tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh 05-07-2018

  • Cập nhật : 05/07/2018

Tái cơ cấu ngân hàng còn đối mặt với nhiều thách thức

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, tái cơ cấu phải làm cho bằng được thì ngành ngân hàng mới phát triển bền vững và là huyết mạch của nền kinh tế.

tai co cau phai la cuoc cach mang lon cua nganh ngan hang. (anh minh hoa: kt)

Tái cơ cấu phải là cuộc cách mạng lớn của ngành ngân hàng. (Ảnh minh họa: KT)

6 tháng đầu năm, hoạt động của ngành ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện ở việc duy trì lãi suất ổn định, giảm 0,5% lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại nhà nước và một số NHTM cổ phần. Tỷ giá cũng giữ được ổn định trong biên độ cho phép +/-1 - 2%. Tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý 6,16%, hướng mạnh vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.

Điều đáng nói, nợ xấu giảm được 100,5 nghìn tỷ đồng (từ 8/2017-3/2018) theo Nghị quyết 42 của Quốc hội, còn 2,18% tổng dư nợ nội bảng của hệ thống tín dụng. Tái cơ cấu hệ thống tín dụng giai đoạn II triển khai bước đầu, đã xây dựng và phê duyệt phương án tái cơ cấu cho 3/4 NHTM nhà nước và 9/10 ngân hàng liên doanh và nước ngoài… Những kết quả đó đã góp phần vào việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng khá trong 2 quý đầu năm 2018.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, mặc dù đạt được kết quả khả quan trong những tháng đầu năm, nhưng ngành ngân hàng còn tồn tại không ít khó khăn và hạn chế. Đó là, lãi suất cho vay chưa giảm nhiều, tỷ giá đang có sức ép tăng lên, lạm phát vẫn có khả năng vượt mục tiêu đề ra, tín dụng khó đạt kế hoạch cả năm, nợ xấu lớn tại nhiều ngân hàng cần được tiếp tục xử lý quyết liệt.

"Với từng ngân hàng, cần chấn chỉnh bộ máy, sắp xếp lại nhân sự kể cả người đứng đầu, nhân sự trung gian và nhân sự tác nghiệp; cải tiến phương pháp nghiệp vụ gắn với hiện đại hóa công nghệ theo hướng 4.0 để sớm đạt tới các chuẩn mực quốc tế. Tái cơ cấu thật sự là cuộc cách mạng và phải làm cho bằng được mới mong ngành ngân hàng phát triển bền vững, xứng đáng là huyết mạch của nền kinh tế", ông Lưu Bích Hồ lưu ý.

Còn theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng, những kết quả đạt được của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2018 rất đáng khích lệ, tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, việc tái cơ cấu còn chậm, biểu hiện ở kết quả của việc xử lý nợ xấu chưa thực chất.

Nghị quyết 42 của Quốc hội đã đưa ra cơ sở pháp lý để thành lập thị trường mua bán nợ, nhưng thị trường này vẫn chưa hoạt động tích cực, mặc dù đã có Công ty quản lý tài sản (VAMC) của NHNN, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) của bộ Tài chính, công ty quản lý nợ và khai thác tài sản ngân hàng thương mại (AMC).

TS. Hiếu cho rằng, để đạt được như kỳ vọng của Nghị Quyết 42 là có thị trường mua bán nợ mở rộng thì Ngân hàng Nhà nước phải là cơ quan chủ trì để thành lập thị trường mua bán nợ. Trong đó, các doanh nghiệp, người dân cũng có thể tham gia mua bán nợ. Thị trường này phải có người mua, người bán và sản phẩm là những món nợ xấu cần được trao đổi mua bán.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thẳng thắn chia sẻ: “Để tái cơ cấu hiệu quả, cả hệ thống ngân hàng phải hoạt động rất lành mạnh, minh bạch, tuân thủ nghiêm các quy định của luật pháp, từ đó cho ra đời những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chuẩn mực. Thời gian vừa qua, trong hệ thống ngân hàng xảy ra một số vụ việc khiến dư luận bức xúc như, khách hàng bị mất tiền trong tài khoản hay những vụ lừa đảo mà cán bộ, nhân viên ngân hàng có liên quan… Những điều đó chứng tỏ việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn còn chậm chạp”.

