Trung Quốc né tòa án quốc tế
Trợ thủ của bà Suu Kyi trở thành tổng thống Myanmar
Phi công sẽ bị buộc giám định tâm thần thường xuyên
Nga thêm khu trục hạm cho hạm đội Biển Đen
Tân Hoa Xã “đắc tội” với ông Tập Cận Bình
Tin thế giới đọc nhanh trưa 15-03-2016
- Cập nhật : 15/03/2016
3/4 dân Philippines lo ngại Trung Quốc
Báo The Standard (Philippines) ngày 13-3 đưa tin theo kết quả khảo sát của báo, 77% số người được hỏi cảm thấy lo ngại trước động thái triển khai tên lửa trên biển Đông của Trung Quốc.
Cuộc khảo sát được tiến hành ở 79 tỉnh của Philippines từ ngày 24-2 đến ngày 1-3 với hơn 3.000 người trưởng thành trả lời.
Tỉ lệ cao nhất tại thủ đô Manila với 82% cho biết họ cảm thấy rất lo ngại hoặc khá lo ngại trước hành động của Trung Quốc. Các khu vực như Nam Luzon, Bicol và Visayas cũng có tỉ lệ cao, lần lượt là 82%, 80% và 78%.
Trong khi đó, báo Inquirer (Philippines) đưa tin tại cuộc họp báo hôm 12-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh Philippines nhắc lại quan điểm về hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc trên biển Đông và yêu cầu Bắc Kinh không làm thêm bất cứ điều gì khiến tình hình thêm phức tạp.
Tuyên bố được đưa ra sau khi báo chí Trung Quốc ngày 11-3 loan tin trong năm nay Bắc Kinh có kế hoạch lập đường bay dân sự thường xuyên đến và đi từ đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Sinh viên Philippines phản đối Trung Quốc quân sự hóa biển Đông hồi cuối tháng 2 tại Manila. Ảnh: EPA
Mỹ cũng lên tiếng quan ngại về kế hoạch lập đường bay của Trung Quốc.
Bà Anna Richey-Allen, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, nhấn mạnh: Các chuyến bay của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm là không phù hợp với cam kết nỗ lực kiềm chế hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp.
Tại Nhật, tạp chí Nikkei Asian Review ngày 12-3 đưa tin theo kết quả khảo sát của chính phủ, có tới 83,2% số người được hỏi cho biết họ không có thiện cảm với Trung Quốc.
Đây là tỉ lệ cao nhất từ khi chính phủ Nhật tiến hành cuộc khảo sát đầu tiên vào năm 1978.
Khảo sát năm nay được tiến hành từ ngày 7 đến 17-1 dựa trên phỏng vấn trực tiếp 3.000 người Nhật trưởng thành. Theo cuộc khảo sát năm 2014, tỉ lệ không thích Trung Quốc là 83,1%. Tỉ lệ có thiện cảm với Trung Quốc vẫn giữ ở mức 14,8% kể từ năm 2014.
Theo Nikkei Asian Review, bất chấp quan hệ Nhật-Trung gần đây đã bắt đầu tan băng, hành động hung hăng của Bắc Kinh trên biển Đông đã lý giải phần nào kết quả khảo sát.
Khi được yêu cầu đánh giá về mối quan hệ Nhật-Trung, 9,5% cho rằng tốt hoặc khá tốt trong khi 85,7% đánh giá chẳng mấy tốt đẹp.
Ngược lại với Trung Quốc, 84,4% cho biết họ có thiện cảm với Mỹ. 64,7% cảm thấy không thích Hàn Quốc.
Nhật hỗ trợ Ấn Độ phát triển quần đảo chiến lược
Báo New York Times ngày 11-3 (giờ địa phương) đưa tin Ấn Độ và Nhật đang đàm phán xây dựng một nhà máy điện diesel công suất 15 megawatt trên đảo Nam Andaman.
