tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

"Mô hình Geneva" - giải pháp cho Biển Đông

  • Cập nhật : 19/02/2016

(The gioi)

Một Hội nghị quốc tế theo “mô hình Geneva” có thể là giải pháp cho vấn đề Biển Đông, trong đó Mỹ, ASEAN… là những lực lượng đi đầu.

khu vuc bien dong. (nguon: u.s. central intelligence agency)

Khu vực Biển Đông. (Nguồn: U.S. Central Intelligence Agency)

Tiến sĩ Subhash Kapila - thuộc Nhóm phân tích Nam Á (SAAG), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Ấn Độ đã nhận định như vậy trong một bài viết trên tờ Eurasia Review ngày 11/2.

Mối đe dọa trên toàn cầu

Việc Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp và tăng cường kiểm soát quân sự trên toàn bộ Biển Đông thông qua xây dựng các căn cứ quân sự quy mô lớn ở các đảo nhân tạo đã đe dọa nghiêm trọng đến an ninh không chỉ tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương mà còn trên toàn cầu, khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng.

Chính sách phiêu lưu quân sự ngang ngược, liều lĩnh của Trung Quốc tại Biển Đông ngày càng hiển hiện, một phần cũng bởi lập trường không rõ ràng của Mỹ, quốc gia vốn được coi là “nhà bảo đảm an ninh” tại Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương. Mỹ đã không phản ứng mạnh để ghìm chân Trung Quốc trước tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực có tranh chấp này.

Mỹ, các đồng minh và đối tác thân cận vẫn nhắc đi nhắc lại nguyên tắc “tự do hàng hải” thông qua “các lợi ích chung toàn cầu”. Tuy nhiên, hành động này không nhận được sự coi trọng và công nhận của Trung Quốc.

Chưa có tín hiệu lạc quan nào cho giải pháp để giải quyết vấn đề Biển Đông, nhất là khi năm 2016 là thời gian Mỹ bận rộn với cuộc bầu cử Tổng thống, và thậm chí phải mất hai năm nữa để ổn định chính quyền mới.

Hiện nay có một số câu hỏi lớn được đặt ra:

Thứ nhất, liệu Mỹ, trong nỗ lực dù muộn màng, có thể ngăn chặn tham vọng hoặc có thể sẵn sàng một mình đương đầu với Trung Quốc hay không?

Thứ hai, liệu các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản và Ấn Độ có khả năng thách thức và ngăn cản Trung Quốc leo thang xung đột tại Biển Đông hay không?

Thứ ba, liệu Bắc Kinh có thể bị ngăn cản bởi các tập hợp lực lượng ba bên giữa Mỹ - Nhật - Ấn hay bốn bên giữa Mỹ - Nhật - Australia - Ấn hay không?

Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên đều là không.

Vậy liệu kịch bản tại Biển Đông có thể giống như cách Hitler chiếm cả châu Âu trước thế chiến thứ Hai sau khi có Thoả ước nhượng bộ tại Munich năm 1938?

Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng có thể độc chiếm các tuyến hàng hải tại Biển Đông bởi chính sách nhượng bộ của Mỹ, qua đó gây nguy hại đến an ninh và hòa bình tại khu vực và thế giới.

Mỹ cần phải đi đầu

Xung đột Biển Đông ảnh hưởng tới toàn bộ cộng đồng quốc tế, vốn có lợi ích lớn và chính đáng trong việc duy trì nguyên trạng tại Biển Đông. Mỹ và cộng đồng quốc tế cần lưu ý bài học về sự bùng nổ của thế chiến thứ Hai và đưa ra phản ứng thích hợp.

Cách giải quyết là cần phải tổ chức một Hội nghị quốc tế theo “mô hình Geneva” nhằm thúc ép cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông.

Trung Quốc có thể sẽ phản đối gay gắt đề xuất này căn cứ theo lập trường lâu nay của họ và sử dụng quyền phủ quyết nếu Hội nghị quốc tế này được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Vì vậy, Cộng đồng ASEAN, khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, cần thể hiện sự thống nhất và đưa ra đề nghị về một Hội nghị quốc tế Geneva, coi đây là một phần của tiến trình giải quyết xung đột tại Biển Đông.

Một Hội nghị Quốc tế Geneva về Biển Đông có thể xem xét nhiều vấn đề, bao gồm việc phối hợp tuần tra chung của hải quân quốc tế trên Biển Đông và việc phi quân sự hóa các đảo hay đảo nhân tạo của Trung Quốc. Trung Quốc phải bị cấm thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại Biển Đông.

Trong trường hợp Trung Quốc không tuân thủ các giải pháp giải quyết xung đột trên Biển Đông, cộng đồng quốc tế có thể phải sử dụng các văn bản pháp lý như phán quyết của một bên (‘ex-parte’ decision).

Không dễ đưa Trung Quốc ra bất kỳ hội nghị quốc tế nào nhằm tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông. Đã đến lúc Mỹ cần đi đầu để giải quyết vấn đề với sự ủng hộ của Liên minh châu Âu (EU), ASEAN và các quốc gia lớn khác như Nhật Bản và Ấn Độ.

(Theo Dân Trí)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục