Mỹ cảnh báo TQ không nên đi ngược phán quyết vụ kiện Biển Đông
Hàn Quốc họp khẩn vì Triều Tiên phóng tên lửa tầm trung
Trung Quốc dọa rút khỏi UNCLOS nếu thua vụ kiện biển Đông
Sét đánh chết cả trăm người Ấn Độ chỉ trong 1 ngày
Nổ kho vũ khí gần thủ đô Libya, 29 người chết
Tin thế giới đọc nhanh trưa 28-02-2016
- Cập nhật : 28/02/2016
Mỹ yêu cầu TQ cam kết không quân sự hóa toàn biển Đông
Ngày 27-2, chính phủ Mỹ lên tiếng yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết không quân sự hóa trên toàn biển Đông.
Theo AFP, ông Daniel Kritenbrink, giám đốc các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, tuyên bố ông Tập cần phải mở rộng cam kết không quân sự hóa trên phạm vi toàn biển Đông. Khi đến thăm Mỹ hồi tháng 9-2015, ông Tập khẳng định Trung Quốc “không có ý định theo đuổi quân sự hóa” trên biển Đông.
Sau khi quân đội Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, các quan chức Bắc Kinh giải thích rằng cam kết của ông Tập chỉ có hiệu lực ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam (dù Trung Quốc đang lắp đặt các trạm radar quân sự tại bốn đảo nhân tạo tái phép).
Ông Kritenbrink cho biết Mỹ sẽ tìm cách thúc ép Trung Quốc kiềm chế, không thực hiện các hành vi làm leo thang căng thẳng trên biển Đông.
“Đây là tuyến hàng hải vô cùng quan trọng, nơi phần lớn thương mại quốc tế đi qua. Chúng tôi rất lo ngại với việc Trung Quốc thực hiện hàng loạt động thái đơn phương trong vài năm qua, gây bất ổn và làm leo thang căng thẳng trong khu vực” - ông Kritenbrink nhấn mạnh.
Ông Kritenbrink cũng yêu cầu Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực (PCA) tại The Hague (Hà Lan) về vụ kiện của Philippines để phản đối các đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh trên biển Đông. Ông mô tả phán quyết của PCA sẽ đánh dấu một tiến trình cho phép các nước dùng các công cụ pháp lý để giải quyết tranh chấp.
Trong khi đó, đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, tiếp tục tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc. Mới đây ông cảnh báo Trung Quốc có ý đồ lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trái phép trên biển Đông.
“Đó sẽ là hành vi gây hấn và gây bất ổn. Mỹ sẽ phớt lờ ADIZ Trung Quốc lập trên biển Đông, giống như cách chúng tôi phớt lờ ADIZ nước này lập ở biển Hoa Đông” - đô đốc Harris nhấn mạnh.
Trước đó đô đốc Harris lên án Trung Quốc quân sự hóa biển Đông và “chỉ những người nghĩ rằng trái đất hình phẳng mới không tin vào điều này”
Trung Quốc thông qua luật mới về thăm dò đáy biển
Thuỷ thủ Trung Quốc trên tàu ngầm, trong cuộc tập trận chung với Nga ở biển Hoàng Hải hôm 26/2/2012. Ảnh: Reuters
Luật được thông qua hôm qua, sau phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc), do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký.
Luật mới sẽ "bảo vệ lợi ích hợp pháp của các công dân và tổ chức Trung Quốc khi họ tìm nguồn lợi và khảo sát vùng biển nước sâu", hãng thông tấn Xinhua đưa tin sau khi cơ quan lập pháp hàng đầu nước này thông qua luật.
"Việc khai thác và phát triển cần mang tính hoà bình và hợp tác, ngoài việc bảo vệ môi trường hàng hải và bảo vệ lợi ích chung của nhân loại", hãng viết.
Người dân và các tổ chức Trung Quốc sẽ phải tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, trong đó Trung Quốc là một bên ký kết, Sun Shuxian, Phó giám đốc Cục Hải dương Quốc gia, cho biết trong cuộc họp báo.
Hiện chưa rõ bộ luật có hiệu lực từ ngày 1/5 và công ước sẽ tác động đến nhau thế nào.
"Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội nhanh chóng của Trung Quốc, việc người Trung Quốc hướng ra biển sâu là điều không tránh khỏi", Di Yong, một quan chức soạn luật, nói tại họp báo.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang cải cách quân đội, đầu tư vào tàu ngầm và tàu sân bay, khi hải quân nước này trở nên cứng rắn hơn trong tranh chấp biển ở Hoa Đông và Biển Đông. Nước này cũng đang tích cực hoạt động thăm dò biển sâu, với thiết bị tàu lặn Jiaolong đạt được các kỷ lục lặn sâu.
Lộ hình ảnh "pháo đài bay" tàng hình mới thay thế B-52 của Mỹ
Không quân Mỹ ngày 26-2 công bố hình ảnh đầu tiên của máy bay ném bom thế hệ mới sẽ thay thế máy bay B-52, phiên bản vốn lần đầu được phát triển trong chiến tranh lạnh.
