Kiên Giang điều chỉnh quy hoạch siêu dự án Grand World tại Phú Quốc
Cần 17.800 tỉ đồng làm cao tốc Ninh Bình- Nghi Sơn
Elmich đưa nhà máy tại Việt Nam vào hoạt động
Vụ chuyển nhượng tòa Somerset Hòa Bình 735 tỷ bất thành
Alibaba chi mạnh 4,6 tỷ USD mua gần 20% cổ phần của Suning
Tin kinh tế đọc nhanh 10-08-2015
- Cập nhật : 10/08/2015
1.000 tỉ đồng nâng công suất nhà ga sân bay Phú Quốc
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa đề nghị Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư 1.000 tỉ đồng để nâng công suất ga hành khách Cảng hàng không (CHK) Phú Quốc lên 4 triệu hành khách/năm.
Cụ thể, ACV đề nghị mở rộng nhà ga hành khách CHK Phú Quốc diện tích từ 24.325 m2 lên 36.167 m2. Đồng thời tăng thêm 4 cầu ống, 8 cửa ra máy bay, 1 băng chuyền hành lý, 3 đảo băng chuyền hành lý… nhằm nâng công suất của nhà ga hiện nay từ 2,65 triệu hành khách/năm lên 4 triệu hành khách/năm.
Lý do phải nâng cấp nhà ga hành khách CHK Phú Quốc là với tốc độ gia tăng hành khách hàng năm từ 28% - 46%, nhà ga hành khách hiện nay (được đưa vào khai thác từ năm 2012) sẽ đạt công suất thiết kế vào khoảng năm 2017, sớm hơn dự báo khoảng 3 năm.
Nếu được Bộ GTVT đồng ý, ACV sẽ thực hiện việc mở rộng nhà ga hành khách CHK Phú Quốc từ tháng 3-2016 và dự kiến hoàn thành, đưa vào khai thác vào tháng 4-2017.
Vốn làm cầu đường lên 70.000 tỷ/năm, gọi đầu tư 26 dự án
Theo Bộ giao thông vận tải, nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng do Bộ quản lý liên tục tăng, năm 2014 là 70.000 tỷ đồng trong khi vốn trong nước không thể đáp ứng.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa công bố danh mục 26 dự án đường bộ kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đến năm 2020.
Trong đó có đến 11 dự án kêu gọi vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc, gồm: dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Nội Bài - Hạ Long, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, Phan Thiết - Nha Trang, Quảng Ngãi - Qui Nhơn, TP HCM - Mộc Bài, Mỹ Thuận - Cần Thơ…
Còn lại là các dự án cầu đường ở Đồng bằng sông Cửu Long, đường vành đai 3 TP.HCM, xây dựng nhà ga xe buýt tại bến xe Chợ Lớn…
Theo Bộ GTVT nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng do Bộ GTVT quản lý đã tăng từ 12.000 tỷ đồng/năm (năm 2001-2005) lên 36.000 tỷ đồng/năm (2006-2010) và hiện nay đã lên mức 70.000 tỷ đồng/năm (2014).
Trong giai đoạn 2009-2013 mức chi tiêu công cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở trung ương và địa phương chiếm tỉ lệ 3,5% vốn ngân sách là mức cao so với các nước trong khu vực.
Thế nhưng, VN vẫn đối mặt với thách thức vô cùng lớn về huy động vốn đầu tư phát triển vì nguồn vốn trong nước chỉ mới đáp ứng những nhu cầu cơ bản thiết yếu.
Do đó, để có thêm vốn đầu tư nhà nước đã ban hành nhiều chính sách được nghiên cứu và áp dụng, trong đó hình thức đầu tư PPP (nhà nước và tư nhân hợp tác) đang thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.
Vốn ngoại đổ mạnh vào bất động sản TP.HCM
Bảy tháng đầu năm tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm vào TP.HCM đạt gần 2,5 tỉ USD.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, bảy tháng đầu năm tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm vào TP.HCM đạt gần 2,5 tỉ USD, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2014, chiếm 27,5% tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước.
Trong đó vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 1,32 tỉ USD, chiếm 65% tổng vốn FDI được cấp phép, chưa kể nguồn vốn gián tiếp từ các quỹ đầu tư nước ngoài thông qua những hoạt động hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp trong nước.
Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết số vốn đổ vào lĩnh vực bất động sản VN của các nhà đầu tư Nhật Bản đang tăng nhanh, trong năm 2014 là 20 dự án với 200 triệu USD (khu vực phía Nam 134 triệu USD), gần gấp đôi số dự án và gấp 10 lần số vốn so với năm trước đó.
Ông Nakajima Satoshi, tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục đầu tư vào VN thời gian tới, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản thông qua hình thức hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp VN.
Nhà thu nhập thấp giá 6 triệu đồng/m2
Tổng công ty CP Đầu tư và phát triển xây dựng (DIC Corp - Bộ Xây dựng) khởi công dự án nhà ở xã hội và bán cho người có thu nhập thấp.
Sáng 8-8, tại trung tâm đô thị Chí Linh (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu), Tổng công ty CP Đầu tư và phát triển xây dựng (DIC Corp - Bộ Xây dựng) đã khởi công dự án nhà ở xã hội và bán cho người có thu nhập thấp.
Ông Nguyễn Thiện Tuấn, chủ tịch HĐQT DIC Corp, cho biết tổng mức đầu tư của dự án là 130 tỉ đồng, với hai tòa nhà có tổng diện tích sàn khoảng 4.400m2 (mỗi tòa cao năm tầng và một tầng hầm để xe).
Dự kiến tháng 6-2016 dự án hoàn thành và sẽ có 325 căn hộ được bố trí bán cho những người thu nhập thấp, những người bị giải tỏa nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư trong dự án trung tâm đô thị Chí Linh và các dự án khác.
Diện tích mỗi căn hộ 55 - 60m2 với giá bán khoảng 6 triệu đồng/m2, người mua được trả góp trong nhiều năm.
Mặt hàng nào được ưu đãi thuế giữa Việt Nam và EU?
Theo đó, đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế khoảng 85,6% dòng thuế nhập khẩu, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.