Ngành dệt may sẽ có thêm 4 - 5 nhà máy sợi lớn
Đừng ngại khi doanh nghiệp báo lỗ
Quỹ Harbinger Capital của tỷ phú Philip Falcone sẽ đầu tư xây sân bay tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Nhà đầu tư và giới phân tích bất đồng về giá vàng tuần này
Dầu ăn lại sắp “sôi”
Tin kinh tế đọc nhanh 15-05-2016
- Cập nhật : 15/05/2016
Vàng khó nổi sóng lớn
Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho rằng, 6 tháng đầu năm 2016, nhiều khả năng giá vàng vẫn xoay quanh mức hiện nay, trên dưới 1.200 USD/ounce và chưa thể tạo sóng trong nửa cuối năm còn lại. Nguyên nhân là, một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất thì không chỉ vàng, mà tất cả các loại hàng hóa đều chịu áp lực giảm giá theo.
Tuy nhiên, vàng vẫn được xem là một công cụ bảo toàn vốn mà nhiều người lựa chọn. Đối với người dân, nhất là ở các khu vực châu Á, thói quen giữ vàng sẽ khó bị loại bỏ, nên họ sẽ tìm cơ hội mua vào khi vàng xuống giá. Tại Việt Nam, thanh khoản của vàng luôn cao, mãi lực vàng vẫn rất lớn, nhất là thời điểm cuối năm, khi dịp lễ, tết đến gần, bởi nhu cầu về vàng không chỉ đến từ người dân, mà cả các nhà đầu tư, đầu cơ.
Nhưng trước mắt, các nhà đầu tư cần tính toán kỹ khi “rót” vốn vào vàng và có thể đứng ngoài thị trường để xem xét, chờ đợi thêm một thời gian. Mặc dù Fed còn trì hoãn việc nâng lãi suất bởi những lo ngại về rủi ro bên ngoài, nhưng những yếu tố cơ bản của kinh tế Mỹ vẫn khá vững chắc. Vì vậy, trước mắt, có thể Fed chưa tăng lãi suất, nhưng đó chỉ còn là vấn đề thời gian, nên vàng khó tăng giá.
Chuyên gia về lĩnh vực vàng, ông Huỳnh Trung Khánh cũng đưa ra nhận định, mặc dù nhiều áp lực đang đè nặng lên sức tăng giá của vàng trong năm nay, nhưng mặt hàng kim loại quý này vẫn luôn được xem là tài sản tích trữ lớn của không chỉ người dân, mà ngay cả các ngân hàng trung ương trên thế giới, nên mãi lực khó giảm.
Giá vàng được nhận định khó bỏ xa ngưỡng 1.200 USD/ounce, kể cả khi Fed đã có thông điệp về lộ trình tăng thêm lãi suất USD. Thêm vào đó, tình hình chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn sẽ tác động tích cực lên giá vàng. Do đó, giá vàng thế giới trong năm nay vẫn có chiều hướng đi lên, chứ không thể xuống thấp và chạm mốc 1.100 USD/ounce.
“Giá vàng sẽ chỉ trồi sụt quanh mức trên dưới 1.200 USD/ounce. Lý do là lộ trình Fed tăng lãi suất còn chậm, chính trị thế giới còn bất ổn, kinh tế Trung Quốc chưa thể sớm hồi phục, đồng nhân dân tệ còn nhiều biến động… Trong tình hình hiện nay, giá vàng sẽ có lực bật lên, nhưng khả năng sẽ không mạnh, nhưng đó chính là cơ hội để mua vàng khi giá giảm”, ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, giá vàng thế giới năm nay đã chạm đáy và đang chững lại, khó có thể bật mạnh lên, nhưng khả năng không thể giảm sâu. Fed cho biết, sẽ còn tăng lãi suất trong thời gian tới, song thông điệp này đã được đưa ra từ cuối năm trước.
Mặt khác, Fed cũng sẽ rất thận trọng điều chỉnh lãi suất cơ bản USD trong thời gian tới. Kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu hồi phục, nhưng còn khá chậm. Thêm vào đó, diễn biến của tình hình kinh tế Trung Quốc chưa mấy sáng sửa…, nên Fed không thể không thận trọng khi quyết tăng lãi suất và khả năng cơ quan này chưa thể thực hiện sớm trong năm nay.
