Ồ ạt nhập hàng từ các nước láng giềng
Thị trường bất động sản TP.HCM 6 tháng đầu năm – Những điểm sáng
Xuất khẩu đường Việt sụt giảm, thế giới lo hụt cung 6,8 triệu tấn
Giá cao su tăng 44% so với đầu năm
Mua toàn bộ tro xỉ của Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 14-05-2016
- Cập nhật : 14/05/2016
Canh bạc mới của "Warren Buffett Trung Quốc"
Động thái xoay trục từ Âu và Mỹ sang thị trường mới nổi đánh dấu một giai đoạn mới cho sự nghiệp kinh doanh của tỷ phú Quách Quảng Xương - người được mệnh danh là Warren Buffett Trung Quốc.
Quách Quảng Xương – chủ tịch tập đoàn Phục Tinh năm nay 49 tuổi cho biết, “Cơ hội đầu tư mỗi ngày một ít do giá trị tài sản trên toàn cầu trở nên đắt đỏ đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ.” Tập đoàn Phục Tinh dự kiến sẽ chủ động tìm kiếm đầu tư tại nhiều quốc gia mới nổi bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc .
Động thái xoay trục này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới cho Phục Tinh sau khi tập đoàn chi ra tổng cộng 10 tỷ USD từ năm 2013 để mua lại các công ty bảo hiểm, ngân hàng, thời trang tại các quốc gia phát triển từ Mỹ cho đến Ý. Cổ phiếu và tiền tệ trên thị trường mới nổi vừa trải qua một giai đoạn sóng gió bắt đầu từ 3 năm trước do thị trường hàng hóa sụp đổ và tăng trưởng giảm tốc.
Ông Quách cũng cho biết: “Chiến lược phát triển của Phục Tinh tại châu Âu và Mỹ cũng đã gần hoàn thiện. Tại thị trường mới nổi, mọi thứ mới chỉ bắt đầu. Điều đó phù hợp với Phục Tinh trong vai trò là một tập đoàn toàn cầu.” Ngành nghề kinh doanh của Phục Tinh bao gồm hàng hóa, dược phẩm và du lịch
Những thương vụ bỏ dở
Kể từ khi công bố đã bỏ ra hơn 4 tỷ USD để thâu tóm tài sản trong năm 2015, hoạt động mở rộng của Phục Tinh tại nước ngoài đã giảm xuống do tập đoàn đang trên lộ trình cắt giảm nợ và củng cố hoạt động kinh doanh hiện tại. Hồi tháng 2, Phục Tinh “đánh đổi” công ty bảo hiểm Phoenix Israeli và chấp nhận mất 460 triệu tiền cược, chỉ 2 tháng sau khi từ bỏ thương vụ mua lại tập đoàn ngân hàng BHF Kleinwort Benson Group.
Sự kiện tập đoàn bảo hiểm Anbang tại Bắc Kinh bất ngờ rút lại đề nghị mua lại Starwood Hotels & Resorts làm rấy lên đồn đoán rằng chính phủ Trung Quốc đã gây sức ép buộc các tập đoàn tư nhân nước ngoài giảm mức độ mua tài sản ở nước ngoài vốn đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Cuối năm ngoái, vị tỷ phú họ Quách mất tích một cách bí ẩn 3 ngày liền và sau đó xuất hiện trở lại với lời giải thích “ông đi hỗ trợ chính phủ điều tra”. Ông cũng cho biết, giới chức Trung Quốc không có bất cứ tác động nào đến quyết định kinh doanh của ông Quách. Nhiều thương vụ bị đổ bể là do giá trị kinh tế không còn nữa.
“Chúng tôi chỉ đầu tư khi chiến lược, yếu tố thời gian và giá trị kinh tế tồn tại song song. Nếu tài sản đó đang được định giá cao, chúng tôi từ bỏ. Điều đó là rất bình thường.”
Chuyển đổi cơ cấu
So với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu của Phục Tinh đã giảm 50%, cùng chiều với mức giảm 26% của chỉ số Hang Seng. Ông Quách từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên Bloomberg về sự suy giảm của công ty trong tháng 12 và cuộc đối thoại giữa ông với chính quyền Trung Quốc. Ông cho biết hoạt động kinh doanh của công ty đang trở lại quỹ đạo bình thường.
Năm 1990, ông Quách cùng 4 người bạn lập nên Phục Tinh với 6.000 USD trong tài khoản. Sau đó ông học tập cách thức đầu tư của nhà tỷ phú Warren Buffett tại Berkshire Hathaway. Ông mua lại các công ty bảo hiểm nhằm bảo đảm lượng vốn trong dài hạn phục vụ cho hoạt động kinh doanh mở rộng đa ngành.
Hơn 2 thập kỷ trôi qua, đế chế của ông trải dài từ bảo hiểm, bất động sản, y tế cho đến giải trí. Bên cạnh đó, ông thâu tóm nhiều thương hiệu toàn cầu như công ty giải trí Cirque du Soleil, resort Club Mediterranee SA và thương hiệu thời trang Ý Raffaele Caruso SpA.
