Số doanh nghiệp rời thị trường bằng 9/10 số thành lập mới từ đầu năm; Thủ tướng chỉ đạo đưa vào sản xuất thương mại công nghệ điện rác của Công ty HMC; Khánh Hoà: Chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Cam Lâm; Tập đoàn VNPT có quỹ lương trên 8.600 tỷ đồng
Tin kinh tế đọc nhanh sáng 31-07-2017
- Cập nhật : 31/07/2017
Xiaomi vay 1 tỉ USD để mở rộng ra toàn cầu và đầu tư cho cửa hàng bán lẻ
Theo SCMP, hãng sản xuất điện thoại có trụ sở tại Bắc Kinh tuyên bố chi nhánh Hong Kong của họ đã đạt được thỏa thuận kéo dài 3 năm với nhóm 18 ngân hàng, dẫn đầu là Deutsche Bank và Morgan Stanley.
Lei Jun, người sáng lập và CEO của Xiaomi, phát biểu tại một cuộc hội đàm ở Wuhan trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Internet Thế giới lần thứ ba ở Wuzhen
Lei Jun, người sáng lập, chủ tịch và giám đốc điều hành của Xiaomi cho hay, các khoản tài trợ mới này sẽ "chống lưng" cho kế hoạch mở rộng mang tầm quốc tế của công ty cũng như sáng kiến tích hợp các hoạt động bán lẻ trực tuyến và ngoại tuyến.
Ngôi sao điện ảnh Hồng Kông Lương Triều Vĩ và người sáng lập, CEO của Xiaomi Lei Jun giới thiệu Xiaomi Mi Note 2 tại Bắc Kinh vào năm ngoái
Xiaomi trước đây cũng đã có một khoản vay 1 tỉ USD với thời hạn 3 năm vào năm 2014. Lei gần đây cũng vừa chỉ ra công cuộc kinh doanh toàn cầu của Xiaomi, bao gồm hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đã bước vào "kỷ nguyên tăng trưởng nhanh chóng".
Vào đầu tháng này, Xiaomi ước tính đã bán được 23,2 triệu chiếc điện thoại thông minh trong quý II, và tăng 70% so với quý trước (kết thúc vào 31 tháng 3) - một kỷ lục của công ty kể từ khi chiếc smartphone đầu tiên của họ được ra mắt vào tháng 8 năm 2011.
Điều này cũng cho thấy rằng Xiaomi đang ở vị thế sẵn sàng tạo ra một cuộc lội ngược dòng sau khoảng thời gian tụt hậu so với các đối thủ trong nước như Huawei Technologies, Oppo, và Vivo trong những quý vừa qua.
Việc mảng kinh doanh smartphone của Xiaomi liên tục sụt giảm trong năm ngoái đã khiến cho Richart Windsor, một chuyên gia phân tích lâu năm ở Edison Investment Research, đưa ra định giá cho start-up này chỉ vào khoảng 3,6 tỉ USD. Đây là con số quá thấp nếu so với năm 2014, khi giá trị thị trường của Xiaomi ước tính lên tới 45 tỉ USD.
Sau đó vào tháng Một, Windsor nâng mức này lên 5 tỉ USD, khi Xiaomi đã tích trữ các nguồn lực, tập hợp lại và nhắm đến mục tiêu doanh thu 100 tỉ nhân dân tệ trong năm nay.
Theo như ông Neil Shah, giám đốc nghiên cứ của Counterpoint: "Có rất nhiều lĩnh vực mà Xiaomi cần đẩy mạnh nguồn lực của họ để mở rộng ra ngoài Trung Quốc và Ấn Độ cũng như cạnh tranh với Huawei, Oppo hay Vivo trên quy mô toàn cầu. Khoản vay này chắc chắn sẽ giúp ích cho sự mở rộng của công ty trên các nước như Nga và Mexico, các thị trường mà công ty vừa thâm nhập, cũng như những thị trường khác như châu Âu, Nam Á và Trung Đông".
Xiaomi đã tập trung xây dựng một lượng lớn các cửa hàng bán lẻ theo kiểu truyền thống nhằm hỗ trợ nền tảng bán lẻ trực tuyến của họ. Vào tháng 4, công ty kỳ vọng sẽ tạo ra mức doanh thu 70 tỉ nhân dân tệ trong vòng 5 năm tới từ các cửa hàng truyền thống này. Theo báo cáo, công ty sở hữu 137 cửa hàng trên toàn thế giới cùng kế hoạch mở thêm 2000 cửa hàng nữa trong nước và tại các thị trường đa dạng nước ngoài trong 3 năm tiếp đến.
