tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin kinh tế đọc nhanh tối 03-05-2017

  • Cập nhật : 03/05/2017

Tập đoàn hàng đầu lắp ráp ô tô tại Malaysia “rục rịch” lên kế hoạch sang Việt Nam

Tập đoàn Tan Chong (Malaysia) đang có ý định lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Tập đoàn này vừa có công văn kiến nghị lên Bộ Tài chính về việc nhập khẩu bộ linh kiện (CKD), thuế nhập khẩu, thuế ưu đãi đối với nhập khẩu.

tap doan hang dau lap rap o to tai malaysia “ruc rich” len ke hoach sang viet nam

Tập đoàn hàng đầu lắp ráp ô tô tại Malaysia “rục rịch” lên kế hoạch sang Việt Nam

Trong văn bản trả lời kiến nghị, Bộ Tài chính cho biết Công ty TCIE (thuộc Tập đoàn Tan Chong) chỉ dự kiến lắp ráp xe ô tô tại Việt Nam, không nhập khẩu trực tiếp và không có hệ thống bán hàng. Công ty TCIE sẽ hợp tác với một công ty được thành lập tại Việt Nam để công ty này nhập khẩu bộ kinh kiện (CKD) sau đó chuyển cho nhà máy của Công ty TCIE lắp ráp và bán lại cho công ty khác.

“Trường hợp Công ty TCIE uỷ quyền cho công ty tại Việt Nam khác nhập khẩu bộ linh kiện thì phải đảm bảo tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô theo quy định của Bộ Công Thương. Trong trường hợp Công ty TCIE uỷ thác cho một công ty phía Việt Nam nhập khẩu linh kiện thì hai bên phải có hợp đồng uỷ thác. Trường hợp công ty Việt Nam khác nhập khẩu kinh doanh và bán cho Công ty TCIE thì cả hai công ty phải có hợp đồng mua bán”, văn bản của Bộ Tài chính nêu.

Về thuế ưu đãi nhập khẩu, Bộ Tài chính cho biết, theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành theo Nghị quyết số 122 của Chính phủ, hàng hoá nhập khẩu là bộ linh kiện rời đồng bộ và không đồng bộ của ôtô để sản xuất và lắp ráp được áp dụng thuế ưu đãi khi đủ tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô theo quy định của Bộ Công Thương trực tiếp nhập khẩu để sản xuất uỷ quyền nhập khẩu, uỷ thác nhập khẩu hoặc nhập khẩu kinh doanh.

Trường hợp uỷ thác nhập khẩu thì phải có hợp đồng uỷ thác, trường hợp nhập khẩu kinh doanh thì phải có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có đủ điều kiện lắp ráp xe ôtô theo quy định của Bộ Công Thương khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu.

Các linh kiện là những sản phẩm đã hoàn thiện nhưng chưa được lắp ráp hoặc chưa phải là sản phẩm hoàn thiện nhưng có mức độ rời rạc tối thiểu theo quy định về tỷ lệ nội địa hoá đối với ôtô theo quy định.

Tổng trị giá của các linh kiện nhập khẩu chưa đảm bảo mức độ rời rạc không vượt quá 10% tổng trị giá các linh kiện để sản xuất, lắp ráp thành ôtô hoàn chỉnh. Linh kiện không phải là khung xe, thân xe, thùng xe, cabin.

Tập đoàn Tan Chong là một trong những Tập đoàn hàng đầu của Malaysia hoạt động trong lĩnh vực lắp ráp, sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô, marketing, phân phối xe ô tô.

Gần đây, Tập đoàn Tan Chong có nhiều động thái tìm hiểu về định hướng, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, trong đó quan tâm đến chính sách ưu đãi cho nội địa hóa phụ tùng, linh kiện ô tô, đặc biệt là ý định hợp tác với một đối tác nước ngoài khác để nhập khẩu phụ tùng, lắp ráp xe ô tô tại Việt Nam.(Bizlive)
-----------------------------

“Cú hích” cho sản phẩm dệt may thâm nhập thị trường Nga

Với dân số gần 143 triệu người, cùng với những ưu đãi thuế quan khi Nga gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), đồng thời là một đại diện trong nền kinh tế APEC, Nga hiện đang là thị trường truyền thống của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam nói chung và hàng hóa dệt may nói riêng.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những năm gần đây, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã nhận được nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp Nga yêu cầu may các sản phẩm như jacket, quần jeans…

Với nhu cầu lớn, mỗi năm nhập khẩu trên 10 tỷ USD các sản phẩm dệt may, mặc dù hàng dệt may Việt Nam còn chiếm tỷ trọng chưa đáng kể ở Nga nhưng đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.

Dệt may được đánh giá là ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất khi FTA giữa Việt Nam​-Liên minh Kinh tế Á​-Âu có hiệu lực và điều này được kỳ vọng sẽ tạo ra “cú hích” lớn cho xuất khẩu sang thị trường Nga.