Vài năm gần đây, Phục Tinh chuyển đổi cơ cấu từ một công ty thép và bất động sản sang tập đoàn tập trung kinh doanh dịch vụ tiêu dùng, hòa trong xu hướng chuyển mình của nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2015, tỷ trọng doanh thu thép của Phục Tinh giảm mạnh xuống còn 29% kể từ mốc 77% năm 2008. Trong khi đó, lĩnh vực bảo hiểm lại tăng từ 0 lên 29% chỉ trong 3 năm. Hoạt động kinh doanh tại nước ngoài chiếm 34% trong tổng doanh thu 12,5 tỷ USD – tăng 2% so với năm 2013.
Ông Quách cho biết Phục Tinh sẽ tiếp tục cắt giảm nợ nhằm duy trì hệ số tín nhiệm ở điểm đầu tư. Theo đánh giá của S&P, hệ số tín nhiệm của công ty ở mức BB – dưới điểm đầu tư 2 bậc.
Trong khi Trung Quốc tự tin sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở 5-6% trong thập kỷ tới, ông Quách vẫn luôn có cảm giác khủng hoảng sắp xảy ra.
“Thị trường càng nóng thì cảm giác khủng hoảng càng thấy rõ. Giống như bước đi trên mặt băng mỏng lúc nào cũng phải thận trọng.”
Úc xem xét nhập khẩu thanh long Việt Nam
Ngày 12-5, Thương vụ Việt Nam tại Úc, Bộ Công thương, cho biết Úc vừa chính thức bắt đầu quá trình xem xét cho phép nhập khẩu quả thanh long tươi của Việt Nam vào thị trường này.
Sắp tới, 2 bên sẽ tiến hành bước đánh giá rủi ro và chuyên gia Úc sẽ tham quan vùng trồng thanh long, đánh giá quy trình sản xuất và xuất khẩu.
Thanh long tươi là một trong những mặt hàng nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu để tiếp cận thị trường Úc. Trước đây phía Úc đã thực hiện xong phần đánh giá sơ bộ, bao gồm đánh giá dịch hại, bệnh trên quả thông qua một quá trình hợp tác trao đổi giữa 2 chính phủ Úc và Việt Nam.
Trước đó, những đơn hàng quả vải tươi đầu tiên đã được xuất khẩu sang Úc vào tháng 6-2015, với tổng số lượng 32 tấn trong năm ngoái. Nước này cũng đã hoàn tất đánh giá rủi ro cho quả xoài Việt Nam vào tháng 11-2015 và đang hoàn thiện các thoả thuận thương mại. Đồng thời, Úc cũng đang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho các loại quả tươi khác của Việt Nam xuất khẩu qua thị trường này.
Tập đoàn HTC Group (Hàn Quốc) rót 8 triệu USD vào Hà Nam
Tập đoàn HTC Group là tập đoàn đa ngành, chuyên sản xuất các sản phẩm vệ sinh gia dụng, vật liệu cách âm, các sản phẩm bọt làm mát cho động cơ ô tô, thương mại… Tập đoàn có 9 doanh nghiệp thành viên, thu hút hàng nghìn lao động, doanh thu hàng năm đạt trên 100 triệu USD.
Ông Lee Chang Bok, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, Dự án nhà máy sản xuất các sản phẩm vệ sinh gia dụng và vật liệu cách âm ngành xây dựng của Tập đoàn tại Hà Nam có quy mô từ 8 đến 10 triệu sản phẩm/năm, với diện tích đất sử dụng là 20.000 m2, tổng vốn đầu tư 8 triệu USD, đặt tại Khu công nghiệp Đồng Văn I, huyện Duy Tiên.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Xuân Đông trao Giấy Chứng nhận đầu tư cho Chủ tịch Tập đoàn HTC Goup Hà Quốc Lee Chang Bok
Dự án dự kiến triển khai vào tháng 8/2016 và hoàn thành sau 12 tháng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Dự án hoàn thành sẽ tạo việc làm cho 120 lao động; doanh thu là 5 triệu USD/năm và hàng năm đóng góp cho ngân sách của tỉnh trên 1 tỷ đồng. Ông Lee Chang Bok cũng cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ Dự án.
Trưởng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hà Nam, ông Trần Xuân Dưỡng cho biết, Dự án được Tập HTC Group đoàn khảo sát từ 11/5/2016, được tỉnh hoàn thiện thủ tục về Giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh trong 2 ngày, một lần nữa khẳng định thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp tại Hà Nam rất nhanh chóng, thuận lợi.Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam - ông Nguyễn Xuân Đông cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Nam đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 30 dự án, trong đó có 10 dự án FDI. Tính đến nay, Hà Nam có 565 dự án, trong đó có 165 dự án FDI. Trong đó, doanh nghiệp Hàn Quốc chiếm số lượng lớn nhất với 82 doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh.
Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp, “thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của chính mình”, UBND tỉnh Hà Nam cùng các cấp, các ngành luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc giải quyết thủ tục hành chính và áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất. Hà Nam cam kết sẽ luôn nhất quán thực hiện đầy đủ 10 cam kết của tỉnh với nhà đầu tư trong chính sách thu hút đầu tư, luôn sát cánh cùng doanh nghiệp; đồng thời là chỗ dựa vững chắc về mặt pháp lý cho doanh nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Chủ tịch tỉnh Hà Nam đề nghị Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, các Sở, ban ngành có liên quan và chính quyền địa phương hỗ trợ tối đa về chính sách và thủ tục để dự án được triển khai đúng tiến độ, để Tập đoàn HTC Group nói riêng và nhà đầu tư nói chung hoạt động thuận lợi, hiệu quả, thành công. Đồng thời, ông Đông bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục giới thiệu với bạn bè, đối tác đến đầu tư tại tỉnh Hà Nam.
Hàng loạt đại gia Trung Quốc bị rò rỉ thông tin trên Twitter
Thông tin cá nhân của rất nhiều doanh nhân hàng đầu Trung Quốc bất ngờ bị phơi bày trên một tài khoản Twitter vô danh.
Các dữ liệu được đăng tải bao gồm số chứng minh thư, ngày sinh, địa chỉ nơi ở. Nếu được xác nhận, đây là vụ rò rỉ dữ liệu cá nhân của những nhân vật cộm cán nhất trong giới thượng lưu Trung Quốc.
Những nhân vật bị công khai thông tin cá nhân bao gồm người giàu nhất Trung Quốc Vương Kiện Lâm, chủ tịch tập đoàn Dalian Wanda; và Jack Ma, người sáng lập của Alibaba.
Tài khoản Twitter này cũng đăng ảnh được cho là chứng minh thư của ông Phương Tân Hưng, người được xem là cha đẻ của bộ máy kiểm duyệt Internet của Trung Quốc thường được gọi là "Vạn lý tường thành lửa".
Tư Mã Nam, một nhà phê bình ở Trung Quốc, cũng bị tiết lộ thông tin trên Twitter, nói với Reuters rằng: "Tôi không biết thông tin của những người khác chính xác tới đâu, nhưng của tôi thì rất đúng với thông tin khai báo trong hộ khẩu".
Trong khi đó, tờ New York Times tuyên bố họ đã xác nhận thông tin của Jack Ma, ông Vương và một số người trong gia đình.
Đại diện tập đoàn của những doanh nhân bị tiết lộ thông tin đều từ chối bình luận. Bắc Kinh cũng chưa lên tiếng về vụ rò rỉ. Bộ Công an Trung Quốc không phản hồi yêu cầu xác thực của báo chí quốc tế.
Ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chỉ trả lời trong buổi họp báo ngày 13/5 rằng: "Tôi đã biết về thông tin này, chúng tôi vẫn đang tìm hiểu sự việc".
Tài khoản Twitter này hiện đã không còn có thể truy cập. Đại diện Twitter cũng chưa đưa ra phát ngôn về sự việc, dù một trong những chính sách riêng tư của dịch vụ này là không cho phép chia sẻ nhiều thông tin cá nhân, như số chứng minh, số điện thoại, địa chỉ nhà riêng.
Luật pháp Trung Quốc quy định tìm cách mua thông tin cá nhân hoặc phát tán các dữ liệu này là hành vi trái phép. Tuy nhiên, người ta vẫn có thể tìm mua, hoặc bán các thông tin này ở một số chợ đen đặc biệt.
Apple không còn là công ty giá trị nhất thế giới
Ngày hôm qua giá cổ phiếu của Apple đã giảm mạnh khiến vốn hóa thị trường của họ chỉ cởn mức 493 tỉ USD.
Apple không còn là công ty giá trị nhất thế giới nữa. Cụ thể, ngày hôm qua giá cổ phiếu của Apple đã giảm mạnh khiến vốn hóa thị trường của họ chỉ còn ở mức 493 tỉ USD.
Trong khi đó, Alphabet – công ty mẹ của Google hiện đạt vốn hóa thị trường 498 tỉ USD.
Như vậy, Alphabet nghiễm nhiên trở thành công ty giá trị nhất thế giới thời điểm hiện tại. Trước đó vào đầu năm, Alphabet cũng từng vượt Apple để giành lấy ngôi vị này trong một khoảng thời gian ngắn.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá cổ phiếu của Apple được cho là bởi hãng này vừa công bố doanh số bán chip iPhone sụt giảm. Đây là lần đầu tiên cổ phiếu của Apple tụt xuống mức 90 USD kể từ tháng 6/2014.
Trước đó, Apple cũng công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2016 đáng thất vọng khi cả doanh số và lợi nhuận đều sụt giảm – trường hợp hiếm gặp đối với một công ty đang phát triển ở tốc độ chóng mặt như Apple, và hơn nữa họ còn đang giữ ngôi vị công ty công nghệ lớn nhất hành tinh.