Tuy nhiên, khi giá vàng trong nước chưa được liên thông với thị trường quốc tế, theo các chuyên gia ngành vàng, nhà đầu tư cũng nên xem xét khi mua vàng trước diễn biến thị trường hiện nay. So với trước, mức chênh lệch giá trong nước và thế giới đã thu hẹp, nhưng vẫn cao.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, thời gian qua, thị trường vàng đã bị thu hẹp khi nhiều doanh nghiệp không được kinh doanh vàng miếng; SJC muốn sản xuất vàng miếng cũng phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, giá vàng thế giới tăng cao và giảm mạnh hiện nay cũng khiến nhiều người muốn chuyển đổi sang VND để được hưởng lãi suất ở mức phù hợp.
Tuy nhiên, vàng vẫn được xem là nơi trú ẩn an toàn khi tình hình kinh tế khó khăn, nhất là với lạm phát. Vì thế, một khi vàng miếng bị hạn chế, thì cần thiết mở rộng thị trường nữ trang, như cho xuất, nhập vàng nguyên liệu và xuất hàng nữ trang vàng có kiểm soát.(BĐT)
Đại gia phần mềm ngoại “ngắm” chứng khoán phái sinh Việt
Những doanh nghiệp phần mềm quốc tế này bao gồm Horizon Software, SET Trade và Fedility National Information Services (FIS). Theo đó, các công ty trên đã đề xuất các mô hình hệ thống phái sinh dành cho thành viên khi xây dựng hệ thống phái sinh của đơn vị trong thời gian tới.
Mới đây, Sở GDCK Chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng vừa tổ chức “Hội thảo hệ thống tạo lập thị trường cho thị trường chứng khoán phái sinh” nhằm hỗ trợ các thành viên của Sở chuẩn bị tham gia thị trường. Nội dung hội thảo xoay quanh các quy định đối với thành viên tạo lập thị trường và một số giải pháp phần mềm dành cho các thành viên thị trường phái sinh.
Ông Nguyễn Anh Phong, Phó TGĐ Sở GDCK Hà Nội, cho biết, cơ chế tạo lập thị trường có thể sẽ được áp dụng ngay khi khai trương thị trường chứng khoán phái sinh.
HNX mong muốn cùng với các thành viên chuẩn bị kỹ càng cho nhiệm vụ này để có thể xây dựng một cơ chế tạo lập thị trường hiệu quả, phù hợp với thực tiễn hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trên cơ sở Nghị định 42/2015/NĐ-CP, Thông tư 11/2016/TT-BTC, Sở GDCK Hà Nội đã dự thảo quy chế thành viên thị trường phái sinh với các quy định liên quan đến thành viên tạo lập thị trường.
Dự thảo bao gồm các nội dung chính như: điều kiện thành viên, quyền và nghĩa vụ, quy trình đăng ký, nghĩa vụ yết giá, đánh giá hoạt động tạo lập thị trường, và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động tạo lập thị trường.
Theo dự thảo, để trở thành thành viên tạo lập thị trường, trước hết ứng viên phải là thành viên giao dịch/thành viên đặc biệt đồng thời là thành viên bù trừ; công ty chứng khoán cần có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu tối thiểu 900 tỉ đồng, đối vớingân hàng thương mại là 5.000 tỷ đồng.
Ứng viên cũng cần phải đáp ứng các điều kiện về nhân sự, về cơ sở vật chất, có phần mềm giao dịch và quản lý hoạt động tạo lập thị trường; hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động tạo lập thị trường...
thành viên tạo lập thị trường được hưởng các ưu đãi theo quy định của Sở GDCK (giảm phí, các khoản tài trợ khác) được hưởng các quyền khác theo hợp đồng ký kết với Sở GDCK.
Đồng thời, thành viên tạo lập thị trường cũng có các nghĩa vụ duy trì các điều kiện đối với thành viên tạo lập thị trường, thực hiện nghĩa vụ yết giá, quy mô thành viên tạo lập thị trường, thời gian báo giá theo quy định của Sở; duy trì mức số dư trái phiếu Chính phủ tối thiểu theo quy định của Sở GDCK (đối với thị trường hợp đồng tương lai trên trái phiếu Chính phủ)...
