Ông Lê Văn Vọng thoái toàn bộ vốn khỏi Tập đoàn Lã Vọng; Trung Nguyên chi 5 tỷ USD để tặng sách, số tiền xấp xỉ tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?; Tỉ giá nổi sóng: Chọn đôla Mỹ hay tiền Việt có lợi?
Tin kinh tế đọc nhanh 06-07-2018
- Cập nhật : 06/07/2018
Mỹ cho biết công suất dầu toàn cầu đủ để bù cho việc cắt giảm của Iran
Một cố vấn chính sách cao cấp của Bộ Ngoại giao cho biết Mỹ có mục tiêu giảm xuất khẩu dầu của Tehran xuống ngừng hẳn, trong một nỗ lực buộc lãnh đạo Iran thay đổi cách cư xử của họ trong khu vực này và tin tưởng có đủ công suất dầu dự phòng trên toàn cầu để bù cho nguồn cung sụt giảm từ Iran.
Brian Hook, giám đốc hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao, trả lời trong một cuộc họp báo rằng mục tiêu của Mỹ là có nhiều nước giảm nhập khẩu dầu từ Iran tiến tới dừng hẳn. Mỹ sẽ làm việc với các đồng minh trên cơ sở từng trường hợp cụ thể nhưng Washington không có kế hoạch đưa ra miễn trừ. Ông Hook cho biết “mục tiêu của chúng tôi là tăng áp lực cho chế độ Iran bằng cách giảm doanh thu dầu thô của họ xuống 0 đồng”. “Chúng tôi đang thực hiện để tối thiểu gián đoạn thị trường toàn cầu nhưng chúng tôi tin rằng có đủ công suất dầu dự phòng trên toàn cầu”.
Nhà vua Salman của Saudi Arabia đã hứa với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tuần qua rằng ông sẽ nâng sản lượng dầu nếu cần và nước này có công suất dự phòng 2 triệu thùng/ngày để tăng sản lượng.
Hôm thứ Bảy ngày 30/6, ông Trump cho biết thêm dầu của Saudi Arabia sẽ giúp bù cho sự sụt giảm trong nguồn cung từ Iran, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong tháng 5 và chuyển sang tái áp đặt các lệnh trừng phạt dầu mỏ.
Trump không chỉ ra cụ thể liệu có bổ sung 2 triệu thùng là số liệu mỗi ngày hay không nhưng nhu cầu hàng ngày trên thế giới gần 100 triệu thùng/ngày.
Chính quyền Trump đang thúc đẩy các nước cắt giảm nhập khẩu dầu thô Iran từ tháng 11 khi Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Tehran, sau khi Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới chống lại lời khuyên của các đồng minh tại châu Âu và các nơi khác.
Các quan chức Mỹ đang thúc ép các đồng minh tại châu Âu, châu Á và Trung Đông tuân thủ các lệnh trùng phạt khi họ tái áp đặt, với mục tiêu gây áp lực lên Iran trong đàm phán một thỏa thuận mới.
Ông Hook cho biết ông dự định gặp các đồng minh châu Âu là Anh, Pháp và Đức vào cuối tuần để bàn về Iran. Ông cũng cho biết ông và quan chức cao cấp Bộ Tài chính sẽ đến thăm các quốc gia vùng vịnh trong những ngày tới.
Khoảng 50 công ty quốc tế đã thông báo họ dự định rời bỏ thị trường Iran, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và tài chính, do Mỹ tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Iran.
Ông Hook cho biết “chúng tôi rõ ràng với các nước và các công ty trên thế giới rằng chúng tôi đang gây áp lực kinh tế nghiêm khắc lên Iran cho đến khi chế độ này thay đổi chính sách bất ổn của họ”.(VITIC)
---------------------------
Nhà máy Alumin Nhân Cơ đạt tổng doanh thu hơn 3.692 tỷ đồng
Theo thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), sau một năm chính thức đi vào vận hành thương mại Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, đảm bảo sản xuất ổn định và có lợi nhuận.
