tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 31-07-2017

  • Cập nhật : 31/07/2017

Toyota đặt mục tiêu xuất xưởng xe điện sạc siêu nhanh vào 2022

Toyota Motor (Nhật Bản) đang nghiên cứu mẫu xe chạy điện sử dụng một loại pin đặc biệt cho phép sạc đầy chỉ sau vài phút.

anh minh hoa.

Ảnh minh họa.

Trang Reuters dẫn nguồn từ tờ Chunichi Shimbun cho biết, Toyota Motor sẽ sử dụng loại pin thể rắn thế hệ mới giúp tăng quãng đường chạy xe, đồng thời giảm thời gian sạc pin xuống chỉ còn vài phút. Các mẫu xe điện hiện tại sử dụng pin lithium-ion phải cần từ 20-30 phút để nạp điện ngay cả khi sử dụng bộ sạc nhanh. Quãng đường thực tế mỗi xe có thể chạy chỉ khoảng 300-400km.

Ngoài lợi ích về tốc độ sạc, quãng đường có thể di chuyển xa hơn, pin thể rắn có lợi thế đáng kể về độ an toàn, chống cháy nổ so với pin thể lỏng như lithium-ion.

Đại diện phát ngôn Toyota, Kayo Doi từ chối tiết lộ về kế hoạch sản phẩm nhưng chia sẻ thêm, hãng sẽ thương mại hóa toàn bộ xe dùng pin thể rắn vào đầu năm 2020.

Mặc dù Toyota có thể đẩy nhanh quá trình thương mại hóa trước nhiều đối thủ như Nissan Motor hay Tesla, tuy nhiên quy trình sản xuất hàng loạt yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng và độ tin cậy so với thử nghiệm.

Nhà phân tích Christopher Richter, chuyên gia phân tích CLSA cho biết: "Có một khoảng cách rất xa giữa phòng thí nghiệm và sản xuất. 2022 là thời điểm tốt để thực hiện, và sẽ còn rất nhiều thời gian để tiếp tục thay đổi. Thời điểm ra mắt các mẫu xe điện mới cũng sẽ phụ thuộc phần lớn vào chi phí sản xuất pin".

Công ty Nhật Bản dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt các mẫu xe điện tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ ô tô lớn nhất thế giới, vào đầu năm 2019. Mặc dù vậy, model dành cho thị trường này có thể tương đồng với chiếc C-HR và sử dụng pin lithium-ion.

Nhiều nhà sản xuất khác như BMW cũng đang phát triển loại pin thể rắn, hướng tới mục tiêu sản xuất hàng loạt xe điện trong khoảng 10 năm tới.

Thế hệ xe điện mới có khả năng đi xa hơn, sạc nhanh hơn của Toyota dự kiến sẽ ra mắt thị trường Nhật Bản và nhiều thị trường khác vào năm 2022.(Diễn Đàn Đầu Tư)
-------------------------------

Nhà đầu tư Thái mua 71% tổ hợp hóa dầu Long Sơn

Tập đoàn SCG (Thái Lan) đóng góp 71% cổ phần tại tổ hợp hoá dầu Long Sơn sau khi mua lại 25% cổ phần từ Tập đoàn Qatar Petroleum International.

to hop hoa dau long son se tang von dau tu len 5,4 ty usd, thay vi 3,7 ty usd nhu ban dau.

Tổ hợp hoá dầu Long Sơn sẽ tăng vốn đầu tư lên 5,4 tỷ USD, thay vì 3,7 tỷ USD như ban đầu.

Trong thông tin mới phát đi, ông Roongrote Rangiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn SCG (Thái Lan) cho biết, gần đây, tập đoàn đã thông qua khoản đầu tư vào tổ hợp hóa dầu đầu tiên tại Việt Nam - Công ty TNHH hóa dầu Long Sơn (LSP).

"Đây là dự án liên doanh cùng với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) có tổng giá trị đầu tư lên đến 5,4 tỷ USD, trong đó SCG đóng góp 71% cổ phần sau khi mua lại 25% cổ phần từ Tập đoàn Qatar Petroleum International. Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng trong 4 năm rưỡi và bắt đầu hoạt động thương mại vào khoảng nửa đầu năm 2022”, ông Roongrote cho biết.

Với giá trị lên tới 5,4 tỷ USD, đây là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của SCG tại ASEAN. Đến nay, SCG đã đầu tư 30 tỷ baht (khoảng 20,4 nghìn tỷ đồng) vào dự án tổ hợp hoá dầu Long Sơn, chủ yếu để mua quyền sử dụng đất và giải phóng mặt bằng.

Ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của SCG cho biết, tổ hợp lọc hóa dầu này sẽ là một trong số những khoản đầu tư lớn nhất của tập đoàn tại ASEAN.

Tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam khởi công từ năm 2008 nhưng do đối tác từ Qatar xin rút lui nên 8 năm qua, dự án trong tình trạng “ngủ đông”. Tuy nhiên, hồi cuối năm ngoái, sau khi phía Qatar rút lui, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã có yêu cầu phía PVN điều chỉnh nâng tỷ lệ vốn tại công ty TNHH Hoá Dầu Long Sơn lên 29%.