Để giao dịch tạo lập thị trường, thành viên phải đăng ký tài khoản riêng, độc lập với tài khoản tự doanh của công ty và phải tuân thủ các nghĩa vụ về yết giá như quy định về khối lượng, phương thức yết giá, thời gian yết giá…
Đề xuất giảm thuế NK trứng Artemia xuống 0%
Bộ NN&PTNT vừa đề nghị Bộ Tài chính xem xét, thẩm định phê duyệt việc áp mã số HS đối với sản phẩm trứng Artemia với mức thuế suất 0%.
Theo Bộ NN&PTNT, hàng năm ngoài số lượng trứng Artemia sản xuất trong nước thì vẫn phải nhập khẩu khoảng 160 tấn trứng Artemia để phục vụ sản xuất cho hơn 80 tỷ tôm giống nước lợ và đối tượng thủy sản khác.
Trứng Artemia có vai trò rất quan trọng, gần như chưa có sản phẩm thay thế hoàn toàn trong sản xuất giống thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong sản xuất giống tôm nước lợ, dùng để làm thức ăn cho tôm giúp nâng cao sức sinh trưởng, phát triển, tỷ lệ sống và tính ổn định của ấu trùng.
Hiện nay, trứng Artemia đang có mức thuế suất thuế nhập khẩu là 5%. Trong văn bản gửi Bộ Tài chính mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét thẩm định phê duyệt việc áp mã số HS đối với sản phẩm trứng Artemia với mức thuế suất 0%.
Bộ NN&PTNT cho rằng, việc thay đổi mức thuế từ 5% xuống 0% đối với mặt hàng trứng Artemia sẽ làm giảm thu ngân sách 21 tỷ đồng. Điều này có sức ảnh hưởng không lớn so với ngành hàng thủy sản có giá trị xuất khẩu hơn 6 tỷ USD/năm.
Bên cạnh đó, việc giảm thuế này có tác động kinh tế rất tích cực như: Tăng thu nhập cho người nuôi khi giá nguyên liệu đầu vào giảm (giá giống có thể giảm từ 10-15%); thúc đẩy, gia tăng, củng cố chất lượng mặt hàng Artemia trong nước nhờ cạnh tranh giữa sản phẩm nhập khẩu; chất lượng, số lượng con giống dần nâng cao, ổn định góp phần giảm dịch bệnh, tạo tâm lý vững vàng, tin tưởng khi đầu tư tôm nuôi…
Ngoài ra, việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống nhỏ tiếp cận, chủ động nhập khẩu trực tiếp theo nhu cầu mà không cần qua trung gian là các công ty lớn, có tiềm lực kinh tế, từ đó sẽ giảm giá thành sản xuất, đảm bảo chất lượng con giống ổn định.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản xin ý kiến các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, UBND các địa phương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam về đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu trứng Artemia.
Bộ Tài chính dự kiến chi tiết thêm dòng thuế riêng cho mặt hàng trứng Artemia tại chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 182/2015/TT-BTC ngày 16-11-2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, với mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 3%.
Từ 1-7, nhiều dịch vụ xuất khẩu có mức thuế GTGT 0%
Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn Luật thuế Giá trị gia tăng vừa được Tổng cục Thuế hoàn tất, từ 1-7 tới sẽ sửa đổi chính sách thuế GTGT theo hướng tạo thuận lợi cho DN như: Mở rộng nhóm dịch vụ xuất khẩu có mức thuế GTGT về 0%.
Cụ thể, các dịch vụ xuất khẩu bao gồm dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam; cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở trong khu phi thuế quan và tiêu dùng trong khu phi thuế quan.
Dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài là dịch vụ khi được chuyển giao hoặc thực hiện không có sự hiện diện thực tế của bên mua tại Việt Nam trong quá trình thực hiện, tiếp nhận sử dụng dịch vụ và địa điểm tiếp nhận dịch vụ của bên mua ở ngoài Việt Nam.
Dịch vụ cung ứng trực tiếp cho tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan là dịch vụ phục vụ cho sản xuất kinh doanh của tổ chức, cá nhân trong khu phi thuế quan và gắn với xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài
Tổ chức ở nước ngoài là tổ chức không có trụ sở kinh doanh, cơ sở cố định tại Việt Nam để thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh.
