Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TĂCN & NL) trong tháng 6/2018 đạt 372 triệu USD, tăng 8,91% so với tháng trước đó và tăng 12,96% so với cùng tháng năm ngoái.
6 tháng đầu năm 2018: 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD
- Cập nhật : 10/07/2018
Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD), hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD).
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 (thấp hơn mức tăng 19,4% của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016), bằng 48% kế hoạch năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 16,3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 20,7%).
Về nhóm hàng và mặt hàng xuất khẩu
Tính đến hết tháng 6 năm 2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu tiếp tục là điện thoại các loại và linh kiện (22,5 tỷ USD), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (13,45 tỷ USD), hàng dệt, may (13,42 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (7,8 tỷ USD), giày dép các loại (7,79 tỷ USD). Cụ thể tăng trưởng các nhóm hàng xuất khẩu như sau:
Nhóm hàng nông sản, thủy sản: Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD; hạt điều và gạo ước có mức tăng trưởng cao cả về lượng và kim ngạch: hạt điều ước tăng 18,0% về lượng và 17,6% về kim ngạch, đạt trị giá 1,41 tỷ USD, gạo ước tăng 44,3% về kim ngạch và 26,2% về lượng, đạt trị giá 1,84 tỷ USD.
Giá xuất khẩu nông sản trong năm 2018 không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng xuất khẩu. Thực tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, giá xuất khẩu một số mặt hàng nông sản đã giảm mạnh làm giảm kim ngạch xuất khẩu như cà phê có giá giảm 14,2% khiến kim ngạch giảm 6% dù lượng tăng 9,6%; giá hạt tiêu giảm 39,3% làm kim ngạch giảm 35,7% dù lượng tăng 5,9%; giá cao su giảm 21,3% làm kim ngạch giảm 8,3% dù lượng tăng 16,6%. Tính chung cả nhóm nông sản, thủy sản (không kể hai mặt hàng không thống kê về lượng xuất khẩu), giá xuất khẩu giảm đã làm kim ngạch giảm 431 triệu USD, trong khi lượng xuất khẩu tăng góp phần kim ngạch tăng 860 triệu USD.
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 2,19 tỷ USD, giảm 10,8% so với cùng kỳ năm 2017.
Cùng với sự phục hồi của giá dầu thô thế giới (đạt trên 70 USD/thùng trong năm 2018), xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản được hưởng lợi từ việc giá xuất khẩu tăng. Tính chung cả nhóm, yếu tố tăng giá góp phần tăng 466 triệu USD, trong khi yếu tố giảm lượng làm kim ngạch của nhóm giảm 731 triệu USD.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến: Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 93,3 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Các mặt hàng có đóng góp lớn vào mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu là: điện thoại và các loại linh kiện ước đạt 22,50 tỷ USD, tăng 15,4%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,45 tỷ USD, tăng 15,7%; hàng dệt may đạt 13,42 tỷ USD, tăng 13,8%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 7,83 tỷ USD, tăng 30,6%; giày dép các loại đạt 7,79 tỷ USD, tăng 10,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,13 tỷ USD, tăng 12,4%.
Về cơ cấu hàng hóa xuất khẩu
Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, xuất khẩu các sản phẩm thô và các ngành khoáng sản đang giảm dần với tỷ trọng chiếm 1,9% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu (năm 2017 chiếm 2,5%), giảm so với 2,5% của 6 tháng đầu năm 2017. Đồng thời, tỷ trọng xuất khẩu đối với các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng như các sản phẩm ngành nông sản, thủy sản đang được cải thiện với tỷ trọng hai nhóm hàng này đạt lần lượt là 81,9% và 11,8% (tỷ lệ này năm 2017 lần lượt là 80,2% và 12,5%).
Về thị trường xuất khẩu
Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới. Trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%, Hàn Quốc tăng 31,8%, ASEAN tăng 17,4%,… Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung như: Ấn Độ tăng 96,6%, Irắc tăng 27,9%, Ukraina tăng 21,1%, Ôxtrâylia tăng 22,4%, Nga tăng 25,4%...
Chủ thể xuất khẩu
Khu vực có vốn đầu tư trong nước đã cải thiện tốc độ tăng trưởng so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Khu vực 100% vốn trong nước xuất khẩu ước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng 16,3% của năm 2017. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất khẩu ước đạt 80,86 tỷ USD, tăng 14,5%, thấp hơn mức tăng 20,7% của năm 2017.
Về nhập khẩu
Kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%.
Về nhóm hàng và mặt hàng nhập khẩu
Nhóm hàng cần nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 98,91 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 88,9% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 7,02 tỷ USD, chiếm 6,3% tỷ trọng nhập khẩu và tăng 9,1% so với cùng kỳ.
- Về mặt hàng nhập khẩu
+ Nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; nhiên liệu, khoáng sản và các nguyên phụ liệu, thiết bị, nguyên phụ liệu cho sản xuất công nghiệp đều ước đạt mức tăng trưởng dương trong 6 tháng đầu năm 2018 (ngoại trừ hạt điều ước giảm 19,6% về lượng và 10,6% về kim ngạch; nguyên, phụ liệu thuốc lá ước giảm 5,5% về kim ngạch; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước giảm 7,3% về kim ngạch; điện thoại các loại và linh kiện ước giảm 4,4% về kim ngạch; phôi thép ước giảm 31,8% về lượng và 16,1% về kim ngạch).
+ Máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 19,70 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ.