Báo cáo của Công ty nhôm Đắk Nông - TKV cho biết, 6 tháng đầu năm, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã sản xuất được trên 324.000 tấn alumina quy đổi, bằng 56% kế hoạch năm.
Đồng thời, tiêu thụ 303.000 tấn alumina, tương đương 55,67% so với kế hoạch năm. Doanh thu ước đạt trên 3.200 tỷ đồng; trong đó, doanh thu sản xuất khoáng sản thực hiện là 3.166 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch năm.
Tính chung, sau một năm vận hành thương mại (từ tháng 7/2017), Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã sản xuất trên 600.348 tấn alumina quy đổi, vượt kế hoạch đề ra.
Ngay trong năm đầu tiên đi vào vận hành thương mại, Nhà máy Alumin Nhân Cơ đã bắt đầu có lợi nhuận. Cụ thể, trong năm 2017, tổng doanh thu đạt hơn 3.692 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 13,6 tỷ đồng.
Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV Lê Minh Chuẩn cho biết, Nhà máy Alumin Nhân Cơ hoàn thành sau, nên tận dụng được nhiều lợi thế từ Nhà máy Alumin Tân Rai (Lâm Đồng). Trong quá trình vận hành, nhà máy đã áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, từ đó nâng cao sản lượng. Bên cạnh đó, công tác quản trị các chỉ tiêu kỹ thuật công nghệ, quản trị chi phí được triển khai sát sao, giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất alumina, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh ngay trong năm đầu tiên vận hành thương mại.
Nhận định về thị trường alumin thời gian tới, các chuyên gia cho biết nhu cầu và giá thành của alumin đang rất tốt. Dự báo sẽ tiếp tục ổn định trong khoảng 5 năm tới.
Hiện, chất lượng sản phẩm của Nhà máy Alumin Nhân Cơ ổn định với hàm lượng nhôm ôxít đạt trên 98,6%. Đây là yếu tố giúp sản phẩm alumina được nhiều khách hàng trên thế giới ưa chuộng. Vì vậy, alumina sản xuất ra đến đâu, tiêu thụ hết ngay tới đó, chủ yếu là xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hongkong (Trung Quốc), Singapore, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Thụy Sỹ.
Năm nay, TKV đã ký thỏa thuận dài hạn với các đối tác tại Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Theo kế hoạch năm 2018, Nhà máy Aumin Nhân Cơ sẽ sản xuất 580.000 tấn alumina. Tổng doanh thu dự kiến là 4.461 tỷ đồng và nộp vào ngân sách nhà nước 424 tỷ đồng.
Với nhịp độ sản xuất thuận lợi như hiện nay, Công ty nhôm Đắk Nông đặt muc tiêu phấn đấu đạt công suất thiết kế vận hành ngay trong năm nay với sản lượng sản xuất là 630.000 tấn alumina quy đổi, tăng 8,6% so với kế hoạch Tập đoàn giao. Theo đó, doanh thu sẽ tăng 7,7% tương ứng 5.000 tỷ đồng. Lợi nhuận cả năm dự kiến đạt trên 150 tỷ đồng.
Theo ông Hoàng Khải Quốc Minh, Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông cho hay, để hoàn thành mục tiêu của năm, đồng thời chủ động đón bắt cơ hội bứt phá trong các năm tiếp theo, công ty tiếp tục tăng cường khả năng nắm bắt dây chuyền công nghệ, quyết liệt chỉ đạo việc chăm sóc và bảo dưỡng thiết bị, đầu tư cho việc phân tích hệ thống kỹ thuật công nghệ nhằm đảm bảo dây chuyền hoạt động ổn định hơn.
Cùng đó, khuyến khích cán bộ công nhân tích cực nghiên cứu, phát minh sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hoàn thiện các công đoạn sản xuất, giảm chi phí tiêu hao vật tư để hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục quản lý và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên quặng bauxit và bảo vệ môi trường, nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.(Vietnamplus)
-------------------------
Chuẩn bị khởi động lại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị cho việc khởi động trở lại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.
