tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 13-06-2018

  • Cập nhật : 13/06/2018

20 năm xuất khẩu, nhưng không biết xây dựng thương hiệu tôm, cá từ đâu

Sau 20 năm nhìn lại, ngành chế biến xuất khẩu thủy sản đã tiến một bước dài trên thị trường thế giới, nhưng vẫn chưa có thương hiệu tôm cá Việt Nam. Thứ trưởng Trần Thanh Nam thừa nhận muốn sớm xây dựng nhưng lại chưa biết bắt đầu từ đâu.

Tại Hội nghị toàn thể hội viên của Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) ngày 12.6, thương hiệu tiếp tục là vấn đề được Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam tiếp tục nêu ra, và kiến nghị sớm giải quyết, nhân kỷ niệm 20 năm thành lập Hiệp hội Vasep. Chặng đường này ghi nhận những nỗ lực mà Vasep đã đóng một vai trò rất lớn làm cầu nối các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với nông dân và với chính quyền.

20 nam xuat khau, nhung khong biet xay dung thuong hieu tom, ca tu dau hinh anh 2

Vasep nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ NNPTNT cho những đóng góp trong 20 năm qua. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2017, thủy sản là một trong những ngành về đích sớm khi hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đạt hơn 8,3 tỷ USD. Giai đoạn tiếp theo, ngành thủy sản sẽ còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn để ổn định sản xuất và xuất khẩu. Trong đó có việc xây dựng hình ảnh thương hiệu thủy sản Việt Nam, hoặc chống lại các hình thức truyền thông bẩn, nhằm làm xấu hình ảnh cá, tôm trong nước.

“Bản thân tôi phụ trách vấn đề thị trường nông sản xuất khẩu và thương hiệu, nhưng hiện tôi không thể biết kế hoạch xây dựng thương hiệu cho tôm và cá tra đang nằm ở đâu”, Thứ trưởng nói.

Trước đó, Bộ NNPTNT đã xây dựng thành công thương hiệu cho lúa gạo. Thủy sản là một trong những thế mạnh của Việt Nam, là ngành xuất khẩu thu ngoại tệ lớn nên vấn đề xây dựng thương hiệu càng không thể chậm trễ.

20 nam xuat khau, nhung khong biet xay dung thuong hieu tom, ca tu dau hinh anh 3

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị sớm xây dựng thương hiệu cho thủy sản Việt Nam. Ảnh: Nguyên Vỹ.

Thứ trưởng đề nghị trong thời gian sớm nhất, Vasep và Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) phối hợp cùng Bộ Công thương rà soát lại xem đầu mối xây dựng thương hiệu đang nằm ở đâu, trong đề án nào, ai chịu trách nhiệm, nguồn kinh phí cũng như kế hoạch cụ thể...

Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT cũng sẽ tiếp tục đồng hành hỗ trợ trong việc chống bôi nhọ hình ảnh tôm, cá Việt Nam ở nước ngoài.

Về thương mại, Thứ trưởng Nam đề nghị Vasep phối hợp cùng Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh các chương trình xúc tiến, tháo gỡ các rào cản thương mại ở thị trường quốc tế. Đồng thời, Vasep cần tăng cường liên kết với Hiệp hội các nước để nâng cao sức mạnh bản thân, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ từ bên ngoài.

Trong nước, ngành thủy sản cần tiếp tục tập trung vào chất lượng sản phẩm và năng lực cạmh tranh. Với vai trò là cầu nối, Vasep phải thống nhất để các doanh nghiệp thành viên đảm bảo cạnh tranh lành mạnh nhưng vẫn giữ vững vị thế xuất khẩu cả nước.

Trong lúc nguồn nguyên liệu thiếu hụt đang là vấn đề đáng quan tâm, các doanh nghiệp cần tăng cường xây dựng chuỗi liên kết với nông dân, với HTX để tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, nâng cao chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc.

20 nam xuat khau, nhung khong biet xay dung thuong hieu tom, ca tu dau hinh anh 4

Các doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi liên kết để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến. Ảnh: Nguyên Vỹ

“Việc xây dựng chuỗi liên kết phải đảm bảo chia sẻ lợi ích với nông dân. Chỉ khi hài hòa được quyền lợi người sản xuất, chế biến và xuất khẩu thì liên kết mới bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.(DanViet)
----------------------

Lợi nhuận dương nhưng Xiaomi lỗ ròng 1,1 tỷ USD trong quý I do các chi phí phát sinh 1 lần

Một tháng sau khi tuyên bố sẽ thực hiện vụ IPO được kỳ vọng là lớn nhất thế giới kể từ năm 2014 đến nay, IPO vừa tiết lộ thêm một chút thông tin tài chính thể hiện tình hình hoạt động của hãng.