Để việc tái cơ cấu ngân hàng đạt hiệu quả cao và hệ thống ngân hàng phát triển bền vững, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, cần tập trung vào giải quyết nợ xấu đến mức cơ bản, trên cơ sở đánh giá chính xác tình hình nợ của từng ngân hàng. Nếu không giải quyết được nợ xấu và tình trạng yếu kém của ngân hàng, cần thực hiện đúng các chủ trương, quyết định đã có về việc cho phá sản hoặc sáp nhập. Có vậy mới sắp xếp và đổi mới được hệ thống.(VOV)
--------------------

6 tháng đầu năm 2018, TPBank báo lãi hơn 1.000 tỉ đồng

Theo thông tin từ TPBank, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng đạt 1.024 tỉ đồng, tổng vốn huy động thị trường 1 đạt gần 82.000 tỉ đồng, nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức dưới 1%.

ngan hang tmcp tien phong (tpbank)

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế, sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt mức 1.024 tỉ đồng, tăng 541 tỉ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 112% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, riêng quý 2, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 512 tỉ đồng.

Nhà băng này cũng cho biết, tính đến hết tháng 6.2018, TPBank có tổng tài sản trên 126.500 tỉ đồng; trong đó đáng chú ý là vốn điều lệ đã tăng lên mức 6.718 tỉ đồng, tăng thêm 876 tỉ đồng từ việc phát hành riêng lẻ 87,6 triệu cổ phiếu tương đương 15% vốn điều lệ, là một phần trong tổng số 2.190 tỉ đồng thu về từ đợt phát hành này trong tháng 6 vừa qua.

Tổng vốn huy động của TPBank đến cuối tháng 6.2018 đạt gần 113.800 tỉ đồng, trong đó, vốn huy động thị trường 1 đạt gần 82.000 tỉ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2017.

Hoạt động tín dụng của ngân hàng cũng tăng trưởng tốt, tăng gần 14% so với cuối năm 2017 với tổng dư nợ đạt gần 81.150 tỉ đồng. Chất lượng tín dụng của nhà băng vẫn được kiểm soát chặt, với mức nợ xấu dưới 1%.

Kết quả tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của ngân hàng, bên cạnh việc tăng thu từ tín dụng thì có phần đóng góp tích cực của tăng thu nhập từ dịch vụ, đạt 242 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập từ hoạt động bảo hiểm cũng có mức tăng trưởng rất khả quan, đóng góp đáng kể vào thu nhập của ngân hàng.

Có thể thấy, chiến lược đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ, nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng cũng như liên tiếp đưa ra những sản phẩm, dịch vụ phù hợp với nhu cầu khách hàng trong suốt thời gian qua đã mang lại cho TPBank một thành quả xứng đáng khi ngân hàng ngày càng tăng trưởng bền vững cũng như gặt hái được lòng tin của khách hàng.

Với những gì đã làm được trong nửa đầu năm, nhà băng này có thể tự tin về một kết quả kinh doanh khả quan của cả năm 2018.(Thanhnien)
---------------------------

Chịu nhiều áp lực, các đồng tiền châu Á đồng loạt giảm giá

Các đồng tiền của châu Á – vốn đang chịu nhiều sức ép từ đà tăng giá của đồng đô la Mỹ và lãi suất tăng cao – lại đang phải đối mặt với 1 mối đe dọa mới: dù đã phục hồi trong 2 phiên gần đây, đà lao dốc của nhân dân tệ trong thời gian vừa qua làm dấy lên nỗi lo sợ rằng chiến tranh thương mại có thể chuyển biến thành 1 cuộc chiến tiền tệ.

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc – vốn là một đồng tiền được Chính phủ này kiểm soát chặt chẽ - đã giảm 3% giá trị so với đồng USD trong tháng 6 và tiếp tục chạm đáy trong ngày đầu tiên của tháng 7. Trong khi đồng nhân dân tệ giảm giá trị được đánh giá là tốt cho khả năng cạnh tranh xuất khẩu của Trung Quốc, nó có thể khuấy động thêm căng thẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh 2 nước đang liên tiếp trả đũa nhau bằng các biện pháp thuế quan.

