Toyota đầu tư 1 tỷ USD cho Grab; BOSCH: Doanh số thị trường Việt Nam đạt 115 triệu USD; Cơ hội đầu tư vào kinh tế Triều Tiên
Tin kinh tế đọc nhanh tối 12-06-2018
- Cập nhật : 12/06/2018
Thị trường Mỹ 'gật đầu' với vải thiều đặc sản của Việt Nam
Vải thiều Thanh Hà đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ- Nguồn: BCT
(PLO)- Để xuất khẩu được trái vải sang Mỹ không hề dễ dàng mà cần nhiều điều kiện khác. Vì nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện ở Việt Nam nhưng khi qua đến Mỹ mà không đạt thì cũng sẽ bị trả về.
Ngày 10-6, tại tỉnh Hải Dương đã khai mạc Lễ hội vải thiều Thanh Hà-Hải Dương 2018. Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, vải thiều của Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số cho 13 vùng trồng, diện tích 132 ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu khoảng 1.000 tấn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, Úc và EU.
Hiện nay một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hải Dương đang thực hiện các công đoạn, thủ tục… để xuất khoảng 30 tấn vải thiều đi Mỹ.
Bên cạnh đó, vải Thanh Hà của tỉnh cũng đã được cấp 25 bộ mã truy xuất nguồn gốc, trong đó mỗi bộ mã có hai mã truy xuất cho vải sớm và vải thiều.
Nhờ đó từ vụ vải năm 2018, người tiêu dùng có thể sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc vải thiếu. Đồng thời, với việc dán tem truy xuất sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt được sử dụng trái vải trồng và chăm sóc theo đúng quy trình sản xuất vải, rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Tuy vậy, một số địa phương cho biết để xuất khẩu được trái vải sang Mỹ không hề dễ dàng mà cần nhiều điều kiện khác. Vì nếu đáp ứng đầy đủ điều kiện ở Việt Nam nhưng khi qua đến Mỹ mà không đạt thì cũng sẽ bị trả về. Trong khi đó hiện nay các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi xuất vải trái sang Mỹ do công nghệ bảo quản còn hạn chế. Ví dụ, làm sao để đảm bảo chất lượng trái vải khi vận chuyển đi đường xa trong thời gian dài thì hiện nay Việt Nam chưa làm được.
Ngoài ra, để xuất khẩu sang Mỹ, trái vải phải đem vào trung tâm chiếu xạ ở TP.HCM để kiểm tra… Nếu đạt thì mới tiến hành các thủ tục để xuất khẩu, chưa kể doanh nghiệp phải vận chuyển bằng hàng không với chi phí cao hay tàu biển phải qua nhiều ngày dễ ảnh hưởng đến chất lượng trái vải.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, năm 2018, tổng diện tích trồng vải thiều của tỉnh khoảng 10.500 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh. Dự kiến sản lượng vải năm 2018 đạt khoảng 60.000 tấn, gồm vải sớm khoảng 20.000 tấn và vải thiều chính vụ khoảng 40.000 tấn.
Vải thiều được trồng ở vùng đất Thanh Hà mang hương vị đặc trưng hương thơm, vị ngọt. Nguồn: BCT
Việt Nam hiện có gần 60.000 ha vải, sản lượng khoảng 300.000-350.000 tấn/năm. Sản phẩm vải trái ngày càng đa dạng, chất lượng được nâng cao, được sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường như Canada, Pháp, Thụy Điển, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines... (PLO)
-----------------------------------
Thủ tướng chỉ đạo thanh tra các dự án "đất vàng" của công ty Lã Vọng
Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành đối với các khu "đất vàng" của công ty cổ phần TM&DV Lã Vọng được đổi từ dự án BT.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc thanh tra các dự án của Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành có sự tham gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng thanh tra toàn diện các dự án nêu tại văn bản số 62/BC-UBND ngày 5/3/2018 của UBND thành phố Hà Nội.