Theo tài liệu dài tới 621 trang được nộp lên để hoàn thiện hồ sơ xin phát hành chứng chỉ lưu ký ở Trung Quốc (Chinese Depositary Receipts - CDR), công ty đã lỗ 1,1 tỷ USD (tương đương 7 tỷ nhân dân tệ) trong quý đầu tiên của năm 2018.

Tuy nhiên, thực ra công ty sẽ lãi 162 triệu USD trong quý I nếu như không tính đến các chi phí phát sinh 1 lần (one-time items). 

Cũng tương tự như vậy, Xiaomi tuyên bố lỗ ròng 41,8 tỷ nhân dân tệ trong cả năm 2017 nhưng đó là sau khi trừ đi chi phí thu hồi số cổ phiếu ưu đãi trị giá 54 tỷ nhân dân tệ có thể chuyển đổi tại thời điểm IPO hay chi phí phát hành quyền chọn cổ phiếu. Năm ngoái công ty có lợi nhuận hoạt động 12,2 tỷ nhân dân tệ, cao gấp 3 lần so với năm trước đó. Đây có thể được coi là bước ngoặt sau 2 năm Xiaomi phải chịu nhiều tổn thất vì bị gián đoạn chuỗi cung ứng do mở rộng quá mức và để các đối thủ lấy mất thị phần. 

Doanh thu của Xiaomi trong quý 1 năm nay đã tăng lên 34 tỷ RMB, tương đương 5,3 tỷ USD, so với con số 114,6 tỷ RMB (17,9 tỷ USD) của cả năm ngoái.

Khoảng hai phần ba doanh thu của Xiao đến từ điện thoại thông minh và một phần nữa đến từ các thiết bị kết nối internet và các sản phẩm điện gia dụng. Điện thoại của Xiaomi có giá thành thấp vì thế rất thu hút người dùng ở Ấn Độ. Ấn Độ chính là thị trường nước ngoài đem đến nhiều lợi nhuận nhất, đưa gã khổng lồ này trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 dựa trên thị phần. Đồng thời, Xiaomi cam kết sẽ tăng gấp đôi các lĩnh vực khác trên phạm vi toàn cầu.

Trung Quốc là thị trường chính mang lại doanh thu, thế nhưng Xiaomi ngày càng ít phụ thuộc vào "quê hương" của mình. Năm 2015 và 2016, doanh thu đến từ Trung Quốc lần lượt là 94% và 87%. Tuy nhiên đến năm 2017, con số này giảm xuống chỉ còn 72%.

Điều thú vị là, công ty không hề đề cập đến việc mở rộng các hoạt động kinh doanh điện thoại sang Mỹ, nhưng Xiaomi cam kết sẽ đưa 30% số tiền huy động được từ vụ IPO để mở rộng thị trường ở Đông Nam Á, Châu Âu, Nga "các khu vực khác". Hiện Xiaomi có mặt ở 74 thị trường, riêng ở Mỹ chủ yếu bán phụ kiện và các mặt hàng không phải điện thoại.

Ban đầu được định giá lên tới 100 tỷ USD, ở thời điểm hiện tại một số ngân hàng đầu tư cho biết Xiaomi và công ty tư vấn đang thu hẹp mục tiêu xuống còn 60 – 70 tỷ USD.(CafeF)
-------------------------------

Tổng giám đốc IMF lo “mây đen che phủ kinh tế toàn cầu”

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 11/6 nói rằng những rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng khi các quốc gia công nghiệp phát triển chĩa những lời đe dọa chiến tranh thương mại vào nhau.

"Những đám mây ở đường chân trời mà chúng tôi đã ra hiệu cảnh báo khoảng 6 tháng trước đang ngày càng trở nên u ám hơn", hãng tin Bloomberg dẫn lời bà Lagarde phát biểu tại một cuộc họp báo ở Berlin, Đức.

Lời cảnh báo trên của người đứng đầu IMF được đưa ra sau cuộc họp đầy chia rẽ của khối 7 nước công nghiệp phát triển (G7) tại Canada, nơi Tổng thống Mỹ Donald Trump công kích tất cả các đồng minh trong khối về vấn đề thương mại. Sau khi rời hội nghị sớm, ông Trump thậm chí tuyên bố không ủng hộ tuyên bố chung của hội nghị, và còn chê Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau là "yếu đuối và thiếu trung thực".

Các nước khác trong G7 đã nỗ lực vận động hành lang để Mỹ từ bỏ kế hoạch áp thuế lên thép và nhôm từ các nước này, nhưng bất thành. Thậm chí, ông Trump đòi các nước này xóa bỏ tất cả hàng rào thương mại, thuế quan và trợ cấp, đồng thời dọa sẽ chấm dứt thương mại với tất cả các đồng minh trong khối.

Mối lo ngại của bà Lagarde tương tự như cảnh báo của Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo - người cũng nói rằng mâu thuẫn thương mại gia tăng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế toàn cầu.

