Giữa bối cảnh Trung Quốc gần như sẵn sàng cho một hệ thống quân sự để kiểm soát toàn bộ Biển Đông, có chuyên gia cho rằng cần hình thành liên kết diện rộng trong khu vực.
Tin thế giới đọc nhanh 28-02-2016
- Cập nhật : 28/02/2016
'Mỹ không thừa nhận nếu Trung Quốc lập ADIZ trái phép ở biển Đông'
"Tôi quan ngại bởi động thái (lập ADIZ) gây bất ổn và khiêu khích. Chúng tôi sẽ không chấp nhận nó giống như chúng tôi đã không chấp nhận ADIZ mà Trung Quốc lập ở biển Hoa Đông. Ngoại trưởng Kerry đã yêu cầu Trung Quốc không tuyên bố ADIZ trên biển Đông" - ông Harris phát biểu trong một cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc hôm 25-2 (giờ địa phương).
Bình luận về động thái triển khai tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu gần đây của Trung Quốc đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ông Harris nói: "Tôi cho rằng Trung Quốc đang quân sự hóa biển Đông".
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ - Đô đốc Harry Harris trong cuộc họp báo hôm 25-2. (Ảnh: USNI)
"Khi họ đặt các hệ thống tên lửa tiên tiến trên quần đảo Hoàng Sa và khi họ xây dựng ba đường băng dài 10.000 foot (hơn 3 km) ở quần đảo Trường Sa, họ đang thay đổi hiện trạng ở biển Đông" - theo ông Harris.
Đằng sau các yêu sách lãnh thổ vô lý, hành động quân sự hóa và những lời biện bạch từ Bắc Kinh, nhiều lo ngại nảy sinh rằng Trung Quốc có thể sẽ tuyên bố ADIZ trên biển Đông.
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ này và kêu gọi các nước phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn. Theo giáo sư chính trị tại đại học hàng đầu Philippines De La Sall - ông Richard Javad Heydarian, Trung Quốc có thể sẽ dần tiến tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông hòng độc chiếm vùng biển này.
Mỹ hối thúc ông Tập Cận Bình giữ lời về biển Đông
Nhà Trắng ngày 26-2 hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa ra phạm vi toàn bộ biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) trong một cuộc gặp hồi năm 2014. Ảnh: AP
Reuters cho biết Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, ông Dan Kritenbrink, đưa ra lời kêu gọi trên sau một tuần Washington và Bắc Kinh đối đầu vì Trung Quốc ngang ngược triển khai tên lửa, máy bay chiến đấu và radar trên các đảo tại vùng biển chiến lược này.
“Chúng tôi cho rằng sẽ là điều đúng đắn nếu ông (Tập Cận Bình) thực hiện mở rộng cam kết phi quân sự hóa ra rộng khắp biển Đông. Chúng tôi sẽ khuyến khích Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực không có những bước đi gây gia tăng căng thẳng" – Ông Kritenbrink nói trong cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington.
Vị cố vấn còn nhấn mạnh rằng Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết củaTòa án Trọng tài Thường trực ở La Haye dự kiến đưa ra ra vào cuối năm nay liên quan tới vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở biển Đông.
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ hồi tháng 9-2015, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết không quân sự hóa quần đảo Trường Sa (của Việt Nam). Tuy nhiên, giới chức Mỹ khẳng định từ đó tới nay họ đã nhận thấy các ý đồ quân sự trong hoạt động, Bắc Kinh cố tình xây dựng trái phép các đường băng và bố trí hệ thống radar tại khu vực này.
Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, hồi đầu tuần này nhận định Trung Quốc đang thay đổi hiện trạngbiển Đông bằng việc triển khai tên lửa và radar tới đảo nhân tạo trái phép nhằm một mục tiêu xa hơn: Thống trị khu vực Đông Á. Đô đốc Harris cũng cho biết các tên lửa chống hạm DF-21 và DF-26 của Trung Quốc có khả năng đe dọa tàu sân bay Mỹ nhưng Washington sẽ chủ động phản ứng nếu gặp nguy hiểm.
Bắc Kinh chiêu dụ nhân tài từ Hong Kong, Macau bằng hộ khẩu
Thủ đô Trung Quốc đang muốn thu hút nhân tài từ Hong Kong và Macau bằng việc áp dụng chính sách ưu tiên về hộ khẩu với họ.
Kể từ 1-3 Bắc Kinh sẽ triển khai thí điểm chính sách ưu đãi về hộ khẩu để thu hút nhân tài từ Hong Kong và Macau - Ảnh: Bloomberg
Theo Ejinsight, kể từ 1-3, chính quyền thành phố Bắc Kinh sẽ cho phép mọi trí thức có trình độ cao từ hai đặc khu hành chính Hong Kong và Macau được phép nộp đơn đăng ký hộ khẩu tại thành phố.
Với hộ khẩu chính thức tại đây, họ sẽ có quyền tiếp cận với đầy đủ các dịch vụ công và phúc lợi xã hội tại Bắc Kinh.
Khu công nghệ cao Z-Park (Zhongguancun Science and Technology Park) sẽ là nơi đầu tiên thực hiện thí điểm chính sách ưu đãi hộ khẩu này.
Những người có vị trí quan trọng tại khu công nghệ cao thậm chí còn có thể nộp đơn xin đăng ký hộ khẩu cho những người giúp việc là người nước ngoài của họ.
Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ triển khai 20 chính sách thử nghiệm liên quan tới nhập cư, bên cạnh việc nới lỏng chính sách hộ khẩu.