Quần đảo Andaman và Nicobar được xem là tài sản địa-chính trị có giá trị cực cao đối với Ấn Độ, đặc biệt khi Ấn Độ đang tiến hành chính sách “Hành động phía Đông”. Quần đảo này là nơi đặt bộ tư lệnh liên quân chủng đầu tiên của Ấn Độ, là tiền đồn quan trọng của Ấn Độ và là địa điểm lý tưởng để theo dõi nhất cử nhất động của hải quân Trung Quốc.
Theo báo New York Times, với dự án hợp tác với Nhật xây nhà máy điện, Ấn Độ đang bỏ chính sách từ chối đầu tư nước ngoài vào các quần đảo nhạy cảm về chiến lược.
Dự án trên không có quy mô và giá trị lớn nhưng như ông Akio Isomata, viên chức phụ trách kinh tế tại Đại sứ quán Nhật ở New Delhi, khẳng định: “Chúng tôi luôn bắt đầu bằng các dự án nhỏ và sẽ tiếp tục bằng các dự án lớn hơn”.
Nhật đang trở thành một nguồn đầu tư nước ngoài đáng kể cho các sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ấn Độ. Đặc biệt Nhật đang hỗ trợ tài chính cho dự án xây dựng hành lang công nghiệp Delhi-Mumbai, một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Ấn Độ tiếp tục là nước nhận các khoản vay ODA của Nhật. Khoản ODA này tăng đều mỗi năm từ năm 2010. Ông Akio Isomata nói: “Chúng tôi muốn dùng ODA để tăng cường kết nối giữa Ấn Độ với các nước ASEAN và Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á”.
Từ năm 2012, hai nước đã tổ chức tập trận hải quân chung thường xuyên. Năm ngoái, Nhật đã trở thành thành viên tham gia cuộc tập trận chung Mỹ-Ấn (Malabar) trên vịnh Bengal. Ngoài ra Nhật cũng đang đàm phán bán tàu tuần tra biển cho Ấn Độ.
Từ bản tin của báo New York Times, có rất ít dấu hiệu cho thấy Ấn Độ và Nhật có thể hợp tác trong các dự án mang lại hiệu ứng quân sự tại quần đảo Andaman và Nicobar.
Ngoài Nhật, Mỹ cũng sắp đạt được thỏa thuận hợp tác với Ấn Độ về hậu cần quân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar sau hơn 10 năm thương thảo. Như vậy trong tương lai, tàu chiến Mỹ có thể cập cảng ở quần đảo này. Theo chuyên san The Diplomat, thỏa thuận này có thể được hoàn tất trong chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter vào tháng 4 tới.
Thuốc kháng sinh của Abbott bị cấm bán tại Ấn Độ
Một loại thuốc phối hợp kháng sinh của công ty dược phẩm khổng lồ Mỹ Abbott Laboratories bày bán tại thị trường Ấn Độ nằm trong số 344 thuốc phối hợp bị cấm bán tại nước này.
Theo Reuters ngày 13-3, một cuộc điều tra của Reuters cho thấy một chi nhánh Abbott tại Ấn Độ đã bán thuốc phối hợp giữa kháng sinh cefixime và azithromycin mà không có sự phê chuẩn của chính quyền Ấn Độ.
Loại thuốc phối hợp này cũng không được cho phép bán tại các thị trường thuốc lớn như Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Nhật.
Loại thuốc phối hợp kháng sinh của Abbott được bán tại Ấn Độ có tên gọi là Zimnic AZ. Ít nhất 15 công ty khác trong khâu phân phối và tiếp thị đã bán Zimnic AZ bằng các nhãn hiệu khác nhau.
Trong thông báo ban hành cuối tuần qua, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết một ủy ban do chính phủ chỉ định bao gồm các chuyên gia nhận định rằng "các loại thuốc phối hợp kháng sinh bị cấm đều có liên quan đến sự an nguy của con người và các lựa chọn an toàn hơn đều sẵn có trên thị trường".
Chính phủ cũng cho biết lệnh cấm 344 loại thuốc đang bày bán trên thị trường nước này có hiệu lực ngay lập tức.
Bên cạnh các thuốc phối hợp kháng sinh, danh sách cấm còn có thuốc giảm đau phối hợp chứa nimesulide và các loại thuốc có gốc codeine.
Phát ngôn viên Anand Kadkol của Abbott tại Ấn Độ cho biết công ty đang "xem xét thông báo của chính phủ".
Reuters cho biết thuốc phối hợp liều lượng (FDC) là sự kết hợp của 2 hay nhiều loại thuốc khác nhau vào chung 1 viên thuốc.
Tại Ấn Độ nhiều công ty dược phẩm có giấy phép sản xuất FDC do chính quyền bang cấp cho như giấy phép sản xuất Zimnic AZ của Abbott và bán các loại thuốc FDC khắp cả nước mà không xin phép chính quyền trung ương.
Nga - châu Âu bắt đầu tìm kiếm sự sống sao Hỏa
16g31 chiều 14-3, từ bãi phóng Baikonur, Kazakhstan, tên lửa Proton-M của Nga phóng hai thiết bị thăm dò tự động lên sao Hỏa, đánh dấu giai đoạn một của sứ mệnh ExoMars hợp tác giữa Nga và châu Âu.
Theo hãng thông tấn TASS, nhiệm vụ lần này của ExoMars là đưa vệ tinh thăm dò khí quyển Trace Gas Orbiter (TGO) và thiết bị thăm dò mặt đất Schiaparelli EDM Lander đến sao Hỏa. Theo kế hoạch, chúng sẽ có mặt tại hành tinh đỏ sau chuyến hành trình dài 7 tháng.
Schiaparelli sẽ tách khỏi TGO vào ngày 16-10-2016 và đáp xuống bề mặt sao Hỏa sau ba ngày.
Riêng TGO sẽ mất một thời gian để đi vào quỹ đạo sao Hỏa và bắt đầu hoạt động thăm dò khí quyển từ giữa năm 2017. Nó sẽ hoạt động liên tục đến cuối năm 2022.
Viện sĩ Viện Nghiên cứu vũ trụ Nga Danyil Rodionov cho biết ExoMars là sứ mệnh đầu tiên tập trung vào việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa thay vì sự hiện diện của nước như các nhiệm vụ trước đây. Cụ thể hơn, TGO sẽ tìm kiếm dấu vết khí metan trong bầu khí quyển sao Hỏa.
“Trên trái đất, sự hiện diện của một lượng lớn khí metan trong khí quyển là dấu hiệu tồn tại của sự sống. Trên sao Hỏa tình huống có thể phức tạp hơn, metan có thể xuất phát từ hoạt động núi lửa hoặc có nguồn gốc sinh học”, ông Rodionov giải thích.
Hiện con người chưa phát hiện được dấu hiệu sự sống trên hành tinh đỏ, tuy nhiên cũng không phát hiện ra hoạt động núi lửa nào. Trong điều kiện này khí metan đáng lẽ không tồn tại, tuy nhiên các thiết bị của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) từng phát hiện dấu tích của loại khí này trong khí quyển sao Hỏa.
Điều kỳ lạ là các nhà khoa học chỉ ghi nhận sự hiện diện của metan trong một thời gian ngắn trước khi nó biến mất, trong khi thời gian tồn tại của metan lên đến 300-600 năm. Chưa ai giải thích được hiện tượng này và cũng chính vì thế các nhà nghiên cứu không dám chắc metan có tồn tại trên sao Hỏa hay không.
Thiết bị TGO của sứ mệnh ExoMars được thiết kế đặc biệt để tìm hiểu vấn đề này. Riêng Schiaparelli (nặng 600kg), nhiệm vụ chính của nó là thử nghiệm kỹ thuật tiếp đất cho một thiết bị thăm dò mặt đất lớn hơn (1,8 tấn) sẽ được phóng lên sao Hỏa vào năm 2018. Nó chỉ được trang một một số dụng cụ đo lường thời tiết, không khí và pin đủ hoạt động trong 2-5 ngày.
Nhiều người Việt ở Mỹ nói 'không' với tỉ phú Donald Trump
Người dân Mỹ biểu tình phản đối ứng viên Donald Trump tại Cincinnati, bang Ohio ngày 13.3.2016 - Ảnh: Reuters