+ Kim ngạch nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 16,15 tỷ USD, là một trong những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao trong nhóm hàng cần thiết phải nhập khẩu. Tuy nhiên, do nhập khẩu mặt hàng này trong những tháng đầu năm 2017 tăng rất mạnh nên ước nhập khẩu lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 vẫn giảm 7,3% khi so sánh với cùng kỳ.
+ Nhập khẩu ô tô sau khi giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm (tháng 1 nhập khẩu 340 chiếc, trong đó 17 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi; tháng 2 nhập khẩu 222 chiếc, trong đó, 14 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi) thì đã bắt đầu có tăng trở lại trong tháng 3 (nhập khẩu 3.676 chiếc, trong đó, 3.077 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi). Tuy nhiên, lượng ô tô nhập khẩu có xu hướng giảm nhẹ dần trong tháng 4, tháng 5 và ước giảm mạnh trong tháng 6 (ước nhập khẩu 2200 chiếc, trong đó, 1500 xe dưới 9 chỗ ngồi). Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam ước đạt 11.273 chiếc. Trong đó lượng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu về Việt Nam ước đạt 8.315 chiếc, trị giá đạt 188 triệu USD, giảm 68,6% về lượng và 58,0% về kim ngạch.
+ Trong nhóm mặt hàng cần kiểm soát, một số mặt hàng nhập khẩu tăng đáng chú ý: Rau quả ước nhập khẩu 757 triệu USD, tăng 18,9%; Phế liệu sắt thép ước nhập khẩu 890 triệu USD, tăng 52,7%.
Thị trường nhập khẩu
06 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu từ Châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 15,6%), Hàn Quốc (chiếm 20,2%, giảm 0,8%), ASEAN (chiếm 13,7%, tăng 11,8%), Nhật Bản (chiếm 8%, tăng 12,2%)…
Chủ thể nhập khẩu
Khu vực 100% vốn trong nước nhập khẩu ước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng của năm 2017 (tăng 20,8%). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu ước đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1% (thấp hơn mức tăng 27,8% của năm 2017).
Cán cân thương mại hàng hóa
6 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch xuất khẩu. Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 14,6 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu 15,7 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt 12,9 tỷ USD.
Như vậy, có thể thấy:
Xuất khẩu 6 tháng đầu năm có những điểm tích cực được thể hiện qua mức tăng trưởng của xuất khẩu khối doanh nghiệp trong nước. Trong 6 tháng đầu năm, khối doanh nghiệp này xuất khẩu khoảng 33,1 tỷ USD, tăng 19,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung. Số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy những kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp này. (Năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%; năm 2016 xuất khẩu chỉ tăng 5,5%, năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%).
Theo dõi số liệu xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018, cho thấy xuất khẩu tăng cao ở quý 1 (tăng 24%) nhưng giảm đà tăng trưởng trong quý 2 (cả quý 2 tăng 10%). Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối, bình quân quý 2/2018 xuất khẩu đạt khoảng 19,5 tỷ USD/tháng, cao hơn bình quân quý 1/2018 (18,5 tỷ USD/tháng). Việc tăng trưởng quý 2 đạt mức thấp so với quý 1 là do năm 2017, xuất khẩu quý 1 ở mức thấp, đạt bình quân 14,9 tỷ USD/tháng và chỉ bắt đầu tăng trưởng từ quý 2 với mức bình quân 17,7 tỷ USD/tháng.
Ngoài ra, mức tăng trưởng của xuất khẩu điện thoại đã tác động khá lớn đến sự thay đổi mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa quý 1 và quý 2. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong quý 1/2018 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 62% trong khi quý 2 chỉ đạt 9,9 tỷ USD, giảm 15,5%. Sự thay đổi về tăng trưởng kim ngạch này xuất phát từ sự thay đổi về thời điểm xuất bán sản phẩm điện thoại mới trong hai năm 2017 và 2018, không thể hiện sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu. Thực tế, tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại trong 6 tháng đầu năm 2018 vẫn tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Xuất khẩu 6 tháng cuối năm vẫn có những yếu tố thuận lợi để tăng trưởng, cụ thể là:
+ Sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp dự báo tăng tích cực xét trên các yếu tố như: nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng mạnh trong quý I, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng khá. Nhóm hàng điện tử dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ việc Samsung tiếp tục xuất bán sản phẩm mới trong quý III/2018 và việc dự án Samsung Display tiếp tục đẩy mạnh sản xuất màn hình phục vụ xuất khẩu.
Theo chu kỳ, thông thường xuất khẩu nông, thủy sản tăng vào giữa năm và đạt mức cao nhất vào thời điểm cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa Quý II.
+ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định FTA Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực vào năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp nước ta có thêm năng lực sản xuất mới.
+ Đầu tư trong nước, được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định, dự báo cũng sẽ tiếp tục khởi sắc và cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.
Mặc dù vậy, xuất khẩu tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Nổi bật là việc các nước tăng cường áp dụng các biện pháp bảo hộ, quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe khiến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên các thị trường nhập khẩu, như cảnh báo thẻ vàng của EU đối với thủy sản, mức thuế chống bán phá giá Hoa Kỳ áp dụng đối với cá tra; chương trình thanh tra cá da trơn của Hoa Kỳ, EC xiết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT); nhiều nước ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc; tình trạng truyền thông bôi nhọ sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại một số nước (cá tra ở EU, hạt điều ở Ấn Độ,…)
Việc đạt mức xuất khẩu bình quân 20,45 tỷ USD/tháng cho 6 tháng cuối năm là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường thế giới còn nhiều biến động khó lường. Điều này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan và cả cộng đồng doanh nghiệp.
Nguồn: Moit.gov.vn