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường này khoảng 320 triệu USD mặt hàng dệt may, tương đương hơn 2% dung lượng thị trường. Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp Việt và dung lượng thị trường Nga.

Khi FTA giữa Việt Nam​-Liên minh Kinh tế Á​-Âu có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu dệt may sang thị trường Nga dự kiến sẽ đạt hơn 1 tỷ USD, tương đương 10% dung lượng thị trường là hoàn toàn khả quan trong một vài năm tới.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Nga có khí hậu khá lạnh nên thị trường Nga có nhu cầu lớn với các mặt hàng như jacket, jeans, áo thun… Đây là những mặt hàng mà các doanh nghiệp dệt may nhận được yêu cầu nhiều nhất thời gian qua.

Tuy nhiên, vấn đề là làm sao đưa được hàng vào thị trường Nga với mức giá cạnh tranh như hiện nay. Bởi, kinh tế Nga vẫn khó khăn, giá sản phẩm xuất khẩu vào thị trường này không được "tốt" như thị trường các nước trong liên minh ​châu Âu.

Tỷ giá của đồng RUB (rúp Nga) so với đồng USD thấp nên các nhà nhập khẩu của nước Nga phải mua hàng hóa đắt hơn khi doanh nghiệp chuyển đổi sang USD. Do vậy, doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được giá nhập khẩu vào Nga.

Hơn nữa, ông Giang cho rằng, khoảng cách về địa lý giữa Việt Nam và Nga lại khá xa nên sẽ gặp khó khăn hơn trong vấn đề thanh toán. Dù Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã được mở tại Nga để phục vụ thanh toán trực tiếp, nhưng trong tương lai, nếu như lượng hàng xuất khẩu sang Nga dần gia tăng sẽ cần thêm nhiều chi nhánh ngân hàng hơn để hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán trực tiếp.

Tuy thị trường Nga có nhiều tiềm năng nhưng theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu với Nga, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này và các nước Bắc Âu nói chung đòi hỏi các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xác định rõ tiềm năng và mong muốn của đối tác. Đồng thời, thường xuyên liên lạc với đối tác để gắn kết lâu dài.

Bên cạnh đó, khi thâm nhập vào thị trường này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng, giá cả... Vì vậy cần có những cách thức kinh doanh bài bản, phù hợp hơn trong điều kiện mới. Ngoài ra, phải đảm bảo, chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã và xây dựng, đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín ở thị trường này.

Ông Phí Việt Trịnh, Tổng Giám đốc May Hồ Gươm cho biết, trước đây thị trường Nga cũng là một trong những thị trường truyền thống, nhưng số lượng sản phẩm suất khẩu sang thị trường này chưa được nhiều, cũng có thời gian chững lại do một số khó khăn về địa lý cũng như khâu thanh toán. Nhưng nay khi Hiệp định Kinh tế Á-Âu có hiệu lực thì cũng là một cơ hội cho doanh nghiệp dệt may vì các dòng thuế được giảm.

Trong những năm gần đây, thị trường tiêu thụ hàng dệt may tại Nga đã có những bước phục hồi. Người tiêu dùng tại Nga đã bắt đầu có thói quen chi nhiều tiền hơn cho việc mua sắm của mình.

Các sản phẩm quần áo chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt thường được ưa chuộng và tiêu thụ nhanh hơn, quan niệm đưa hàng giá rẻ, chất lượng thường vào Nga đã không hợp thời nữa.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam tới thị trường Nga trong năm 2016 tăng 30,03% so với năm 2015, đạt 110 triệu USD… Các mặt hàng xuất khẩu tới thị trường này chủ yếu gồm áo Jacket, quần áo trẻ em, áo sơ mi, áo thun, quần, quần short, váy(Vietnam+)
-----------------------------------

Thương mại điện tử sớm đạt mức 10 tỷ USD

Theo Cục Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), thương mại điện tử Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh, chính sách pháp luật cho thương mại điện tử về cơ bản đã hoàn thành. Dự báo tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 ước tăng 25% so với năm 2016, nhiều khả năng doanh số của thương mại điện tử sớm đạt mức 10 tỷ USD.

Hiện những sản phẩm được mua nhiều qua hình thức thương mại điện tử chủ yếu là quần áo thời trang, sách báo, vé máy bay, đồ điện tử, điện thoại và đồ gia dụng. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử sẽ rất hứa hẹn ở các ngành hàng chăm sóc cá nhân, mỹ phẩm, sữa, sản phẩm của em bé.

Dự báo tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 ước tăng 25% so với năm 2016. (Ảnh minh họa: KT)

Dự báo tăng trưởng thương mại điện tử năm 2017 ước tăng 25% so với năm 2016. (Ảnh minh họa: KT)

Thanh toán trực tuyến, trả tiền khi giao hàng là những hoạt động quan trọng của thương mại điện tử. Phương thức thanh toán đã và đang tiếp tục chuyển dịch dần về thanh toán trực tuyến, nhưng hiện nay hình thức nhận tiền mặt khi giao hàng vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu trong thương mại điện tử.

