Ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ học tập Singapore, theo đuổi phát triển kinh tế; “Huyền thoại” Bông Bạch Tuyết trở lại sàn chứng khoán như thế nào?; Vua Nệm thêm vốn triệu đô
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 12-06-2018
- Cập nhật : 12/06/2018
Tỉ phú Thái có thể thâu tóm Vinamilk?
Nhiều người đặt câu hỏi liệu Vinamilk có về tay nước ngoài giống như thương hiệu Sabeco hay không khi cổ đông lớn nước ngoài liên tục công bố sẽ thu gom cổ phiếu doanh nghiệp này?
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) gần đây công bố F&N Dairy Investment đã chi khoảng 20 tỉ đồng để mua 130.000 cổ phiếu VNM của Công ty CP Sữa Việt Nam từ ngày 2-5 đến 31-5. Sau khi hoàn tất giao dịch thì F&N sẽ nắm hơn 251,2 triệu cổ phiếu VNM, chiếm 17,31% vốn điều lệ của doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam. Đáng chú ý là ngay sau đó, F&N lại tiếp tục đăng ký mua 14,5 triệu cổ phiếu VNM trong thời gian từ 6-6 đến 5-7, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh nhằm nâng tỉ lệ sở hữu lên 18,3%.
Thống kê từ cuối 2016 đến nay cho thấy, F&N đã không dưới 15 lần đăng ký mua cổ phiếu VNM trên sàn chứng khoán. Bên cạnh đó, F&N cũng đã mua thành công hơn 78 triệu cổ phiếu VNM trong đợt thoái vốn của Tổng Công ty Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Chủ tịch HĐQT F&N, tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi – người đang sở hữu rất nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam như Sabeco, Metro, B’Mart, Phú Thái, Khách sạn Melia… - từng cho biết ông sẽ tiếp tục đầu tư, quan hệ tốt đẹp với Vinamilk nhằm đem lại lợi ích cho cổ đông công ty ông. Ông cũng cho biết khi đầu tư chiến lược vào VNM, F&N sẽ giảm phụ thuộc vào các thị trường trọng điểm như Singapore, Malaysia, Thái Lan…
Theo kế hoạch đến 2020, F&N đã xác định Việt Nam là 1 trong 4 thị trường mới quan trọng của họ ngoài Indonesia, Myanmar, Thái Lan... Vì vậy họ sẽ thâm nhập vào các thương hiệu lớn, cốt lõi để nắm bắt cơ hội đầu tư. Trong kế hoạch gia tăng sở hữu VNM, F&N dự kiến sẽ mua thêm 7,79% cổ phần của VNM để tăng tỉ lệ sở hữu lên 26,5% trong năm 2018. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc sở hữu VNM của F&N có sớm thành hiện thực hay không phụ thuộc vào chính các cổ đông lớn đang nắm giữ và SCIC (đang sở hữu hơn 30% vốn Vinamilk). Nhưng theo kế hoạch thì năm 2018 SCIC vẫn chưa thoái vốn thêm ở VNM. Vì vậy, F&N sẽ tiếp tục "săn" và gom VNM trên sàn chứng khoán với số lượng nhỏ.
Chuyên gia đầu tư tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng việc các cổ đông nước ngoài muốn thâu tóm VNM thật sự không phải là chuyện không thể. Bởi đại hội cổ đông của VNM đã đồng ý mở "room" cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, SCIC cũng cho biết sẽ tiếp tục thoái vốn trong thời gian tới vì vậy câu chuyện nếu có nhà đầu tư tổ chức nào đó thích và gom VNM để nắm quyền điều hành giống Sabeco hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề là ai nắm giữ, ai bán và bán khi nào, giá bao nhiêu. Nếu xảy ra việc nhà đầu tư nước ngoài nắm quyền điều hành, chi phối thì trên phương diện thương hiệu quốc gia thì người dân sẽ thấy hơi tiếc nhưng về kinh tế, tài chính, đầu tư thì không có gì sai, vì chính sách đã có thì không thể nào làm khác.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết hiện tại F&N chỉ muốn gom dần cổ phiếu VNM trên sàn với giá hợp lý chứ không phải mua bằng mọi giá. Tuy nhiên, nếu nhà nước thoái vốn, họ sẵn sàng trả giá cao để mua được nhằm nắm quyền kiểm soát Vinamilk. (NLĐ)
--------------------------
BIDV: Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang tích cực triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là hội viên Hiệp Hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam (VINASME).
Gói tín dụng nhằm cụ thể hoá các nội dung tại thoả thuận hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (HH DNNVV VN - VINASME) tháng 8-2017 cũng như hiện thực hóa cam kết "Liên tục đổi mới - đồng hành cùng DNNVV" của BIDV trong nhiều năm qua
BIDV triển khai gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Đối tượng khách hàng tham gia gói tín dụng là DNNVV có nhu cầu vay vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh gồm hai nhóm: (i) hội viên của HH DNNVV / HH DNNVV địa phương / Hiệp hội DN địa phương; (ii) thành viên của nhóm doanh nghiệp tương hỗ (theo quy định cụ thể của BIDV).
Gói tín dụng ưu đãi có quy mô 10.000 tỷ đồng, dành cho các khoản vay có kỳ hạn ≤ 9 tháng với dư nợ triển khai theo gói tín dụng tối đa 30 tỷ đồng/doanh nghiệp (DN).
