8 hãng hàng không giá rẻ châu Á lập liên minh lớn nhất thế giới
Lào xuất siêu sang Việt Nam
50% lãi Petrolimex đến từ xăng dầu
Tham gia 1% trong Vietnammobile, bà Trịnh Minh Châu góp gần 4,3 triệu USD
Xuất siêu tháng thứ ba trong vòng 4 tháng
Tin kinh tế đọc nhanh 16-05-2016
- Cập nhật : 16/05/2016
Alibaba bị nhóm chống hàng giả quốc tế đình chỉ
Theo Bloomberg, The International AntiCounterfeiting Coalition (IACC), tổ chức phi lợi nhuận chống hàng giả và vi phạm bản quyền toàn cầu, vừa thiết lập mục thành viên mới trong tháng 4 vừa qua, cho phép hãng thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc tham gia. Dù vậy, quyết định trên vấp phải các câu hỏi về xung đột lợi ích và khiếu nại từ một số thành viên khác.
Alibaba đang cố gắng từ bỏ hình ảnh “thiên đường” dành cho các sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng với giá rẻ. Song việc gia nhập vào IACC khiến một số thành viên của tổ chức này không hài lòng. Họ cho rằng Alibaba chưa làm đủ để tiêu hủy số hàng giả trên thị trường trực tuyến.
Ngoài Alibaba, hai trang thương mại điện tử Wish.com và The RealReal cũng bị đình chỉ tư cách thành viên.
Hôm 13.5, hãng tin AP cho hay Chủ tịch Bob Barchiesi của IACC là người nắm giữ cổ phiếu Alibaba, có quan hệ gần gũi với các giám đốc điều hành công ty này. Ban điều hành IACC cho hay Barchiesi đã tiết lộ các giao dịch và mối quan hệ của ông.
“Khoản đầu tư của tôi hoàn toàn độc lập với công việc chống hàng giả. Các cổ phiếu chỉ giữ một tỷ lệ nhỏ trong danh mục đầu tư của tôi. Tôi cũng có cổ phần trong các doanh nghiệp là thành viên của IACC”, ông Barchiesi viết trong một email.
Hầu hết các thành viên của IACC là những cái tên nổi bật trong ngành may mặc, điện tử và hàng sang trọng, chẳng hạn như Nike, Apple và Rolex.
Phát ngôn viên Alibaba Jennifer Kuperman cho biết công ty sẽ tiếp tục làm việc với IACC để chống hàng giả dù họ có được công nhận là thành viên hay không. Hãng cũng sẽ đẩy nhanh nỗ lực loại bỏ những sản phẩm được xác định là hàng giả.
Alibaba có 400 triệu khách hàng mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc, chủ yếu thông qua các trang như Tmall và Taobao. Phạm vi tiếp cận rộng khiến các nền tảng của Alibaba trở thành nơi để hàng giả thuộc mọi chủng loại, từ tai nghe cho đến ví thời trang thiết kế và kỷ vật thể thao, nở rộ. (TN)
IMF cảnh báo hậu quả kinh tế nếu Anh rời châu Âu
Theo Reuters, bà Christine Lagarde cho biết tác động của chuyện Brexit - tức nước Anh rời khỏi EU - sẽ nằm trong khoản từ “khá xấu đến rất, rất xấu”.
Cảnh báo rõ ràng của bà Lagarde đến sau khi IMF cho biết Anh quốc có nguy cơ rơi vào vòng xoáy tăng trưởng kinh tế yếu, giá nhà ở thấp hơn và đầu tư nước ngoài sụt giảm nếu công dân nước này lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý tổ chức vào tháng sau.
Trong báo cáo hằng năm dành cho kinh tế Anh, IMF cho hay thời gian không chắc chắn kéo dài sẽ “dẫn đến biến động trên thị trường tài chính và tác động đến kinh tế”. Sự dừng lại đột ngột của các khoản đầu tư vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế như bất động sản, thương mại và tài chính có thể trầm trọng hóa thâm hụt tài khoản vãng lai đang cao kỷ lục của Anh.
IMF cũng nhắc lại lời cảnh báo cho rằng một cú sốc Brexit làm đảo lộn kinh tế thế giới. Về phần mình, nước Anh hậu Brexit có thể sẽ mất nhiều năm để đàm phán lại thỏa thuận thương mại với EU và các nước khác. Đây là yếu tố ảnh hưởng mạnh đến đầu tư và tâm lý nền kinh tế.
Các cử tri Anh quốc đón nhận rất nhiều lời cảnh báo trong những tuần gần đây. Hôm 12.5, Ngân hàng Trung ương Anh cho hay kinh tế đất nước sẽ chậm lại rõ rệt, thậm chí có thể bước vào suy thoái nếu rời EU. Khả năng tương tự cũng được bà Lagarde nhắc lại hôm 13.5.
Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển Kinh tế (OECD) cho biết người dân Anh sẽ phải trả “thuế Brexit”, số tiền tương đương một tháng lương vào năm 2020, nếu họ chọn rời cộng đồng 28 nước.
