứ trên bản chất của hàng hóa dịch vụ và đạo lý của thuế VAT hơn là chỉ vì những khó khăn về thủ tục áp dụng.

Để đánh giá việc bỏ quy định về chuyển quyền sử dụng đất không chịu thuế VAT có hợp lý hay không thì nên quay lại từ lý do tại sao các quy định từ trước đến nay lại phân loại chuyển quyền sử dụng đất vào đối tượng không chịu thuế.

Thuế VAT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng. Trong khi đó BĐS ở Việt Nam không được coi là một hàng hóa thông thường, nó là tài sản, quyền sử dụng đất là quyền về pháp lý. Đất là tài sản của Nhà nước, chỉ cho phép người sử dụng đất sử dụng, định đoạt (chuyển nhượng, tặng, cho…) và được coi là “tài sản đặc biệt” không được sản xuất, lưu thông, tiêu dùng như một hàng hóa bình thường.

Đánh thuế VAT, thị trường nhà đất sẽ tê liệt - ảnh 1
DN cho rằng dự án luật đưa ra quy định chuyển quyền sử dụng đất từ không chịu thuế sang chịu thuế VAT sẽ khiến thị trường BĐS ảnh hưởng. 

"Tiền sử dụng đất là một khoản thu ngân sách nhà nước, cụ thể là khi nhận bàn giao, thuê đất từ nhà nước thì DN, cá nhân đã phải trả khoản tiền sử dụng đất cho ngân sách. Do đó, nếu tiếp tục tính thuế VAT trên giá trị quyền sử dụng đất này thì có thể xảy ra tình trạng thuế phí chồng thuế phí, đánh thuế hai lần", đại diện Deloitte Việt Nam nói.

Vì vậy Công ty Deloitte Việt Nam kiến nghị trên quan điểm bám sát mục tiêu sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật lần này. DN cho rằng việc phân loại và xác định quyền sử dụng đất là đối tượng không chịu thuế như hiện hành là phù hợp với bản chất của thuế VAT, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

"Đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc loại bỏ đề xuất sửa đổi loại trừ chuyển quyền sử dụng đất khỏi đối tượng không chịu thuế VAT' đại diện DN đề nghị.(PLO)
---------------------

10 nước đầu tư nhiều nhất vào Mỹ

Văn phòng Phân tích Kinh Tế, cơ quan thuộc Bộ Thương mại Mỹ, vừa công bố danh sách các nước đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là Trung Quốc không đứng trong top 10.

Theo CNBC, dữ liệu từ Phòng Phân tích Kinh tế cho thấy Anh là nước dẫn đầu trong đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Mỹ năm 2016, với tổng số tiền đầu tư là 598,3 tỉ USD. Theo sau là Canada (453,6 tỉ USD), Nhật Bản (424,3 tỉ USD) và Đức (372,8 tỉ USD).

Tây Ban Nha, Ireland và Hà Lan cũng là các nước nằm trong số những quốc gia hàng đầu đầu tư nhiều nhất vào Mỹ. Tuy nhiên, có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vắng mặt trong top 10. Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư 58,2 tỉ USD vào Mỹ, thấp hơn thậm chí đến gần năm lần so với Ireland (279,6 tỉ USD).

Pháp (267,6 tỉ USD), Thụy Sĩ (196,6 tỉ USD), Hà Lan (191,9 tỉ USD), Singapore (73,7 tỉ USD) và Tây Ban Nha (67,2 tỉ USD) là những cái tên hoàn thành top 10 nước đầu tư nhiều nhất vào Mỹ năm 2016.

Tháng trước, các thống đốc và thị trưởng Mỹ đã cố gắng trấn an các công ty nước ngoài rằng họ vẫn được hoan nghênh khi kinh doanh tại Mỹ, bất chấp những tuyên bố gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Dữ liệu từ Tổ chức Đầu tư Quốc tế trong tháng 6.2017 cho thấy FDI đã tăng nhiều hơn dưới sự quản lý của chính quyền ông Trump. Trong ba tháng đầu năm 2017, Mỹ ghi nhận 83,6 tỉ USD dòng chảy vốn đầu tư mới, tăng 62% so với quý cuối cùng của năm 2016.

Ngành công nghiệp sản xuất của Mỹ tiếp tục là đối tượng hưởng lợi lớn nhất từ FDI trong năm qua, chiếm 41% tổng đầu tư từ nước ngoài. Trong khi đó, gần 20% FDI được đổ vào hoạt động ngân hàng, tài chính và bảo hiểm.(Thanhnien)
-----------------------------------

Sản lượng dầu của OPEC giảm lần đầu tiên từ tháng 3.2017

Sản lượng dầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 3.2017, sau khi một số nhà xuất khẩu dầu chủ chốt trong nhóm hạn chế sản xuất theo thỏa thuận.

CNBC trích nguồn tin độc lập giám sát sản xuất của OPEC cho biết, sản lượng dầu của nhóm trong tháng 8.2017 đã giảm 79.100 thùng/ngày sau khi tăng liên tiếp trong bốn tháng qua. OPEC đã phải hợp tác với các nhà sản xuất độc lập khác, bao gồm cả Nga, để giảm sản xuất dầu. Các nhà xuất khẩu dầu đang cố gắng làm tiêu hao lượng cung du thừa từ thị trường và giảm lượng dự trữ dầu thô toàn cầu.

Giá dầu đã nhận được sự hỗ trợ trong tuần này khi Ả Rập Xê Út tổ chức các cuộc thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận. Các kho dự trữ dầu thô của Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) trong tháng 7.2017 ở mức 195 triệu thùng, cao hơn mức trung bình 5 năm.

Sản lượng gia tăng ở hai nước thành viên OPEC là Libya và Nigeria đã khiến việc giảm các kho dự trữ trở nên khó khăn hơn. Được biết, OPEC đã miễn trừ hai quốc gia này ra khỏi danh sách cắt giảm sản xuất vì sản lượng của hai nước vốn đã bị suy yếu do các cuộc xung đột trong nước. Tuy nhiên, sản lượng của Libya và Nigeria đã khôi phục nhanh hơn dự kiến.

Sản lượng dầu của Ả Rập Xê Út, nước xuất khẩu dầu hàng đầu trong OPEC, trong tháng 8.2017 cũng giảm xuống chỉ còn trên 10 triệu thùng/ngày so với xu hướng tăng cao trong những tháng gần đây. Nước này đã cắt giảm sản lượng hồi đầu năm để bù đắp cho các quốc gia thành viên khác trong nhóm không đạt được chỉ tiêu khai thác.

OPEC tăng nhẹ dự báo về nhu cầu dầu thô toàn cầu trong năm 2017 và 2018, với ước tính thế giới sẽ tiêu thụ khoảng 96,77 triệu thùng/ngày trong năm nay và 98,12 triệu thùng/ngày trong năm tới. Thay đổi triển vọng này một phần là do tăng trưởng kinh tế đang diễn biến tốt hơn kỳ vọng. OPEC cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,4% lên 3,5% trong năm 2017.

“Động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã trở nên cân bằng hơn. Các nền kinh tế lớn hiện có tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm nay, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong năm 2018”, OPEC cho hay.

OPEC không nghĩ rằng hai siêu bão Harvey và Irma liên tiếp quét qua Mỹ sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nỗ lực tái thiết sẽ bù lại những tổn thất do hai cơn bão gây ra đối với hoạt động kinh tế của Mỹ.(Thanhnien)
----------------------

Trở về

Bài cùng chuyên mục