tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh chiều 13-06-2018

  • Cập nhật : 13/06/2018

Kết luận về điều tra chống bán phá giá sản phẩm tôn màu nhập khẩu

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết mới nhận được thông tin về việc Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) công bố kết luận cuối cùng trong vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam (Mã HS: 7210.70.10.00, 7212.40.10.00, và 7212.40.20.00).

Theo đó, Indonesia xác định sản phẩm bị điều tra nhập khẩu từ Việt Nam bán phá giá vào thị trường nước này ở mức từ 12,01% – 28,49% và gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước của Indonesia. 

Căn cứ kết luận này, KPPI kiến nghị áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm tôn màu của Việt Nam trong khoảng thời gian 5 năm. 

Cũng theo Cục Phòng vệ Thương mại, ngày 23/12/2016, KADI đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm liên quan nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. 

Tiếp đến ngày 9/1/2018, Indonesia thông báo bản Báo cáo dữ liệu trọng yếu của vụ việc và đề nghị các bên liên quan cho ý kiến. 

Ngày 26/1/ 2018, Indonesia đã tổ chức phiên điều trần trong khuôn khổ vụ việc. 

Cục Phòng vệ Thương mại cho biết thêm, nguyên đơn là Công ty PT NS BlueScope Indonesia và giai đoạn điều tra bán phá giá kể từ 7/2015 – 6/2016. 
 

Tổng lượng nhập khẩu vào Indonesia (trong giai đoạn điều tra) là 224.119 tấn. Trong đó, lượng nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc là 196.190 tấn, chiếm 87.5% (theo số liệu trong Thông báo của KADI).(TTXVN)
---------------------

Điều tra mở rộng vụ án tại DongABank, thêm 2 người bị khởi tố

Điều tra mở rộng vụ án tại DongABank, thêm 2 người bị khởi tố

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố đối với ông Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc Công ty CP lương thực Nam Định) và bà Nguyễn Thị Cúc (nguyên Trưởng Ban kiểm soát ngân hàng Đông Á).

Theo thông tin từ Bộ công an, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đang điều tra mở rộng vụ án Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kính tế gây hậu quả nghiêm trọng, vụ án Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Căn cứ tài liệu chứng cứ đã thu thập được, ngày 11/6/2018 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với Phạm Văn Phước (nguyên Giám đốc Công ty CP lương thực Nam Định) về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 355 Bộ luật Hình sự năm 2015; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Cúc (nguyên Trưởng Ban kiểm soát DAB) về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn. Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triển khai thi hành đảm bảo an toàn, đúng quy định pháp luật.

Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, đã khởi tố tổng cộng 25 bị can, kê biên thu hồi tài sản có tổng giá trị khoảng 2.800 tỷ đồng.(CafeF)
---------------------

72% công ty FinTech Việt Nam lựa chọn hợp tác thay vì cạnh tranh với các ngân hàng

"Tại Việt Nam hiện nay, 72% công ty FinTech lựa chọn hợp tác với các ngân hàng trong kinh doanh, cung ứng sản phẩm dịch vụ thay vì cạnh tranh trực diện".

Thông tin này được ông Lê Anh Dũng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc gia "Cách mạng công nghiệp 4.0 và những đổi mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng" diễn ra ngày 12/6 tại Hà Nội. 

Theo đó, FinTech là cụm từ không còn xa lạ trong ngành tài chính nhiều năm gần đây. FinTech là viết tắt của từ financial technology (công nghệ trong tài chính), trải rộng nhiều lĩnh vực khác nhau, ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, xác thực sinh trắc học. 

Ông Dũng chỉ rõ, hệ thống ngân hàng hiện chậm thay đổi, thiếu linh hoạt trong ứng dụng công nghệ, dẫn tới chi phí giao dịch thường cao và chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu khách hàng. Trong khi đó, Fintech lại có ưu thế về đổi mới sáng tạo và khả năng ứng dụng công nghệ linh hoạt và hiệu quả, giúp tiết giảm chi phí giao dịch và nâng cao trải nghiệm khách hàng. 

Tuy nhiên, FinTech lại thiếu kinh nghiệm hoạt động tài chính ngân hàng, thiếu vốn và nền tảng khách hàng, hệ thống kiểm soát tuân thủ nội bộ, quản lý rủi ro còn thiếu hụt. Trong khi đó, ngân hàng lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thanh toán bài bản và khuôn khổ quản lí rủi ro vững mạnh. Do đó, việc hợp tác giữa ngân hàng với FinTech được coi là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng. 

"FinTech là lĩnh vực phát triển nhanh, khu vực giao cắt “năng động” giữa công nghệ với dịch vụ tài chính, là biểu hiện sinh động cho ảnh hưởng của Cách mạng công nghiệp 4.0 tới ngành ngân hàng-tài chính", đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận định. 

Cùng bàn về những cơ hội từ FinTech, GS. John Wong đến từ Đại học Quản trị Paris cho biết: "Chi phí hoạt động ngân hàng sẽ giảm đến 80% nếu sử dụng FinTech". 