DN tham gia gói tín dụng ưu đãi được BIDV ưu tiên giảm lãi suất với mức lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay thông thường tối đa 1%/năm đối với DN được giới thiệu và tối đa 0,5%/năm đối với DN giới thiệu uy tín. BIDV cũng xem xét ưu đãi phí dịch vụ và quyết định các chính sách miễn giảm phí cho khách hàng trên cơ sở biểu phí từng thời kỳ của BIDV.
Ngoài ra, BIDV xem xét kết hợp linh hoạt các loại tài sản của DN để đảm bảo cho khoản vay và không áp dụng thời gian thử thách theo quy định hiện hành của BIDV.
Trong những năm gần đây BIDV đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ cho phân khúc DNNVV, từ cải tiến, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo điều kiện DNNVV tiếp cận nguồn vốn ngân hàng thuận lợi hơn đến triển khai nhiều chương trình đào tạo, tư vấn hỗ trợ DNNVV về các giải pháp tài chính cũng như liên tục triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành cho DN Start-up, DN siêu nhỏ, DNNVV...
BIDV là một trong những Ngân hàng đi đầu trong triển khai các chương trình tín dụng hỗ trợ DN
Tính riêng từ đầu năm 2018, BIDV thường xuyên hỗ trợ KHDN NVV với các chương trình được triển khai rộng khắp như Chương trình tín dụng ưu đãi vay Trung dài hạn quy mô 10.000 tỷ đồng, Gói tín dụng ưu đãi vay ngắn hạn quy mô 15.000 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ DN khởi nghiệp và DN siêu nhỏ có quy mô 4.000 tỷ đồng, các chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ DNNVV thông qua khai thác các nguồn vốn của Quỹ Phát triển DNNVV, JICA (SMEFP), Quỹ phát triển năng lượng Xanh (GIF) hợp tác ĐSQ Đan Mạch...
Các DNNVV quan tâm gói tín dụng có thể liên hệ các chi nhánh BIDV trên toàn quốc hoặc liên hệ Tổng đài chăm sóc khách hàng 24/7: 1900 9247; website www.bidv.com.vn .
----------------------------------------
Khoai mì Việt Nam hút hàng tại Nhật Bản
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sắn và sản phẩm từ khoai mì của nước ta tăng nhẹ 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2017, thu về hơn 369 triệu USD.
Giá xuất khẩu khoai mì và sản phẩm khoai mì bốn tháng đầu năm 2018 tăng mạnh 37%so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 338 USD/tấn.
Điểm đáng chú ý là giá xuất khẩu khoai mì sang tất cả thị trường đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, thị trường Nhật Bản đạt mức tăng trưởng rất mạnh, hơn 379% về lượng và tăng 264% về trị giá so với cùng kỳ, đạt 10.110 tấn, tương đương hơn 2,4 triệu USD.
Tuy vậy, hiện nay thị trường Trung Quốc vẫn tiêu thụ trên 90% lượng khoai mì xuất khẩu của Việt Nam. Giá xuất khẩu khoai mì và sản phẩm sang Trung Quốc tăng 38%, đạt trên 332 USD/tấn.(PLO)
--------------------------
Hội nghị G7 đồng ý chống chủ nghĩa bảo hộ
Lãnh đạo các quốc gia thuộc G7 ngày 9-6 đã dẹp qua một bên những xích mích trong liên minh tại hội nghị thượng đỉnh ở Canada và đồng ý về việc chống chủ nghĩa bảo hộ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng các thành viên liên quan khác chụp hình tại hội nghị G7 ngày 9-6 - Ảnh: Reuters
Bản tuyên bố chung do tổng thống Mỹ Donald Trump và những người đồng cấp khác ký kết đến trong bối cảnh căng thẳng khi Mỹ áp mức thuế mới lên nhôm và thép nhập khẩu.
Liên minh châu Âu và Canada cũng đã tiến hành các bước trả đũa Mỹ. Trong khi đó, như BBC đưa tin, ông Trump nói rằng áp thuế là cần thiết để đảo ngược thâm hụt thương mại của Mỹ.
Không lâu sau khi việc công bố bản tuyên bố chung, tổng thống Mỹ đã viết trên Twiiter một cách dứt khoát rằng ông sẽ không cho phép"các nước khác áp đặt mức thuế quan và các rào cản thương mại lên các công ty, công nhân và nông dân của nước Mỹ".
Trong một thông cáo của thủ tướng Canada Justin Trudeau, G7 đã thống nhất về sự cần thiết về "thương mại tự do, công bằng và có lợi lẫn nhau" và tầm quan trọng của cuộc chiến chống chủ nghĩa bảo hộ.
"Chúng tôi cố gắng giảm các rào cản thuế quan, các rào cản phi thuế quan và trợ cấp" - G7 tuyên bố.
Hội nghị G7, tổ chức tại La Malbaie, tỉnh Quebec, Canada cũng bao gồm các vấn đề như mối quan hệ với Nga.
Dù đã đạt được những thống nhất như vậy, theo Reuters, tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tiếp tục nhấn mạnh về chương trình "nước Mỹ trước nhất" của ông.
"Chúng tôi giống như con lợn tiết kiệm mà mọi người đang bòn rút. Điều này không chỉ có G7. Tôi muốn nói là chúng ta có Ấn Độ nơi một số thuế là 100%. Và điều này phải chấm dứt hoặc chúng tôi sẽ ngừng giao thương với họ" - ông Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo tại Canada.
Ông Trump cũng từ chối rằng hội nghị đã có những tranh cãi trong khi vẫn nhắc đi nhắc lại các bất đồng thương mại chủ yếu với EU và Canada.(Tuoitre)