Mỹ không muốn xảy ra chạy đua vũ trang ở Biển Đông
Thủ tướng Đức nợ hơn 10.000 USD đảng phí
Phe Áo Đỏ và Áo Vàng Thái Lan đối đầu nhau về hiến pháp
Tổng thống Obama: Đưa bộ binh lật đổ ông Assad là sai lầm
Hàn Quốc thừa nhận Triều Tiên tiến bộ về công nghệ SLMB
Tin thế giới đọc nhanh 29-02-2016
- Cập nhật : 29/02/2016
Tàu đổ bộ Mỹ tuần tra biển Đông
Trang tin DVIDS đưa tin, chuyến tuần tra diễn ra khi tàu USS Ashland trên đường về căn cứ tại Sasebo (Nhật Bản) sau cuộc tập trận Hổ mang vàng 16 tại Thái Lan.
Đây là cuộc tập trận có sự đồng tài trợ của Thái Lan và Mỹ, là một phần thể hiện sự cam kết của Mỹ đối với thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh trong khu vực.
Hải quân Mỹ cho hay tàu khu trục USS McCampbell cũng vừa có cuộc tuần tra tương tự vào ngày 22-2.
Chỉ huy trưởng tàu Ashland, ông Dan Duhan cho biết những cuộc tuần tra như thế này có lợi trong việc đào tạo các sĩ quan cấp thấp và chỉ huy trước các tình huống thật, liên quan đến Luật Hàng hải quốc tế.
Tàu USS Ashland hiện được triển khai tại Hạm đội 7. Sau khi tuần tra tại biển Đông, tàu Ashland đang trở về căn cứ Sasebo, Nhật Bản và sẽ hoạt động nhằm hỗ trợ đầy đủ các chiến dịch dự phòng như viện trợ nhân đạo, thiên tai cũng như các nhiệm vụ chiến đấu.
Trong vài tháng qua, nhiều tàu Hải quân Mỹ đã thực hiện các cuộc tuần tra tương tự tại biển Đông, là khu vực hoạt động của Hạm đội 7 ở tây Thái Bình Dương.
Trong đó gồm các tàu khu trục lớp Arleigh Burke gồm USS Curtis Wilbur, USS Lassen và USS Preble, tàu tấn công đổ bộ đa nhiệm USS Essex, tàu tuần dương lớp Ticonderoga là USS Chancellorsville và tàu tác chiến cận bờ USS Fort Worth.
Tổng thống Chechnya đột ngột từ chức
Tổng thống Chechnya Ramzan Kadyrov tuyên bố sẽ từ chức và rời khỏi chính trường khi nhiệm kỳ tổng thống kết thúc vào tháng 4 tới.
Động thái này diễn ra sau khi chính ông Kadyrov tiết lộ một báo cáo của phe đối lập gọi ông là mối đe dọa an ninh nước Nga.
Lãnh đạo Chechnya nói về chính mình trong cuộc phỏng vấn hôm 27-2: "Thời của tôi đã qua. Ai cũng có giới hạn. Tôi tin rằng mình đã đi qua thời kỳ đỉnh cao".
Ông Kadyrov trở thành tổng thống Chechnya từ 2007. Trước đó ông làm thủ tướng trong 2 năm và giữ một vài chức vụ quan trọng khác liên quan đến an ninh và quản lý.
Phát biểu với kênh truyền hình NTV, ông Kadyrov từ chối dự đoán ai sẽ là Tổng thống Chechnya kế tiếp và nói rằng có nhiều ứng cử viên tiềm năng. Ông cho biết bản thân cũng sẽ không tìm kiếm một vị trí nào trong chính phủ Nga. Ông khẳng định mình đã làm tròn trách nhiệm với người dân.
Ông nói: “Gia đình, cuộc sống cá nhân, nghiên cứu Hồi giáo là những gì tôi sẽ làm. Nếu cần tôi giúp một tay để nâng cái xẻng, một khẩu súng trường hay ba lô, tôi có thể làm điều đó”.
Sau cuộc phỏng vấn, một số nhân vật ở Chechnya kêu gọi tuần hành đề nghị ông Kadyrov ở lại nắm quyền nhưng ông đề nghị họ không làm như thế.
Tuyên bố từ chức của ông Kadyrov được đưa ra chỉ vài ngày sau khi chính trị gia đối lập phe tự do Ilya Yashin công bố báo cáo trong đó gọi ông Kadyrov là mối đe dọa với an ninh nước Nga. Ông cáo buộc nhà lãnh đạo Chechnya theo chủ nghĩa ly khai, có quân đội riêng, áp đặt luật Hồi giáo Sharia ở Chechnya vi phạm pháp luật Nga và có cuộc sống xa hoa nhờ biển thủ công quỹ.
Bất ngờ là Tổng thống Kadyrov lại tiết lộ báo cáo này lên mạng vài giờ trước khi nó chính thức được công bố. Ông Kadyrov cho rằng báo cáo này thật vô lý và muốn mọi người thấy ông không quan tâm đến chúng.