Bà Lagarde cho hay IMF có thể sẽ công bố dự báo chi tiết về sức ảnh hưởng của cảnh Brexit lên kinh tế Anh vào ngày 16.6, một tuần trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra. 16.6 cũng là ngày mà Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney phát biểu tại bữa tiệc thường niên ở Mansion House.
Doanh số rượu giảm lần đầu tiên trong 20 năm
Theo CNN, doanh số rượu trên thế giới trong năm 2015 giảm lần đầu tiên kể từ năm 2001, khi hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor International bắt đầu lưu trữ dữ liệu. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối thập niên 1990 là lần cuối cùng doanh số rượu toàn cầu giảm, chuyên gia phân tích thức uống có cồn Spiros Malandrakis của hãng Euromonitor cho biết.
Dù doanh số xét theo USD tăng khoảng 2% trong năm qua, lượng rượu được tiêu thụ giảm 0,7%. Các nền kinh tế mới nổi sụt giảm được cho là nguyên nhân khiến nhiều người bớt uống rượu.
Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều rượu nhất thế giới, có mức tổng tiêu thụ giảm 3,5% trong năm ngoái khi kinh tế tăng trưởng chậm lại. Lượng thức uống có cồn ở Brazil và các nước Đông Âu cũng giảm lần lượt 2,5% và 4,9%.
Trung Quốc, Mỹ, Brazil, Đức và Nga lần lượt là các nước tiêu thụ rượu nhiều nhất thế giới - Ảnh: CNN
Brazil hiện đối mặt với sụt giảm kinh tế và khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng gây tổn thất cho ngành công nghiệp rượu ở Đông Âu.
Ngành công nghiệp rượu thường được xem như khoản cược an toàn cho giới đầu tư vì mọi người có vẻ như luôn uống rượu dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Song giờ đây, mọi chuyện đã khác. “Câu chuyện tăng trưởng vô hạn từng hiện hữu đang bị chứng minh là không hề vô hạn”, ông Malandrakis nói.
Rượu rum và vodka thể hiện tệ nhất trong số các loại rượu. Ngược lại, doanh số rượu gin, whiskey Ireland, whiskey Nhật Bản và bia đen tăng mạnh.
Bộ NN&PTNT sẽ loại bỏ 37 ‘giấy phép con’ từ 1/7
Thực hiện Luật Đầu tư năm 2014, Bộ NN&PTNT đã rà soát hệ thống văn bản liên quan tới quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.
Kết quả rà soát đã xác định có 1 quyết định của Thủ tướng và 37 thông tư, quyết định của Bộ trưởng quy định điều kiện đầu tư kinh doanh cần được quy định tại nghị định của Chính phủ; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung 3 nghị định để phù hợp với tinh thần của Luật Đầu tư.
Bộ đã dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý chuyên ngành gồm giống cây trồng; phân bón; bảo vệ và kiểm dịch thực vật; thủy sản; chăn nuôi; khoa học công nghệ và môi trường; nuôi động vật rừng thông thường; và kinh doanh thực phẩm.
Ngoài ra, Bộ cũng cho biết đã đánh giá lại toàn bộ các điều kiện đầu tư kinh doanh, đảm bảo kế thừa các điều kiện, mang tính ổn định, phù hợp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp, sửa đổi, loại bỏ những điều kiện không còn phù hợp.
Bộ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Có thể còn có những ý kiến khác nhau về tính hợp lý, tính cần thiết và tính hiệu quả của các điều kiện kinh doanh trong dự thảo Nghị định, nhưng đây là động thái rất đáng hoan nghênh của Bộ NN&PTNT, theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Theo Luật Đầu tư năm 2014, các bộ ngành, địa phương không được phép ban hành điều kiện kinh doanh và từ ngày 1/7/2016 tới đây, các điều kiện kinh doanh quy định tại thông tư của cấp Bộ sẽ hết hiệu lực thi hành.
Như vậy, phải xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh để thay thế các thông tư hết hiệu lực.
Tuy nhiên, Chính phủ và các Bộ, ngành đang đứng trước áp lực rất lớn trong công tác này. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến thời hạn cuối cùng, trong khi theo thống kê của Bộ KH&ĐT, hiện có hàng nghìn điều kiện kinh doanh tại hàng trăm thông tư của các bộ ngành.
Tại cuộc họp mới đây về vấn đề này, Thủ tướng đã yêu cầu các Bộ ngành tuyệt đối không đặt ra các rào cản, điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý.
Không để có thêm các giấy phép con, các điều kiện gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh và việc ban hành nghị định phải kiên quyết xong trước 1/7/2016, đúng thời hạn luật định.
Trên cơ sở đó, các Bộ ngành theo lĩnh vực được phân công quản lý, rà soát các thông tư, quyết định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh để tổng hợp, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh; trình Chính phủ trước ngày 30/5/2016 theo trình tự, thủ tục rút gọn.
