Grab Việt Nam báo lỗ hơn 400 tỷ đồng; Nhờ dự đoán đúng, tỉ phú Warren Buffett bỏ túi 12 tỉ USD; Nhật Bản, châu Âu thúc đẩy thỏa thuận thương mại lớn; Khí đốt Nga nhắm tới thị trường Trung Quốc
Tin kinh tế đọc nhanh tối 29-06-2017
- Cập nhật : 29/06/2017
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng qua đạt hơn 17 tỷ USD
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng Sáu ước đạt 2,97 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đạt 17,1 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số đó, so với cùng kỳ năm 2016, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng 15,4%; giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 14,1%; giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 12,8%.
Hầu hết các ngành hàng đều có sự gia tăng mạnh cả về khối lượng và giá trị như gạo,thủy sản, hàng rau quả, chè, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ…
Gia tăng mạnh nhất là ngành hàng rau quả với mức tăng 44,6% so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng Sáu ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm 2017 ước đạt 1,7 tỷ USD. Theo đó, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của hàng rau quả Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay, chiếm tới 84,7% tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả.
Ngành hàng cao su cũng có sự gia tăng mạnh, so với cùng kỳ năm 2016, ngành hàng cao su tăng 5% về khối lượng và tăng 58,6% về giá trị. Cụ thể, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng Sáu đạt 100.000 tấn với giá trị đạt 158 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm nay ước đạt 462.000 tấn và 867 triệu USD.
Ngành lúa gạo tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng trong vài tháng gần đây và có mức tăng 6,3% về khối lượng và tăng 4,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng Sáu ước đạt 413.000 tấn với giá trị đạt 182 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm nay ước đạt 2,8 triệu tấn và 1,2 tỷ USD.
Lĩnh vực thủy sản trong 6 tháng đầu năm nay cũng đã đóng góp khoảng 3,5 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, so với cùng kỳ năm 2016, thì giá trị ngành thủy sản cũng tăng khoảng 14,1%. Cụ thể, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng Sáu ước đạt 653 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm nay ước đạt 3,5 tỷ USD.
Vươn lên vị trí ngành hàng có đóng góp nhiều nhất trong kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, lĩnh vực gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm ước đạt giá trị khoảng 3,6 tỷ USD tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng Sáu đạt khoảng 609 triệu USD.
Bên cạnh một số ngành hàng có sự gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay, một số ngành hàng cũng có sự sụt giảm đáng kể như sắn và sản phẩm sắn giảm 7,6% về khối lượng và giảm 11,8% về giá trị, ngành tiêu mặc dù tăng 18,3% về khối lượng nhưng giảm đến 16,8% về giá trị (Vietnamplus)
---------------------------
Cao su Việt Nam: Thừa vẫn thừa mà thiếu thì vẫn cứ thiếu
Mặc dù Việt Nam đứng thứ ba trong các nước xuất khẩu cao su tự nhiên lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu thô để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết xuất khẩu cao su Việt Nam kỳ 1 tháng 6/2017 tăng 33,3% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 33.324 tấn lên 49.999 tấn, nâng tổng lượng cao su kể từ đầu năm đạt 411.960 tấn. Điều này kéo theo giá trị xuất khẩu cao su tăng 38,1% từ mức gần 487 triệu USD lên mức 787,5 triệu USD.
Ở chiều ngược lại nhập khẩu cao su Việt Nam cũng tăng 13,9% từ mức 18.011 tấn lên 20.931 tấn. Tổng lượng cao su nhập khẩu kể từ đầu năm đạt 223.477 tấn, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng giá trị nhập khẩu cao su đạt 498,1 triệu USD tăng 46,1%.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, hầu hết lượng cao su nhập khẩu là dùng để tái xuất khẩu, số ít còn lại phục vụ nhu của các công ty sản xuất lốp xe.
Sản phẩm cao su nhập khẩu được các công ty ưa chuộng hầu hết là TSR 10 và TSR 20. Tuy nhiên, sản lượng loại cao su này rất ít do giá thành rẻ.
Ông Nguyễn Đình Đông, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) cho hay 75% nguyên liệu cao su đầu vào của công ty có nguồn gốc trong nước, phần còn lại, công ty phải nhập khẩu từ Thái Lan và Malaysia để sản xuất lốp bố thép cao cấp.
Theo ông Đông, chất lượng của cao su sản xuất trong nước so với nhập khẩu từ một số nước Đông Nam Á không khác nhau là mấy. "Đây cũng chính là lý do tại sao chúng tôi nhập khẩu cao su TSR10 và TSR20 để sản xuất lốp bố thép cao cấp".
Mặt khác, công suất của hầu hết các nhà máy sản xuất cao su thô Việt Nam đều ở mức thấp và không đáp ứng được yêu cầu về tính đồng bộ trong chất lượng.
Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (DRC) cũng cần khoảng 18.000 tấn cao su mỗi năm chủ yếu là SVR 10 và SVR20, tuy nhiên công ty thường không thể tìm đủ nguồn cung nội địa.
Ông Thái Hồng Khang, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Cao su thuộc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam nhận định "Khi giá cao su thế giới tăng, các nhà xuất khẩu nguyên liệu thô thường chỉ tập trung vào xuất khẩu tuy nhiên khi giá giảm xuống, họ thường quay trở lại thị trường nội địa ".
Điều này khiến các nhà sản xuất đau đầu và quay sang nhập khẩu thay vì sử dụng sản phẩm nội địa.
Theo bà Trần Thị Thúy Hoa, Trưởng ban Tư vấn phát triển ngành cao su thuộc Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết lượng cao su SVR 10 và SVR 20 chỉ chiếm từ 15-17% nhu cầu nội địa trong khi nhu cầu thực tế lên tới 65-70%.
Các nhà sản xuất nguyên liệu thô trong nước chỉ tập trung vào sản xuất sản phẩm cao su chất lượng cao như SVR3L, SVR-CV 50 và SVR-CV 60 mà ít khi để ý các sản phẩm giá rẻ như SVR10 và 20.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Cao su Việt Nam cũng chỉ ra rằng kể từ năm 2016 đến nay, giá SVR 10 thấp hơn SVR 3L từ 40-220 USD/tấn. Nếu đầu tư sản .xuất SVR3L đem lại lợi nhuận cao hơn.
Tuy nhiên, nhu cầu thị trường lại đang hướng tới cao su SVR10 và SVR20. Trong ngành công nghiệp sản xuất lốp xe, cao su SVR 3L chủ yếu dùng để sản xuất săm. Tuy nhiên, thị trường hiện nay lại đang có sử hướng sử dụng loại lốp không săm nên việc tiêu thu sao su SVR 3L càng trở nên khó khăn hơn.
Theo dự báo cho thấy nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu chỉ đạt 15 triệu tấn trong đó cao su SVR 3L chỉ chiếm khoảng 150.000 tấn.
Nếu các doanh nghiệp không giảm sản lượng cao su SVR 3L mà cứ đầu tư tăng cường năng suất thì họ sẽ phải đối mặt với rủi ro thừa sản lượng 300.000 tấn.
Nhận thức được xu hướng này, một số công ty đã bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang cao su SVR 10, SVR 20 thay vì SVR 3L.
Ông Trần Thanh Phụng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng cho hay công ty đang đầu tư dây truyền sản xuất cao su SVR 10 và sẽ là nhà cung cấp nguyên liệu thô cho các công ty sản xuất cao su lớn như Goodyear và Kumho.
Tuy nhiên, cao su SVR10 chỉ chiếm từ 20-25% tổng sản lượng của công ty. Việc tăng cường thêm dây truyền sản xuất cao su SVR10 và SVR20 nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường cần phải được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo lợi nhuận trọng tương lai, ông Phụng cho hay.
Các chuyên gia cho rằng đầu tư dây truyền sản xuất cao su SVR10 and SVR20 đòi hỏi các doanh nghiệp cần đề ra các chiến lược kinh doanh mới nhằm tiệp cận thị trường.(NDH)
----------------------------
Nhật Bản muốn đầu tư vào hai bến xe Miền Đông và Miền Tây
Các doanh nghiệp Nhật Bản đang tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư các dự án phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng như Bến Xe miền Đông, Bến xe miền Tây và Khu liên hợp Rạch Chiếc.
Thông tin này được đại diện Hiệp hội các Doanh nghiệp xúc tiến phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam (J-CODE), thuộc Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đưa ra tại buổi làm việc với Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) ngày 28-6.
