Vietnam Airlines chốt đối tác chiến lược trong tháng 12
Rạng Đông bị truy thu thuế hơn 4,6 tỷ đồng
Thịt bò và táo Pháp trở lại Việt Nam
Chính thức gia hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ đến hết quý I/2016
VAMC đã xử lý được 7,7% số nợ xấu đã mua
Tin kinh tế đọc nhanh 08-12-2015
- Cập nhật : 08/12/2015
Dự trữ ngoại hối Trung Quốc xuống đáy gần 3 năm
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bán USD để đẩy giá nội tệ, trước phiên họp xem xét có nên đưa NDT vào rổ tiền tệ dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tháng trước. Việc này đã khiến dự trữ ngoại hối của họ chỉ còn 3.440 tỷ USD, từ 3.530 tỷ USD cuối tháng 10. Kết quả trung bình trong dự báo của các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát là 3.490 tỷ USD.
Tổng cộng cả năm, dự trữ của Trung Quốc đã mất 405 tỷ USD, số liệu công bố hôm nay cho biết. Sự mất giá của đồng euro, yen và bảng tháng trước cũng có thể là nguyên nhân giá trị khối dự trữ này giảm khi quy đổi ra USD.
Con số này có thể chưa phản ánh hết nỗ lực can thiệp của PBOC, do nhà băng này còn giao dịch trên thị trường hợp đồng kỳ hạn để hỗ trợ nội tệ. Từ ngày 1/10/2016, đồng NDT sẽ chính thức có mặt trong Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) của IMF. Các nhà phân tích, trong đó có Goldman Sachs Group, đều dự báo đồng tiền này năm tới sẽ giảm giá, do vốn đầu tư đổ ra nước ngoài, kinh tế tăng trưởng chậm lại và ngân hàng trung ương giảm can thiệp.
Tuần trước, Phó thống đốc PBOC - Yi Gang đã cho biết mục tiêu dài hạn của cơ quan này là gần như sẽ không can thiệp vào thị trường. Họ cũng khẳng định biến động tiền tệ lớn hơn sẽ là chuyện bình thường.
Bộ Tài chính: Cà Mau, Bạc Liêu đổ nợ chỉ là cá biệt
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Bộ Tài chính khẳng định sẽ không dùng ngân sách trung ương để "cứu" các địa phương này.
Trước đó, một số địa phương đã có tình trạng ngân sách hết tiền chi tiêu. Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Thành ủy Bạc Liêu, dự toán kinh phí được duyệt năm 2015 của đơn vị là hơn 7,5 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 7 đã sử dụng 7,67 tỷ. Biên bản bàn giao công nợ đến ngày 31/7 được tổ chức vào ngày 21/9, cơ quan này còn tồn đọng rất nhiều khoản nợ. Trong đó nhiều nhất là tiền khám sức khỏe năm 2015 với hơn 619 triệu đồng. Kế đến là tiền nợ bảo hiểm xã hội 366 triệu đồng, soạn thảo văn bản 200 triệu, tiếp khách 192 triệu, mua máy photocopy 268 triệu đồng, hỗ trợ bằng thạc sĩ 180 triệu, tiền sách báo, tài liệu, quà tặng hơn 198 triệu đồng... Tổng số công nợ là 2,8 tỷ đồng.
Dự toán kinh phí được duyệt năm 2015 của Thành Ủy Bạc Liêu là hơn 7,5 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 7 đã sử dụng 7,67 tỷ.
Giữa tháng 10, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu có văn bản gửi Văn phòng Thành ủy Bạc Liêu “nhắc” tới thời điểm cuối tháng 9 đơn vị còn nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp 36 lao động với số tiền hơn 477 triệu đồng và đề nghị “chuyển trả dứt điểm”.
Trong khi đó, tại TP Cà Mau, một báo cáo ngày 30/11 của thành phố này về tình hình nợ ngân sách cho thấy nhiều năm liền thành phố thu ngân sách không đạt nhưng chi ngân sách luôn cao hơn mức được giao.
Năm 2012, tổng chi trên 555 tỷ đồng, trong khi nguồn ngân sách chỉ trên 500 tỷ. Năm 2013, trong khi nguồn ngân sách của thành phố Cà Mau trên 536 tỷ, thì chi đến hơn 627 tỷ, mất cân đối trên 90 tỷ đồng...