"Hồ sơ Panama bổ trợ cho thông tin của ngành thuế"
Đánh giá về hồ sơ Panama, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, tài liệu này đã "gây một sự chấn động trên toàn cầu" bởi vì có một số nước đã có nhân vật cao cấp mà xuất hiện trong hồ sơ và họ đã bị pháp luật của nước họ cho rằng, kết luận rằng là họ có những thiếu sót về thuế hay gian lận thuế.
"Từ thực tế đó thì không ít người cứ nghĩ rằng là liệu trong số đó có người của mình hay không? Nhưng tôi cũng xin nói rằng là các bạn hãy hết sức yên tâm bởi vì là các nước người ta có đầy đủ dữ liệu và quy trình là chặt chẽ kiểm soát các dòng tiền cho nên người ta có thể rất nhanh công bố và tìm ra các nhân vật có liên quan. Chúng ta cũng có thông tin nhưng chúng ta cũng cần phải có đầy đủ các chứng cứ thì mới biết được rằng có liên quan hay không liên quan", ông Phụng nói.
Vị cán bộ cấp Vụ của Tổng cục Thuế cũng cho rằng, trong giao dịch bình thường, những cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong hồ sơ này cũng là bình thường.
"Bởi vì doanh nhân thì người ta có giao dịch với các đổi tác bên nước ngoài, các doanh nghiệp cũng có quan hệ đối tác với các nước khác vì họ đầu tư, mua bán, ký kết hợp đồng về dịch vụ thì theo thông lệ quốc tế thì thực hiện giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng thì người ta lưu giữ những thông tin đó thì cũng là chuyện rất bình thường và chúng ta hết sức bình tĩnh để làm rõ có liên quan hay không liên quan", ông này phân tích.
Trả lời về việc Tổng cục Thuế đã lập một tổ công tác để nghiên cứu và điều tra các vấn đề liên quan đến hồ sơ panama, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết, thực tế, việc xem xét các hoạt động về trốn tránh thuế là công việc thường xuyên của ngành thuế chứ không phải là khi có hồ sơ panama thì Tổng cục Thuế mới xem.
"Ngay từ tháng 2/2016, khi mà hồ sơ này chưa được công bố thì chúng tôi cũng đã có những thu thập thông tin về những doanh nghiệp có quan hệ với những tổ chức nước ngoài, chứ không phải là có hồ sơ này mới làm", ông Phụng nói.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Phụng cũng cho biết: "Đương nhiên chúng tôi cũng đánh giá là hồ sơ này là một trong những nguồn thông tin tham khảo để bổ trợ cho công việc thu thập thông tin quản lý của chúng tôi". "Chúng tôi cho rằng là cái hồ sơ này tốt hay không tốt thì chúng ta phải đi sâu cặn kẽ tìm hiểu thông tin trên cơ sở đó thì mới có thể thực hiện được việc thanh tra, kiểm tra và xác định xem là những người đó có hoàn thành đủ nghĩa vụ thuế hay chưa", ông nói rõ thêm.
Về những nghi ngờ có những hoạt động chuyển tiền bất hợp pháp từ Việt Nam sang Panama, ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, Việt Nam đã ký Công ước quốc tế về chống rửa tiền nên cũng có trách nhiệm kiểm soát.
"Các tổ chức, cá nhân khi chuyển tiền này phải chịu trách nhiệm về việc công khai thông tin cũng như xin phép lý do để mình chuyển tiền. Và các doanh nghiệp đã đầu tư ra ngoài, mỗi khi chuyển tiền về nước đều phải xuất trình với cơ quan thuế, cơ quan cấp quyền để chuyển ngoại tệ về việc người ta đã hoàn thành nghĩa vụ thuế hay chưa. Anh nào mà cố tình làm trái thì chúng ta sẽ phải có bằng chứng, có thông tin để chỉ ra rằng anh sai phạm ở đâu, có sai phạm không, sai phạm ở mức độ nào thì lúc đó chúng ta mới có thể xử lý được", ông Phụng nêu ý kiến.
Cũng theo ông Phụng, gần đây, một số cơ quan nhà nước cũng đã lên tiếng về vấn đề hồ sơ Panama như Cục Phòng chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Cục Phòng chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước..."Mỗi cơ quan đều có chức năng riêng và đều dữ liệu vì vậy hơn lúc nào hết chúng ta cần có sự chia sẻ dữ liệu, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan để có được những thông tin chính xác", ông Phụng nêu quan điểm
Ngoài ra, cũng theo vị cán bộ của Tổng cục Thuế, "thông tin chính xác cũng để các cá nhân, tổ chức có tên trong đó người ta yên tâm. Vì mặc dù người ta có tên nhưng người ta minh bạch, đàng hoàng thì mình cũng phải nói là họ đàng hoàng, minh bạch và những anh nào có tên mà vi phạm pháp luật thì chúng ta cũng xử lý theo quy định pháp luật".
"Chúng ta không thể cào bằng việc cứ có tên là đen, chúng ta phải hết sức tỉnh táo khi xem xét những thông tin này", ông Phụng khẳng định.