Các nhà tài trợ Nhật Bản kêu gọi Việt Nam xử lý nợ công; Savills Việt Nam: Giá bất động sản vẫn tăng nhưng chậm hơn; Doanh nghiệp đường Việt Nam đầu tiên xuất sang Mỹ
Tin kinh tế đọc nhanh trưa 05-07-2018
- Cập nhật : 05/07/2018
Đà Nẵng công bố 8 sàn bất động sản ngừng hoạt động
Có 8 sàn giao dịch BĐS thông báo chấm dứt hoạt động, gồm: Lập Sơn, Phước Tiến, Sunland, Phát Đạt, An Đô, Trần Nam Trung, Tâm Quang Minh và Sài Gòn Land.
Ngày 3.7, Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết đã có 41 sàn giao dịch bất động sản (BĐS) gửi thông báo hoạt động đến Sở Xây dựng và được sở kiểm tra, gửi Bộ Xây dựng đăng tải trên website các sàn giao dịch BĐS theo quy định.
Tuy nhiên, có 8 sàn giao dịch BĐS thông báo chấm dứt hoạt động, gồm: Lập Sơn, Phước Tiến, Sunland, Phát Đạt, An Đô, Trần Nam Trung, Tâm Quang Minh và Sài Gòn Land.
Thông tin các sàn giao dịch BĐS ngừng hoạt động trong khi một số dự án liên quan các sàn vẫn liên tục giao dịch khiến nhà đầu tư hoang mang. Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng, cho hay việc dừng hoạt động của sàn giao dịch BĐS là bình thường; các sàn không hiệu quả có thể ngừng hoạt động và công ty thành lập ra sàn sẽ chịu trách nhiệm với các đối tác.
Theo Công ty TNHH BĐS Sunland, việc chấm dứt hoạt động sàn giao dịch BĐS Sunland từ 20.11.2017 là căn cứ luật Kinh doanh BĐS 2014, từ 1.7.2015 các giao dịch BĐS không bắt buộc thực hiện qua sàn. Hiện nay công ty và khách giao dịch trực tiếp, không qua sàn; các thỏa thuận đã ký kết, quyền lợi khách hàng cũng như trách nhiệm của công ty vẫn đảm bảo.(Thanhnien)
----------------------------
Doanh số bán nhà liền kề ở giảm 85% trong quý II
Thị trường nhà ở gắn liền với đất ảm đạm trong quý II do nguồn cung hạn chế và chưa có sản phẩm mới.
Theo báo cáo tình hình bất động sản Hà Nội quý II vừa được CBRE công bố, nguồn cung mở bán mới ở mức 182 căn, đến từ bốn dự án gồm Rose Town, Liền kề Lavender, Liền Kề Itasco và Ecopark Grand the Island. Các dự án này đều nằm tại các khu vực đang phát triển, trong đó một lượng lớn là nhà liền kề nằm gần các mặt phố đông đúc với tiềm năng kinh doanh lớn.
Doanh số bán hàng ghi nhận 223 căn, giảm 62% so với quý trước và giảm 85% so với cùng kỳ 2017. Doanh số giảm do nguồn cung hạn chế và chưa có nhiều sản phẩm mới ra mắt.
Nguồn: CBRE Việt Nam, Q2 2018
Về diễn biến thị trường, giá thứ cấp trong quý II của biệt thự ghi nhận mức tăng 4% so với quý trước, đạt 3.644 USD/m2. Chủ yếu các dự án tăng giá đến từ khu vực phía Tây tại một số khu vực như Hà Đông, Nam Từ Liêm.
Trong các quý sắp tới, thị trường dự kiến sẽ sôi động với lượng lớn cung bao gồm cả mở bán lần đầu và giai đoạn sau của các dự án khu đô thị quy mô lớn như Ecopark, The Manor Central Park hay dự án Khu đô thị thành phố thông minh Nội Bài – Nhật Tân (NDH)
----------------------------
VietinBank phân phối được 60% trong 4.000 tỷ đồng trái phiếu chào bán
Dù gia hạn thời gian đăng ký mua, ngân hàng này chỉ huy động được 2.435 tỷ đồng. Mức lãi suất 7,5% trong năm đầu tiên, thấp hơn hai đợt trước, có thể là một trong các nguyên nhân làm giảm mức quan tâm của nhà đầu tư tới trái phiếu VietinBank.
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG-HoSE) vừa hoàn tất đợt phát hành trái phiếu ra công chúng năm 2018 trong tháng 6. Mặc dù đã gia hạn thời gian đăng ký mua, ngân hàng chỉ phân phối được 243.510/400.000 trái phiếu, tương đương 60,88% lượng phát hành.