Theo phụ trách Ban Khí & Chế biến Dầu khí PVN Bùi Ngọc Dương, hiện các cổ đông Toyo Thai New Energy, PVOIL, Licogi 16 đã góp thêm vốn còn thiếu để chuẩn bị vận hành trở lại Nhà máy. Bên cạnh đó, Liên danh Nhà thầu VSP-Licogi 16 đã hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa Nhà máy giai đoạn 1 để sẵn sàng vận hành trở lại.
Đối với công tác tuyển dụng, đào tạo nhân sự, Chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông (OBF) cũng đã tuyển các nhân sự chủ chốt thuộc khối trực tiếp và gián tiếp; thực hiện công tác đào tạo nhằm phục vụ nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa và vận hành Nhà máy.
Riêng công tác chuẩn bị tiêu thụ sản phẩm và vận hành trở lại Nhà máy, PVOIL và OBF đã đàm phán hợp đồng bao tiêu E100; trong đó PVOIL sẽ ứng trước tiền hàng để hỗ trợ OBF có vốn lưu động mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Cùng đó, OBF đã làm việc với các Ngân hàng đồng tài trợ về công tác xử lý nợ vay để giải quyết vấn đề tài chính cho Nhà máy. Các ngân hàng ủng hộ Nhà máy vận hành trở lại cũng đề nghị OBF gửi cho Ngân hàng kết quả sản xuất kinh doanh để họ xem xét quyết định phương án tái cơ cấu nợ, tài trợ vốn lưu động.
Ông Bùi Ngọc Dương cũng cho biết, do giá sắn tăng cao nên các cổ đông đang tính toán và lựa chọn phương án tối ưu khởi động lại Nhà máy; đồng thời xem xét phương án PVOIL thuê Nhà máy gia công 1.200 m3 E100 để phục vụ pha chế xăng E5 của PVOIL tại thị trường phía Nam.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước vận hành từ tháng 4/2012 và sản xuất được hơn 16.000 m3 Ethanol cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên đến tháng 4/2013, Nhà máy phải dừng sản xuất do khó khăn đầu ra sản phẩm dẫn đến sản xuất kinh doanh bị thua lỗ.
Dự án Nhà máy này được góp vốn bởi nhiều cổ đông: PVOIL (đơn vị thành viên của PVN góp 29%, còn lại là của các cổ đông khác; trong đó cổ đông nước ngoài là Công ty TNHH Toyo Thai New Energy góp 49% vốn).(Bnews)
--------------------------
Nga đưa vấn đề thuế thép của Mỹ lên WTO để tham vấn giải quyết
Theo một văn bản lưu hành trong các nước thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Nga đã bắt đầu tiến hành các bước đấu tranh tại WTO đối với việc Mỹ áp thuế lên các sản phẩm nhôm và thép.
Trong tài liệu trên, Moskva cáo buộc Washington vi phạm nhiều luật lệ quy định về thương mại quốc tế và chính thức yêu cầu "tham vấn" với Mỹ về mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm.
Tham vấn là bước đầu tiên trong quá trình tiến hành một cuộc đấu tranh pháp lý đầy đủ tại WTO. Động thái này cũng có nghĩa là Nga đã cùng các thành viên “nặng ký” khác của WTO - gồm Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Canada - tham gia cuộc tranh đấu "phản kháng" các chính sách thương mại gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo các quy định của WTO, nếu 60 ngày trôi qua mà quá trình tham vấn không giải quyết được các tranh chấp, Nga có thể yêu cầu WTO thành lập một Ban hội thẩm để giải quyết tranh chấp. Điều này có thể dẫn đến một cuộc chiến pháp lý đầy tốn kém và lâu dài, gần như chắc chắn phải mất nhiều năm để giải quyết.
Trước đó vào tháng Năm, Moskva đã cảnh báo rằng họ sẽ áp thuế trả đũa lên các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ có tổng giá trị 540 triệu USD - tương đương với thiệt hại mà những động thái thương mại của Mỹ có thể gây ra cho ngành công nghiệp nội địa của nước này.(TTXVN)