Từ 5/5 phát tờ rơi, dán quảng cáo sẽ phạt tiền 1-10 triệu đồng; Khan hiếm nguồn cung, cát xây dựng tại Bắc Kạn tăng giá; Việt Nam thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các doanh nghiệp Pháp; Tồn kho cũ chưa hết, thị trường BĐS lại đối mặt với nỗi lo hàng tồn kho mới
Tin kinh tế đọc nhanh chiều 04-05-2017
- Cập nhật : 04/05/2017
TP HCM được hưởng hàng loạt cơ chế đặc biệt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ban hành Nghị định 48/2017Quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP HCM để thành phố phát triển, thực hiện vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 10/6 quy định, với những dự án lớn, quan trọng (về môi trường, giao thông, thủy lợi) vượt quá khả năng ngân sách địa phương, UBND TP HCM được lập dự toán kèm đề nghị gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Tài chính. Các bộ sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội quyết định hỗ trợ thành phố từ ngân sách Trung ương.Với quỹ đất đang quản lý, thành phố được tạm ứng ngân sách hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách) để đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá thành phố sẽ thu hồi để hoàn trả.
Chính phủ cũng ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho TP HCM để đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, môi trường... và các chương trình khác có khả năng thu hồi vốn.
UBND thành phố được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại (không phụ thuộc vào quy mô viện trợ). Riêng các khoản viện trợ liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng quyết định.
Đối với những dự án có khả năng thu hồi vốn (hoặc chỉ có khả năng thu hồi một phần), thành phố được trao quyền quyết định hoặc trình các Bộ, ngành liên quan việc huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), gồm: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh); BT (xây dựng - chuyển giao); BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh)...
Ngoài ra, nghị định mới cũng có một số nội dung về việc thu chi ngân sách như: cho phép TP HCM được bội chi ngân sách (phần bội chi chỉ được sử dụng để đầu tư công).
Hàng năm, nếu thu ngân sách Trung ương (từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và thành phố) tăng so dự toán được giao, TP HCM được thưởng 30% số này...
UBND TP HCM cũng được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ của thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sơ hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của thành phố với thời gian tạm ứng không quá 36 tháng.(NDH)
---------------------------------
Trung Quốc sẽ đánh thuế chống phá giá đường
Thị trường đường thế giới biến động giảm trong tuần qua. So với cuối tuần trước, giá đường trắng London kỳ hạn tháng 8/2017 giảm 18 USD/tấn xuống còn 453,3 USD/tấn, do thị trường tin tưởng niên vụ mía đường 2017 – 18 sẽ đạt mức sản lượng cao.
Bên cạnh đó, khả năng Ấn Độ không nhập khẩu đường vào mùa hè tới và Trung Quốc đang xem xét đánh thuế chống phá giá đối với đường nhập khẩu cũng tác động tới giá đường.
Nhập khẩu đường của Trung Quốc được dự báo giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm vào niên vụ tới do sản xuất nội địa tăng và chính phủ nước này tăng cường kiểm soát hoạt động buôn lậu cũng như các hoạt động nhập khẩu khác.
Theo nhận định của văn phòng USDA tại Bắc Kinh, sản lượng đường của Trung Quốc được dự báo tăng 1 triệu tấn trong niên vụ 2017-18, lên 10,5 triệu tấn nhờ các chính sách hỗ trợ sản xuất của chính phủ và giá đường tăng. Sản lượng đường nội địa tăng và giá đường dự báo hạ nhiệt trong năm tới được cho là những nguyên nhân thúc đẩy tiêu dùng và giảm nhập khẩu. Tuy nhiên, các chính sách của chính phủ Trung Quốc sẽ tác động lớn đến tình hình thị trường và có khả năng nhập khẩu giảm nhanh hơn nếu chính phủ nước này tăng mạnh các biện pháp kiểm soát buôn lậu và nhập khẩu.
Năm 2016, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch 5 năm mới nhất, trong đó có kế hoạch thúc đẩy sản xuất đường nội địa lên 15 triệu tấn đến năm 2020. Xét đến tiêu dùng được dự báo tăng lên mức 18 triệu tấn trong cùng kỳ, dự báo nhập khẩu đường của Trung Quốc sẽ ngày càng giảm. Nhập khẩu đường của nước này được dự báo sẽ giảm 1 triệu tấn xuống 4,2 triệu tấn trong niên vụ tới – mức nhập khẩu thấp nhất trong 5 năm qua.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng nguồn cung đường xuất khẩu từ Ấn Độ giảm mạnh cũng sẽ hạn chế nguồn cung đường buôn lậu vào thị trường Trung Quốc trong năm 2017. Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc hiện đang tiến hành một điều tra an ninh, theo đó có khả năng sẽ siết chặt hơn các hạn chế về nhập khẩu đường.
Tại thị trường trong nước, tính đến ngày 15/4/2017, trên cả nước có 12 nhà máy kết thúc vụ. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép giảm khoảng 1.320.000 tấn, lượng đường tăng 41.641 tấn (Do những tháng trước một vài nhà máy nhập đường thô về sản xuất).
Giá bán buôn đường kính trắng loại 1 (có VAT) tại các nhà máy ở miền Bắc hiện dao động từ 15.500 – 16.500đ/kg, miền Trung, Tây Nguyên dao động từ 15.000 – 16.000đ/kg, miền Nam dao động từ 16.000 – 17.000đ/kg. So với cùng kỳ năm trước thì giá đường năm nay tăng 1.500 – 2.000đ/kg.