Ông Shah khuyên Xiaomi "nên học hỏi từ LeEco, theo đuổi một chiến lược mở rộng khôn ngoan, và không đốt quá nhiều tiền vào việc marketing để chạy đua với Huawei, Oppo hay Vivo".
Tập đoàn LeEco đã rút lui khỏi kế hoạch mở rộng đầy tham vọng ở Mỹ và bỏ mặc thương vụ mua lại nhà sản xuất truyền hình Mỹ Vizio trị giá 2 tỉ USD, đồng thời chìm trong nợ nần và phải nhận phán quyết đóng băng toàn bộ tài sản từ phía tòa án.
Ông Shah nói: "Một phần của khoản vay mới này của Xiaomi cần đầu tư vào xây dựng chất lượng tài sản trí tuệ và cá những nghiên cứu, phát triển có ý nghĩa. Công ty cũng nên cấp phép các tài sản trí tuệ ấy để thâm nhập vào các thi trường phương Tây như là Mỹ hay Anh, để bảo vệ bản thân khỏi các vụ kiện bằng sáng chế tại đó".
Đầu tháng này, Xiaomi đã ký xong một hợp đồng cấp phép và trả phí cho Nokia, sau thỏa thuận chuyển giao bằng sáng chế với gã khổng lồ phần mềm Microsoft vào tháng Năm năm ngoái.
Vào ngày 28/7, Xiaomi đã cho biết công ty đang có 4806 bằng sáng chế, 2404 trong số đó là bằng quốc tế, điều này cung cấp nền tảng vững chắc cho kế hoạch mở rộng toàn cầu của Xiaomi.(vnreview)
-----------------------------------
Apple trả 2 tỷ USD tiền bản quyền cho Nokia
Khoản tiền mặt trên đã được Apple chuyển cho Nokia trong thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng sáng chế giữa hai công ty.
Tranh chấp bản quyền giữa Nokia và Apple xảy ra trong tháng 5 và hai bên đã đạt được thỏa thuận giải quyết. Chi tiết điều khoản không được công bố nhưng trong báo cáo tài chính quý II/2017, Nokia nói rằng đã nhận được 2 tỷ USD từ Apple.
Đây là tranh chấp bản quyền thứ hai giữa Nokia và Apple trong 10 năm trở lại đây. Từ năm 2016, hãng điện thoại Phần Lan đã kiện công ty sản xuất iPhone vi phạm nhiều bản quyền mà họ sở hữu. Apple cũng đã ký dàn xếp với Nokia vào năm 2011 để sử dụng một số bằng sáng chế.
Sau khi được giải quyết, hai công ty nói rằng sẽ hợp tác với nhau trong việc phát triển công nghệ mới. Ngoài ra, Apple cũng đồng ý bán trở lại các sản phẩm sức khỏe mang thương hiệu Nokia Withings.
Kế hoạch sử dụng số tiền 2 tỷ USD dự kiến được Nokia công bố trong quý tiếp theo. Trong khi đó khoản tiền chi trả trên không ảnh hưởng nhiều đến Apple khi công ty này đang sở hữu khoảng 250 tỷ USD tiền mặt.(Vnexpress)
-------------------------
Mỹ chính thức tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam
Mỹ đã từng là thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo VASEP, Nhật Bản giờ đã trở thành nhà nhập khẩu tôm Việt Nam lớn nhất.
Các nhà sản xuất tôm nội địa của Mỹ đã đạt được một chiến thắng gần đây khi tòa phúc thẩm liên bang ủng hộ một quyết định của Bộ Thương mại Mỹ nhằm thay đổi cách đánh giá lượng hàng nhập khẩu từ Việt Nam.
Cuối tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Do Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên các quan chức Mỹ phải sử dụng một quốc gia áp dụng có nền kinh tế tương tự để định giá.
Trong những năm trước, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã sử dụng mức giá từ Bangladesh. Tuy nhiên, trong năm nay, một nhóm chủ tàu và người chế biến thủy hải sản tại Mỹ đã phàn nàn, trích dẫn những hành động trừng phạt của chính phủ Mỹ nhằm vào Bangladesh vì có hành vi ngược đãi người lao động. Mang tên Ủy ban hành động thương mại tôm Mỹ (AHSTAC), nhóm này đã khởi kiện và dẫn đến việc tòa án ra lệnh tái thẩm định quyết định của Bộ Thương mại Mỹ.
Khi xem xét lại, các quan chức Bộ Thương mại Mỹ đã chọn đánh giá hàng nhập khẩu của Việt Nam dựa trên dữ liệu tiền lương từ Ấn Độ, cho rằng nước đông dân thứ hai trên thế giới không có tình trạng ngược đãi lao động trong ngành tôm như người hàng xóm của mình.
Quyết định này có nghĩa là một số nhà nhập khẩu tôm tại Mỹ phải chịu thuế chống bán phá giá cao hơn đối với tôm nhập khẩu trong khoảng thời gian 12 tháng bắt đầu từ tháng 2/2013. Mức thuế chống bán phá giá đã tăng từ 1,16% lên 1,42%.
Hiện tại, AHSTAC cũng đang kêu gọi hành động tương tự đối với tôm nhập khẩu từ một năm trước, Nathan Rickard, một luật sư đại diện của nhóm này cho biết.
Các công ty nhập khẩu tôm vào Mỹ phải chi một khoản kí quỹ bằng tiền mặt, để chính phủ Mỹ thu thuế chống bán phá giá. Bộ Thương mại Mỹ tiến hành các cuộc đánh giá hành chính như trên theo định kỳ để cập nhật và đánh giá các mức thuế chống bán phá giá. Rickard cho biết cuộc đánh giá tiếp theo dự kiến sẽ được hoàn thành trong năm tới. Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, ông cho biết AHSTAC sẽ thúc giục các quan chức Bộ Thương mại Mỹ từ chối so sánh Bangladesh cho việc áp thuế trong tương lai.
Tôm là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế Việt Nam, với doanh thu 1,56 tỷ USD trong nửa đầu năm 2017, tăng 16% so với cùng kì năm ngoái, theo số liệu của VASEP.
Mỹ đã từng là thị trường xuất khẩu tôm hàng đầu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo VASEP, Nhật Bản giờ đã trở thành nhà nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.(NCĐT)
----------------------
Trump dọa dừng trả bảo hiểm nếu dự luật sức khỏe mới thất bại
Tổng thống Mỹ dọa dừng khoản chi của chính phủ cho các nhà bảo hiểm nếu quốc hội không thông qua một dự luật chăm sóc sức khỏe mới.
"Nếu một dự luật chăm sóc sức khỏe mới không được thông qua nhanh chóng, khoản hỗ trợ cho các công ty bảo hiểm và thành viên quốc hội sẽ kết thúc rất sớm!", Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter cá nhân ngày 29/7, theo Reuters.
Bình luận trên xuất hiện một ngày sau khi phe Cộng hòa tại Thượng viện không có đủ phiếu ủng hộ cần thiết để thông qua dự luật xóa bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (ACA), còn gọi là Obamacare, chương trình chăm sóc sức khỏe do cựu tổng thống Barack Obama đưa ra.
Nửa đầu bình luận của Trump dường như đề cập đến khoản tiền 8 tỷ USD giảm chi phí mà chính phủ liên bang Mỹ trả cho các nhà bảo hiểm, giúp họ bớt gánh nặng khi bảo hiểm cho người Mỹ thu nhập thấp.
Nửa sau bình luận dọa chấm dứt đóng góp của chính phủ cho nghị sĩ quốc hội và nhân viên của họ, những người chuyển đổi từ chương trình chăm sóc sức khỏe nhân viên liên bang sang Obamacare năm 2010.
Tổng thống Trump kêu gọi các thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu lần nữa về dự luật chăm sóc sức khỏe. "Trừ khi các thượng nghị sĩ Cộng hòa là những kẻ bỏ cuộc, dự luật xóa bỏ và thay thế chưa chết! Yêu cầu bỏ phiếu một lần nữa trước khi xem xét các dự luật khác", ông Trump cho biết.
Nhiều nhà bảo hiểm đang chờ câu trả lời từ Trump hoặc các nghị sĩ về việc có tiếp tục trợ cấp hàng năm hay không. Nếu không có trợ cấp, họ tính tăng giá gói cao cấp thêm 20%, hạn chót là ngày 16/8.
Kết quả khảo sát Reuters/Ipsos, thực hiện trên 1.136 người trong hai ngày 28 và 29/7, cho thấy 64% người tham gia muốn giữ lại Obamacare, "nguyên vẹn" hoặc sau khi sửa "những phần có vấn đề". Hầu hết họ đều muốn quốc hội Mỹ tập trung vào cải cách thuế, quan hệ đối ngoại và cơ sở hạ tầng. Chỉ 29% nói họ muốn phe Cộng hòa "tiếp tục đưa ra một dư luật chăm sóc sức khỏe mới".(Vnexpress)