Một lãnh đạo thành phố Cà Mau thừa nhận, việc dẫn đến tình trạng mất cân đối là do nhiều năm liền thu ngân sách không đạt, dẫn đến phải tạm ứng trước để chi tiêu trong nhiều năm và hệ quả là thành phố Cà Mau đã trở thành “con nợ” lớn.
Tính từ đầu năm đến ngày 22/11, số nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn cân đối ngân sách thành phố và nguồn tỉnh hỗ trợ là trên 60 tỷ đồng (ước tính khi các công trình hoàn thành khối lượng, số nợ này gần 90 tỷ đồng).
Theo ông Võ Thành Hưng, qua trao đổi với địa phương, tỉnh Bạc Liêu khẳng định sẽ tự xử lý được bằng những nguồn cân đối và đảm bảo không ảnh hưởng đến dự toán chung. "Thành ủy TP Bạc Liêu là đơn vị sử dụng ngân sách của thành phố nên trước hết thành phố phải xem lại triển khai dự toán của đơn vị mình. Nếu khó khăn thì lên tỉnh xử lý theo tinh thần đảm bảo dự toán và Chỉ thị 06 của Thủ tướng", ông Hưng cho biết.
Vụ trưởng Vụ Ngân sách cũng cho hay Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành báo cáo về tình trạng thu chi hiện nay sau hai trường hợp Bạc Liêu và Cà Mau đổ nợ. Tuy nhiên, đến nay, chưa phát sinh trường hợp địa phương nào gặp khó khăn khác và khẳng định đây chỉ là hai trường hợp cá biệt. “Chắc chắn sắp tới sẽ có động thái mới siết chặt lại việc chi tiêu của các địa phương để tránh xảy ra tình trạng này”, ông Hưng nói.
Theo chỉ thị 06 của Thủ tướng, các địa phương phải tự cân đối được chi tiêu, nếu bị thâm hụt sẽ phải có phương án cắt giảm chi và nguồn dự phòng, nguồn tiết kiệm 10% để tự bù đắp.
Nếu sử dụng hết các nguồn này vẫn không thể cân đối được phải báo cáo trung ương xem xét cung ứng nhằm đảm bảo các nhiệm vụ chi quan trọng của địa phương, đặc biệt như chi cho con người và an sinh xã hội.
'Công chúa mía đường' thu gần 160 tỷ đồng từ bán cổ phiếu
Bà Đặng Huỳnh Ức My, được mệnh danh "Công chúa mía đường" vừa thông báo hoàn tất bán ra 5 triệu cổ phiếu SBT của Công ty Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh và 3,15 triệu cổ phiếu BHS của Công ty Mía đường Biên Hòa. Giao dịch chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày từ 1/12 đến 3/12 theo phương thức khớp lệnh.
Nếu tính theo thị giá ngày 3/12, tương ứng SBT là 18.500 đồng và BHS là 20.900 đồng, tổng giá trị cổ phiếu bán ra trong 3 ngày của Đặng Huỳnh Ức My lên tới 158,5 tỷ đồng.
Theo thống kê, giá cổ phiếu SBT tăng khá mạnh trong thời gian gần đây. Việc bán ra lượng lớn cổ phiếu này được cho là động thái chốt lời. Số cổ phiếu này được bà My mua vào hồi đầu năm 2014 với giá chỉ từ 12.000 đến 13.000 đồng mỗi cổ phiếu.
Như vậy, sau giao dịch trên bà Đặng Huỳnh Ức My chỉ còn nắm giữ 2,1 triệu cổ phiếu SBT và 8,4 triệu cổ phần HHS, tương đương tỷ lệ lần lượt là 1,15% và 6,81%.
Mặc dù là cổ đông lớn nhưng bà My không nắm chức vụ gì tại Đường Biên Hòa mà chỉ là thành viên Hội đồng quản trị. Trước thềm họp Đại hội cổ đông, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt của Mía đường Thành Thành Công đã xin từ nhiệm.
Mới đây cả hai cổ phiếu BHS và SBT đều lọt vào rổ 21 cổ phiếu của FTSE Vietnam Index trong lần đảo danh mục cuối cùng của năm 2015.
Được thừa kế khối tài sản lớn từ mẹ là "Nữ hoàng mía đường" Huỳnh Bích Ngọc, Đặng Huỳnh Ức My luôn góp mặt trong top những người phụ nữ giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến 3/12, tổng tài sản trên thị trường chứng khoán sau giao dịch của cô lên tới 307 tỷ đồng.