Tổ hợp có tổng diện tích trên 460ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn; trong đó, 398 ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến đạt 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm, sử dụng nguồn khí Etan trong nước), 66 ha đất xây dựng cảng.

Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ôtô, điện tử… Các sản phẩm của nhà máy dự kiến sẽ thay thế các sản phẩm nhập khẩu ở Việt Nam. Dự án có tỷ lệ hoàn vốn nội bộ ở khoảng 13-14%.

Liên quan tới dự án tổ hợp hoá dầu Long Sơn, tại buổi làm việc với Tổ công tác Chính phủ diễn ra đầu tháng 7, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn - Tổng Giám đốc PVN cho biết, những vướng mắc về cơ chế bão lãnh cũng đang khiến dự án này chưa thể khởi công dù cho đến nay mọi điều kiện cuối cùng đã chuẩn bị xong.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, PVN chỉ có thể cấp bảo lãnh vốn vay cho công ty con mà Tập đoàn nắm giữ phần vốn từ 51% trở lên, trong khi PVN chỉ nắm giữ 29% vốn tại công ty con tham gia dự án Long Sơn. Trong khi đó, PVN và SCG dự kiến vay vốn ngân hàng 3,2 tỷ USD trong tổng số 5,4 tỷ USD cho dự án này và sẽ góp phần còn lại từ vốn tự có.

Một vướng mắc khác, việc chưa phê duyệt phương án giá khí Lô B cũng đang khiến thời gian thỏa thuận với đối tác nước ngoài bị kéo dài. (DanTri)
----------------------------

Cựu TGĐ Eximbank làm quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Thủ tướng vừa ký quyết định giao ông Trương Văn Phước - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia - làm Chủ tịch Ủy ban này. Trước đó, ông Trương Văn Phước từng kinh qua nhiều chức vụ, trong đó có giai đoạn là Tổng Giám đốc Eximbank. 

ong truong van phuoc - quyen chu tich uy ban giam sat tai chinh quoc gia. anh: vgp

Ông Trương Văn Phước - quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Ảnh: VGP

Theo đó, tại Quyết định 1122/QĐ-TTg ngày 28/7, Thủ tướng Chính phủ giao ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia làm quyền Chủ tịch Ủy ban này, thay thế cho ông Vũ Viết Ngoạn.

Cùng ngày, Thủ tướng thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, và điều động ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia –về công tác tại Văn phòng Chính phủ làm Tổ trưởng làm tổ trưởng tổ này.

Trong thành phần Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông Trương Văn Phước cũng là một thành viên. (Viettimes)

Ông Trương Văn Phước sinh năm 1959, có học vị Tiến sĩ kinh tế. Ông từng giữ chức Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh TP.HCM, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Năm 2000, ông Phước được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Eximbank. Ông được tái bổ nhiệm chức vụ này vào tháng 4/2008.

Năm 2013, ông Phước được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho đến nay.


------------------------------------------

Ông Vũ Viết Ngoạn làm Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Trong danh sách thành viên được phê duyệt của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng (Tổ tư vấn), Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm Tổ trưởng Tổ tư vấn.

ong vu viet ngoan - to truong to tu van kinh te cua thu tuong (anh: dan tri)

Ông Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng (Ảnh: Dân Trí)

Theo thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Thủ tướng vừa ký quyết định số 1120/QĐ-TTg thành lập Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng để tư vấn cho Thủ tướng về các vấn đề phát triển kinh tế.

Trong danh sách thành viên đã được phê duyệt của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng (Tổ tư vấn), Ông Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm Tổ trưởng.

14 thành viên khác của Tổ tư vấn kinh tế bao gồm:

- Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; 
- Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Fulbright Economics Teaching Program); 
- Tiến sĩ Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; 
- Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; 
- Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; 
- Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp; 
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore; 
- Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh;
- Tiến sĩ Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; 
- Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam;
- Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thọ, Đại học Wasada, Nhật Bản; 
- Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo Quyết định 1120/QĐ-TTg, Tổ tư vấn có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm;

Bên cạnh đó, Tổ tư vấn sẽ phải phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra;

Đồng thời, Tổ có nhiệm vụ tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Tổ tư vấn kinh tế sẽ được tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Quá trình công tác của ông Vũ Viết Ngoạn:

Ông Vũ Viết Ngoạn – sinh năm 1958.

Học vị: Tiến sĩ tài chính Đại học La Salle (Hoa Kỳ)

Quá trình công tác:

Từ 1993 – 1995: Phó giám đốc sở giao dịch ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Từ 1995 – 1996: Giám đốc khối thanh toán kế toán Ngoại thương Việt Nam

Từ 1996 – 1998: Phó tổng giám đốc Ngoại thương Việt Nam

Từ 1998 – 2000: Phó tổng giám đốc kiêm giám đốc Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam

Từ 2000 – 2007: Ủy viên hội đồng quản trị, kiêm TGĐ Ngoại thương Việt Nam

Từ 2007 – 2011: Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Từ 22/7/2011 – 2017: Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia

Từ 7/2017: Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ  (Viettimes)

Trở về

Bài cùng chuyên mục