Thủ tướng đề nghị cơ quan Thanh tra kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan về các vấn đề liên quan đến các khu đất của công ty Lã Vọng và kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/12/2018.
Quyết định theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội về kết quả kiểm tra phản ánh của báo chí về việc Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Lã Vọng và các đơn vị thành viên được ưu ái giao nhiều khu "đất vàng" tại Hà Nội để thực hiện dự án bất động sản, sản xuất kinh doanh, giao thông theo hình thức hợp đồng BT. Trong đó, có một số dự án không qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định và ý kiến của các cơ quan liên quan.
Theo giới thiệu trên website tập đoàn, Lã Vọng là một tập đoàn kinh tế đa ngành, hoạt động trong các lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư tài chính, bất động sản, xây dựng, giáo dục và nông nghiệp.
Hiện tại, Lã Vọng đang nắm giữ nhiều bất động sản trên địa bàn Hà Nội như Khu đô thị Louis City tại Đại Mỗ, khu nhà ở cao cấp Ngôi nhà mới, dự án New House Xa La.
Lã Vọng cũng sở hữu một loạt các nhà hàng: nhà hàng Sashimi BBQ Garden, số 2B Nguyễn Thị Thập; nhà hàng Thế Giới Beer Lã Vọng, số 169 Hoàng Ngân; nhà hàng Hải sản Lã Vọng số 2A Nguyễn Thị Thập; nhà hàng Hầm Beer Lã Vọng, số 2C Nguyễn Thị Thập đều thuộc quận Cầu Giấy và nhà hàng Lake View bán đảo Hoàng Cầu.
Tập đoàn này cũng sở hữu khu du lịch sinh thái Lã Vọng tại hồ Vai Réo xã phú Cát Huyện Quốc Oai, Hà Nội.(NDH)
-------------------------------
Đến năm 2020 Việt Nam sẽ trồng 10.000 ha cây mắc ca
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cũng như ở các địa phương khảo nghiệm trồng mắc ca làm căn cứ để ban hành quy hoạch về phát triển mắc ca tại Việt Nam.
Theo đó, đến năm 2020, Việt Nam chỉ trồng 10.000 ha cây mắc ca và sẽ đảm bảo lượng giống chất lượng cho diện tích này.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, quan điểm của ngành nông nghiệp là cần thận trọng và xem xét kỹ lưỡng việc phát triển cây mắc ca tại Việt Nam. Cần làm thế nào để ngành này phát triển bền vững, người dân có thu nhập cao hơn và không để người trồng mắc ca phải chịu rủi ro.
“Muốn đảm bảo bền vững, phải thấy được cung và cầu của thị trường, từ đó có giải pháp đồng bộ từ chế biến đến hướng dẫn cho bà con nông dân để tránh việc nghiên cứu không kỹ gây thiệt hại cho người trồng mắc-ca. Làm sao phát triển cây mắc ca không để lặp lại tình trạng được mùa mất giá. Nếu không tính đến liên kết theo chuỗi để quản lý được sản phẩm có chất lượng thì ngành mắc ca sẽ đứng trước rất nhiều rủi ro”.(VOV)
--------------------------
Doanh nghiệp bắt đầu "ngấm" thiệt hại vì dừng thanh toán thẻ cào
Việc dừng thanh toán bằng thẻ cào điện thoại di động cho các dịch vụ nội dung số đã bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu nói chung của các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp nội dung. Các đơn vị này đã buộc phải kiến nghị cơ quan nhà nước cần sớm gỡ "lệnh cấm" dùng thẻ cào trong thanh toán dịch vụ nội dung số.
Tại buổi họp giao ban quản lý Nhà nước tháng 4/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn ra đầu tháng 5, thì ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn cho biết, khi thực hiện dừng thanh toán thẻ cho các dịch vụ nội dung số, doanh thu của toàn tập đoàn VNPT chưa bị ảnh hưởng, doanh thu tháng 4 vẫn đạt 100% kế hoạch so với cùng kỳ và lợi nhuận tăng 15%. Tất nhiên doanh thu từ thẻ cào nói riêng thì đã giảm mạnh, chỉ bằng 20% tháng trước.