Ức My sinh năm 1984, từng sang New Zealand học tập và lấy bằng cử nhân quản trị kinh doanh - tài chính. Không nối nghiệp cha là ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Sacombank và anh trai Đặng Hồng Anh - nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal), Ức My chọn theo ngành mía đường của mẹ, từ đó được mệnh danh là "công chúa mía đường".
JPMorgan tuyển hơn 200 con quan Trung Quốc
Tài liệu trên đã được JPMorgan chuẩn bị để nộp lên các nhà điều tra Mỹ hồi tháng 4, Wall Street Journal trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Tài liệu này liệt kê tên 222 ứng viên được nhà băng tuyển vào theo chương trình có tên nội bộ là "Con trai và Con gái" (Sons and Daughters). Tên người đã giới thiệu họ vào cũng được ghi trong này.
Theo chương trình này, từ năm 2004 đến 2013, JPMorgan nhận giới thiệu từ rất nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và chính trị gia hàng đầu Trung Quốc. Gần một nửa số đó đến từ chính phủ, trong đó có giới chức ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, lãnh đạo cấp cao các công ty quốc doanh và quan chức chính quyền địa phương.
JPMorgan đã được chọn thực hiện IPO cho 12 công ty Trung Quốc giá trị tỷ USD tại Hong Kong trong giai đoạn trên, hãng nghiên cứu dữ liệu Dealogic cho biết. Tài liệu của JPMorgan cho thấy nhà băng này đã tuyển ứng viên được giới thiệu bởi lãnh đạo tại 9 trong 12 công ty này, hoặc công ty mẹ của họ.Những vụ IPO lớn JPMorgan từng tham gia là Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (22 tỷ USD, năm 2010), Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (5,9 tỷ USD, năm 2007) và CGN Power (3,6 tỷ USD, năm 2014).
Vụ việc này được phát giác năm 2013 và giới chức Mỹ đã điều tra suốt 2 năm qua để xác định việc tuyển dụng của nhà băng có cấu thành tội hối lộ, theo Luật Điều tra Hối lộ nước ngoài của Mỹ hay không. Theo các chuyên gia về luật pháp, thuê con cái của các quan chức không vi phạm pháp luật.
Sự việc chỉ trái phép khi công ty đưa ra một vị trí làm việc để đổi lấy công việc kinh doanh. Mà trong trường hợp của JPMorgan là để giành các hợp đồng kinh tế béo bở, New York Times cho biết.
Theo một số email được tiết lộ, nhân viên JPMorgan thường xuyên bàn bạc về những lợi ích kinh tế tiềm năng của hoạt động tuyển dụng này. Tuy nhiên, các nhà điều tra vẫn chưa tìm được tài liệu quan chức chính phủ Trung Quốc khẳng định họ chọn JPMorgan để đổi lấy việc đưa người vào ngân hàng này. Đến nay, cả JPMorgan, các quan chức chính phủ và lãnh đạo công ty có liên quan đều chưa bị buộc tội.
Phần lớn nhân viên được họ tuyển theo chương trình "Con trai và Con gái" đều đi lên từ các thực tập sinh. Họ được giới thiệu vào bởi hơn 150 công ty, văn phòng chính phủ và cá nhân tại châu Á. 95 người trong số đó, tương đương 45%,là được giới thiệu bởi quan chức Chính phủ hoặc nhân viên của các công ty quốc doanh.
Thời gian thực hiện chương trình này cũng trùng khớp với thời kỳ JPMorgan ngày càng được chọn tham gia vào nhiều IPO của công ty Trung Quốc. Tuy vậy, giới điều tra chưa thể khẳng định 2 việc này có liên quan đến nhau. 3 năm tuyển dụng đỉnh cao là 2010, 2011 và 2012, nhà băng này xếp thứ 3, 14 và 4 trong số các ngân hàng tham gia vào nhiều vụ IPO nhất của công ty Trung Quốc tại Hong Kong, theo Dealogic. Sau khi chấm dứt chương trình, hãng tụt xuống thứ 20 năm ngoái và 25 năm nay.
Từ sau khi vụ điều tra được tiến hành, nhiều quan chức cấp cao của nhà băng có liên quan đến vụ tuyển dụng đã từ chức. JPMorgan cũng phải từ bỏ nhiều thương vụ với một số công ty, vì trước đó đã tuyển người được các công ty này giới thiệu.