Gia đình nạn nhân MH370 bức xúc vì luật mới của Malaysia
Một số luật sư và thành viên gia đình cho rằng việc chính phủ tái cấu trúc hãng vận chuyển quốc gia gần đây có thể khiến hãng này không còn đủ tài sản để bồi thường cho vụ mất tích MH370 hồi năm 2014.
Theo Hiệp ước Montreal về việc giải quyết các tranh chấp hàng không, các đơn kiện bồi thường phải được gửi trong thời hạn hai năm.
“Chính phủ đang cố gắng bảo vệ doanh nghiệp của mình thay vì đảm bảo công lý cho công dân của họ”, theo luật sư Grace Nathan ở thủ đô Kuala Lumpur, người có mẹ đi trên chuyến bay và là đại diện cho Voice 370, một nhóm hỗ trợ người thân nạn nhân MH370.
Chuyến bay MH370 đang chở 239 người đi về hướng Bắc từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh thì đột ngột chuyển hướng trước khi mất tích.
Bao Lanfang (bên phải) - Người thân của một hành khách trên chuyến bay MH370 đang chờ bên ngoài văn phòng Malaysia Airlines ở Bắc Kinh năm ngoái(Ảnh: Getty Images)
Nguyên nhân của vụ mất tích vẫn còn là một bí ẩn. Một mảnh vỡ được cho là của máy bay được tìm thấy vào tháng 7 năm ngoái trên đảo Réunion, Ấn Độ Dương. Nhưng mọi chuyện đến nay vẫn chỉ dừng ở đó, chưa phát hiện gì thêm.
Theo Arunan Selvaraj, luật sư của nhiều người khiếu nại, luật mới đã đẩy các nạn nhân vào tình thế bất lợi. “Malaysia Airlines Berhad là một tổ chức hoàn toàn khác. Có thể sẽ không còn gì để bồi thường khi đến khi khởi kiện diễn ra”.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Liow Tiong Lai cho rằng các nạn nhân không cần lo lắng về điều này. Hãng hàng không được sự hỗ trợ của công ty bảo hiểm để chịu mọi phí tổn. Công ty bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm. Những gia đình không hài lòng với các đàm phán hiện tại có quyền khởi kiện công ty.
Luật sư Arunan Selvaraj nói trước đây quy trình khởi kiện dễ dàng hơn, ông đã từng hướng dẫn một thân chủ điền tên Bộ Giao thông hoặc Cục Hàng không dân sự vào mục bị đơn. Giờ đây đại diện cho nhiều thân chủ kiện tất cả các bên theo luật mới rất khó, có rất nhiều việc phải làm để được sự cho phép của các cơ quan trên. “Thật bất công khi giờ đây họ nói với chúng tôi về việc chúng tôi nên kiện ai, kiện ở đâu và làm thế nào để kiện”.
Quy trình này cũng được áp dụng cho người thân hành khách một chuyến bay khác của Malaysia Airlines, MH17, bị bắn rơi khi ngang qua Ukraine bốn tháng sau vụ MH370, theo luật sư Nathan.
Người thân các nạn nhân lo sợ rằng nguyên nhân của vụ mất tích MH370 sẽ không bao giờ được công bố. Chính phủ đã không nhanh nhạy trong việc giải quyết yêu cầu của các gia đình và hy vọng các đơn sẽ cho thêm thông tin về những gì sắp xảy ra.
Tỉ phú Trump bị so sánh như Hitler
Hai cựu tổng thống Mexico đã lên tiếng so sánh tỉ phú Donald Trump như trùm phát xít Hitler sau khi ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa này có những lời lẽ chống người nhập cư.
Phát biểu tại một sự kiện ở Mexico City hôm 27-2, cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon cho rằng những luận điệu chính trị của ông Trump mang tính "phân biệt chủng tộc" và khiến người ta liên tưởng đến trùm phát xít Đức Adolf Hitler.
"Ông ấy có những hành động và lời lẽ chống lại người nhập cư khác màu da với mình. Đây là hành vi phân biệt chủng tộc và ông ấy đang làm những gì Hitler từng làm ở thời của mình" - ông Calderon chỉ trích ứng viên Trump.
Ông Calderon là tổng thống Mexico trong giai đoạn 2006-2012.
Người tiền nhiệm của ông này, cựu Tổng thống Vicente Fox, cũng so sánh ông Trump như Hitler khi trả lời phỏng vấn đài CNN một ngày trước đó. "Ông ấy xúc phạm đất nước và người dân Mexico, người nhập cư...và mọi người. Ông ta khiến tôi nhớ đến Hitler" - ông Fox phàn nàn.
Những chỉ trích trên được đưa ra sau khi ông Trump cáo buộc nước láng giềng Mexico đưa "những kẻ hiếp dâm và tội phạm ma túy" qua biên giới để đến Mỹ.
Ngoài ra, nhà tài phiệt này còn cam kết sẽ bắt Mexico trả tiền để dựng bức tường dọc biên giới hai nước để ngăn dòng người di cư bất hợp pháp đến Mỹ nếu thắng cử.
Không chỉ bị chỉ trích từ bên ngoài, ông Trump còn đối mặt làn sóng công kích ngày càng mạnh mẽ từ các đối thủ hàng đầu của Đảng Cộng hòatrước thềm một loạt cuộc bầu cử sơ bộ trong ngày "siêu thứ ba" (ngày 1-3) sắp tới.
Hai ứng viên Marco Rubio và Ted Cruz hôm 27-2 đồng thanh gọi ông Trump là một ứng viên không thành thật, đang lừa dối cử tri Đảng Cộng hòa bằng những lời hừa hão huyền.
"Tôi tin rằng có những người Mỹ đang bị ông ta (Trump) lừa gạt. Tôi sẽ không đứng nhìn phong trào (Cộng hòa) bảo thủ này bị kiểm soát bởi một nhân vật không phải là người bảo thủ" - ông Rubio, thượng nghị sĩ bang Florida, phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại TP Birmingham, bang Alabama.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ted Cruz, đến từ bang Texas, cảnh báo Đảng Cộng hòa rằng họ có nguy cơ thua Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng nếu đề cử ông Trump làm đối thủ của cựu ngoại trưởng Hillary Clinton.
Trong bối cảnh các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy tỉ phú Trump nhiều khả năng tiếp tục có những chiến thắng vang dội trong ngày "siêu thứ ba" tới, các đối thủ còn lại hy vọng những chỉ trích trên sẽ mang lại sự khác biệt trước khi cử tri bỏ phiếu.
Vì Trung Quốc, Úc sẽ can dự sâu hơn vào biển Đông
Trang Defense News (Mỹ) dẫn lời chuyên gia Peter Jennings ở Viện Chính sách Chiến lược Úc nhận xét: “Một vùng đất rộng lớn cần phải có chính sách quốc phòng tầm cỡ. Úc đã nhận được điều đó trong Sách trắng Quốc phòng 2016… Đây là một tài liệu với chiến lược rõ ràng, cơ cấu lực lượng hợp lý và có kế hoạch ngân sách hợp lý”.
Trong khi đó, báo The Australian Financial Review (Úc) nhận định trong buổi công bố Sách trắng Quốc phòng, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tỏ ra bối rối khi được hỏi liệu tiến hành tự do hàng hải trong 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở biển Đông có phải là cách bảo đảm lợi ích của Úc hay không.
Ông đưa ra câu trả lời hết sức an toàn: “Chúng ta vẫn sẽ hỗ trợ và tiến hành tự do hàng hải theo khuôn khổ luật pháp quốc tế nhưng tôi không có ý định tiết lộ hoạt động cụ thể quân đội Úc sẽ tiến hành”.
Nhận định về vấn đề này, GS Rory Medcalf ở Trường An ninh Quốc gia (ĐH Quốc gia Úc) nhận định: “Rõ ràng chính quyền của ông Turnbull rất thận trọng về vấn đề này. Có thể chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra và tới bây giờ Úc vẫn chưa làm được gì. Ông Turnbull không nói liệu vấn đề này có được đem ra bàn luận hay chưa nhưng cũng không có nghĩa việc này sẽ biến mất khỏi bàn nghị sự”.
Tuy nhiên, GS Rory Medcalf lưu ý Úc đưa vấn đề tranh chấp ở biển Đông vào Sách trắng Quốc phòng là dấu hiệu cho thấy Úc xem căng thẳng trên biển Đông là mối quan tâm an ninh hợp pháp.
Ông phân tích: “Môi trường an ninh của Úc đang trở nên phức tạp và mất ổn định. Đa phần do sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc và cách mà họ sử dụng sức mạnh ấy”. Ông giải thích: “Sách trắng Quốc phòng đã nhấn mạnh Úc là đồng minh của Mỹ và Úc đang nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác an ninh với nhiều nước trong khu vực, trong đó Indonesia, Nhật và Ấn Độ là các nước Úc đặc biệt quan tâm”.
TS Malcolm Davis ở Viện Chính sách Chiến lược Úc tỏ ra lo ngại: “Nhiều khả năng Úc sẽ can dự ngày càng sâu vào biển Đông, đặc biệt thông qua tuần tra tự do hàng hải với Mỹ và các nước khác trong khu vực”.
Trong khi đó, báo The Guardian (Anh) ngày 26-2 dẫn lời TS John Blaxland ở Trường Châu Á-Thái Bình Dương (ĐH Quốc gia Úc) ghi nhận Úc đã được hưởng lợi rất nhiều từ khi quan hệ thương mại giữa Úc với Trung Quốc bùng nổ. Tuy nhiên, ông cho rằng sự trỗi dậy đã dẫn đến sức mạnh và niềm tự hào của Bắc Kinh tăng lên và họ tạo ra luật chơi cho riêng mình. Điều này đã làm xáo trộn trật tự và Úc tăng ngân sách quốc phòng một phần cũng xuất phát từ lý do kể trên.