Nhưng đến buổi giao ban tháng 5, diễn ra sáng 7/6/2018, ông Hùng đã chia sẻ một tin không vui rằng, chính sách tạm dừng thanh toán thẻ cào di động cho các dịch vụ ngoài viễn thông đã khiến doanh thu tháng 5 của VNPT giảm 4% so với cùng kỳ, lũy kế 5 tháng đầu năm 2018 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Hùng cũng cho biết doanh thu bán lẻ của VNPT trong tháng 5 chỉ đạt 96,1% so với cùng kỳ, giảm gần 4%; doanh thu dịch vụ viễn thông của Tập đoàn là 38,8%, bằng 100,2%.
Ảnh hưởng nặng nhất là Tổng công ty VTC. Ông Lưu Vũ Hải, Chủ tịch VTC cho biết, trong tháng 5, VTC bị ảnh hưởng khá lớn của chính sách dừng thanh toán các dịch vụ nội dung số bằng phương tiện thanh toán thẻ cào. Theo ông Hải, việc ngừng thanh toán này làm các nhà mạng ảnh hưởng một phần, còn riêng với Tổng công ty VTC thì ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2018, lợi nhuận toàn Tổng công ty VTC chỉ đạt 38%, doanh thu đạt 33% kế hoạch.
Chủ tịch VTC cho biết, đứng trước khó khăn trên, bản thân VTC cũng đang tìm cách khắc phục khâu thanh toán dịch vụ bằng giải pháp của chính VTC, tuy nhiên, theo ông, nếu không cho phép dùng thẻ cào thanh toán thì ảnh hưởng rất lớn tới toàn ngành nội dung số, chứ không riêng gì VTC.
Đại diện đến từ MobiFone, ông Cao Duy Hải, Tổng giám đốc, cũng kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét có chính sách cho phép dùng thẻ cào viễn thông thanh toán các dịch vụ nội dung số, bên cạnh đó nghiên cứu biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc dừng thẻ viễn thông thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông.
"Hiện tại, việc tạm dừng thanh toán thẻ cào cho các dịch vụ khác đã tạo ra khó khăn trong cung cấp dịch vụ của nhà mạng", ông Cao Duy Hải, nói.
Trước các kiến nghị của các doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải cho biết, về vấn đề quản lý thẻ cào di động Bộ sẽ có văn bản báo cáo Chính phủ. Ông cho biết, từ trước đến nay, về nguyên tắc thì thẻ cào vẫn dùng cho dịch vụ viễn thông, đồng thời dùng cho nhiều dịch vụ khác cũng không có vấn đề gì.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Hải, sau khi xảy ra vụ án đánh bạc trực tuyến có dùng thẻ cào thanh toán cho dịch vụ đánh bạc, thanh toán bằng thẻ cào mới trở thành vấn đề cần xem xét. Cụ thể, khi thẻ cào được dùng cho dịch vụ khác ngoài dịch vụ viễn thông thì thuộc lĩnh vực quản lý dịch vụ thanh toán của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông không cấm dùng thẻ cào cho thanh toán. Nhưng khi thẻ cào được dùng cho các dịch vụ ngoài dịch vụ viễn thông thì các nhà mạng cần phải cân nhắc sử dụng để phù hợp với quy định pháp luật, nhất là khi hiện tại vẫn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng (về sử dụng thẻ cào cho các dịch vụ ngoài viễn thông).
Tại buổi giao ban của bộ này tháng trước, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cho biết, hiện Cục đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước và sẽ là đầu mối tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các nhà mạng, kiến nghị với lãnh đạo Bộ về khả năng có thể dùng thẻ cào thanh toán cho các dịch vụ khác hay không, trên cơ sở đó sẽ đề xuất các biện pháp quản lý thẻ cào cho phù hợp.(Vneconomy)