Trước đây, Trung Quốc đã từng bị ông Trump cáo buộc là cố ý giữ tỉ giá đồng nhân dân tệ luôn ở mức thấp để làm tăng sức cạnh tranh cho ngành xuất khẩu. Với tỉ giá tiền tệ của Trung Quốc xuống thấp trong thời gian gần đây trong bối cảnh thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng, nó đã gây ra những nghi ngờ rằng Bắc Kinh có thể sử dụng nó như một vũ khí để chống lại các mối đe dọa thuế quan của Mỹ. Một trong yếu tố tác động đến tỉ giá đồng nhân dân tệ được cho là từ một báo cáo bị rò rỉ cảnh báo nguy cơ "hoảng loạn tài chính" trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Những tín hiệu này tất nhiên không có lợi cho châu Á. Hầu như tất cả các loại tiền tệ châu Á bao gồm đồng Baht Thái Lan, đồng ringgit Malaysia, đồng Won của Hàn Quốc và đồng đô la Singapore đều trượt giá. Giảm giá mạnh nhất là đồng rupiah của Indonesia - một trong những đồng tiền bị đánh giá là tồi tệ nhất trong khu vực trong năm nay bất chấp việc ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất hai lần trong tháng Năm để ổn định tỷ giá. Xếp ngay phía sau là đồng rupee của Ấn Độ.

Theo một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters, những lo ngại đối với đồng nhân dân tệ đang ở mức cao nhất kể từ tháng 11 năm 2016 vì lo ngại rằng tranh chấp thương mại với Mỹ sẽ khiến tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc đang chậm lại. Nếu Bắc Kinh quyết định đưa ra mức thuế quan để trả đũa, tâm trạng của nhà đầu tư cũng như mức chi tiêu và tăng trưởng của kinh tế thế giới sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Manu Bhaskaran – CEO và cũng là nhà sáng lập của Centennial Asia Advisors – dự đoán các đồng tiền châu Á sẽ phải chịu nhiều áp lực khi các thị trường mới nổi bị rút vốn mạnh hơn theo thời gian. Bhaskaran cũng không loại trừ một đợt điều chỉnh lớn hơn nếu "sự căng thẳng" hiện tại mở rộng thành một cái gì đó nghiêm trọng hơn. Theo đó, nếu nền kinh tế Trung Quốc suy yếu bất ngờ, hoặc các rủi ro về chính trị hay thương mại sâu sắc hơn hoặc các NHTW ở châu Á mắc sai lầm chính sách – mặc dù cho đến nay, rủi ro này thấp, niềm tin sẽ suy yếu nhanh chóng.

Sự háo hức đối với các tài sản châu Á đã giảm đáng kể kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách giữa tháng 6 và báo hiệu rằng sẽ có hai lần gia tăng nữa.

Trong môi trường thanh khoản bị thu hẹp, điều này có thể có nghĩa là các loại tài sản rủi ro như ở các thị trường mới nổi sẽ bị cắt giảm ít hơn nhiều so với trước đây, ông Bhaskaran nói.

Kể từ cuộc họp của Fed, cách đây ít ngày Trung Quốc cũng đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể phát triển thành một cuộc chiến tiền tệ, theo chiến lược gia tiền tệ của DBS Philip Wee.

Dẫu vậy mức giảm của các đồng tiền châu Á vẫn kém rõ rệt so với thị trường chứng khoán bất chấp sự tăng giá của đồng đô la Mỹ. Các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Singapore, Malaysia và Indonesia đã mất từ 6,2% đến 7,4% trong tháng 6 trong khi các chỉ số châu Á khác là Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang ngập chìm trong màu đỏ và chứng khoán Trung Quốc đang tổn hại cao nhất với mức sụt giảm 11%.

Theo Jameel Ahmad, người đứng đầu chiến lược và thị trường tiền tệ toàn cầu của FXTM, diễn biến tiền tệ của các thị trường mới nổi hiện nay đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương có can thiệp vào thị trường để bảo vệ đồng nội tệ hay không.(CafeF)

Trở về

Bài cùng chuyên mục