Nhiều quan chức Trung Quốc cũng đã giới thiệu người cho nhà băng này, như Phó chủ tịch Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc - Guo Ligen, Bộ trưởng Bộ Công An - Guo Shengkun, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương - Pan Gongsheng và cả Sun Jiakang - lãnh đạo cấp cao đại gia vận tải biển Cosco. Ít nhất 2 quan chức từng giới thiệu nhân viên cho JPMorgan đang bị nước này điều tra tham nhũng.
Dừng thu hồi đất 800 hộ dân dự án công viên Tuổi Trẻ
UBND thành phố Hà Nội sẽ có kiến nghị dừng thực hiện giai đoạn 2, không mở rộng thêm 26ha nữa.
Ông Lê Văn Dục, giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết Sở Xây dựng cùng các ngành đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội dừng thực hiện giai đoạn 2 của dự án công viên Tuổi Trẻ (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) với diện tích 26ha.
“Trên cơ sở ý kiến của người dân qua khảo sát, qua phát phiếu điều tra ý kiến, nguyện vọng của người dân phường nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 của công viên Tuổi Trẻ, tất cả 100% các hộ dân đều không muốn di chuyển.
Vì vậy, các ngành đã báo cáo UBND thành phố cho phép thực hiện dự án công viên Tuổi Trẻ theo phương án hẹp với diện tích 12ha như hiện nay, không thực hiện tiếp giai đoạn 2 của dự án mở rộng thêm 26ha nữa” - ông Dục cho hay.
Theo ông Dục, việc dừng thực hiện quy hoạch giai đoạn 2 của dự án công viên Tuổi Trẻ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Vì vậy, tới đây UBND thành phố Hà Nội sẽ có kiến nghị dừng thực hiện giai đoạn 2, không mở rộng thêm 26ha nữa.
“Với việc dừng không thực hiện mở rộng 26ha, người dân phường Thanh Nhàn nằm trong quy hoạch giai đoạn 2 sẽ có điều kiện cải tạo, xây mới nhà ở. Ngoài ra, thành phố cũng giảm được nguồn kinh phí 2.000 tỉ đồng, không phải bố trí nhà tái định cư cho 800 hộ dân của phường Thanh Nhàn” - ông Dục cho biết.
Về giai đoạn I của dự án công viên Tuổi Trẻ, theo ông Dục, với diện tích 12ha thời gian qua có một số công trình chiếm dụng đất công viên.
“Chúng tôi đã rà soát tổng thể với 12 công trình. Thứ nhất, Sở Xây dựng đã báo cáo với UBND thành phố cho thu hồi ba giấy phép Sở Giao thông vận tải cấp về bãi đỗ xe. Hợp đồng các bãi đỗ xe này đến ngày 31-12 sẽ hết hạn, với việc di chuyển ba bãi đỗ xe này sẽ có thêm 5.000m2 xây dựng vườn hoa, thảm cỏ và đường dạo cho người dân.
Ngoài ra, sở đã thống nhất với UBND quận Hai Bà Trưng hướng xử lý các công trình chiếm dụng đường dạo công viên. Theo đó, sẽ thực hiện phương án cưỡng chế 8 sân tennis, 4 sân bóng đá mini.
Riêng đối với 2 nhà tạm là văn phòng vận hành của công viên Tuổi Trẻ và Công ty công viên cây xanh, kiến nghị với UBND thành phố cho sử dụng đến hết tháng 3-2016 sẽ dỡ bỏ” - ông Dục cho biết thêm.
Trước đó, ngày 10-9 Tuổi Trẻ đã nêu câu chuyện “45 năm sống treo giữa thủ đô”, phản ánh việc hàng trăm hộ dân phường Thanh Nhàn (Q.Hai Bà Trưng) phải sống trong những căn nhà xập xệ.
Người dân suốt 45 năm chịu “lệnh cấm 4 không” mà họ gọi cuộc sống của mình là “cuộc sống 4 không” hoặc “4 treo”, đó là có nhà đất mà không được cấp sổ đỏ, không được xây sửa nhà, không được tách hộ khẩu, không được nhập hộ khẩu… vì “lỡ” nằm trong quy hoạch của công viên Tuổi Trẻ nhưng hàng chục năm qua dự án này không triển khai.