Trung Quốc lo sợ sẽ bị lép vế và không kịp trở tay trong trường hợp xảy ra xung đột với Mỹ nếu đối phương triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 27-02-2016
- Cập nhật : 27/02/2016
Ông chủ Facebook thuê dàn vệ sĩ hùng hậu sau lời dọa giết của IS
Theo Daily Mail, tỉ phú Zuckerberg cùng vợ Priscilla hiện đang ở Đức trong hai ngày để tham gia cuộc thảo luận về cách đối phó với trào lưu bài trừ và thù ghét người tị nạn tại nước này trên Internet.
Bất chấp lời đe dọa từ nhóm khủng bố cực đoan, tỉ phú Zuckerberg vẫn chạy bộ trên đường phố Berlin nhưng không quên “đem theo” ít nhất là năm vệ sĩ để “che chắn” tứ bề.
Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg chạy bộ cùng năm vệ sĩ cao to, lực lưỡng trên đường phố Berlin, Đức bất cấp lời dọa giết từ IS (Nguồn: Daily Mail)
Hiện tại, căn nhà trị giá 7 triệu USD của vợ chồng Zuckerberg ở Palo Alto, California, Mỹ cũng được đảm bảo an ninh dưới sự hoạt động của dàn vệ sĩ tối thiểu 16 người.
Hồi đầu tuần này, IS tung ra đoạn video dài 25 phút mang tên Flames Of The Supporters (tạm dịch là Ngọn lửa của những người ủng hộ), trong đó có hình ảnh nhà lãnh đạo Facebook và Twitter bị găm hàng loạt viên đạn vào mặt.
Trong video, nhóm khủng bố tuyên bố rằng họ hiện kiểm soát hơn 10.000 tài khoản Facebook, 150 nhóm Facebook và 5.000 tài khoản Twitter, đồng thời cảnh báo sẽ trả đũa nếu bất kỳ tài khoản nào trong số đó bị xóa sổ.
Sau đó đoạn video chạy tiếp dòng chữ đe dọa: "Đóng một tài khoản, bọn ta sẽ lấy lại 10 và sớm muộn thì tên các người cũng sẽ bị xóa sổ".
Các vệ sĩ này theo sát Mark suốt cả buổi chạy (Nguồn: Daily Mail)
Cặp vợ chồng Zuckerberg được cho là đã nâng cấp mức độ kiểm soát an ninh tại nhà mình sau những lời đe doạ, theo Page Six.
Đôi vợ chồng vừa hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng cách đây vài tháng, đồng thời tuyên bố sẽ làm từ thiện 99% số tài sản của mình.
Hàn Quốc cấm tàu của nước thứ 3 cập cảng nếu ghé Triều Tiên
Tin tặc Myanmar tấn công chính phủ Thái Lan để trả thù
Nhóm tin tặc Blink Hacker Group (BHG - Tia chớp) trong một bài viết đăng trên Facebook và trong một cuộc phỏng vấn e-mail cho biết rằng hoạt động tấn công của họ là nhằm trả đũa việc Thái Lan tuyên hai công dân Myanmar án tử hình vì tội giết hai du khách Anh vào cuối năm 2015.
Nhóm này cho biết họ cũng cho đăng tải lên mạng các dữ liệu từ nhà tù Thái Lan, nơi giam giữ hai công dân trên và Bộ Tư pháp nước này.
Nhóm Tia chớp nói rằng bất kỳ tư liệu nào họ thu được từ chính quyền Bangkok cũng "nên được công bố". Cảnh sát Thái Lan cho biết họ vẫn chưa xác định ai đứng sau các cuộc tấn công.
Nhóm Blink Hacker Group tuyên bố đã tấn công các trang mạng của chính phủ Thái Lan. (Ảnh: The Nationmultimedia)
Dechnarong Suthicharnbancha, phát ngôn viên cảnh sát hoàng gia Thái Lan, cho biết các cuộc tấn công không gây nhiều ảnh hưởng đến các trang mạng của cảnh sát. "Đây chỉ là một mối phiền toái. Các trang mạng của chúng tôi vẫn hoạt động mà không có vấn đề gì".
Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu nhận định vụ việc đánh dấu sự leo thang trong các cuộc tấn công mạng kể từ khi Myanmar mở cửa chào đón các nguồn đầu tư nước ngoài.
Blink Hacker Group cho biết cuộc tấn công nhắm đến các trang mạng truyền thông độc lập "bởi chúng tôi tin rằng phương tiện truyền thông không nên được sử dụng như một công cụ tuyên truyền".
Đây không phải là lần đầu tiên nhóm tin tặc Tia chớp tấn công các trang mạng của chính phủ Thái Lan. Vào ngày 13-1-2016, 294 trang mạng của chính phủ và tòa án Thái Lan đã bị tin tặc đánh sập. Nhóm Tia chớp đã thừa nhận tiến hành vụ việc.
Nghị viện châu Âu đề nghị cấm vận vũ khí Saudi Arabia
Nghị viện châu Âu vừa đề nghị Liên minh châu Âu áp lệnh cấm vận vũ khí với Saudi Arabia vì cho rằng nước này đã tấn công nhiều dân thường tại Yemen.
Một cậu bé hô vang khẩu hiệu khi cầm khẩu súng giơ lên trong cuộc tuần hành phản đối Mỹ hỗ trợ chiến dịch không kích của Saudi Arabia tại thủ đô Sanaa của Yemen - Ảnh: Reuters
Theo Reuters, ngày 25-2, các nghị sỹ trong Nghị viện châu Âu (EP) đã ủng hộ với đa số phiếu về đề nghị cấm bán vũ khí cho Saudi Arabia.
EP cho rằng các nước như Anh, Pháp và một số nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) không nên bán vũ khí cho Saudi Arabia nữa sau những cáo buộc cho rằng quốc gia Trung Đông đã tấn công dân thường tại Yemen.
Theo các nghị sỹ EU, Anh đã cấp phép những hợp đồng bán vũ khí trị giá hơn 3 tỉ USD cho Saudi Arabia kể từ khi lực lượng do Saudi Arabia chỉ huy bắt đầu chiến dịch quân sự tại Yemen vào tháng 3 năm ngoái.
Anh và Pháp là những nhà cung cấp vũ khí chính của châu Âu cho Saudi Arabia. Cùng với đó, trong sáu tháng đầu năm 2015, Đức cũng đã cấp phép xuất khẩu vũ khí trị giá gần 200 triệu USD cho vương quốc Hồi giáo Sunni này.
Yemen đã trở thành một trong những nơi xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Liên hợp quốc cho biết nạn đói đã bao trùm lên hơn một nửa dân số nước này, tương đương 14,4 triệu dân.
Trung Quốc bỏ mặc Triều Tiên "chịu trận" trừng phạt?
Mỹ, được sự ủng hộ của Trung Quốc, hôm 25-2 đệ trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), yêu cầu áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân ngày 6-1 và phóng tên lửa ngày 7-2 vừa qua.
Đây là lần đầu tiên Mỹ đề nghị các thành viên của LHQ kiểm tra tất cả hàng hóa xuất – nhập khẩu từ Triều Tiên, một trong những nội dung chính của dự thảo nghị quyết nói trên. “Lần đầu tiên trong lịch sử, tất cả hàng hóa xuất – nhập khẩu từ Triều Tiên sẽ bị kiểm tra bắt buộc” – Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Samantha Power, tuyên bố.
Không những vậy, tàu Triều Tiên bị nghi chở hàng hóa bất hợp pháp từ các cảng trên toàn thế giới cũng bị cấm lưu thông và Mỹ yêu cầu mở rộng lệnh cấm vận vũ khí đối với Triều Tiên bao gồm các nguồn cung cấp vũ khí nhỏ.
Riêng Washington sẽ áp đặt lệnh cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu than đá, sắt, vàng, titan và khoáng sản đất hiếm và cấm cung cấp nhiên liệu hàng không bao gồm nhiên liệu sử dụng cho rốc-két.
Cũng theo bà Power, dự thảo sẽ là lệnh trừng phạt tổng hợp mạnh tay nhất do Hội đồng Bảo an áp đặt đối với Triều Tiên trong 20 năm trở lại đây nếu được thông qua. Một cuộc bỏ phiếu dự kiến tổ chức vào cuối tuần này sẽ quyết định các biện pháp trừng phạt cụ thể được áp dụng.
Hai vụ thử hạt nhân ngày 6-1 và phóng tên lửa ngày 7-2 của Bình Nhưỡng bị Mỹ và phương Tây cho là vi phạm trắng trợn nghị quyết của LHQ, trong đó cấm Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Trung Quốc cũng lên án hành động của nước láng giềng và trước đó miễn cưỡng ủng hộ lệnh trừng phạt do Mỹ đề xuất.
Bà Power cũng nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt sẽ gửi một thông điệp rõ ràng và kiên quyết đến Triều Tiên, rằng thế giới không chấp nhận việc nước này tăng cường khả năng hạt nhân và sẽ lãnh hậu quả về những hành động đó.
Dự thảo được Mỹ đề xuất sau khi diễn ra cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại thủ đô Washington trong tuần này. Hai nhà ngoại giao cấp cao đã thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm cả hạt nhân Triều Tiên.