Tổng lượng vốn huy động được là 2.435,1 tỷ đồng, chủ yếu từ các nhà đầu tư nội. Nhóm 263 nhà đầu tư tổ chức chi hơn 1.558 tỷ đồng. Nhóm các nhà đầu tư cá nhân gồm hơn 3.100 người, chi gần 878 tỷ đồng.
Năm 2017, VietinBank cũng huy động 4.400 tỷ đồng qua 2 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng. Số trái phiếu phát hành đã được phân phối hết khi đó với tổng cộng hơn 5.300 nhà đầu tư tham gia mua.
Lãi suất được tính bằng mức lãi suất bình quân cộng biên độ lãi suất cộng 0,8%, thấp hơn đợt phát hành hai tháng cuối năm ngoái (1,2%). Do đó , lãi suất áp dụng năm đầu tiên được giảm từ 7,9% xuống còn 7,5%.
Ban đầu, VietinBank dự kiến sử dụng số tiền trên để cho vay vào các lĩnh vực chủ yếu là điện (1.232 tỷ đồng), xây dựng (893 tỷ đồng), nước (591 tỷ đồng)... Nếu không thể phân phối tiếp số cổ phần còn lại, nhiều khả năng ngân hàng sẽ phải điều chỉnh phương án trên.
Trái phiếu này sẽ xác lập nghĩa vụ trả nợ trực tiếp, không được đảm bảo bằng tài sản của VietinBank. Quyền ưu tiên khi thanh toán trong trường hợp "thanh lý tổ chức phát hành" của trái chủ này sẽ đứng sau tất cả các chủ nợ khác. Trong trường hợp việc thanh toán lãi làm cho kết quả kinh doanh của tổ chức phát hành bị lỗ, VietinBank có quyền ngừng thanh toán tiền lãi và chuyển lũy kế sang năm tiếp theo.
VietinBank đã giải ngân 2.214 tỷ đồng, tương đương hơn một nửa lượng trái phiếu huy động của năm 2017. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải đã giải ngân 100% với số tiền 1.047 tỷ đồng - khoản lớn nhất trong kế hoạch sử dụng vốn ngân hàng đề ra. Thực tế, VietinBank đã giải ngân trước đó bằng nguồn vốn ngắn hạn, tiền huy động từ trái phiếu được sử dụng để thay thế nguồn cho vay trước đó.(NDH)
--------------------------
Samsung phải dùng nhiều nhà cung ứng ngoại vì doanh nghiệp Việt yếu
Samsung của Hàn Quốc sẽ đưa 200 nhà cung ứng từ nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng cho doanh nghiệp này "là cơ hội cũng như nỗi buồn của Việt Nam", theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2018 thu hút đông đảo đại diện các bộ ngành, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, và cá tổ chức quốc tế - Ảnh: QUỲNH TRUNG
"Vui là vì khi nền công nghiệp phụ trợ phát triển sẽ mang lại giá trị gia tăng cho kinh tế Việt Nam. Buồn vì giá như 200 nhà cung ứng này là doanh nghiệp Việt Nam. Rất tiếc là doanh nghiệp Việt Nam không vươn lên được để trở thành nhà cung cấp cho Samsung", Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, đã bày tỏ như thế trong buổi họp báo ở Hà Nội chiều 3-7.
Doanh nghiệp VN không đáp ứng được nhu cầu
Tuy nhiên thông tin đó đã gây nóng tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2018 diễn ra ở Hà Nội ngày 4-7.
Ông Kim Heung Soo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham), cho rằng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành chế tạo.
Ông Soo cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, chẳng hạn như chương trình tư vấn của công ty điện tử Samsung dành cho 26 doanh nghiệp Việt Nam từ năm 2015-2017.
Theo ông Kim Heung Soo, chương trình trên đã giúp cải thiện hiệu suất vận hành thiết bị hơn 30%, giảm tỷ lệ lỗi hơn 20% và Samsung đang tư vấn cho các doanh nghiệp hợp tác và có kế hoạch tăng số lượng doanh nghiệp được tư vấn hàng năm.
Hiện KoCham đang khảo sát các trường hợp doanh nghiệp Hàn Quốc khác hợp tác thành công với các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Kim Heung Soo cũng thẳng thắn chỉ ra thực tế là đa số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Do đó, theo ông Kim, chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp FDI cần nỗ lực để cải thiện tình hình này.
Còn ông Koji Ito - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), nhận định rằng một trong những trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam là đề ra những quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có môi trường hoạt động thông thoáng đến mức tối đa, trong khi vẫn bảo đảm kỷ cương chặt chẽ.
Chẳng hạn, theo JCCI, làm thế nào để hai phía gồm doanh nghiệp Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, và doanh nghiệp FDI với nguồn vốn, kinh nghiệm làm ăn, tăng cường tiếp cận được với các nguồn lực mà doanh nghiệp cần như con người, sản phẩm, vốn.