Trong chuyến khảo sát lần này, J-CODE sẽ tìm hiểu để đầu tư các dự án tại Việt Nam theo hình thức chuyển nhượng dự án hoặc hợp tác cùng doanh nghiệp Việt Nam triển khai theo hình thức thỏa thuận diện tích và hạ tầng với người dân mà Nhật Bản đang áp dụng.
Trong số đó, J-CODE tập trung tìm kiếm thực hiện các dự án theo mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (TOD). Mô hình này được rất nhiều thành phố tại Nhật Bản áp dụng thành công trong quá trình đô thị hóa.
Trước mắt, tại TP.HCM, J-CODE đang quan tâm và tìm hiểu ba dự án gồm Bến xe Miền Đông mới (TP.HCM và Bình Dương), Bến xe miền Tây mới (huyện Bình Chánh) và Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc (quận 2).
Tại buổi làm việc, chủ đầu tư của ba dự án nói trên cũng đã cung cấp cho J-CODE thông tin về quy mô, tiến độ triển khai và tiềm năng hợp tác của dự án.
Ngoài ra, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cũng đã trình bày và cung cấp cho đoàn Nhật Bản danh sách gần 300 dự án xây dựng, phát triển đô thị triển khai tại TP.HCM đang kêu gọi đầu tư theo các hình thức Hợp tác công – tư (PPP), trong đó có 100 dự án đầu tư trọng điểm quốc gia.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, cho biết theo quy định hiện nay các dự án kêu gọi đầu tư theo các hình thức PPP đều được đấu thầu công khai, chứ không còn chỉ định như trước.
Do vậy ông Châu cho rằng điều đó sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.(Tuoitre)
-----------------------
Đưa 'núi' tiền từ 500 dự án 'trùm mền' vào thị trường
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ riêng tại TP.HCM có khoảng 500 dự án vẫn đang bị 'trùm mền', chưa thể đưa vào khai thác vì nhiều lý do. Nếu 'rã băng' được cục máu đông này sẽ giải quyết được phần lớn nợ xấu hiện nay.
Chôn trong dự án dở dang
HoREA cho biết, 500 dự án “trùm mền” chưa thể triển khai tại TP.HCM do nhiều nguyên nhân như bị vướng đền bù giải tỏa, chưa đóng tiền sử dụng đất, dự án bị “cắm” ngân hàng (NH), chủ dự án không đủ năng lực triển khai… Tuy nhiên, dù "đóng băng" với bất kỳ lý do gì thì hàng "núi tiền" đang bị “chôn” và đây là gánh nặng không chỉ cho các chủ đầu tư, mà còn của NH, của nền kinh tế.
Điển hình như dự án Phước Kiển (H.Nhà Bè) của Công ty Quốc Cường Gia Lai làm chủ đầu tư có quy mô hơn 90 ha, đến nay sau khoảng 10 năm triển khai vẫn chưa thể đưa vào khai thác do còn vướng 8% diện tích mặt bằng chưa giải phóng vì bị người dân chiếm xây dựng nhà cửa trước sự bất lực của chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Theo bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty Quốc Cường Gia Lai, việc không thể triển khai dự án khiến công ty gặp rất nhiều áp lực vì đã đầu tư vào dự án này hơn 5.000 tỉ đồng và hiện phải trả lãi vay mỗi ngày hơn 500 triệu đồng. Không chỉ dự án này bị ảnh hưởng mà việc hàng ngàn tỉ đồng “chôn” vào đây còn gây ảnh hưởng dây chuyền đến các dự án khác và hoạt động kinh doanh của công ty. Trước áp lực trả nợ vay, doanh nghiệp (DN) này phải tự cứu mình bằng cách nhận 50 triệu USD tiền cọc để chuyển nhượng dự án này cho một đối tác khác là Công ty cổ phần đầu tư Sunny Island để có tiền trả khoản nợ trị giá 1.352 tỉ đồng cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.
