Kim ngạch nhập khẩu sữa giảm mạnh
Kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa 7 tháng đầu năm giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2014 cho thấy thị trường đã bão hòa, các nhà sản xuất sữa bột đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo Báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, ước sản lượng sữa bột tháng 7 năm 2015 đạt 5,5 nghìn tấn, giảm 38,4% so với tháng trước và giảm 0,7% so với tháng 7 năm 2014. Tính chung 7 tháng đầu năm, sản lượng sữa bột đạt 50,2 nghìn tấn, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa 7 tháng đầu năm giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2014. Con số trên cho thấy, các nhà sản xuất sữa bột đang đối mặt với nhiều khó khăn và thị trường sữa đã bão hòa.
Trong báo cáo khảo sát về ngành sữa bột hồi cuối tháng 7 của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen có phân tích, sản lượng sữa tiêu thụ tại các thành phố lớn của Việt Nam đang có chiều hướng giảm.
Công ty này cũng đã đưa số liệu dẫn chứng, trong vòng một năm qua (từ tháng 7/2014 đến hết tháng 6/2015), lượng sữa tiêu thụ tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, và Nha Trang đạt xấp xỉ 14.700 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ.
Theo Nielsen, nhiều doanh nghiệp sữa nước ngoài chia sẻ tình hình kinh doanh gặp khó khăn mà nguyên nhân được lý giải là do giá bán đã giảm mạnh theo quyết định áp giá trần sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Kể từ khi Quyết định 1079/QĐ-BTC của Bộ Tài Chính ban hành ngày 20/5/2014 có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được điều chỉnh giảm, ổn định cho đến nay. Tỷ lệ giảm đạt khoảng 0,1-34% tùy từng chủng loại sữa so với thời điểm trước khi Nhà nước áp dụng biện pháp bình ổn giá.
K+ tuyên bố đã thoát lỗ
Sau gần 6 năm tham gia thị trường truyền hình trả tiền, với những khoản lỗ kéo dài, K+ đã chính thức đạt điểm hòa vốn.
Ông Lê Chí Công, Tổng giám đốc Truyền hình số vệ tinh K+ vừa cho biết, K+ đã đạt điểm hòa vốn vào tháng 6/2015, sau gần 6 năm tham gia thị trường truyền hình trả tiền, với những khoản lỗ kéo dài.
Với kết quả này, K+ về sớm trước 6 tháng đích mà hãng truyền hình này đặt ra hồi đầu năm, là sẽ cố gắng đạt điểm hòa vốn vào cuối 2015.
Ông Công cho biết, số lỗ của K+ đã giảm mạnh qua từng năm, tuy nhiên ông không tiết lộ số lỗ lũy kế của K+ tính tới thời điểm hiện tại.
Theo lãnh đạo K+, trong 6 năm qua, K+ đạt mức tăng trưởng thuê bao bình quân 140%/năm, tăng trưởng doanh thu tăng bình quân 150%/năm (hiện đạt trên 1.200 tỷ đồng), nộp ngân sách 6 năm tổng cộng hơn 700 tỷ đồng, tạo công việc làm cho 300 nhân viên công ty và hơn 3.000 đại lý bán hàng cho K+.
Tổng giám đốc của K+ cũng cho biết, 6 tháng cuối năm 2015 và năm 2016, K+ sẽ phấn đấu tiếp tục duy trì điểm hòa vốn và có lợi nhuận để tăng cường đầu tư vào nội dung và phát triển các dự án, cung cấp nhiều tiện ích cho các thuê bao gói cao cấp, nhằm phát triển kinh doanh bền vững.
Trong một lần trao đổi với VnEconomy hồi tháng 9/2014, ông Jacques Aymar de Roquefeuil, Phó tổng giám đốc K+ cho biết, “tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính vẫn đang trong kiểm soát của K+ và K+ đang có tình hình kinh doanh “tốt nhất” so với các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền hiện nay tại Việt Nam”.
“Khó thể có lãi ngay được. Làm truyền hình bao giờ cũng mất những năm đầu tiên để đầu tư, sau đó dần dần có khách hàng rồi mới có doanh thu”, ông Jacques Aymar de Roquefeuil nói khi đó.
Cũng liên quan đến K+, trong một thông báo phát đi hôm nay (4/8), Truyền hình số vệ tinh K+ cho biết đã sở hữu bản quyền phát sóng đầy đủ giải Ngoại hạng Anh mùa giải 2015 - 2016 và Vô địch quốc gia Tây Ban Nha ba mùa giải 2015 - 2018.
Tạm dừng thu thuế xuất khẩu sắn
Ngày 26/1/2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2015/TT-BTC ngày 6/5/2015 quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng sắn. Thông tư số 63/2015/TT-BTC áp dụng từ ngày 20/6/2015.
Ngay sau quyết định tăng thuế trên, hoạt động xuất khẩu sắn lát đã gặp nhiều khó khăn. Thông tin từ VTV cho thấy sắn lát xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khi giá xuất khẩu lên mức 12 USD/tấn và không thể cạnh tranh được với các nước lân cận. Tình trạng ứ đọng sắn lát đang xảy ra ở tất cả các kho hàng của các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.
Bộ Tài chính cho biết đã tiến hành khảo sát thực tế tại hai địa phương có số lượng sắn lát tồn kho lớn. Thực tế cho thấy cây sắn là cây xóa đói giảm nghèo của người nông dân và được trồng chủ yếu tại các vùng sâu vùng xa. Tổng sản lượng sắn khô xuất khẩu hàng năm của 2 địa phương này khoảng 2 triệu tấn.
Tuy nhiên do chịu tác động từ quyết định tăng thuế xuất khẩu sắn từ 0% lên 5%, hai địa phương đang tồn kho đến 500.000 tấn sắn. Vì vậy, Bộ Tài chính đã đi đến kết luận tạm dừng việc thực hiện Thông tư số 63/2015/TT-BTC để tháo gỡ khó khăn ngay cho doanh nghiệp và người nông dân trồng sắn đối với vụ mùa năm nay (chưa thực hiện ngay việc thu thuế xuất khẩu mặt hàng sắn theo Thông báo số 19/TB-VPCP ngày 26/1/2015).
Ngoài ra, mức thuế xuất khẩu sắn lát kể từ ngày 1/1/2016 sẽ được điều chỉnh ở mức 1% hoặc 2%.
Sản xuất giấy nội đang bị cạnh tranh gay gắt vì giấy ngoại
Xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy trong tháng 7 năm 2015 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, tính chung 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch giấy và sản phẩm giấy xuất khẩu giảm 2,6% so với 7 tháng đầu năm 2014.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản phẩm giấy nội địa tiếp tục phải cạnh tranh gay gắt với giấy nhập khẩu. Hiện trên thị trường giá giấy nhập khẩu đang bán với giá thấp hơn trong nước để mở rộng thâm nhập vào thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy trong tháng 7 năm 2015 tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2014. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu giấy trong tháng 7 đạt 37 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2014. Tổng kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy 7 tháng đầu năm 2015 đạt 288 triệu USD, giảm 2,6% so với 7 tháng đầu năm 2014.
(
Tinkinhte
tổng hợp)