Tuy nhiên sắp tới sẽ có nhiều ngân hàng kết hợp với các nhà bán lẻ để tạo ra phương thức thuận tiện, linh hoạt hơn cho người tiêu dùng khi thanh toán. Hiện nay, có rất nhiều phần mềm số hóa, giúp các doanh nghiệp kinh doanh theo hình thức trực tuyến dễ dàng, thuận lợi trong việc giao dịch với khách hàng.

Ông Nguyễn Giáp, Giám đốc Khối thị trường nhỏ và vừa của Microsoft cho biết, một trong những điểm yếu nhất trong thương mại điện tử là các nhân viên năng lực cũng như năng suất lao động chưa thực sự tốt.

Để hỗ trợ việc này đang có các bộ công cụ như office 365 sẽ giúp cho các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động, nhân viên có nhiều thời gian hơn đi gặp khách hàng, thay vì tất cả phải ngồi trong văn phòng. Khi nhân viên ra ngoài, họ có thể mang toàn bộ công việc của họ để có thể giải quyết bài toán mà khách hàng cần.

“Trước đây một nhân viên sale ra ngoài gặp khách hàng sau đó lại phải quay về báo cáo cho bên tài chính, kế toán. Bây giờ với công cụ cloud của Microsoft công việc sẽ suôn sẻ, trôi chảy và số hóa toàn bộ, làm năng suất lao động tăng. Khả năng doanh nghiệp có thể sáng tạo dựa trên phần điện toán đám mây để đưa ra những sản phẩm tốt hơn cho khách hàng”, ông Giáp cho biết (VOV)
---------------------------------

Vinamilk lãi gần 3.000 tỷ đồng quý 1/2017, tăng mạnh so với cùng kỳ

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk – mã chứng khoán VNM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2017 với nhiều chỉ tiêu tăng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần đạt 12.049 tỷ đồng, tăng mạnh 1.717 tỷ đồng so với cùng kỳ tương ứng mức tăng 17%. Trong đó riêng doanh thu bán thành phẩm đạt 11.586 tỷ đồng, doanh thu bán hàng hóa đạt 454 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán cũng tăng tương ứng nên lợi nhuận gộp cả quý đạt 5.819 tỷ đồng, tăng 793 tỷ đồng so với quý 1/2016.

Theo giải trình từ phía công ty, quý 1 vừa qua, tỷ trọng và cơ cấu các nhóm sản phẩm bán ra tiếp tục có sự thay đổi theo hướng tập trung vào các nhóm ngành hàng có giá trị gia tăng cao, hiệu quả hơn.

Doanh thu tài chính tăng 30 tỷ đồng, lên gần 200 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính giảm được 5 tỷ đồng, xuống còn hơn 27 tỷ đồng, trong đó chủ yếu giảm lỗ chênh lệch tỷ giá.

Tính đến cuối quý, tổng nợ phải trả của công ty 6.049 tỷ đồng, giảm hơn 920 tỷ đồng so với đầu kỳ, trong đó riêng nợ vay ngắn hạn giảm gần 1.160 tỷ đồng, xuống còn 174 tỷ đồng, còn vay nợ dài hạn gần như không thay đổi so với đầu quý, khoảng 327 tỷ đồng.

Hiện tại, chi phí công ty đang được thực hiện một cách có hiệu quả, chi phí bán hàng giảm cả về mặt giá trị và tỷ lệ % /doanh thu so với cùng kỳ. Dù doanh thu tăng, nhưng chi phí bán hàng bỏ ra hơn 2.303 tỷ đồng, giảm được 50 tỷ đồng so với cùng kỳ; chi phí quản lý doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ 6 tỷ đồng tương ứng tăng khoảng 3%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng doanh thu.

Những nguyên nhân trên dẫn đến lợi nhuận trước thuế quý 1/2017 công ty đạt 3.476 tỷ đồng, tăng trưởng 32% so với quý 1 năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.935 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận ghi nhận về cho cổ đông công ty mẹ là 2.935 tỷ đồng.

Lượng hàng tồn kho cuối quý còn hơn 3.920 tỷ đồng, giảm 600 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm trong đó dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 3,5 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với quý 1 năm ngoái.

Tính đến 31/1/2017, Vinamilk còn 7.878 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế lũy kế chưa phân phối. Quỹ đầu tư phát triển còn hơn 2.120 tỷ đồng và còn hơn 260 tỷ đồng thặng dư vốn cổ phần. Tổng cộng tài sản cuối quý 31.068 tỷ đồng, tăng 1.690 tỷ đồng so với đầu kỳ.(CafeF)
 

Trở về

Bài cùng chuyên mục