Bộ Tài chính: Nợ công có thể đạt đỉnh vào năm nay; Startup bất động sản gọi vốn thành công từ 2 quỹ Nhật Bản, Singapore; Phạt ba cửa hàng xăng dầu ở Long An hơn 800 triệu đồng; Cố vấn tỉ phú của ông Trump quyết định từ chức
Tin kinh tế đọc nhanh tối 30-07-2017
- Cập nhật : 30/07/2017
7 tháng nhập siêu 3,08 tỷ USD
Công bố sáng nay 29/7 của Tổng cục Thống kê cho thấy, ước ước tính nhập siêu tháng 7 là 300 triệu USD. Tính chung 7 tháng, nhập siêu 3,08 tỷ USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, ước tính kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 đạt 17,5 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước.
Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,9 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 12,60 tỷ USD, giảm 1%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm mạnh nhất với 23,5%. Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 5,2%; điện thoại và linh kiện giảm 4%; giày, dép giảm 3,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 2,7%.
Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 tăng 17,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 19,9%.
Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 14,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 83,0 tỷ USD, tăng 20,3%.
Hiện, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 7 tháng đạt 23,4 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là EU đạt 21,5 tỷ USD, tăng 12,8%; Trung Quốc đạt 15,5 tỷ USD, tăng 42,6%;...
Cũng theo Tổng cục Thống kê, ước tính kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 7 đạt 17,8 tỷ USD, giảm 1,6% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 118,3 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng phục vụ sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 21,4 tỷ USD, tăng 37,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,2 tỷ USD, tăng 27,4%; điện thoại và linh kiện đạt 7,3 tỷ USD, tăng 30,6%; sắt thép đạt 5,2 tỷ USD, tăng 16,7% (lượng giảm 18,6%).
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 31,7 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tiếp đến là Hàn Quốc đạt 26,7 tỷ USD, tăng 50,8%; ASEAN đạt 16 tỷ USD, tăng 19,7,...
Như vậy, ước ước tính nhập siêu tháng 7 là 300 triệu USD. Tính chung 7 tháng nhập siêu là 3,08 tỷ USD, bằng 2,7% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 14,77 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 11,69 tỷ USD. (Baotintuc)
------------------------------
Hơn 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 7 ước tính đạt 1.036,9 nghìn lượt người, tăng 9,2% so với tháng trước.
Trong đó, khách đến bằng đường hàng không tăng 6,4%; bằng đường bộ tăng 31,1%; đáng chú ý là số lượng khách quốc tế đến bằng đường biển tăng mạnh, gấp hơn 2 lần do trong tháng đón 3 tàu du lịch quốc tế có tải trọng lớn đến Việt Nam.
So với cùng kỳ năm trước, khách quốc tế đến nước ta trong tháng tăng 21,1%, trong đó khách đến từ châu Á tăng 24,3%; từ châu Âu tăng 11,1%; từ châu Mỹ tăng 9,4%; từ châu Úc tăng 17,8%; từ châu Phi tăng 34,4%.
Tính chung 7 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 7.243,2 nghìn lượt người, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 6.119,2 nghìn lượt người, tăng 31,3%; đến bằng đường bộ đạt 945,9 nghìn lượt người, tăng 17,3%; đến bằng đường biển đạt 178,1 nghìn lượt người, tăng 13,3%.
Hơn 1 triệu khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7. Ảnh minh họa
Trong 7 tháng, khách đến từ châu Á đạt 5.357,7 nghìn lượt người, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: Khách đến từ Trung Quốc đạt 2.216,8 nghìn lượt người, tăng 51%; Hàn Quốc 1.259,8 nghìn lượt người, tăng 46,8%; Nhật Bản 437,5 nghìn lượt người, tăng 5,9%; Đài Loan 357,7 nghìn lượt người, tăng 20,8%; Malaysia 264,4 nghìn lượt người, tăng 16,9%; Thái Lan 170,3 nghìn lượt người, tăng 10,9%; Singapore 151,6 nghìn lượt người, tăng 7%.
Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.114,7 nghìn lượt người, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Liên bang Nga 348,1 nghìn lượt người, tăng 49,3%; Vương quốc Anh 166,7 nghìn lượt người, tăng 12,9%; Pháp 154,3 nghìn lượt người, tăng 8,5%; Đức 114,8 nghìn lượt người, tăng 17,8%; Hà Lan 39,9 nghìn lượt người, tăng 15,6%; Italia 31,4 nghìn lượt người, tăng 14,4%; Thụy Điển 30,8 nghìn lượt người, tăng 19,6%.
Khách đến từ châu Mỹ đạt 505 nghìn lượt người, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 377 nghìn lượt người, tăng 9,5%. Khách đến từ châu Úc đạt 245,8 nghìn lượt người, tăng 10,9%, trong đó khách đến từ Australia đạt 218 nghìn lượt người, tăng 11,4%. Khách đến từ châu Phi đạt 20 nghìn lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2016.(NDH)
---------------------
Có nên nâng trần lãi suất USD?
Gần đây, một số ý kiến lo ngại nguy cơ “chảy máu ngoại tệ” khi Việt Nam vẫn duy trì lãi suất 0% với tiền gửi USD. Bởi việc gửi USD tại các ngân hàng Việt Nam không được hưởng lãi suất đã và đang tạo chênh lệch ngày càng lớn giữa lãi suất cho tiền gửi USD trong nước và quốc tế. Từ đó, có thể kích thích sự chuyển dịch USD từ trong nước ra nước ngoài.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nhận định, sự chuyển dịch không lớn và không tác động nhiều đến tỷ giá trên thị trường trong nước.