Mới đây, thông tin từ UBND TP.HCM cho biết dự án Saigon One Tower ngay góc Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (Q.1) đã có một đối tác mua lại sau gần khoảng 6 năm “đóng băng”. Dự án này có vốn đầu tư ban đầu khoảng 5.000 tỉ đồng đã phải dừng lại vào năm 2011 khi thi công được 80% khối lượng công việc. Từ đó đến nay mỗi ngày chủ đầu tư phải trả lãi bình quân khoảng 1 tỉ đồng. Để có tiền triển khai trở lại dự án, mấy năm qua chủ đầu tư đã chạy khắp nơi để huy động, vay khoảng 1.000 tỉ đồng, nhưng không được, buộc chủ đầu tư phải bán dự án để trả nợ vay NH. May mắn hơn Saigon One Tower, dự án Kenton của Công ty Tài Nguyên sau nhiều năm "đứng bánh" cũng đã được NH cứu bằng cách tiếp tục "bơm" thêm khoảng 1.000 tỉ đồng để khởi động trở lại.
Phân nhóm để xử lý
Chuyên gia bất động sản Phan Công Chánh nhận định, Nghị quyết về xử lý nợ xấu được Quốc hội thông qua lần này sẽ tác động mạnh lên nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Nếu “khui” được 500 dự án đắp mền đưa ra thị trường không chỉ giải quyết được nợ xấu cho DN, cho NH mà còn giúp cho nguồn cung được tạo lập phong phú hơn, giúp người mua có nhiều lựa chọn, giảm bớt lãng phí tiền của, kích thích lưu thông tiền tệ. “Cần tập trung xử lý những dự án đã sẵn tính thanh khoản, có thể giao dịch được ngay, không bị kê biên hoặc thi hành án theo quyết định của tòa án. Với các dự án còn lại nên phân nhóm để có những giải pháp phù hợp xử lý từng bước một, giúp giảm lãng phí của cả xã hội”, ông Chánh cho hay.
Đồng tình với quan điểm của ông Chánh, các chuyên gia cho rằng khi xử lý nợ xấu cần phân nhóm chứ không thể ra một cơ chế chung để áp dụng cho toàn bộ các dự án. Cụ thể, đối với các dự án đang là tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng nếu đủ các điều kiện như đang triển khai dở dang, đã được cơ quan nhà nước phê duyệt về quy hoạch, có quyết định giao đất, đã làm hạ tầng... thì có thể mang ra “xử lý” được ngay. Đối với những dự án chưa giải phóng xong mặt bằng có thể điều chỉnh lại quy hoạch, điều chỉnh lại ranh đất để thực hiện các bước tiếp theo. Ngược lại, NH cũng cần mạnh dạn “bơm” vốn để các dự án triển khai trở lại, tránh tình trạng “cố thủ” không dám cho vay như thời gian qua khiến những dự án có tiềm năng nhưng vẫn lâm vào cảnh “đắp mền” kéo dài.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khi vay vốn, DN thường thế chấp bằng các bất động sản "sạch" nên khi không có khả năng thanh toán đã trở thành nợ xấu. Tuy nhiên, do là đất sạch và thông thường khi thế chấp NH chỉ định giá bằng khoảng 60% giá trị bất động sản nên thực tế những món nợ này không xấu. Do vậy, việc khơi thông dòng chảy cho các dự án sẽ góp phần giải quyết được tình trạng nợ xấu, dòng tiền lớn sẽ vào thị trường. “Cục máu đông” này được rã sẽ tạo ra sản phẩm nhiều hơn, giảm đi hình ảnh các tòa nhà đắp chiếu và sự lãng phí của xã hội sẽ được giải phóng. Cũng theo ông Châu, theo quy định trước đây, dự án muốn được chuyển nhượng phải có sổ đỏ, đã làm xong hạ tầng, xây dựng xong móng... đã tạo nút thắt lớn, làm cho hàng trăm dự án bị ngưng triển khai, không thể tiếp tục thực hiện. Do đó cần rộng cửa cho việc chuyển nhượng dự án bất động sản như nội dung trong nghị quyết mới để khai thông thị trường mua bán, chuyển nhượng dự án. “Nếu xử lý tốt vấn đề này, dòng tiền lớn sẽ trở lại thị trường mà không cần dùng đến ngân sách nhà nước để “giải cứu”. Quốc hội đã ra nghị quyết xử lý nợ xấu, nhân cơ hội này Quốc hội cũng cần sớm sửa luật Kinh doanh bất động sản theo hướng coi việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động kinh doanh bình thường giữa các nhà đầu tư với nhau”, ông Châu kiến nghị.(Thanhnien)