Các dịch vụ cung ứng cho tổ chức, cá nhân ở nước ngoài nhưng thực hiện tại Việt Nam gồm: Thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật, văn hóa, giải trí, hội nghị, khách sạn, đào tạo, quảng cáo, du lịch lữ hành, ăn uống, khám, chữa bệnh, nghỉ dưỡng. Dịch vụ liên quan đến bất động sản tại Việt Nam như: Xây dựng, sửa chữa, khảo sát, thiết kế, định giá. Dịch vụ thanh toán qua mạng; dịch vụ cung cấp gắn với việc bán, phân phối, tiêu dùng sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam… đều áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 0%.
Ngoài ra, từ 1-7 tới, nhiều mặt hàng máy móc, thiết bị, dịch vụ thuộc nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT. Đơn cử như: Đối với dịch vụ y tế, dịch vụ thú y, bao gồm dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phòng bệnh cho người và vật nuôi, dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, dịch vụ điều dưỡng sức khoẻ, phục hồi chức năng cho người bệnh, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật; vận chuyển người bệnh, dịch vụ cho thuê phòng bệnh, giường bệnh của các cơ sở y tế; xét nghiệm, chiếu, chụp, máu và chế phẩm máu dùng cho người bệnh.
Các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp gồm: máy cày; máy bừa...; máy móc, thiết bị xử lý chất thải chăn nuôi, cải tạo môi trường chăn nuôi; máy quạt nước; máy sục khí; máy tự động cho cá, tôm ăn sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; máy gặt đập liên hợp; dàn xới; máy kéo cầm tay; máy thu hoạch rau hoạt động bằng điện, máy phân loại hoa hoạt động bằng điện; máy phân loại nhân hạt điều; thiết bị sưởi ấm, làm mát cho gia súc, gia cầm; dây chuyền bóc vỏ lúa ra gạo; các thiết bị sử dụng cho hệ thống máy sấy, máy xay xát lúa, gạo; khay gieo mạ; máy, thiết bị sơ chế cà phê, thóc ướt:...
Bất động sản: Chờ đợi sự đột phá cho các dự án sau M&A
“Nhà đầu tư khi mua lại dự án họ có những tính toán riêng để đảm bảo hiệu quả, vì vậy không phải dự án đắp chiếu nào cũng có thể được nhà đầu tư mua lại. Chỉ những dự án có thể phát được, có hiệu quả thì mới có thể được ‘giải cứu’ bằng con đường M&A”.
Ông Đặng Xuân Minh (ảnh), Chủ tịch Công ty Thẩm định giá BTCVALUE & Diễn đàn M&A Vietnam đã có những trao đổi với Báo Hải quan xung quanh vấn đề M&A dự án bất động sản trong thời gian gần đây.
Ông đánh giá về hoạt động M&A dự án bất động sản trong thời gian gần đây thế nào. Theo ông, M&A dự án bất động sản trong năm 2016 có điều gì khác so với những năm trước?
Qua theo dõi thị trường của Diễn đàn M&A Việt Nam, hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2015 đã hồi phục và đạt giá trị cao kỷ lục 5,2 tỷ USD. Trong đó, M&A trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng lớn về giá trị với sự tham gia của những nhà đầu tư có tiềm lực trong nước cũng như các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Bên cạnh những yếu tố về pháp lý, các nhà đầu tư kỳ vọng vào thị trường bất động sản trong tương lai cùng với sự hình thành thị trường chung Asean (AEC) và Việt Nam khi gia nhập TPP. Yếu tố này sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam cũng như gia tăng dòng vốn FDI vào thị trường bất động sản nói riêng.
Điểm khác biệt của M&A bất động sản giai đoạn này là sự trỗi dậy mạnh mẽ của một số nhà đầu tư trong nước. Nhiều thương vụ lớn đã được thực hiện và triển khai. Một số DN Việt Nam có những hoạt động nổi bật trong hoạt động M&A trong thời gian qua như Vingroup, Novaland, Khang Điền, FLC...
Thị trường bất động sản đang "nóng" lên, vì thế nhiều ý kiến cho rằng M&A bất động sản cũng khá lên, phải vậy không thưa ông?
Trong thời gian 2 năm qua, thị trường chứng kiến sự phục hồi của thị trường bất động sản, nhiều dự án mới được công bố hoặc mở bán, nhiều dự án “đắp chiếu” đã được các chủ đầu tư cũ hoặc mới tiến hành triển khai. Hoạt động chuyển nhượng cũng nhộn nhịp hơn.