Theo những chính sách này, các hạn chế hiện tại trong quy định về hộ khẩu tại Trung Quốc sẽ được nới lỏng với bốn nhóm đối tượng. Trong đó bao gồm các chuyên gia cao cấp người nước ngoài đang làm việc hoặc đang phát triển doanh nghiệp của họ tại khu Zhongguancun; những người nước ngoài gốc Trung Quốc; các thành viên người nước ngoài trong các nhóm doanh nhân và các sinh viên tài năng người nước ngoài.
Mặc dù kể từ năm 2003, Bắc Kinh đã cấp giấy phép cư trú cho các trí thức tài năng từ Hong Kong và Macau tới, nhưng loại giấy phép này phải gia hạn hai năm một lần và không tương đương với hộ khẩu.
Với chính sách mới từ 1-3, những người được chính quyền Bắc Kinh xếp vào diện nhân tài có thể nộp đơn đăng ký hộ khẩu lên Cục công an thành phố Bắc Kinh. Trong vòng 50 ngày, thay vì 180 ngày như trước, họ sẽ nhận được hộ khẩu từ cơ quan chức năng.
Mặc dù chính sách mới có vẻ hấp dẫn với các gia đình, tuy nhiên theo một số chuyên gia cố vấn chính sách nhập cư, hiệu quả thực tiễn của nó sẽ còn phải xem xét vì nhiều người vẫn lo ngại về hệ thống chính trị của Trung Quốc, vấn đề an toàn thực phẩm, ô nhiễm không khí và nhiều nỗi lo khác.
Một thành viên của tổ chức Frontline Tech Workers cho rằng, chính sách ưu đãi về hộ khẩu không phải là động lực quá lớn với các nhân tài Hong Kong vì việc đi lại giữa Hong Kong - Bắc Kinh hiện nay rất thuận tiện.
Hàn Quốc tính rải truyền đơn chống Triều Tiên
Các nhà hoạt động Hàn Quốc chuẩn bị các khinh khí cầu chứa truyền đơn để rải sang Triều Tiên. Ảnh: AFP
Yonhap ngày 26/2 dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết các công tác chuẩn bị cho việc rải truyền đơn sang biên giới Triều Tiên như chuẩn bị nội dung, in ấn, lựa chọn phương tiện kĩ thuật đã hoàn thành. Chiến dịch sẽ được bắt đầu vào đầu tháng ba khi gió bắt đầu thổi về hướng Bắc.
"Đây chỉ là một trong những động thái đáp trả cứng rắn của chúng tôi đối với các hành động mang tính khiêu khích từ phía Triều Tiên gần đây", một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc khẳng định.
Năm 2004, trong một nỗ lực hòa giải, Hàn Quốc và Triều Tiên đã đạt được đồng thuận ngừng các hoạt động chiến tranh tâm lý, trong đó việc rải truyền đơn tại biên giới hai nước.
Đây là lần đầu tiên trong 12 năm quân đội Hàn Quốc quyết định nối lại hoạt động mà họ đánh giá mang tính thù địch cao này. Trong năm 2015, các hoạt động tuyên truyền của Hàn Quốc chỉ dừng lại ở việc lắp các loa phóng thanh dọc biên giới.
Ngoài chiến dịch sắp diễn ra, nhiều người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc và các nhà hoạt động trong nhiều năm qua vẫn thường xuyên thả truyền đơn chống Triều Tiên bằng các quả khinh khí cầu qua biên giới.
Sau các vụ thử hạt nhân và phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng đầu năm 2016, quan hệ hai nước được đánh giá đứng trước nguy cơ xung đột chưa từng có. Ngày 23/2, Triều Tiên đe dọa sẽ tấn công phủ đầu nhằm vào phủ tống thống Hàn Quốc và các cơ sở quân sự của Mỹ ở châu Á Thái Bình Dương. Đáp lại Seoul tuyên bố sẽ khiến Bình Nhưỡng phải ân hận sâu sắc.
Vũ khí mới Triều Tiên đánh địch 'không còn mảnh giáp’?
Truyền thông Triều Tiên cho biết lãnh đạo nước này Kim Jong-un đã giám sát các cuộc thử nghiệm tên lửa dẫn đường bằng laser di động và tuyên bố nó có "tầm bắn dài nhất thế giới" và "chính xác như súng trường của một tay bắn tỉa".
"Ông ấy (Kim Jong-un) rất hài lòng nói rằng ngay cả các xe tăng bọc thép đặc biệt và các xe có tính cơ động cao cũng sẽ tan nát không còn mảnh giáp trước vũ khí chống tăng mới" - KCNA đưa tin.
Hình ảnh ông Kim Jong-un giám sát tại một địa điểm giấu tên được KCNA công bố hôm 21-2-2016. (Ảnh: AFP)
Ông Kim kêu gọi sản xuất loại vũ khí mới này với số lượng hàng loạt trong thời gian sớm nhất và cho triển khai chúng đến các đơn vị tiền tuyến cùng các đơn vị phòng thủ bờ biển của Triều Tiên.
Với dân số 25 triệu, Triều Tiên hiện có khoảng 1,2 triệu binh sĩ hoạt động, gấp đôi số lượng binh sĩ thuộc các lực lượng vũ trang Hàn Quốc mặc dù dân số Hàn Quốc lại gấp đôi Triều Tiên.
Hiện Mỹ và các nước đang đưa ra các biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên theo sau vụ thử hạt nhân hồi đầu tháng 1-2016 và vụ phóng tên lửa tầm xa của Bình Nhưỡng mới đây.