Bằng kinh nghiệm hơn chục năm làm Fintech, ông Wong đưa ra lí do của khẳng định trên, đó là với FinTech, các ngân hàng có thể cắt giảm bớt số lượng chi nhánh, loại bỏ hệ thống máy ATM không cần thiết và chỉ với chiếc điện thoại thông minh, thẻ Visa hay Mastercard sẽ còn không cần thiết nữa.... 

Tuy vậy, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cũng chỉ ra 3 thách thức lớn đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam trong việc triển khai hệ thống ngân hàng số: Môi trường pháp lý; nguồn vốn; nhân lực và quản trị rủi ro. 

Theo ông Thắng, quy định pháp lý và sự điều chỉnh của cơ quan quản lý không theo kịp công nghệ mới nên hạn chế và làm chậm phát triển ứng dụng công nghệ cao và ngân hàng số. Điều này có thể gây nên rủi ro pháp lý cho các ngân hàng và công ty Fintech khi triển khai các ứng dụng công nghệ cao. 

Cùng với đó, chi phí đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ ngân hàng số rất lớn, chuyển đổi ngân hàng lõi (core banking) tốn nhiều chi phí, thời gian và rủi ro trong quá trình thực hiện... Cùng với đó, những rủi ro về chiến lược, pháp lý, công nghệ, tài chính, gian lận... cũng là những thách thức đáng lưu ý khi triển khai hệ thống ngân hàng số tại Việt Nam. 

Công nghệ phát triển kéo theo những rủi ro về an ninh mạng ngày càng gia tăng. Đại diện Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Anh Dũng khẳng định: "Ngân hàng Nhà nước đã nhận thức được những thách thức này và đã liên tục đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng tài chính để chống lại các rủi ro đột nhật trái phép kết hợp cùng các cảnh báo, chính sách về an toàn thông tin..." 

Ngoài ra, chính sách chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chíp, ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, phân tích giao dịch đáng ngờ để dự đoán trước rủi ro, ngăn chặn kịp thời rủi ro... cũng được Ngân hàng Nhà nước áp dụng. 
 

Theo ông Dũng, bản thân các ngân hàng thương mại cũng cần tự tăng cường công tác bảo mật để phòng tránh những sự cố mất tiền trong thẻ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của ngân hàng cũng như toàn ngành. (TTXVN)
----------------------

Dưa Trung Quốc giá rẻ đổ vào Việt Nam

Chị Hoa, tiểu thương chợ An Bình (quận 5, TP HCM) cho biết, hơn một tháng nay lượng dưa về chợ khá nhiều với đủ các mẫu mã. Trong đó, dưa lê và dưa lưới có giá rẻ hơn so với bình thường.

“Nếu thông thường dưa vàng quả tròn có giá 60.000 đồng một kg thì nay loại dưa lưới quả dài mẫu mã đẹp cũng chỉ 25.000 - 40.000 đồng. Vì có giá hấp dẫn nên khách mua nhiều hơn”, chị Hoa nói và cho biết, loại dưa lưới này đa phần nguồn gốc từ Trung Quốc, có nhiều từ tháng 6 trở đi. Loại trái này khá dễ phân biệt vì dưa Việt trái nhỏ và không đồng đều. Còn dưa lê Trung Quốc trái to và mẫu mã đồng đều nhau.

Cũng chuyên bán dưa tại chợ đầu mối Thủ Đức, chị Hòa cho biết, nửa đầu năm nay dưa hoàng kim và dưa lê chiếm đa số. Các loại dưa này năm nào cũng được đưa về Việt Nam theo mùa với số lượng lớn và giá rẻ hơn so với hàng Việt.

Dưa lê Trung Quốc thường có mẫu mã bắt mắt hơn hàng Việt.

Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo chợ đầu mối nông sản Thủ Đức cho biết, thông thường các loại trái cây Trung Quốc trồng nghịch vụ so với hàng Việt nên được nhập về chợ với giá hấp dẫn. Vào tháng 9, 10 dưa lưới vàng được nhập về nhiều, còn dưa lê và dưa hoàng kim thì đang vào vụ nên lượng về chợ có tăng.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, trong năm 2017, Việt Nam nhập tới 7.210 tấn dưa từ thị trường Trung Quốc, trong đó, dưa lưới vàng 3.710 tấn, dưa lưới xanh 3.000 tấn, dưa lê nhập 500 tấn.

Sang 2018, 5 tháng đầu năm, lượng dưa Trung Quốc đổ về cũng lên tới gần 650 tấn các loại, Theo lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, sản phẩm khi nhập vào thị trường Việt Nam đều được kiểm định. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương đã gắn mác hàng Việt để dễ bán hàng.

Đặc điểm của dưa lưới vàng Trung Quốc là quả dài hình bầu dục, bên ngoài vỏ màu vàng nặng khoảng 3 - 4 kg một quả. Còn dưa Việt hình tròn, trọng lượng quả chỉ từ 1 - 2 kg. Giá dưa lưới vàng Việt Nam cũng cao gấp đôi dưa lưới vàng Trung Quốc.

Còn với dưa lê, loại quả này không khó phân biệt vì hàng Trung Quốc trái to 300 - 600 gram một trái, mẫu mã đẹp. Ngược lại, hàng Việt trái nhỏ, hay bị méo.(Vnexpress)

Trở về

Bài cùng chuyên mục