Tuy nhiên cũng lưu ý là các nhà đầu tư khi mua lại dự án họ có những tính toán của riêng để đảm bảo hiệu quả, vì vậy không phải dự án đắp chiếu nào cũng có thể được nhà đầu tư mua lại. Chỉ những dự án mà nhà đầu tư thấy có thể phát triển được, có hiệu quả thì mới có thể được “giải cứu” bằng con đường M&A.
Những thông tin được công bố cho thấy, có khá nhiều dự án “đắp chiếu” đã và đang được sang tay. Ông đánh giá như thế nào về khả năng phục hồi của những dự án này nói riêng, thị trường bất động sản nói chung nhờ sự tác động của hoạt động M&A?
Thông thường, các dự án được nhà đầu tư mới mua lại thì khả năng dự án được phát triển là tốt hơn. Trước đây, dự án bị bế tắc do chủ đầu không có vốn hoặc không có năng lực triển khai. Còn hiện tại, khi đã được chuyển nhượng, các nhà đầu tư mới đã có phương án triển khai cụ thể, vì họ đã bỏ ra một khoản tiền tương đối để đầu tư nên cũng muốn hiện thực hóa dự án của mình. Thực tế cho thấy nhiều dự án sau khi về tay chủ mới đã được mở bán và triển khai thành công tại Việt Nam.
Thực tế cho thấy đã có những vướng mắc phát sinh liên quan đến vấn đề pháp lý, sở hữu... trong quá trình M&A dự án bất động sản. Theo ông, điều này sẽ gây ra những cản trở nào trong việc triển khai dự án sau M&A?
Trong hoạt động M&A nói chung cũng như hoạt động chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản, yếu tố pháp lý luôn đóng vai trò quan trọng. Một số vướng mắc thường thấy tại Việt Nam như tình trạng pháp lý của dự án do chủ đầu tư cũ chưa được hoàn thiện, hoặc các vướng mắc đến từ tình trạng tài chính của dự án. Nhiều chủ đầu tư Việt Nam thiếu vốn dẫn đến không có tiền giải phóng mặt bằng, không có tiền làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Những yếu tố này tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự hoàn thành của thương vụ M&A và nếu nhà đầu tư mới không thẩm định kỹ thì sẽ gặp nhiều khó khăn và chi phí trong việc triển khai dự án sau này.
Trong giới đầu tư bất động sản cũng thường so sánh những khác biệt giữa thị trường Hà Nội và TP.HCM. Tại TP.HCM, có nhiều dự án và doanh nghiệp bất động sản, chủ yếu của tư nhân và liên doanh, trong khi ở Hà Nội đa phần là dự án của tư nhân kết hợp với Nhà nước để phát triển dự án. Chính vì vậy, thủ tục pháp lý ở TP.HCM nhanh hơn, trong khi ở Hà Nội chặt chẽ hơn, quy trình làm dự án lâu hơn TP.HCM.
M&A các dự án BĐS "đắp chiếu" đem lại hy vọng cho nhiều khách hàng. (Ảnh minh họa: Một phần dự án Usilk City đang được chủ đầu tư mới giải cứu)
Thị trường, khách hàng thường chờ đợi sự đột phá của các dự án sau M&A. Theo ông, chủ đầu tư cần đảm bảo những yếu tố nào và cần những sự hỗ trợ nào để tạo ra được sự đột phá này?
Uy tín và chất lượng là yếu tố quan trọng nhất. Muốn như vậy, chủ đầu tư phải có vốn và có năng lực triển khai tốt. Ngoài ra, yếu tố địa điểm và hạ tầng xung quanh cũng là một tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng lựa chọn. Khách hàng bây giờ khác với giai đoạn trước khi có một tỷ lệ rất cao người mua nhà là người tiêu dùng cuối cùng, hoặc mua để cho thuê, chứ không phải là đầu cơ trong ngắn hạn và sang tên ngay. Khách hàng cũng tham khảo nhiều thông tin và đánh giá năng lực của nhà phát triển dự án rồi mới ra quyết định. Vì vậy, có thể chờ đợi sự đột phá cho các dự án sau M&A nếu dự án này về tay những chủ đầu tư chuyên nghiệp.
Để tạo ra những sự đột phá, cũng cần sự hỗ trợ về chính sách và thủ tục pháp lý cho các chủ đầu tư, có cơ chế hỗ trợ về vốn tín dụng, cũng như cơ chế để thu hút thêm vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài cho các dự án này.(HQ)