Hơn nữa, ông Hiếu khẳng định, chưa nên đặt ra vấn đề tăng lãi suất USD trong thời điểm hiện nay vì kinh tế vĩ mô đang ổn định, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đang đi đúng hướng và đạt được mục tiêu. "Sự thay đổi sẽ tác động đến nhiều yếu tố của chính sách tiền tệ và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước điều hành cần cân đối hài hòa các mục tiêu và hướng tới trọng tâm là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô", ông nói.
Theo đánh giá của Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản thị trường vẫn tốt, các nhu cầu hợp lý, hợp pháp của tổ chức, cá nhân đều được hệ thống ngân hàng đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục mua được ngoại tệ từ khách hàng.
So với cuối năm 2016 thì tỷ giá tương đối ổn định (đến ngày 26/7, tỷ giá trung tâm tăng 1,23%, tỷ giá liên ngân hàng giảm 0,13%, tỷ giá của Vietcombank giảm 0,09% so với cuối năm trước.
Việc Nhà quản lý kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi USD 0% cũng góp phần giảm lượng USD găm giữ, người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển sang nắm giữ VND nhiều hơn. Đồng thời, lãi suất tiền gửi USD không hấp dẫn cũng sẽ tạo điều kiện để tiền gửi VND chảy vào ngân hàng, từ đó tạo điều kiện cho việc giảm lãi suất huy động và cho vay bằng tiền đồng.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% góp phần rất nhiều trong việc chống đôla hóa trên thị trường, làm cho người dân, doanh nghiệp không có xu hướng nắm giữ USD mà có xu hướng bán ra, từ đó tăng nguồn cung USD trên thị trường, góp phần bình ổn tỷ giá.
Ông Linh nhấn mạnh, việc bình ổn tỷ giá, giữ ổn định đồng Việt Nam là mục tiêu quan trọng, củng cố niềm tin của người dân vào VND, tiếp tục tăng nguồn cung đôla trong tương lai. Cũng theo vị này, so với lãi suất USD tại Mỹ, lãi suất VND vẫn hấp dẫn hơn. Do đó, việc gửi tiết kiệm tiền đồng có lợi hơn nắm giữ USD.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Bộ Tài chính) phân tích, nếu Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì với chính sách trần lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%, đồng thời đảm bảo sự ổn định của tỷ giá, nhiều người nắm giữ USD sẽ nản lòng và giảm dần việc nắm giữ USD.
Tiến sĩ Độ cho rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước nâng trần lãi suất tiền gửi bằng USD, hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ sẽ có thêm cơ hội phát triển. Tuy nhiên, khi đó tình trạng găm giữ USD của người dân và doanh nghiệp sẽ khó giảm nhanh và lãi suất huy động cũng như cho vay VND sẽ càng khó giảm hơn.
Hơn nữa, với lãi suất USD thấp, doanh nghiệp có điều kiện vay ngoại tệ với lãi suất hấp dẫn. Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, việc duy trì lãi suất tiền gửi USD 0% hỗ trợ tốt cho những doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ thu về, cụ thể là doanh nghiệp xuất khẩu, khi họ vay USD được hưỡng lãi suất hấp dẫn.
Với lãi suất huy động USD thấp, các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lãi suất vay thấp. Lãi suất vay đôla Mỹ ngắn hạn hiện phổ biến ở mức 2,8-4,7% một năm, thấp hơn hẳn so với vay bằng VND cùng kỳ hạn. Với lãi suất USD thấp thì hỗ trợ cho doanh nghiệp vay, từ đó doanh nghiệp có điều kiện hạ giá thành sản xuất.(Vnexpress)
------------------------
Xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đạt 20,45 tỷ USD
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 7 ước đạt 3,11 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2017 ước đạt 20,45 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,89 tỷ USD, tăng 18%; thuỷ sản 4,31 tỷ USD, tăng 17,5%; các mặt hàng lâm sản chính 4,41 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2016.
Về mặt hàng gạo, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 ước đạt 465.000 tấn với giá trị đạt 201 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng ước đạt 3,3 triệu tấn, giá trị 1,5 tỷ USD, tăng 15,7% về khối lượng và tăng 13,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Đặc biệt, nhiều loại nông sản như cà phê, điều, rau quả vẫn duy trì sự tăng trưởng xuất khẩu khá tốt nhờ giá tăng cao. Xuất khẩu cà phê tháng 7 ước đạt 106.000 tấn với giá trị đạt 242 triệu USD. Như vậy, trong 7 tháng, cà phê ước xuất khẩu 937.000 tấn với 2,12 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng nhưng tăng 7,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Tương tự cà phê, mặt hàng điều cũng tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị xuất khẩu. Khối lượng hạt điều xuất khẩu 7 tháng ước đạt 186.000 tấn với 1,83 tỷ USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 24,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Đặc biệt, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 7 đạt 360 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 7 tháng ước đạt 2,03 tỷ USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến nay, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn vẫn chưa có sự tăng trưởng. Đặc biệt, mặt hàng hồ tiêu do giá xuất khẩu giảm mạnh (30%) nên dù tăng khối lượng xuất khẩu nhưng giá trị thu được vẫn giảm mạnh (18%). Khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng ước đạt 145.000 tấn với 800 triệu USD.
Về cao su, mặt hàng này vẫn có giá xuất khẩu khá tốt. Trong tháng 7, cao su xuất khẩu ước đạt 154.000 tấn với giá trị đạt 230 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 7 tháng ước đạt 639.000 tấn với 1,13 tỷ USD (tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái).(TTXVN)