Pháo đài bay mới này mang màu đen toàn bộ với hình dạng đặc biệt và những tính năng tối tân giúp nó có thể “vô hình” trước radar, đồng thời còn sở hữu khả năng chịu đựng hơn so với người anh em B-2 cũng do hãng Northrop Grumman phát triển.
Hiện phiên bản máy bay ném bom tàng hình thế hệ mới này vẫn chưa được sản xuất, thế nên tại Hội thảo về Không chiến của Hiệp hội Không quân Mỹ, Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah Lee James đã giới thiệu phiên bản mới này bằng hình ảnh.
Bà James cho biết loại máy bay mới này, trước đó từng được biết đến với cái tên Máy bay Ném bom Tấn công Tầm xa, sẽ được gọi là B-21 cho tới khi có một cái tên mới.
“Loại máy bay này sẽ là tương lai của Không quân chúng tôi và “tiếng nói” của chúng rất quan trọng cho tiến trình này” – bà James nhấn mạnh.
Hồi tháng 10-2015, Lầu Năm Góc đã công bố hãng Northrop Grumman thắng gói thầu sản xuất loại máy bay này trong chương trình kéo dài nhiều thập kỷ với chi phí có thể vượt quá 100 tỉ USD. Lực lượng Không quân Mỹ muốn có 100 chiếc chiến đấu cơ phiên bản mới này để thay thế những chiếc B-52 giá nua và những chiếc B-1 đã hoạt động từ những năm 1980.
Thảm họa an ninh quốc gia Mỹ tiềm ẩn ở Aleppo
Trước khi thỏa thuận ngừng bắn một phần có hiệu lực, quân đội Syria dưới sự yểm trợ của không quân Nga đã mở chiến dịch tấn công lớn hình thành thế trận bao vây Aleppo, thành phố lớn thứ hai Syria. Giới quan sát đánh giá đây có thể là diễn biến mang tính bước ngoặt, không những ảnh hưởng tới cục diện chiến sự Syria mà còn mang đến những tác động to lớn đối với an ninh quốc gia Mỹ, theo Fox News.
Theo bà Jennifer Cafarella, chuyên gia phân tích tình hình Syria thuộc Viện nghiên cứu Chiến tranh của Mỹ, nếu Washington không triển khai các biện pháp ngăn chặn quân đội Syria áp sát và cô lập Aleppo, có khả năng quân nổi dậy bị vây hãm trong thành phố này sẽ trở mặt, quay lại tấn công các lợi ích của Mỹ, tạo ra mối hiểm họa an ninh nghiêm trọng.
Các nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn bên trong Aleppo là một phần của phe đối lập Syria, tương đối tách biệt với các lực lượng Hồi giáo cực đoan trong khu vực. Tuy nhiên, họ hiện không ngăn chặn được việc hình thành thế bao vây Aleppo và dường như cũng sẽ không thể trụ được lâu dài.
Bà Cafarella cho rằng nếu Aleppo thất thủ, những người sống sót của phe nổi dậy sẽ quy về dưới trướng của Mặt trận al-Nusra, nhóm phiến quân thân al-Qeada ở Syria, hoặc các nhóm theo đường lối cứng rắn khác để giúp họ trụ vững khi không được ai giúp đỡ, Cafarella nhận xét.
Theo bà, nếu Mỹ vẫn tiếp tục không hành động gì trong bối cảnh Nga và quân chính phủ Syria siết chặt gọng kìm quanh thành phố Aleppo, họ sẽ đánh mất niềm hy vọng lớn nhất về một phe đối lập phi cực đoan mà nước này có thể hợp tác.
Bên cạnh đó, chính sách ngoại giao thụ động đang khiến Mỹ trở nên yếu thế trước Nga, phải mong chờ Moscow đồng ý về một lệnh ngừng bắn ở Syria trong khi chưa hiểu thấu đáo mục đích thực sự của đối phương, Cafarella nhận xét. Khủng hoảng chính sách mà Mỹ đang đối mặt một phần cũng xuất phát từ chiến lược can thiệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Syria.
Nga tuyên bố không kích nhắm vào các "nhóm khủng bố" ở Syria, nhưng Moscow và Washington lại chưa thống nhất được định nghĩa về các tổ chức khủng bố này. Chính vì thế, những cuộc oanh kích của Nga ngoài việc khiến phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) và al-Nusra suy yếu còn được cho là đang nhắm vào cả các phe nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn tại thành phố Aleppo, tạo điều kiện để lực lượng thân chính phủ Syria tung đòn đánh quyết định cuộc chiến.