Đại đa số các doanh nghiệp địa phương ở Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất các sản phẩm phụ trợ đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI.
Ông Kim Heung Soo, Chủ tịch KoCham
Samsung Việt Nam phủ nhận
Sau khi có thông tin đưa ra tại cuộc họp báo, trong email gửi báo Tuổi Trẻ, Samsung Việt Nam khẳng định thông tin Samsung có kế hoạch đưa thêm 200 nhà cung ứng nước ngoài Việt Nam là không chính xác.
Theo Samsung Việt Nam, để có thể trở thành nhà cung ứng của Samsung, tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam đều phải chủ động chứng minh năng lực và quyết tâm lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung.
Hoàn toàn không có việc Samsung mời các doanh nghiệp nước ngoài tham gia, hoặc chủ động đưa các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam để cung ứng cho mình.
Các doanh nghiệp này đến Việt Nam hoạt động kinh doanh hoàn toàn là do quyết định của họ.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số doanh nghiệp cung ứng cấp 1 (cung cấp trực tiếp cho Samsung) của Samsung tại Việt Nam là hơn 200 doanh nghiệp, trong đó có 29 doanh nghiệp Việt Nam.
Số lượng các doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 này dự kiến sẽ tăng lên 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, trong nhiều năm qua Samsung đã và đang không ngừng nỗ lực triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, bao gồm việc tổ chức các Hội thảo công nghiệp hỗ trợ thường niên để kết nối các nhà cung ứng Việt Nam có tiềm năng; thực hiện Chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp với sự tham gia trực tiếp của các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ Hàn Quốc.
Mới đây nhất, để tăng sự lan tỏa và nâng cao hiệu quả của Chương trình, Samsung đã hợp tác với Bộ Công Thương nhằm đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam trong 2 năm (2018 và 2019).
Các chuyên gia này được kỳ vọng sẽ đào tạo lại và tư vấn cho các doanh nghiệp phụ trợ của Việt Nam để họ nâng cao năng lực và có nhiều cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp toàn cầu. Dự kiến khóa học đầu tiên với 25 chuyên gia sẽ bế giảng vào đầu tháng 7 này.
Doanh nghiệp VN nên từ bỏ bất động sản
Ông Tomaso Andreatta - đồng chủ tịch VBF và là Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCharm), lý giải rằng doanh nghiệp FDI ở Việt Nam vẫn phải mang các nhà cung cấp từ bên ngoài vào thay vì dùng các công ty Việt Nam.
Lý do là vì các doanh nghiệp Việt Nam thường có quy mô quá nhỏ, quá thiếu kiến thức cũng như kinh nghiệm trong việc bán sản phẩm cho các khách hàng có thị trường toàn cầu, và phải sản xuất các sản phẩm chất lượng hàng đầu với mức giá hợp lý.
Ông Tomaso Andreatta (hàng đầu, phải) - đồng chủ tịch VBF, lắng nghe các đại biểu tại diễn đàn tổ chức sáng 4-7 - Ảnh: QUỲNH TRUNG
Theo ông Tomaso, để kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, các công ty Việt Nam cần có trình độ quản lý cấp quốc tế, quản lý cấp cấp trung, cần các trường đào tạo, các công ty dịch vụ, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ…
Tuy nhiên, theo ông Tomaso, điều này không dễ thực hiện bởi vẫn còn những rào cản pháp lý và lo ngại về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp hoặc hậu quả có thể xảy ra do Luật An ninh mạng mới được thông qua.
Ông Tomaso Andreatta cho rằng việc Việt Nam thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao vẫn còn hạn chế một phần lo do những vấn đề liên quan đến thuế và hải quan, gây nhiều khó khăn tốn kém cho doanh nghiệp FDI, cả về thời gian, tiền bạc và công tác quản lý.
Nhiều công ty sản xuất tại Việt Nam phải tái xuất 100% hàng hóa, và như vậy một lần nữa đã cô lập các doanh trong nước ra khỏi các doanh nghiệp FDI.
Để tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, theo ông Tomaso, các công ty lớn trong nước của Việt Nam nên từ bỏ lĩnh vực bất động sản, thay vào đó cần chú trọng phát triển các ngành công nghiệp và công nghệ hiện đại.
Phó Chủ tịch EuroCham cũng kiến nghị Việt Nam cần có những chính sách giảm gánh nặng thuế và hải quan cho các doanh nghiệp trong nước.
Mục đích để giúp doanh nghiệp có nguồn lực đầu tư vào kiến thức và công nghệ cũng như thu hút các công ty nước ngoài sản xuất cho thị trường nội địa, qua đó mở ra cánh cửa hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.(Tuoitre)