Giá mua mía tại ruộng khu vực miền Bắc 850.000 – 1.050.000 đồng/tấn, miền Trung Tây Nguyên 950.000 – 1.100.000 đồng/tấn và Miền Nam từ 1.000.000 – 1.150.000 đồng/tấn.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Long An, hiện nay diện tích mía niên vụ 2016 - 2017 trên địa bàn tỉnh đã kết thúc. Các huyện trồng mía chủ yếu tập trung ở Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức và Thủ Thừa với diện tích thu hoạch gần 8.000 ha, năng suất bình quân 80- 83 tấn/ha, đạt sản lượng hơn 800.000 tấn.
Tuy nhiên, người trồng mía tại các huyện trong tỉnh Long An gặp khó khăn khi nhân công thu hoạch ngày càng khan hiếm, giá tăng cao từ 200.000 - 250.000 đồng/người, làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của bà con.(Danviet)
--------------------------------------
Xuất khẩu than đá tăng gần 7 lần về sản lượng
Theo thông tin Tổng cục Hải quan vừa công bố, tính từ đầu năm đến 15/4, tổng sản lượng than xuất khẩu cả nước đạt 504.663 tấn, tổng trị giá kim ngạch đạt 79,438 triệu USD.
Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016, tổng sản lượng và trị giá kim ngạch xuất khẩu than đầu tăng mạnh. Trong đó tổng sản lượng xuất khẩu tăng đến 6,7 lần và trị giá kim ngạch tăng hơn 13 lần.
Với tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh hơn so với sản lượng nên mức giá xuất khẩu trung bình của mặt hàng này cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể mức giá xuất khẩu than trung bình cùng kỳ năm 2016 chỉ là 79 USD/tấn, trong khi tính đến 15/4 năm nay con số này đã vọt lên trên 157 USD/tấn.
Đáng chú ý, nếu như nhiều năm trước một trong những thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, thì từ đầu năm 2017 đến nay, Trung Quốc gần như “vắng bóng” trên bản đố xuất khẩu than của nước ta.
Căn cứ dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết quý I/2017, các thị trường xuất khẩu than chủ yếu của Việt Nam là Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc…(Haiquan)
--------------------------
Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc giảm đột ngột về số lượng nhưng giá tăng cao
Tổng cục thống kê cho biết trong tháng 4 cả nước có 8000 ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam, giảm 3.000 ô tô so với tháng trước đó.
Cụ thể, thống kê mới công bố của Tổng cục thống kê cho thấy trong tháng 3 tổng trị giá nhập khẩu ô tô của Việt Nam đạt 498 triệu USD trong đó có 11.000 ô tô nguyên chiếc trị giá 180 triệu USD, chiếm 36%. Ước tính trung bình mỗi ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 3 có trị giá khoảng 16.363 USD.
Tháng 4, Việt Nam chi 520 triệu USD nhập khẩu ô tô, trong đó có 8.000 ô tô nguyên chiếc, trị giá 200 triệu USD, ước tính khoảng 25.000 USD/xe ô tô nguyên chiếc.
Như vậy, so về số lượng, ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 4 giảm 3.000 chiếc so với tháng 3 nhưng so về giá trị, mỗi xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng này đắt hơn khoảng gần 9.000 USD.
Tháng 4 có 8.000 ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam
Tính chung trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam chi 1839 triệu USD nhập khẩu ô tô các loại trong đó ô tô nguyên chiếc là 35.000 chiếc có trị giá 688 triệu USD. Tính trung bình mỗi ô tô nguyên chiếc về Việt Nam ước giá trị khoảng 19.657 USD/chiếc.
Trong khi đó, ô tô giá rẻ về Việt Nam gia tăng mạnh trong tháng 3. Tổng cục Thống kê cho biết lượng ô tô nguyên chiếc về Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017 ước đạt hơn 28.000 chiếc, tăng 43,4% về lượng nhưng lại giảm 4,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 460 triệu USD. Trung bình mỗi xe nhập khẩu trong quý này có trị giá khoảng 16.428 USD, ước tính khoảng hơn 370 triệu VND một xe.
Trong đó ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi trở xuống) chiếm gần 68% tổng số lượng xe, ước đạt 19.000 chiếc, tăng 169% về lượng và 82% giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Cũng theo số liệu của Tổng cục Hải quan trong 3 tháng đầu năm 2017, lượng ô tô dưới 9 chỗ ngồi nguyên chiếc nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia trong khu vực Asean lên đến 14.460 chiếc, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, chủ yếu là từ Thái Lan với 10.050 chiếc, tăng 29% và từ Indonesia là 4.400 chiếc (cùng kỳ năm trước ở thị trường này chỉ là 833 chiếc).
Xu hướng nhập khẩu ô tô giá rẻ đang phát triển mạnh mẽ. Ô tô từ các thị trường Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan có mặt ở Việt Nam ngày càng nhiều. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm nay, Thái Lan và Indonesia đã xuất khẩu tổng cộng gần 9.000 xe vào thị trường Việt Nam, đạt mức giá trị kim ngạch xấp xỉ 164 triệu USD. Ngoài ra sản lượng ô tô nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia cũng góp phần làm tổng trị giá ô tô nhập khẩu về Việt Nam trên đà giảm mạnh.(NDH)