Giới phân tích cho rằng việc các nhóm nổi dậy ở Aleppo thất thủ sẽ là một thảm họa chiến lược đối với Mỹ. An ninh quốc gia Mỹ phụ thuộc rất lớn vào việc tiêu diệt IS và al-Qaeda, trong khi các nhóm đối lập ở Aleppo lại là lực lượng chống IS mạnh mẽ nhất trên lãnh thổ Syria. Họ đã chiến đấu với IS từ đầu năm 2014 với mục tiêu giống của Mỹ là diệt trừ tận gốc các tay súng cực đoan.Thế nhưng, các nhóm này nhất quyết không từ bỏ mục tiêu lật đổ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad để dồn trọng tâm sang đánh IS, điều mà Mỹ từng yêu cầu họ thực hiện để đổi lấy viện trợ. Đây là lý do chính khiến các chương trình hợp tác với phe nổi dậy của Mỹ thất bại trong quá khứ.
Khi phải đối mặt với một loạt mối đe dọa như việc sắp bị quân đội ông Assad tiêu diệt, áp lực tấn công từ IS cộng với sự thờ ơ của Mỹ, các nhóm nổi dậy ở Aleppo trong cơn tuyệt vọng sẽ có xu hướng tìm đến với Mặt trận al-Nusra hay những nhóm cực đoan khác để đảm bảo sự tồn tại của mình.
Mặt trận al-Nusra là một nhóm mạnh ở bắc Syria. Nhóm phiến quân thân al-Qaeda này đã gần như thiết lập xong một căn cứ vững chắc ở tỉnh Idlib. Aleppo rất có thể sẽ trở thành căn cứ địa thứ hai của al-Nusra ở Syria, nếu Mỹ không có biện pháp can thiệp hiệu quả, bà Cafarella nhận định.
Để cứu vãn tình hình ở Aleppo, chuyên gia này cho rằng Mỹ cần triển khai hành động theo ba bước, bao gồm ngay lập tức hỗ trợ các nhóm đối lập ở Aleppo, cung cấp viện trợ nhân đạo đường không và tạo dựng một vùng an toàn dọc biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Ít nhất điều này sẽ giúp tổng thống Mỹ kế nhiệm có thêm lựa chọn và nhận ra các lợi ích an ninh sống còn của nước này ở Syria để thực thi những quyết sách phù hợp, Caferella nhấn mạnh.
Trung Quốc ngang ngược cáo buộc Philippines khiêu khích ở biển Đông
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cáo buộc Philippines “khiêu khích chính trị” và phản ứng với sách trắng quốc phòng của Úc vì trong đó chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng khu vực.
Theo Philstar, ngày 25-2, phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ ở tại Washington D.C, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị lên tiếng cáo buộc Philippines đã “kích động chính trị” khi nộp đơn lên tòa trọng tài quốc tế tại The Hague đòi giải quyết vấn đề chủ quyền trên Biển Đông.
Ông Vương Nghị "lớn tiếng" cho rằng, làm như vậy, các nhà lãnh đạo Philippines đã “vô trách nhiệm với nhân dân Philippines và tương lai của Philippines”.
Ông Vương còn nói với động thái này, Philippines đã đóng sập lại cánh cửa đàm phán với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp của họ và đã cố tình đệ đơn lên tòa trọng tài quốc tế mà không có sự đồng ý của Trung Quốc.
Cuộc nói chuyện của ông Vương Nghị tại CSIS diễn ra trong khuôn khổ chuyến công du diễn ra tuần này tại Washington của ông Vương nhằm đối thoại với người đồng cấp John Kerry của Mỹ về biển Đông.
Cũng trong tuần này đô đốc Harry Harris, tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ thông báo trước Quốc hội, chỉ trong gần hai năm Trung Quốc đã bồi đắp hơn 1.210 ha đảo nhân tạo trên Biển Đông. Trong khi đó tất cả các quốc gia khác cùng có chủ quyền trên biển Đông chỉ bồi đắp thêm khoảng 115 ha trong hơn 45 năm.
Trong một diễn biến liên quan, sau khi chính phủ Úc công bố sách trắng quốc phòng, trong đó chỉ trích Trung Quốc vì các động thái làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông, Trung Quốc đã lên tiếng đáp trả, cáo buộc Úc đã cùng với các đồng minh của nước này và Mỹ thực thi “tinh thần chiến tranh lạnh” với Trung Quốc.
Theo Theage, tại một cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm cho biết Trung Quốc “rất quan ngại” về những nội dung trong sách trắng quốc phòng của Úc.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc “không hài lòng” với những bình luận “tiêu cực” trong sách trắng về Biển Đông.
Tuy nhiên bà Hoa hoan nghênh những quan điểm của Úc trong kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng với Trung Quốc.
Căn cứ vào những phản ứng chính thức từ phía Trung Quốc, tờ TheAge cho rằng, sách trắng quốc phòng của Úc vẫn sử dụng một văn phong chừng mực, hạn chế trong khi đề cập tới những lo ngại của nước này với Trung Quốc.
Và có lẽ, điều cơ bản nhất là, Canberra (Úc) vẫn duy trì một thái độ mập mờ, chưa dứt khoát của họ về việc có tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông trong thời gian tới hay không.