"Căng thẳng thương mại gia tăng mà chúng ta đang chứng kiến có khả năng gây ảnh hưởng lớn về kinh tế, xói mòn thời kỳ tăng trưởng thương mại bền vững mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính", ông Azevedo phát biểu tại Berlin. "Chúng ta phải dừng ngay sự leo thang căng thẳng này. Ăn miếng trả miếng không giúp ích gì, chẳng mang lại lợi ích cho ai".

Tổng giám đốc IMF lo “mây đen che phủ kinh tế toàn cầu” - Ảnh 1.

Dự báo của IMF về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới, Trung Quốc, Mỹ, Eurozone và Nhật Bản năm 2018 (màu đen) và 2019 (màu đỏ) - Nguồn: IMF/Bloomberg.

Bà Lagarde, người cũng dự thượng đỉnh G7 ở Quebec, không đề cập trực tiếp đến tên ông Trump. Lời cảnh báo của bà về rủi ro từ chủ nghĩa bảo hộ ngày càng trở nên cụ thể hơn trong những tuần gần đây, khi chính quyền Trump áp thuế quan và dọa áp thuế quan lên hàng hóa từ nhiều nước bao gồm Trung Quốc.

Ngày 11/6, bà Lagarde nói "đám mây lớn nhất và u ám nhất" che phủ kinh tế toàn cầu chính là rủi ro về sự suy giảm niềm tin "do những nỗ lực nhằm thách thức cách mà thương mại thế giới vốn đang vận hành và các mối quan hệ vốn đang được xử lý, cũng như cách mà các tổ chức đa phương đang hoạt động".

IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3,9% trong năm nay và năm 2019, mạnh nhất từ năm 2011. Đối với những năm sau, IMF tỏ ra bi quan hơn, cho rằng tăng trưởng sẽ giảm tốc khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, các biện pháp kích cầu của Mỹ giảm dần, và kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc.(Vneconomy)
-------------------------

Bội chi ngân sách ảnh hưởng nợ công, UBTV Quốc hội nói gì?

UBTV Quốc hội đã có báo cáo Tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN)  năm 2016 và Dự thảo Nghị quyết phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016.

Đối với ý kiến cho rằng cơ cấu chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên còn cao, chi đầu tư tăng chậm, UBTV Quốc hội cho rằng trong năm 2016, nếu tính cả đầu tư từ nguồn TPCP và xổ số kiến thiết thì chi đầu tư phát triển đạt 26,9% tổng chi NSNN.

Như vậy, đã cơ bản đạt mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 25-26% tổng chi cân đối NSNN. Tuy nhiên, UBTV Quốc hội cho biết chi thường xuyên chiếm 63,5% tổng chi NSNN, tăng so với năm 2015 (năm 2015 là 62,3%).

Vì vậy, Uỷ ban này đề nghị Chính phủ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các khoản chi, thực hiện triệt để việc tiết kiệm chi thường xuyên, tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo cơ cấu chi theo mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020.

Nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi về tỷ lệ bội bội chi ngân sách/GDP năm 2016 cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép, ảnh hưởng đến nợ công.

Đối với vấn đề này, UBTV Quốc hội cho hay dù số bội chi năm 2016 thấp hơn dự toán nhưng do GDP không đạt kế hoạch, giảm khoảng 600 nghìn tỷ đồng, nên tỷ lệ bội chi tính trên GDP (5,52%GDP) cao hơn tỷ lệ Quốc hội cho phép là 4,95%GDP.

Điều này còn chưa tính đến số nợ bảo hiểm xã hội 22.090 tỷ đồng, đồng thời tỷ lệ nợ công trên GDP tiếp tục tăng lên (63,71%).

Tuy nhiên, UBTV Quốc hội cũng cho biết, sang năm 2017 đã được kiểm soát tốt hơn, tỷ lệ nợ công trên GDP giảm còn 61,4%.

Vì vậy, để bảo đảm giữ mức bội chi hàng năm, giảm áp lực gia tăng nợ công, UBTVQH đề nghị Chính phủ cần dự báo, tính toán GDP sát thực tế. Trong điều hành, Chính phủ cần bám sát dự toán, ưu tiên sử dụng tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi NSNN, bảo đảm bội chi NSNN hàng năm trong phạm vi đã được Quốc hội quyết định cả số tuyệt đối và tỷ lệ phần trăm (%).

Theo đó, đảm bảo mục tiêu giai đoạn 2016-2020 bội chi NSNN khoảng 3,9%GDP, dư nợ công trong mức giới hạn cho phép.

Trong trường hợp dự báo tăng trưởng GDP không đạt kế hoạch, Chính phủ cần chủ động điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp để bảo đảm tỷ lệ bội chi trên GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục